Hà Lâm Kỳ
Ông không phải là người hay dùng cà phê, nhưng có lẽ trọng tôi nên mỗi khi tôi "alô", nếu không bận, là ông có mặt. Lần này, cuối tháng chạp Bính thân, không khí "Toàn quốc kháng chiến" vẫn cứ gợi gợi cánh chiến binh hưu trí. Tôi lại bấm điện thoại, và ông - Thiếu tướng Lý A Sáng khép cửa ngôi nhà "ống" chân đồi, thong thả trên vỉa hè phố Yên Ninh, đi tới nhà hàng cà phê quen thuộc trước hồ Thanh niên.
- Nghe nói bạn (từ dùng thân mật đồng niên chúng tôi) vừa có chức mới?
Hiểu ý, Lý A Sáng gật đầu
- Đúng rồi, anh em cử mình làm Chủ nhiệm câu lạc bộ cựu Bộ đội địa phương Yên Bái. Chức không phải bé! Tướng Sáng cười.
- Ở "khu" tôi, mấy vị mới hưu, chi ủy, rồi dân phố tiến cử, cứ khăng khăng chối gánh việc xã hội. Mà họ có bận bịu lắm đâu, khỏe mạnh, cả ngày ngồi đọc mạng! Tôi buột miệng.
- Ừ, nghỉ chế độ, mỗi người mỗi cảnh; còn sức khỏe, dân tín nhiệm cao, thì cũng chả nên từ chối. Mình cũng đã động viên bà xã như vậy.
- Nhưng mà...! Tôi lại buột miệng.
- Nhưng mà người làm văn chương như anh - Tướng Lý A Sáng ngẩng nhìn tôi, tổ chức cũng phải thấy, nghỉ rồi, tạo điều kiện để anh thành công trong sáng tác.
- Tôi lặng lẽ mở nắp ly cà phê, khuấy nhẹ, khẽ gật gật; nhưng trong đầu lại đang nghĩ khác.
Làm người lính Cụ Hồ
Đất Mù Cang Chải, huyện quê vị tướng, ba mươi năm trước, cán bộ miền xuôi lên công tác nơi đây, gọi là huyện “Mù sái cẳng”, là “Lò bát quái”. Ấy thế mà hai cuộc kháng chiến lại sinh ra những con người cừ khôi: Giàng A Páo, Lý Nủ Chu, Giàng Sáy Tu, Sùng A Chơ, Giàng Sáy Sinh. Đất nước đổi mới, là huyện - Đơn vị Anh hùng, có tiếp tên tuổi như Tướng Sáng, như Thứ trưởng Giàng A Chu, như Anh hùng Lao động – bác sỹ Vàng A Sàng…! Những người con xứ “Mù Cang” thành danh trên đường đời không hề suôn sẻ, mà đầy gian truân.
Tướng Lý A Sáng mồ côi cha từ lúc bốn tuổi, lên mười, giúp mẹ cuốc nương thuê. Thất học, rồi học xa bản. Mười bẩy tuổi, trai bản nhập ngũ, ông cũng xung phong đăng kí xin đi. Thế là trở thành chiến sỹ binh nhất của Tiểu đoàn 27. Về thăm, mẹ Giàng Thị Giở nắm tay con trai chỉ dặn: - Con làm bộ đội Cụ Hồ, đi cho nó khỏe, đi cho nó giỏi! Ngày mãn khóa huấn luyện một số học viên loại ưu được thủ trưởng gọi lên giao nhiệm vụ “bổ xung gấp cho đơn vị làm nghĩa vụ quốc tế tại Luông a Pra băng – Lào”. “Giúp nước bạn, là tự giúp mình”, lời Bác Hồ, Lý A Sáng luôn luôn nhớ. Tiểu đoàn Đặc công có phiên hiệu Đoàn 41 trực thuộc Bộ tư lệnh Quân khu Tây Bắc ấy, nổi tiếng chiến công và Huân chương lưỡng quốc, gần như luôn phải ẩn mình để giáp trận. Những tháng năm này, bộ đội Quảng Trị có câu cửa miệng “Cơm Bắc, giặc Nam”, thì Đoàn 41 cũng tựa như thế: “Cơm Bắc (Tây Bắc), giặc Lào”, nghĩa là, đánh xong rút về đất Việt. Rồi lại bí mật sang đánh. Bọn ngụy Lào kinh hoàng bởi quân tình nguyện thoắt ẩn thoắt hiện trên đất Luông a Pra băng.
Nhấp chút cà phê Buôn Mê, tôi gợi gợi:
- Đời lính thường nhiều kỷ niệm, anh có thể thổ lộ ký ức quân ngũ, ký ức đồng đội?
- Nhà văn từng là lính chiến trường Tây Nguyên, anh biết rồi đấy (những lúc thân mật, Tướng Sáng thường nhắc về tôi như vậy). Ngoài mặt trận, bao giờ cũng là ký ức sâu sắc…
Lần trinh sát cao điểm Mốc Pha đinh ngày 21 tháng 5 năm 1971. Đại đội trưởng Vì Văn Cáng người Yên Châu và Trung đội trưởng Lê Xuân Út quê Nam Hà trực tiếp giao nhiệm vụ. Tổ có Nguyễn Văn Thưởng, Hảng A Chừ (Chừ, người xã Dế Xu Phình cũng Mù Cang Chải), và Sáng. Từ đỉnh Mốc Pha đinh, quan sát sân bay bằng ống nhòm, ghi chép để đến đêm tìm lối, dẫn đơn vị vào đánh phi trường. Rất không may, đêm đó hệ thống đèn pha được tăng cường, lại ở cự li gần, nghi ngờ có “Lào cộng”, hàng băng tiểu liên quét vào mục tiêu đang dọi sáng. Nguyễn Văn Thưởng và Hảng A Chừ hy sinh tại chỗ, Lý A Sáng ém mình sát mặt đất mới đưa được đồng đội ra ngoài.
Tướng Sáng đột ngột ngừng kể. Tôi chưa kịp hỏi thêm thì ông đã chuyển câu chuyện.
- Trực tiếp đánh nhau cũng có. Trận Phu Xam Poai tháng 5 năm 1972, Trung đội trưởng Thái chỉ huy, đánh áp đảo. Bọn ngụy Lào phản công quyết liệt, hai bên giáp lá cà. Sau gần một giờ, ta làm chủ hoàn toàn Phu Xam Poai nhưng Trung đội trưởng Thái hy sinh, mấy đồng đội bị thương.
Chiến tranh kết thúc, Đại úy Lý A Sáng trở về Quân khu Tây Bắc, rồi trở về huyện nhà làm Chỉ huy trưởng (Huyện đội trưởng). Tốt nghiệp Học viện Đà Lạt, Trung tá Lý A Sáng lần lượt giữ các cương vị chỉ huy của Trung đoàn 819 của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái; Phó Chủ nhiệm Chính trị, rồi Phó Tư lệnh Quân khu II. Tấm Huân chương Quân Công, và nhiều Huân, Huy chương khác của Nhà nước, Quân đội Việt Nam và Lào, đã ghi nhận những đóng góp cuộc đời binh nghiệp của vị Thếu tướng dân tộc Mông.
Danh gia vọng tộc
Ở Mù Cang Chải, dòng họ “Lý A” chưa hẳn đã nổi danh, nhưng người Mông đất này thì đã khá nổi tiếng. Trong lao động, kỹ thuật rèn dao, cuốc; kỹ thuật làm (khoan) nòng súng kíp; nhất là kỹ thuật tạo ruộng bậc thang, gần như hội tụ đủ cả các yếu tố, để rồi làm nên một thương hiệu văn hóa riêng mình. Trong chiến tranh, thủy chung gan góc. Giữa đời thường, tình yêu thiên nhiên, tình yêu con người, lãng mạn và sâu sắc. Đó cũng là nét đặc trưng người Mông Mù Cang Chải. Tháng 2 năm 2009 tôi may mắn được tháp tùng nhà văn hóa lớn Hữu Ngọc ngược đèo Khau Phạ. Bất chợt ông cụ hỏi: “- Mà Cang Chải nghĩa là gì?”. Tôi thưa: Mù, đọc chệch của từ Mồ, mồ theo tiếng quan hỏa mà người Mông hay dùng, có nghĩa là gỗ; Cang đọc chệch từ Căng, nghĩa là khô; Chải, ý chỉ một cái dõng đất. Mồ Căng Chải hay Mù Cang Chải, tạm hiểu là Đất gỗ khô (hoặc đồi gỗ khô). Tôi nói thêm: Nơi đây, từ tháng ba đến tháng sáu, gió lào thổi ào ào, khô khốc, khi lạnh, khi nóng, rất khó chịu. Người Mông núi cao như là đã thuần chủng để thích nghi với khí hậu khắc nghiệt đó! Nhà văn hóa Hữu Ngọc: - Hay, hay quá. Những điều như thế này, Tây “nó” muốn biết lắm.
Cắt nghĩa được tên địa danh rất “Mù Cang Chải” trên đây, là tôi học từ cụ Sùng Nhà Chơ, bố vợ Thiếu tướng Lý A Sáng.
Cụ Sùng Nhà Chơ, một chàng trai Mông xã Chế Tạo. Bức bối trước cảnh o ép của thực dân Pháp, Sùng Nhà Chơ nghe theo Giàng A Páo vào du kích Chế Tạo, rồi nhập với Cao Phạ, thành đội viên Đội du kích Khau Phạ. Có kẻ khai báo, ông bị Pháp bắt đưa về giam tại đồn Than Uyên. Sáu tháng trời giam giữ, tra khảo không moi đâu ra cái lí đi kháng chiến, là nghịch tặc, bọn Pháp đồn Than Uyên buộc phải thả. Sùng Nhà Chơ theo luôn bộ đội chủ lực của Đại đội trưởng Kim Sơn từ ngày đấy với tên mới: Sùng A Chơ. Chiến sỹ Mông Sùng A Chơ có mặt suốt ba cuộc chiến tranh: chống Pháp, chống Mỹ và Biên giới của cả ba chiến trường A, B, C (Miền Bắc, miền Nam, và Lào – mật danh trong kháng chiến chống Mỹ). Năm 1989 với hàm Đại tá, Phó Chính ủy bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hoàng Liên Sơn, Sùng A Chơ được Tỉnh ủy điều về làm Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải. Những năm 80, 90 của thế kỷ XX, Mù Cang Chải thực sự là “đất gỗ khô” trên nhiều phương diện. Với sự dẫn dắt của tập thể Huyện ủy đứng đầu là vị cựu Đại tá Sùng A Chơ, huyện Mù Cang Chải từng bước,trở thành Đơn vị Anh hùng thời kỳ đổi mới. Trên ô tô, tôi khoe chuyện này với Nhà văn hóa Hữu Ngọc. Ông ngảnh nhìn tôi:
- Anh hùng về cái gì?
- Dạ. Đoàn kết được các dân tộc này, giữ được rừng, phá bỏ được cây thuốc phiện và gần như không mấy người nghiện hút.
Học giả Hữu Ngọc tác giả cuốn sách nổi tiếng “Hồ sơ văn hóa Mỹ”, và là người kết nối hai nền văn hóa Đông – Tây mà báo chí Pháp từng suy tôn, gật đầu tỏ vẻ đồng tình.
- Lý A Sáng à, anh có thấy mình chịu ảnh hưởng của…
- Có chứ. Của quê hương, vùng đất, con người, và gia đình! Vị tướng cười, tay nâng nhẹ ly cà phê.
Tôi thầm nhớ lại năm 1989, khi về “nằm vùng” ở Mù Cang Chải lấy tư liệu để viết cuốn truyện dài Gió Mù Cang (Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc – 1994) thì tên tuổi của Giàng Khua Kỷ (Thống lý, đi theo Việt Minh, bị Pháp thủ tiêu), Giàng A Páo (nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Nghĩa Lộ, Đại biểu Quốc hội khóa II, III, IV), Lý Nủ Chu (Đội trưởng Du kích Khau Phạ nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Thái Mèo), đã là những cây lim đứng bên rừng thông xanh. Tên tuổi ấy như ngọn lửa tinh thần phả nóng lớp trẻ đất Mù Cang sau này.
Buổi tôi cùng Phó Chủ tịch huyện Vừ Thị Pàng ngồi bên Đại tá Sùng A Chơ, tò mò hỏi ông chuyện đánh giặc, chuyện “xây” huyện, lân la thế nào sang chuyện gia chủ. Đại tá Chơ thủ thỉ: - Tôi cũng vui vì các cháu tự thân tự lập được cả! “Các cháu”, là con trai, con gái, con rể, con dâu của ông bà, ai cũng được trao giữ cương vị trên mỗi lĩnh vực. Ví như vợ chồng Lý A Sáng đây, tướng Sáng là Đại biểu Quốc hội khóa VII (1981-1987) trong cơ cấu lực lượng vũ trang. Hai mươi năm sau, vợ là Sùng Thị Chư Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh trở thành Đại biểu Quốc hội khóa XII (2007-2011) trong cơ cấu Đoàn thể. “Hổ tử” – các con trai đều là sỹ quan Quân đội, hy vọng theo được bước cha mẹ. Cô con gái “rượu ngô” Lý Thị Tuyết Nhung từng trong đoàn sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Yên Bái về bên Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Hôm đó Nhung xin được hát bài hát Người Mèo ơn Đảng bằng hai thứ tiếng Việt – Mông tặng vị cựu lãnh đạo Đảng. Giờ thì Lý Thị Tuyết Nhung công tác ở Nhà xuất bản Giáo dục, chồng cô là Tiến sỹ khoa học. Năm trước vô tình gặp lại, Nhung vồn vã:
- Chú có nhớ hôm đưa chúng cháu đi thăm Nghĩa trang Mai Dịch, chú đọc bài thơ gì không?
- Chú… không!
- Thơ chú đấy, cháu đọc lại nhé: Cả một đời vì nước vì dân/ Lúc ra đi chỉ cần ba thước đất/ Những hồn lớn không bao giờ khuất/ Chữ Anh hùng giành để người sau! Tôi bần thần. Đúng là lúc viếng Liệt sỹ và các vị Tiền bối, tôi ứng khẩu tự phát, sinh viên nhập tâm, còn mình, miên man nghĩ về “Thế hệ Vàng”.
Vị tướng bình dân
Nhấp chút cà phê, tôi chợt mỉm miệng như tự thấy đi hơi xa “chủ đề”.
- Ngày là Đại biểu Quốc hội, có gì vui anh kể nghe đi? Tôi đề nghị.
- Cũng có, không phải chuyện chính trị, chuyện nghị trường, mà là chuyện… đi họp!
- Đi họp Quốc hội thì “ngon” quá còn gì?
- Thế mới là chuyện. Tướng Sáng cười.
Khóa VII Quốc hội ngày đó, nhiệm kỳ kéo dài thêm một năm. Sau Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ VI – Đại hội quyết định đường lối chiến lược Đổi mới đất nước, Quốc hội cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Thời bao cấp, lại vừa qua chiến tranh biên giới, tỉnh Hoàng Liên Sơn rất khó khăn. Trưởng đoàn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Thiết Hùng cho ý kiến, thế là nắm cơm vào lá chuối đi họp Quốc hội, đến bãi cỏ ở Việt Trì, cả đoàn giở cơm nắm với muối vừng, ăn xong, lại lên xe “Ru ma ni” đi tiếp. Đại biểu Quốc hội được phát mỗi người một tích kê mua cốc bia hơi ở nhà khách Giảng Võ, tích kê chỉ dùng được một lần, nhiều vị để lẫn vào cặp tài liệu, tìm không thấy, thế là chỉ ngồi uống… nước chè. Có lần về đến Yên Bái, đại biểu Sầm Thị Sương (Nghĩa Lộ) vào bến xe đưa thẻ Quốc hội, cô bán vé nói: - Xe đã hết cả vé… đứng, có thẻ ưu tiên cũng không còn chỗ! Đại biểu Quốc hội Sầm Thị Sương đành phải ngồi chờ một ngày.
Thiếu tướng Lý A Sáng chất phác như người Mông Hoa quê ông. Thẳng thắn và nghiêm túc, kín đáo mà hài hước; nhiệt tình nhưng cũng rất thận trọng. Tôi làm Trưởng ban liên lạc Tiểu đoàn “đi B” cuối năm 1972 với Phiên hiệu Đoàn 3005, anh em trong Ban liên lạc rất muốn về chúc mừng đồng ngũ Đỗ Bá Tỵ đương kim Tư lệnh Quân khu II trước khi ông về nhậm chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng mà không có cớ gì tiếp cận, liền nhờ đến Phó Chủ nhiệm Chính trị Lý A Sáng. Chỉ tuần sau, anh em bất ngờ nhận được lời mời qua điện thoại của đích thân Trung tướng Tư lệnh. Tướng Đỗ Bá Tỵ nói vui: - Hôm nay gặp lại đồng đội leo Trường Sơn, có địa phương, và có tất cả thành viên trong Bộ tư lệnh (Quân khu) chứng kiến. “Địa phương”, là sự có mặt của Đại tá Nguyễn Văn Kỳ Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh yên Bái, nay là Thiếu tướng. Lần khác, ấy là dịp Tháng Tư vừa rồi, Hội cựu chiến binh Tây Nguyên chúng tôi về thăm Hà Nội được Bộ Tư lệnh Thủ đô tiếp đón rất trân trọng. Lúc Trung tướng Tư lệnh Doãn Anh bước vào phòng khách, bất chợt chạy đến nắm tay Tướng Sáng: - Báo cáo Thủ trưởng. Em…! Tôi đứng lên vội vàng có lời: - Thiếu tướng Lý A Sáng là Hội viên danh dự của cựu chiến binh Đoàn 3005 Tây Nguyên chúng tôi. Tướng Doãn Anh như chưa hết ngạc nhiên trong niềm vui bất ngờ được gặp lại người chỉ huy nhiều năm về trước. Hôm ấy Thiếu tướng Sáng thổi bài khèn lá dựa theo bản nhạc Vì nhân dân quên mình “rất Mông Hoa” trong tiếng vỗ nhịp hồ hởi của cả chủ lẫn khách tại Hội trường Bộ tư lệnh Thủ đô. Nhà riêng Tướng Lý A Sáng trong đoạn ngõ đường Yên Ninh, hai mặt ngõ la liệt “xe cóc” hàng ăn quà. Ông bảo, miếng cơm manh áo cả, cứ để họ bán, mình chịu khó quét…vỉa hè. Tổ Đảng dân phố, Tổ Cựu chiến binh phố mượn gian khách hội ý, ông chủ Sáng bưng chén trà mời từng người.
Thấy tôi cứ lan man gợi chuyện, mà ly cà phê thì đã cạn từ lúc nào. Tướng Sáng cười cười.
- Nhà văn định viết gì hay sao đấy?
Tôi lấp lửng:
- Hưu rồi, sống vui, sống khỏe, sống có ích cái đã: còn viết thì… biết đâu lại nên duyên!
Có tiếng chuông điện thoại. Tướng Lý A Sáng đọc lướt, rồi lại cười:
- Bà xã nhắn tin, chiều bà ấy đi họp cấp ủy phố, nhắc mình đến trường đón đứa cháu nội.
Cả hai đứng dậy, tôi theo chân ông bước xuống bậc thềm nhà hàng, thầm nghĩ. Đất nước mình hiếm có vị tướng người Mông, vị tướng bình dân.
Tháng 12/2016
HLK