NHỚ
Cái vết thương xoàng mà đưa viện
Hàng còn chờ đó tiếng xe reo…
Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến
Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo.
Phạm Tiến Duật
LỜI BÌNH CỦA ĐINH Y VĂN
Chắc chắn tất cả chúng ta đều xếp “nhớ” vào phạm trù tình cảm và gần như một lẽ đương nhiên chúng ta thừa nhận đứng ở đầu bảng nhớ là nhớ người yêu. Nhớ người yêu đã trở thành chuẩn mực lý tưởng, chỉ có những nỗi nhớ tha thiết, cháy bỏng lắm mới “dám” so sánh – “Nhớ gì như nhớ người yêu…” (thơ Tố Hữu).
Những lúc xa quê hương không may bị ốm đau chúng ta thường nhớ nhà, nhớ người thân nhiều hơn. Tình cảm đó chắc chắn cũng có ở các thương binh đang được điều trị tại các bệnh xá, bệnh viện tiền phương, bởi nó rất con người!
Người chiến sĩ lái xe trong bài thơ “Nhớ” của nhà thơ Phạm Tiến Duật đã bị thương lúc đang trên đường chở hàng ra tiền tuyến. Có người bảo trong thời gian nằm viện, người chiến sĩ đó đã gạt bỏ những nỗi nhớ bình thường để trong lòng chỉ còn một nỗi nhớ cao cả (?) Điều ấy có lẽ không đúng. anh cũng như chúng ta có nhiều lúc nhớ nhà, nhớ người thân lắm lắm. Không biết anh đã có người yêu chưa, nếu có thì nhiều lúc cũng “bổi hổi bồi hồi…”! Nhưng nỗi nhớ thường trực, hiện hữu nhất ở người chiến sĩ lái xe trong bài thơ “Nhớ” là nhớ về nhiệm vụ đang còn dang dở!
Trong nỗi nhớ cháy bỏng ấy, vết thương nặng đến mức đồng đội phải “đưa viện”, chứ không phải là “đi viện”, đã trở thành “vết thương xoàng”. Hơn thế nữa nó đã bị anh coi “khinh”, coi là quá xoàng - “cái vết thương xoàng”! Anh còn có ý trách đồng đội sao với “cái vết thương xoàng” như vậy mà lại đưa anh đi viện. Anh bị thương không đi được, thậm chí không đứng được nhưng anh vẫn có thể vững vàng tay lái tiếp tục đưa xe hàng ra chiến trường. Hàng và xe vốn là những vật vô tri vô giác. Anh phải nằm viện thì hàng phải tạm để đó và xe tất nhiên là phải tắt máy. Nhưng nằm trên giường bệnh anh cảm thấy hàng đang “chờ” anh, còn xe đang “reo” giục giã anh. Đó chỉ là tiếng xe reo trong tâm tưởng anh! Nhưng cũng chính vì vậy dù không thể đo được bằng âm kế, “tiếng xe reo” đó đối với anh có cường độ mạnh biết nhường nào!
Nỗi nhớ của anh có khác gì nỗi nhớ “như đứng đống lửa, như ngồi đống than” của những người yêu nhau trong ca dao? Mà có lẽ trong khung cảnh đặc biệt đó nỗi nhớ nhiệm vụ của người chiến sĩ đã vượt lên tranh ngôi đầu bảng! “Đứng đống lửa, ngồi đống than” chỉ là hình tượng ngoa dụ, và “người nhớ” ở trạng thái bình thường trong một không gian yên bình. Người chiến sĩ lái xe trong bài thơ chỉ có thể “nằm ngửa”, “nằm nghiêng” và cuối cùng cũng chỉ có thể “ngồi dậy” - rất có thể đây là lần đầu tiên kể từ khi vào viện anh ngồi dậy được do “nôn nao nhớ lưng đèo”! Nếu đứng được, đi được chắc chắn anh đã bật khỏi giường, chạy ra cabin xe…
Nỗi nhớ nhiệm vụ mãnh liệt đến mức người chiến sĩ lái xe quên hết những cảnh huống hiểm nguy trên con đường Trường Sơn “bom xới lên bom, đạn cày lên đạn” (Chu Văn) để tâm hồn trở nên lãng mạn “nhớ trăng”, “nhớ bến”, “nhớ lưng đèo”… Khi yêu đắm say người ta mới như vậy!
Chúng ta có thể đánh giá tinh thần thái độ phục vụ của một người thành ba mức từ thấp tới cao là nhận thức được nhiệm vụ (thấy việc), thực hiện nhiệm vụ theo lý trí mách bảo hoặc theo mệnh lệnh (phải làm) và thực hiện nhiệm vụ như là sự đòi hỏi của nội tâm (được làm). Tinh thần phục vụ chiến trường của người chiến sĩ lái xe trong bài thơ “Nhớ” của nhà thơ Phạm Tiến Duật đã đạt đến mức nội tâm hoá! Ấy bạn đọc cảm được từ “lời một người chiến sĩ lái xe” chứ Nhà thơ đâu có chữ nào ngợi ca...
Đ.Y.V