Ngày 12 tháng 12 năm 2017, Chi hội Nhà văn Sông Chảy đã tổ chức toạn đàm, với chủ đề "Tác giả-Tác phẩm". Chủ trì cuộc tọa đàm do Nhà thơ Trần Đăng Khoa- Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và Nhà văn Đoàn Hữu Nam- Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Sông Chảy.
Tham gia tọa đàm có 13/17 nhà văn của chi hội, gồm: Pờ Sảo Mìn, Đoàn Hữu Nam, Mã Anh Lâm (Lào Cai), Ngọc Bái, Hà Lâm Kỳ, Hoàng Thế Sinh (Yên Bái), Trần Bé, Nguyễn Quang, Đặng Quang Vượng (Hà Giang) và Phù Ninh, Trịnh Thanh Phong, Cao Xuân Thái, Vũ Xuân Tửu (Tuyên Quang); vắng 4 nhà văn: Mã A Lềnh, Hùng Đình Quý (ốm đau), Chu Minh Huệ (bận con nhỏ), Tống Thị Hân (xin chuyển Phú Thọ).
Tham dự có ông Mai Đức Thông- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tuyên Quang, Nhà văn Mai Nam Thằng- phụ trách Website Hội Nhà văn Việt Nam và Chủ tịch các Hội Văn học Nghệ thuật các tỉnh kể trên.
Các ý kiến tham luận đã đánh giá nhận xét một cách rõ nét và sinh động về các tác giả, và tác phẩm tiêu biểu trong chi hội.
Sang năm, Hội VHNT tỉnh Yên Bái đăng cai địa điểm sinh hoạt Chi hội Nhà văn Sông Chảy.
PV
Tâm sự về sáng tác văn chương
(Tham luận Hội nghị Chi hội nhà văn Sông Chảy,
chủ đề Tác giả-Tác phẩm tại tp. Tuyên Quang, 12/12/2017)
Nhà văn Vũ Xuân Tửu
1/ Kết quả sáng tác:
Tôi bắt đầu được in sách từ năm 1998, tại Nxb Văn hóa dân tộc, đến nay ngót hai mươi năm.
- Trong thời gian qua, tôi đã viết được gần 50 tập bản thảo; trong đó, đã xuất bản 26 cuốn sách, còn
hơn hai chục tập bản thảo chưa in. Ngoài ra, còn có 40 cuốn in chung với các tác giả khác. Các tập sách
được 7 Nhà xuất bản cho ra đời; chủ yếu là Nxb Thanh niên, Nxb Hội Nhà văn, Nxb Văn hóa dân tộc, Nxb
Quân đội nhân dân, Nxb Công an nhân dân, Nxb Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh và Nxb Thanh Hóa...
Tôi cũng được 25 tạp chí và báo giấy, ở trung ương, địa phương đã đăng tác phẩm văn chương.
Bên cạnh việc in sách, tôi còn được các trang mạng in-tơ- nét về văn chương bằng tiếng Việt, đăng
tải tại 5 nước, gồm: Việt Nam, Ốt-xtray- lia, Ca-na- đa, Mỹ và Pháp. Số lượt người xem khoảng 10 vạn.
- Tính đến nay, có 10 sinh viên đã và đang nghiên cứu về tác phẩm văn học của tôi, thuộc 4 trường
Đại học Sư phạm: Thái Nguyên, Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh; gồm 5 luận văn thạc sĩ (Yếu tố
kỳ ảo trong tiểu thuyết "Hình bóng đàn bà" của Vũ Xuân Tửu, Truyện Vũ Xuân Tửu dưới góc nhìn văn hóa,
Truyện kỳ ảo của Vũ Xuân Tửu, Đặc điểm truyện ngắn của Vũ Xuân Tửu, Thể tài truyện ngắn Vũ Xuân
Tửu, Chất liệu dân gian trong sáng tác tự sự của Vũ Xuân Tửu... ); còn lại là Khóa luận, tức Luận văn tốt
nghiệp đại học và Báo cáo khoa học (Yếu tố phi thiêng trong tiểu thuyết "Người rừng" của Vũ Xuân Tửu,
Nhân vật trong truyện ngắn của Vũ Xuân Tửu...).
Tôi đang sưu tầm tư liệu, để viết cuốn tiểu thuyết lịch sử về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hiện nay,
đã xây dựng được 1 nhân vật trung tâm, 20 nhân vật chính, 65 nhân vật phụ và 400 nhân vật liên quan;
đồng thời, sưu tầm 300 câu thành ngữ, tục ngữ, dân ca, lời hát về các vùng miền, các dân tộc, nhằm minh
họa cho bối cảnh và biểu hiện tâm lí nhân vật.
2/ Những điều trăn trở:
- Đối với người cầm bút, việc viết tác phẩm có văn đã là một điều khó, nhưng việc nâng cao tính tư
tưởng và triết học trong tác phẩm lại còn khó hơn nhiều. Tôi cảm thấy, tác phẩm văn chương của mình, so
với các nhà văn trong nước vẫn còn thua anh kém chị, nếu so với nước ngoài như Pháp- Nga thì càng
thiếu chất văn, so với Anh- Mỹ thì lại kém tính triết lí và tư tưởng. Do đó, cứ quanh quẩn trong lũng núi và
ao làng, không vươn ra được với biển rộng sông dài của thế giới bao la. Vậy, Hội Nhà văn Việt Nam và Chi
hội nhà văn Sông Chảy cần tạo điều kiện giúp đỡ hội viên như thế nào, để hội nhập quốc tế?
- Người ta nói, nếu muốn làm văn chương thì phải có kiến thức văn hóa mang tầm nhân loại. Nhưng
thực tế, nếu đụng đến chuyện Hiện đại và Hậu hiện đại thì bị coi là có vấn đề tư tưởng, lập trường. Thế là
nhà quản lý lập tức dựng lên rào cản và bị phân biệt đối xử. Tôi đề nghị, chuyện này hãy cho vào quá khứ,
để người cầm bút có thể chọn lọc tinh hoa đa trường phái, mở rộng chân trời sáng tạo văn chương.
- Một điều quan trọng không kém là trau dồi vốn từ ngữ. Từ ngữ cùng với hình tượng văn học được
coi là những chất liệu để xây dựng lâu đài văn chương, bằng bàn tay tài hoa của người cầm bút. Từ ngữ
thu lượm trong đời sống hằng ngày, giúp cho người cầm bút cập nhật với diễn biến xã hội. Nhưng từ ngữ
chứa trong các cuốn từ điển cũng rất đa dựng, phong phú và chuẩn mực, giúp cho tác phẩm hạn chế được
những sai phạm khi dùng từ. Tủ sách gia đình của tôi hơn một ngàn cuốn; trong đó, có hai mươi cuốn từ
điển các loại. Ngoài chức năng tra cứu, thì đọc từ điển, một việc tưởng chừng khô khan, nhưng có khi gợi
cho ta rất nhiều trong sáng tác. Các loại Từ điển tiếng Việt, Từ điển chính tả, Từ điển thành ngữ và tục ngữ,
Từ điển đồng nghĩa, Từ điển ngược nghĩa, Từ điển triết học... là những công cụ hữu hiệu, giúp cho tôi cày
xới trên cánh đồng chữ nghĩa.
Ngoài việc đọc sách văn chương, cần phải đọc lý luận phê bình. Trong tủ sách của tôi có 50 cuốn lý
luận phê bình, giúp tôi suy ngẫm những điều đã viết và sẽ viết. Ngoài ra, tôi còn làm thẻ đọc và tra cứu tại
Thư viện Quân đội (83, Lý Nam Đế, Hà Nội) và Thư viện Quốc gia (31, Tràng Thi, Hà Nội). Bình quân mỗi
năm, tôi đọc một vạn trang sách, không kể báo và tạp chí. Một lần, tôi đến thăm Nhà thơ Bế Thành Long,
tại Cao Bằng. Ông nói rất chí lý, rằng: "Khi còn đọc được là còn viết được". Như vậy, việc đọc sách và viết
sách có liên quan mật thiết với nhau. Tôi đề nghị Hội Nhà văn Việt Nam và Chi hội nhà văn Sông Chảy,
thường xuyên thông báo tình hình sáng tác, xuất bản những tác phẩm văn học đáng chú ý trong nước và
nước ngoài, để hội viên tìm chọn nghiên cứu, tham khảo./.