Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

QUẤT LÂM KÝ (Phần 1)

Trần Hồng Giang
Thứ bẩy ngày 16 tháng 12 năm 2017 9:21 AM



Trong hình ảnh có thể có: 3 người, mọi người đang cười, mọi người đang đứng


Hôm trước nhà cháu đăng cái tút bảo nếu có được 500 like thì biên chuyện Quất Lâm đặng hầu các cụ các mợ, thế mà rồi ngồi chờ đếm like mãi vẫn chẳng đủ. Tủi thân phết! Ấy thế nhưng lại có một số thành phần hết sức quan tâm đến vấn đề này nên liên tục thúc giục, có người lại còn kích động bảo nhà cháu chỉ khoét lác thế chứ có đèo gì mà biên. He he… Tự ái giồi nhá! Giờ chả cần 500 like cũng cứ gõ bừa ra cho thiên hạ biết thế nào là Quất Lâm nhá!
QUẤT LÂM KÝ (Phần I)
Không phải lần đầu đến Quất Lâm nhưng lần nào đến là cũng có cảm giác rưng rưng, rạo rực… rất khó tả, thế mí lạ! Nói đến Quất Lâm là ai nấy đều cho rằng cái địa danh này là rất… nhạy cảm! (Nhạy cảm là gì thì cái này phải hỏi các ông Nhà Ảnh Chu Vĩnh,Nguyễn Thế Kiên, Trần Sản, và nhất là sếp Duong Viet Hoang Vunhá! Há há…). Ti nhiên, Quất Lâm vẫn là một thị trấn sầm uất, nhộn nhịp với mấy vạn dân và có các cơ quan công quyền do đảng cộng sản lãnh đạo hẳn hoi. Thế cơ mà! Bởi vậy sẽ rất sai lầm khi cho rằng, Quất Lâm nhạy cảm! Gớm nữa, có cái gì mà nhạy cảm! Kể đến như nói toẹt bố nó ra là chỗ này dân gian nó đặt cho cái tên là: “Khu công nghiệp tình dục lớn nhất cả nước” thì cũng có gì mà nhạy cảm chứ! Thái Lan nó chả có cả loạt các dịch vụ du lịch tình dục, mỗi năm kiếm bộn tiền cho đất nước nó đấy là gì? Cơ mà nước ta là nước văn minh, không như cái lũ man di mọi rợ ấy, thế nên như cái anh gì trên trung ương dạo nọ đã khẳng định rằng: “Quất Lâm và Đồ Sơn không có mại dâm”. Thế chứ lị! Vậy nên khi đến Quất Lâm ta có thể hoàn toàn yên tâm về vấn đề mại dâm. Sẽ không có đứa nào dám bắt ta phải lên giường ngủ với gái điếm nếu như ta không muốn nhá! Hố hố…
Có thể nói không ngoa rằng, cánh đàn ông ở cái xứ bắc kỳ nước An Nam này hầu như ít có ai không biết đến hai từ Quất Lâm. Kẻ không biết chỉ có thể là người bị đui điếc hoặc có vấn đề trục trặc về tâm sinh lý hoặc giới tính. Nổi tiếng thế cơ mà! Bởi vậy, như các cụ đã nói, tiếng lành đồn xa tiếng dữ đồn xa… Quất Lâm ngày một trở nên kỳ ảo, huyền bí. Và hôm nay nhà cháu sẽ bắt đầu kể hầu cho các cụ các mợ nghe về một Quất Lâm xinh tươi, mỡ màng đang hừng hực trên con đường đi lên CNXH.
Có thể sẽ có cụ nào đó cho rằng nhà cháu bốc phét, hoặc cũng có cụ đã biết, đã tường tận rồi không cần nghe nữa, vậy nên xin các thành phần cứ việc đi ra chỗ khác chơi cho mát, để nhà cháu kể cho những ai nhẹ dạ cả tin nghe nhá!
Phù, hết phần rào đón mở đầu! Nhẹ cả người!
Các cụ các mợ ạ! Tuy rằng thân xác nhà cháu thường ngày ở cách Quất Lâm đến xấp xỉ 4 chục cây số, thế nhưng họ tổ nhà cháu lại nằm trên đất Giao Thủy. Vì thế năm một đôi lần nhà cháu hành hương về quê cha đất tổ thì đều phải ngang qua chốn ấy, mà phàm đã đi qua chỗ ấy thì thách bố thằng nào không dừng chân lại đôi ba giờ đồng hồ để ngắm biển xanh sóng trắng nhá! Nói thế không phải là khẳng định sự từng trải của nhà cháu với Quất Lâm, mà thực ra những gì nhà cháu biết được đa phần đều là do nghe lỏm từ các anh em huynh đệ thân thiết. E hèm…
Trở lại với chuyến đi đến Quất Lâm của nhà cháu mới rồi. Đi là bởi được cấp trên triệu tập chứ không phải giống một số ông cứ lén la lén lút như chó ăn vụng bột nhá! Đúng ngày giờ, ngoắc a lô gọi thằng đệ taxi quen lên đường trực chỉ Quất Lâm. Ấy thế mà qua sông phát là xe nó cứ tuồn tuột nhằm hướng Thịnh Long thẳng tiến. Giật mình nhìn ra thấy cái cổng trào “Thị trấn Thịnh Long kính chào quý khách” mới cáu bảo nó: “Ơ đèo… tao đi Quất Lâm cơ mà!” Thằng đệ tròn mắt há mồm ú ớ bảo: “Ớ,… em tưởng mình vẫn sang chỗ mọi khi. Thế hôm nay đại ca đổi món à?” Bực, chả nói gì, hất tay ra hiệu cho nó quay đầu xe.
Rồi thì loáng cái cũng sang tới nơi. Vừa xuống xe lọ mọ vào khách sạn phát đã thấy ở sảnh đủ mặt các cụ nhà mình. Nghĩ bụng, xem ra các cụ còn máu lửa lắm, rét mướt thế mà nom khí thế vẫn hừng hực, còn sung hơn giai trẻ. Hụ hụ…
Chiều, lễ lạt xong mấy ông nhà văn nhà thơ dặt dẹo ra biển. Biển mùa lạnh chỉ có gió thổi phần phật vào mặt nên dù đã mặc vài ba lớp áo len áo khoác nhưng nó vẫn làm lạnh sun hết cả các bộ phận trên cơ thể (cứ phải nói rõ thế cho nó chân tình). Dọc bãi biển vắng hoe không một bóng thuyền. Phía trong từng dãy hàng quán cũng đìu hiu lặng ngắt. Thì giời đất như thế, đứa nào ngu gì mà đâm đầu ra đấy, nhỡ cảm lạnh chết! Ấy thế mà trong bối cảnh bi tráng ấy, bọn nhà văn nhà thơ vẫn hăm hở đi tìm cảm hứng sáng tác. Thế mí khiếp! Nhưng cả lũ nhìn biển, nhìn bờ kè, rồi nhìn nhau mà chả biết đi đâu.
Ông nhà thơ Nguyễn Thế Kiên hăng hái bước lên dẫn đầu bảo cứ đi, ra đến biển rồi thì phải đi mà tìm cái nọ cái kia thôi chứ còn gì! Thế là bầu đoàn lại dắt díu nhau đi như đám hành khất. Rồi bỗng ông nhà văn Mai Tiến Nghị reo lên: “Kia rồi, anh em ta vào kia chứ còn đi đâu nữa!” Tất cả nhướng mắt nhìn vào một cái nhà hàng rộng thênh nhưng trống trơn chả có mống khách mẹ nào, chỉ có ba bốn cô tiếp viên tóc đỏ tóc vàng ngồi co ro với nhau trên một băng ghế dài phía trong cửa với bộ dạng đầy vẻ buồn nản và chờ đợi.
Thấy đám nhà văn nhà thơ lũ lĩ đi vào, hàng quán bỗng nhộn nhịp hẳn. Tiếng mời chào đon đả như hàng cá cuối buổi chợ. Rồi thì đồ uống được khẩn trương bê ra. Cả đám mấy lão lại nhìn nhau rồi chọn bia chai Hà Nội. Bố tổ, giời rét sun chim ngồi bên bờ biển gió máy lồng lộng như thế mà lại còn tợp bia vào nữa thì có dốt không chứ lị! Mình khôn không uống bia, gọi quả nâu nóng cho nó ấm áp. Mấy nhà văn nhà thơ vừa nhâm nhi vừa ngắm cái ghế băng dài dài kê ở phía trong cửa. Gớm, thời buổi này mà sao người ta còn đóng cái ghế rõ dài rộng như thế chứ! Đang ngắm thì bỗng có tiếng xe máy bình bịch đi vào sát bên cửa. Tất cả đều nhìn ra ngỡ ngàng. Ông nhà thơ Nguyễn Thế Kiên chợt thốt lên sửng sốt: “Ui, con bé này hay phết các ông ạ!” Tất cả đều ồ lên tán thưởng: “Ừ, hay thật… hay thật…” Ông nhà thơ Nguyễn Thế Kiên lại nói: “Các ông bảo hay cái gì? Tôi đang bảo con bé nó đi xe rất hay, phi một phát từ ngoài đường vào tận đây!” Tất cả lại gật gù: “Ừ, ừ... nó đi xe hay!”. Con bé đi xe máy chả nói gì, dựng xe rồi vào ngồi xuống cái ghế băng với các bạn đồng nghiệp khác.
Một lát bia vào lạnh càng thêm lạnh, các nhà văn nhà thơ ai nấy lộ rõ vẻ mệt mỏi chán chường. Thì đã bảo là dốt rồi mà lị, uống gì không uống lại đi nốc bia cơ! Thế là các bố nháy nhau, chim cút. Trong khi đó mình vẫn còn muốn ngồi ngắm cái ghế băng. Gớm nữa, chả biết người ta đóng nó bằng cái loại gỗ gì mà nom rõ dài rộng chắc chắn thế không biết. Cũng lại ông nhà thơ Nguyễn Thế Kiên là người đứng ra thay mặt đồng bọn thanh toán với nhà hàng. Ba chai bia và cốc nâu nóng của mình chị chủ quán xởi lởi tính giá hữu nghị có ngót trăm bạc, xong chị ý còn thì thầm dặn: “Tối, các bác các anh lại ra quán em nhá!” Tất cả lại hồ hởi bảo: “Ừ, tối ra… tối ra nhá!” Nói là nói vậy thôi, chứ vừa ra khỏi quán là ông nhà văn Lã Thanh An đã vội ghé tai mọi người bảo: “Tối có đi thì tìm chỗ khác nhá, chứ hàng này mất dạy lắm, trước nó lấy tao hai lần tiền đấy, lúc đầu nó bảo hai trăm mà rồi sau lằng nhằng thêm cuốc nữa là tao mất tận bốn trăm đấy!” Ừ thế thì thôi, thế thì đèo vào, tối chúng ông đi tìm chỗ khác nhá! Thế là thôi về. Mình ra khỏi quán sau cùng, chị chủ quán vẫn nhiệt tình tiễn ra tận đường, tiện thể mình cũng khẽ bảo chị ý: “Từ nay nhà chị pha cà phê hòa tan 3 in 1 cho khách thì nhớ nhắc các em nó chế ít nước thôi, cái khác thì nó mới cần nhiều nước chị nhá, chứ nhạt toẹt như nước đái bò thế này uống vào nó phí mồm đi chị ạ!” Chị chủ quán gật đầu lia lịa bảo: “Ừ, ít nước, ít nước…”