Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HƠN CẢ GIẢI NOBEL

Nhà văn Hà Văn Thùy
Thứ sáu ngày 22 tháng 12 năm 2017 1:49 PM





 

Tháng Chín năm 1961, Trần Tích Cảnh chuyển về học lớp 9A trường Thái Phiên Hải Phòng với tôi. Là đoàn viên hiếm hoi lúc đó nên anh giữ chức bí thư chi đoàn. Còn tôi là đội viên già, làm chi đội trưởng thiếu niên. Đầu năm 1962, đoàn đại biểu thiếu niên Cuba, trong đó có Fidelsastro Dia, con trai lãnh tụ Fidel tới thăm thành phố. Anh Cảnh (không còn nhớ rõ nữa nhưng chắc tôi gọi anh, xưng em ngon lành mà không ngờ Cảnh cùng cầm tinh con Khỉ Giáp Thân 1944 với mình) bảo tôi: “Tớ cử cậu tham gia đón đoàn. Cố gắng giữ gìn, đừng để mang tiếng.” Vậy là tôi được mặc quần áo đẹp, tới Thành Đoàn chơi với các bạn rồi dự mít tinh… Đó cũng là một thứ vinh dự của tuổi trẻ. Ít lâu sau anh Cảnh bảo tôi: “Tớ phải kết nạp Đoàn cho cậu mới được!” Rồi trong buổi lễ nhỏ, tôi từ giã khăn quàng, mang huy hiệu Đoàn.

Hè năm 1963 chúng tôi chia tay nhau. Cảnh vào khoa Sinh Đại học Sư phạm Vinh còn tôi vào khoa Sinh Đại học Tổng hợp Hà Nội. Chiến tranh xảy ra, chúng tôi chẳng còn gặp nhau nữa. Như câu thơ tôi làm ở Rạch Giá:

Tôi nhận lấy số phần phiêu bạt,

Quê hương xa bè bạn gửi cho trời!

Phải hơn 30 năm sau, tại Sài Gòn, tôi mới gặp lại cô giáo và bạn bè trong Hội Thái Phiên.

Một ngày nào đó, tôi chả nhớ tháng nhớ năm, tới đám cưới người bạn thời đại học. Do “rổ rá cạp lại” nên anh chỉ mời số ít bạn thân tình. Chiều đó, khi tôi tới thì đã có mấy người đang ngồi uống nước quanh bàn. Tới sau nên tôi ngồi hướng ra cửa, bị ngược sáng, không nhìn rõ người đối diện. Ngồi chưa nóng chỗ, chợt nghe từ bên kia bàn âm điệu mừng vui hồ hởi: “Hà Văn Thùy phải không?” Do lóa mắt, tôi chưa nhận ra ai thì người đó nói tiếp: “Trần Tích Cảnh đây!” Quá mừng, tôi nhoài người ôm lấy bạn rồi hàn huyên. Ngay sau đấy tôi tới thăm Cảnh ở đường Lê Văn Thọ. Cháu Hùng đang lưu lạc trời Tây chỉ có hai con bồ câu già gù nhau ở nhà, hát karaoke cho nhau nghe. Tôi kéo cảnh nhập Hội Thái Phiên.

Điếu bất ngờ là chúng tôi phát hiện khả năng đặc biệt của Cảnh: làm thơ ứng tác. Chỉ từ một sự việc, một con người có thật, một thời gian ngắn, cảnh đã có bài thơ mô tả sát hợp với con người, sự kiện đó. Việc này chẳng dễ. Nhưng tuyệt vời hơn cả là khi Cảnh ngâm lên, hay nói chính xác, hát thơ lên thì những câu thơ như có ma lực, đánh vào lòng người khiến nhiều người cảm động. Mỗi chúng tôi đều được Cảnh tặng một bài và ai cũng quý vì thơ tả đúng với mình và càng quý hơn tấm lòng của bạn.

Ít lâu sau, cảnh trở thành nhà thơ ứng tác nổi tiếng, được mời tới những cuộc hiều hỷ, liên hoan, họp truyền thống… Trong những lần hát thơ như vậy, anh nhận được ‘nhuận bút nhân dân’ bất ngờ. Có lần tới vui với hội Cựu Chiến binh, trước khi ra về một ông tướng bắt tay cảm ơn và tặng anh chiếc Ifone mới toanh. Bận khác, một đại gia cho lính mang tới nhà anh bộ bàn ghế cao cấp…

Có lần trong cuộc vui, nhân nói về các giải thưởng văn chương, tôi bảo Cảnh : “Tôi sẽ lập Giải Yếm Vàng” làm phần thưởng tặng ông!

Ít lâu sau, trong một lần tụ bạ, Cảnh khoe: “Hôm 8 tháng Ba vừa rồi các mẹ trong hội phụ nữ mời mình tới đọc thơ. Đọc được mấy bài, mình nói: Các bạn tôi trong Hội Thái Phiên nói sẽ tặng tôi Giải yếm Vàng. Mình vừa dứt lời thì một mẹ sồn sồn nói to: “Không, chúng tôi sẽ tặng anh Giải Bướm Vàng!”

Tới đây, khoái quá, một người bạn tôi nói lớn: “Tuyệt vời, tuyệt với, còn giá trị hơn cả giải Nobel!”

Năm nay, sang tuổi 73, tôi biếng đi lại nên ít gặp bạn bè. Nhớ Cảnh, tôi gọi. Cảnh trả lời “Sức khỏe bình thường, đang điều trị chân khớp ở mấy trung tâm vật lý trị liệu.” Tôi nói: “Lúc nào ông ở nhà, tôi tới thăm?” “Thôi, để bữa nào tôi tới thăm ông.” Cảnh nói vậy có nghĩa là bạn còn khỏe, tôi yên tâm.

Rồi Cảnh ra đi không ngờ!

Trong cuộc sống ngắn ngủi và phù du này, sống như Cảnh là cuộc sống đẹp. Anh có công đưa công nghệ chiếu xạ vào đất nước, đem lại việc làm và hạnh phúc cho vạn nhà. Trong gia đình, anh là người được thương yêu, kính trọng. Với bạn bẻ, anh để lại tình thương mến. Những lời thơ hát của anh vẫn ngân nga trong những con tim…

Mong Cảnh sớm siêu thoát để tiếp tục làm thơ, hát thơ và được chị em tặng nhiều thêm Giải Bướm Vàng.

Sài Gòn, cuối năm 2016

Nhà văn Hà Văn Thùy