Kí sự
Thấm thoắt đã tròn 10 năm ngày nhà thơ Phạm Tiến Duật đi xa.Ông là nhà thơ lớn, một hiện tượng thơ trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.Ông được trao giải thưởng Nhà Nước về VHNT năm 2001,giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT năm 2012, Huân chương Lao động hạng nhì của Chủ Tịch nước năm 2007.Ông mất 4-12-2007 hưởng thọ 67 tuổi.Sự nghiệp thơ của Ông gắn liền với đường mòn Hồ Chí Minh,hay đường Trường Sơn huyền thoại.Con đường cũng như sự nghiệp thơ Ông góp phần không nhỏ làm lên chiến thắng 30-4-1975 của quân,dân ta .
Nhân 10 năm ngày mất của nhà thơ xin có đôi dòng chân thực ghi lại ngày đó.( TG)
Hôm ấy khoảng 7h30 ngày 1-5-2007,nhà thơ Lê Anh Dũng (ở Đà Nẵng) điện báo tin: nhà thơ Phạm Tiến Duật vào Đà Nẵng đang ở khách sạn Công Đoàn, mời anh tới gặp gỡ cho vui. Tôi tới khách sạn đã thấy anh Dũng, nhà thơ Phạm Tiến Duật và nhà văn Nguyễn Khắc Trường. Anh Dũng giới thiệu tôi với anh Duật, anh Trường và nhã ý mời các anh đi ăn sáng. Anh Duật bảo :Mình và anh Trường được ban tổ chức lo ăn hết trong khách sạn rồi , thế là chúng tôi gọi cà phê cùng uống và ngồi trò chuyện ngay tại sảnh lễ tân .Cùng lúc đó nhà báo nữ đang công tác tại văn phòng đại diện báo Thiếu Niên Tiền Phong tại Đà Nẵng cũng tới.Như để anh em khỏi hỏi lý do, anh Duật tự giới thiệu : Mình và nhà văn nguyễn Khắc Trường phó giám đốc nhà xuất bản văn học được ban tổ chức mời vào Đà Nẵng làm giám khảo cuộc thi: Nữ bưu tá khu vực miền Trung.Tối qua bay vào Đà Nẵng, hôm nay nghỉ lễ ,chuẩn bị, ngày mai làm việc. Như bắt gặp thời cơ, nhà thơ Lê Anh Dũng đang cần tư liệu cho cuốn hồi ký viết về tướng Nguyễn Chơn, anh hỏi anh Duật nhiều về thời kỳ chống Mỹ và những lần gặp ,làm việc với tướng Nguyên Chơn. Hồi đó tướng Nguyễn Chơn đang làm sư đoàn trưởng -Anh Duật nói,anh kể vài chuyện ,trong đó có chuyện anh nhớ nhất là : một lần đến sư đoàn anh Chơn tìm hiểu thực tế một đơn vị vận tải nữ tuổi đời còn rất trẻ khoảng 17 đến 25.Lúc đó đang mùa mưa,ẩm thấp, mình đi qua các lán trại ăn , ở của chị em nhưng không hề thấy dây phơi có "phụ tùng,đồ nghề "của phụ nữ. Mình nghĩ thầm ở chiến trường khó khăn, khắc nghiệt, các nhà "hậu cần" đã cố ý bỏ qua nên chị em không được cung cấp . Khi quay về sư đoàn bộ, mình bày tỏ nỗi băn khoăn với sư trưởng Nguyễn Chơn, Ông cười phá lên bảo : nhà thơ, nhà báo ơi ở đây chúng nó "mất hết rồi " !Cần gì tới các thứ phụ tùng đó! ( ý nói căn bệnh hàng tháng của phụ nữ)...Lần công tác ấy cứ ám ảnh mình mãi mỗi khi viết về thanh niên xung phong và bộ đội nữ ở chiến trường...
Tôi hỏi thăm anh về chị Vân( vợ anh ) và các cháu...Anh nhìn tôi :sao em biết rõ vậy? Tôi kể năm 1978 đã có lần tôi và Lê Quang Vinh (anh Vinh hồi đó đang công tác tại viện triết học sau này là nhà thơ với bút danh Vĩnh Quang Lê công tác ở báo Nhân Đạo và Đời Sống) tới thăm anh tại khu tập thể ngõ Văn Chương. Ngày đó anh Duật là trung úy mới chuyển ngành về báo Văn Nghệ trực thuộc hội nhà văn. Anh kể đã gần năm nay chưa nhập được hộ khẩu Hà Nội nên chưa có chế độ lương thực, tem phiếu thực phẩm.Vợ anh vẫn dạy học ở Hà Tây chưa xin về Hà Nội được. Nói đến chuyện công tác anh phàn làn : mình chuyên về thơ,họ lại đưa mình sang tổ biên tập chuyên văn vì tổ thơ đã đủ biên chế,đành chờ vậy.Tôi gợi lại chuyện ngày đó anh mới đi dự lễ khởi công, động thổ xây dựng nhà máy nhiệt điện Phả Lại lớn nhất nước,chứng kiến nổ quả mìn hàng tấn thuốc,bạt cả quả đồi để đặt nền móng chính của nhà máy...Anh a lên một tiếng! Mình nhớ rồi ,hồi đó Vinh giới thiệu : "thêm một thằng lính ở Trường Sơn làm thơ"! Đã lâu quá rồi mình quên mất, dạo ấy anh em mình còn trẻ,lại nghèo quá...Nhà thơ Lê Anh Dũng lúc đó mới biết chúng tôi đã gặp nhau từ trước. Anh Dũng hỏi anh Duật về " tai nạn thơ" năm 1974 . Anh kể : sau khi bài thơ "Viết Về Số Không" " hay còn gọi "Vòng Trắng "được tập san Thanh Niên đăng vào tháng giêng năm 1974, một số nhà phê bình đã nâng quan điểm phê phán gay gắt ,đến nỗi cơ quan bắt kiểm điểm nhiều lần rồi khai trừ anh ra khỏi Đảng. Một thời gian sau nhà thơ Tố Hữu đã đọc bài thơ và bảo vệ anh. Anh bảo người anh biết ơn và rất hiểu anh,trực tiếp bênh vực anh là thủ trưởng cũ :Trung Tướng Đồng Sỹ Nguyên , nguyên tư lệnh đường mòn Hồ Chí Minh.Một thời gian sau anh được minh oan và kết nạp Đảng trở lại.
Chị nhà báo hỏi anh về công việc quyên góp và tài trợ của quỹ "Mãi mãi tuổi 20 " mà anh đang làm chủ tịch, rồi muốn mời anh cùng anh em thăm thành phố. Những năm đó Đà Nẵng đang từng ngày thay đổi , thành phố đang xây dựng nhiều công trình ,có tốc độ phát triển trong tốp đầu của cả nước. Anh nói :Tớ biết rồi, tuy chưa vào Đà Nẵng nhưng hàng ngày theo dõi truyền hình ,đài báo mình biết cả. Đà Nẵng có ông Nguyễn Bá Thanh bí thư , năng động, quyết đoán, sáng tạo...Đã góp công lớn làm thay đổi diện mạo thành phố. Nói chung Tớ biết hết chỉ có một việc chưa biết! Chị nhà báo nhanh nhẹn phản ứng vội hỏi :- Thế anh còn chưa biết việc gì? Anh hóm hỉnh :- Đó là : gái Đà Nẵng ! Mọi người cười ồ vui vẻ... Trong lúc Nhà thơ Lê Anh Dũng đang mải ghi chép hệ thống lại số liệu, tư liệu mà anh Duật đã nói trước về tướng Nguyễn Chơn .Tôi tranh thủ ghi tặng anh tập thơ mới xuất bản . Anh vui vẻ bảo :Tớ sẽ đọc và góp ý chi tiết, chân thành, tiếc rằng hôm qua đi vội quá quên mất chiếc kính , tý nữa mình phải mua kính để ngày mai còn làm việc nữa.Tôi đang định lên tiếng thì Lê Anh Dũng dục :- Hay anh Long đưa anh Duật đi mua kính ! Thế là tôi chở anh Duật tới hiệu kính đường Hùng Vương. Tôi thầm nghĩ sẽ mua một chiếc kính thật tốt kỷ niệm anh sau bao năm gặp lại. Anh thử đi, thử lại, nhất định không mua loại kính đắt tiền. Anh bảo dùng tạm thôi, ở nhà có rồi. Tôi nói mãi, anh bảo không lãng phí được, mình còn mấy cái ở nhà...Cuối cùng anh tự chọn một chiếc kính lão với giá bèo 12000 VNĐ.Trên đường về, tôi đưa anh đi quanh một số đường phố ở trung tâm Đà Nẵng, từ đường Bạch Đằng, Phan Châu Trinh, Đống Đa , Nguyễn Tất Thành,qua chợ Hàn , chợ Cồn ... Anh khen dòng sông Hàn quá đẹp, thơ mộng... Tôi bảo Đà Nẵng còn nhiều phong cảnh đẹp như Bà Nà, Non Nước , Sơn Trà... Người Đà Nẵng chân chất gần như dân miền biển ở miền Bắc, không những thế còn có bề dày lịch sử chống ngoại xâm. Tiếc rằng Đà Nẵng còn quá ít những tác phẩm văn học và âm nhạc xứng tầm... Mong đợt này có anh góp mặt..Anh cười : việc sáng tác là khó lắm em ạ, viết "tầm tầm " thì dễ,viết "tinh"thì khó lắm! Anh sẽ cố xem sao. Trên đường đi anh kể : Hồi chiến tranh nhiều lần đi qua miền Trung nhưng chưa một lần vào Đà Nẵng. Sau ngày giải phóng cũng chưa có dịp nào vào Đà Nẵng. Anh thường bay vào công tác ở thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang,riêng Đà Nẵng lần này mới tới. .Anh thấy Đà Nẵng sạch , đẹp ,không kẹt xe,nhưng Đà Nẵng còn đang xây dựng, còn ngổn ngang lắm...Tôi nói khoảng vài năm nữa với tốc độ xây dựng , phát triển như hiện nay Đà Nẵng sẽ gọn gàng thoáng đãng hơn. Anh hỏi tôi :ở đây an ninh , trật tự thế nào?Tôi bảo tốt hơn nhiều,các du khách vãng lai đến Đà Năng khen ngợi nhiều lắm, hơn hẳn ngày em và anh ở Hà Nội. Anh hỏi sự nhiệt tình ủng hộ cách mạng của nhân dân ...Tôi bảo :hồi mới giải phóng còn có những hạn chế về quan điểm , phân biệt Nam Bắc khác nhau, bây giờ hầu như không mấy ai quan tâm,anh ở lại chơi vài hôm, về nhà em nghỉ anh em có điều kiện trao đổi, tìm hiểu thêm.Anh bảo ngày mai làm việc ở Đà Nẵng, ngày mốt làm việc ở TP Hồ Chí Minh, cùng anh Trường trong ban giám khảo ở khu vực miền Nam,hẹn em khi xong việc sẽ quay ra Đà Nẵng tham quan vài ngày...
Tuần sau Anh điện cho tôi báo có việc gấp phải ra Hà Nội ,hẹn tôi chờ dịp khác. Sau này tôi mới biết khi làm giám khảo ở khu vực phía nam,anh phát hiện ra bệnh hiểm nghèo phải về Hà Nội điều trị gấp... Vào một ngày cuối tháng 11-2007 tôi điện cho anh, chị Bình, bạn thân thiết của anh cầm máy báo tin anh mệt lắm, muốn gặp gỡ anh em... Vài ngày sau đang bàn giao công việc cơ quan, tôi nhận được tin anh đã vĩnh viễn ra đi!...Không ngờ chuyến công tác ấy là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng của anh tới TP Đà Nẵng.