Trang chủ » Truyện

TIỂU THUYẾT Ổ RƠM

Trần Quốc Tiến
Thứ ba ngày 21 tháng 8 năm 2018 3:31 PM




Kết quả hình ảnh cho Tiểu thuyết Ổ Rơm

Kết quả hình ảnh cho Tiểu thuyết Ổ Rơm


TNc: Nhà văn Trần Quốc Tiến sống và viết tại Thành Nam. Ông là người viết về nông thôn có đai có đẳng. Năm 2002 tiểu thuyết Ổ RƠM của ông được NXB Hội Nhà văn ấn hành đã gây tiếng vang và tranh luận. Trang nhà sẽ giới thiệu tiểu thuyết này để bạn đọc theo dõi.




LỜI TỰA

 

Việt Nam là quê hương của cây lúa nước, cũng là quê hương của cái ổ rơm thần kì. Cây lúa nước nuôi sống cả nhân gian. Cái ổ rơm ủ ấm con người từ thời nguyên thủy đến thời văn minh. Chưa có một vật gì lại bền vững và hữu ích như cái ổ rơm Việt Nam. Trải qua bao biến thiên lịch sử, nhiều thiên niên kỉ nối tiếp đã qua đi, vật đổi sao dời, biển cạn núi mòn, đến kim cương cũng phải bốc hơi, mà cái ổ rơm vẫn nguyên vẹn như thuở ban đầu, thuỷ chung son sắt với mọi kiếp người. Vua Hùng đã từng nằm trên ổ rơm ngẫm nghĩ kế dựng nước. Các tướng lĩnh bao đời cũng nằm trên ổ rơm suy nghĩ vạch ra chiến lược cho những trận đánh rung động địa cầu. Và những người lính mỗi buổi sớm xung trận trên mình còn ấm hơi rơm, những cọng rơm còn bám vào tóc, vào áo trấn thủ để cùng ra trận. Cụ Hồ từng thao thức trên cái ổ rơm ở làng sen để tìm đường cứu nước. Và bao chiến lược thiên tài đều bắt đầu từ hơi ấm ổ rơm.

Còn trong tình đời thì chính cái ổ rơm là cái nôi của hạnh phúc. Các phó thường dân nói rằng trên đời này đệ nhất khoái là nằm ôm vợ trên ổ rơm, đè vợ trên ổ rơm. Rồi từ cái ổ rơm ấy, hàng vạn, hàng triệu tiếng khóc chào đời cất lên. Không ít các thiên tài chui ra từ ổ rơm.

Ổ rơm Việt Nam đã thành huyền thoại. Quyển tiểu thuyết này nói về chuyện ổ rơm, sẽ dẫn bạn đọc đến với những ổ rơm của cuộc đời, những trận đồ bát quái ở trên ổ rơm, những Tiếu Lâm mới trên ổ rơm, và mọi sự đổi đời cũng bắt đầu từ cái ổ rơm.

Trần Quốc Tiến


Chương 1

Anh Lười ôm từng ôm rơm rất to đưa vào buồng. Cái buồng nhỏ hẹp, cũ kĩ, tường đất nẻ roác. Mái dần nứa lợp rạ quá cũ không được chủ nhòm ngó đến cũng đã thủng từng mảng, mỗi khi mưa, nước cứ tự do tuôn vào chỗ vợ chồng Lười nằm, dù lúc ấy đang “ủn ỉn” cũng vậy. Đã bao năm rồi cái buồng này sặc mùi hôi mốc. Mùa hè thì chủ của nó xoay trần nằm đất, mùa đông thì quẳng vội vào đấy ôm rơm rồi trải cái bao tải đã hết thóc lên trên để vợ chồng anh Lười lăn lóc, co quắp cho qua đêm, chờ sáng sớm có tiếng kẻng thì cô vợ ngổm dậy ra đồng. Chiều nay sao anh Lười ôm nhiều rơm thế? Một đống rơm lù lù ngay trước sân, Lười choạng chân dùng hai tay đun thật mạnh cho nó đổ kềnh, rồi như một gã hâm cứ thế ôm từng ôm đẫy tay đưa vào buồng. Cả một buổi chiều cứ thoăn thoắt vào lại thoăn thoắt ra. Những ôm rơm vàng óng lần lượt vào nằm gọn nửa gian buồng. Chưa bao giờ và chưa ở đâu có cái ổ rơm dày đến như thế: cao lung lửng đến giữa cột nhà! Anh vuốt bốn phía cho thật ngay ngắn, gọn gàng rồi đi tìm cái chiếu mới nhất trải lên mặt ổ. Rồi anh Lười đứng ngắm cái ổ rơm, cái đẩu bù xù cứ luôn luôn gật. Trời hình như sắp tối, gà mẹ đã cục cục gọi đàn con vào đôi cánh để ủ trước cửa bếp. Quái, cái con mẹ sề nhà mình sao giờ chưa thấy về? Lười vừa ngắm cái ổ rơm dày hàng thước vừa liếc mắt ra lối ngõ nhìn xem cô vợ đã về chưa? Đã lâu lắm rồi, chẳng bao giờ Lười ta mong vợ về sớm, bởi lẽ hễ nhìn thấy mặt chống là ả xỉa xói, riếc móc, vạch tội đến nỗi giá mà có ông kiểm sát nghe thấy thì chắc hẳn anh chồng sẽ bị làm cáo trạng. Vì thế mà anh luôn lánh mặt vợ. Khi ả đi làm thì anh ngồi hút thuốc lào vặt, hoặc tán gẫu với những vị trong Hội Ngũ Tử, bên này gật, bên kia gù tha hồ mà bốc phét. Nhưng hễ thoáng cô vợ đi làm về đến ngõ là anh phẩy tay ra hiệu cho mấy ông bạn kia về lối sau nhà, còn anh thì phủ phục xuống ổ, rên ư ử như người sắp chết. Lần đầu tiên thấy chồng như vậy, chị Cún cũng hoảng hổn quẳng phứa cái cuốc xuống sàn, chạy bổ nhào đến chỗ chồng:

- Thầy nó ốm à? Bố cu ốm à? Bệnh gì mà rên váng lên thế?

Chị Cún vừa hỏi vừa kéo chăn và sờ tay lên trán chồng. Anh Lười giấu mặt xuống ổ, tủm tỉm cười trả lời:

- Tôi bị trúng phong!

- Trúng phong cơ à? Trúng phong thì cấm khẩu luôn chứ sao còn rên như mèo hen thế ?

- Cả hen phế quản nữa ....

- Bỏ hẳn chăn ra tôi xem thế nào? ...

- Tôi bị cảm lạnh, sợ gió lắm!

- Thế mà tôi lại tưởng bố nó khỏe, liền ghé vào hàng mua gói lòng và chai rượu, liệu có dậy mà nhắm được không ? Nếu không thì tôi để lại cho bác Phó Ba Gai...

- Ấy chớ .... Khoan...

Anh Lười vừa bị “ trúng gió” bị “ hen phế quản” bỗng bò nhổm dậy, tỉnh như sáo. Chị Cún tủm tỉm cười. Vừa giờ chị lo thắt ruột tưởng chồng ốm nặng. Chị đứng lên tong tả quay ra nhà ngoài, rồi khi trở vào thì tay gói lòng, tay chai cuốc lủi. Hai đứa con rong chơi bên bà ngoại có lẽ mai mới về. Hai vợ chồng ngồi bên mâm rượu cùng cái ổ rơm dày một thước! Anh Lười bỗng thấy đời lên tiên: tợp một tợp rượu, gắp một miếng dồi chấm vào bát nước mắm hạt tiêu, rồi đưa lên miệng... đến lúc ngà ngà say thì tay anh không gắp lòng mà lại chệch sang sờ vào háng vợ…

- Ơ kìa, đĩa lòng chỗ này cơ mà... - chị vợ hết lườm lại nguýt hất tay chồng.

- Không... Giờ tớ không thích dồi lợn, mà thích cái dồi của mình cơ...

Ngày xưa, thời Xuân Thu Chiến quốc có chuyện rằng ông vua U Uông vốn ham mê tửu sắc, bỏ việc triều chính, U Uông rất say nàng Bao Tự. Nhưng nàng Bao Tự lại có đặc điểm là lúc nào cũng buồn rười rượi, không chịu cười bao giờ. Nhà vua muốn nàng cười, tìm đủ mọi cách mua vui nhưng đôi môi nàng vẫn ngậm. Tên nịnh thần Quách Thạch Phụ liền hiến một diệu kế là đốt lửa ở 3Phong hoả đài và nổi trống rầm rộ. Phong hoả đài được xây trên ngọn núi Ly Sơn, là nơi phát hiệu lệnh khi có giặc: Ban ngày thì chất phân sói đốt, khói bốc lên gió thổi không tan, ban đêm thì đốt lửa để báo tin, cho các chư hầu đến cứu. Vì thế đốt lửa ở Phong hoả đài là chuyện đại sự, có quan hệ mất còn đến vận mệnh quốc gia! Nhà Vua bất chấp, cứ cho phóng hỏa để làm vui người đẹp. Khi ngọn lửa bốc lên thì chư hầu các nơi tưởng có giặc liền đem binh mã tới. Thấy họ mắc lừa, bấy giờ Bao Tự mới phá lên cười. Nhà vua mừng lắm, từ bấy giờ cứ mỗi lần muốn cho nàng cười thì nhà vua lại hạ lệnh đốt lửa. Sau này khi bị Tây Di và Khuyển Nhung đánh, U Uông hạ lệnh đốt lửa ở Phong hoả đài để cầu cứu các chư hầu. Nhưng các chư hầu đều cho rằng nhà vua đốt lửa để làm cho Bao Tự cười, nên không ai đưa quân đến cứu... (Theo Trương Chính ).Ấý là chuyện đại sự quốc gia,còn như chuyện tiểu sự của vợ chồng anh Lười cũng không kém phần nguy hiểm.Cứ giả vờ ốm mãi đến một hôm ốm thật mà ốm rất nặng..Cô vợ hôm ấy đi làm về thấy chồng đắp chăn rên thì mỉm cười cho rằng lão này lại vờ vịt để mình thòi rượu với lòng lợn ra liền phớt lờ bỏ đi lấy rau cho lợn. Băm xong rổ rau lợn,nấu xong nồi cám,lại thổi xong cơm,rang xong tép bê lên nhà định dọn cơm ăn thì thấy trong buồng cái ổ rơm im lặng quá.Á à cái lão này lịm đi để mình phải đến lay gọi mới trở dậy ăn cơm chứ gì,đã yhees thì ông không gọi nữa cho biết tay,cái ngữ lười đến thế là cùng.Mấy mẹ con dọn cơm ra đầu hè ngồi ăn.Xong bữa com thì trời cũng ngập ngoạng tối,bấy giờ chị Cún mới thư thả thắp đèn dầu rồi cầm caí chăn đang đắp trên mặt chồng ra.Aí chà chà đến bây giờ vẫn còn giả vờ lịm đi thế này cơ à? Bỗng chị bủn rủn cả chân tay...hình như...người vợ khốn khổ ấy liền chạy mải ra sân hô hoán ầm ĩ cứu với cứu với,làng nước ơi cứu với...Làng xóm ập đến.Khốn khổ anh Lười ốm thật mà vợ anh lại cho là ốm vờ,giờ thì đã gần chết.Cả làng ùa đến cứu.,các bà già ra ngõ gọi hồn gọi vía,ới ba hồn bẩy vía thằng đĩ Lườ ở đâu thì về ngayvới vơ con...có bà vén váy đái luôn vào cái bát rồi đổ vào mồm cho anh tỉnh.Nhờ bát nước đái ấy mà anh tỉnh thật.Rôi anh được bà con xóm giềng cho vào võng cáng đến bệnh viện. Phúc đức nhà anh còn to,nên sau mười ngày điều trị thì bình phục. Đêm đầun tiên sau khi từ bệnh viện trở về,cũng trên cái ổ rơm trải bao gai,anh Lười hỏi vợ :

-Cô đinh giết tôi để lấy chồng khác à ?

-Em tưởng anh giả vờ ốm để khỏi đi làm,vì anh là anh lười ai chả biết...

-Tôi sẽ đấm vớ mặt những ai bảo tôi lười ! Tôi không muốn đi làm chứ không phải tôi lười...

Chị Cún ngồi yên lắng nghechồng giảng giải,tay vuốt vuốt những congnrowm đang chồi lên mặt cái chiếu rách.

-Không muốn chứ không phải lười,nghe hay hớm nhỉ...

-Mà cô phải biết lúc nào tôi ốm thật lúc nào tôi ốm vờ,nếu cô không cố học để phân biệt thì có ngày chồng cô toi mạng...

- Cuộc đời mà tôi và mẹ nó đang sống đây, trừ những lúc sờ mó, hôn hít, đè nén... là thật, còn thì là đồ giả cả, bánh vẽ cả. Em Cún ạ, khi nào anh đè em lại là “đè vờ” thời mới đáng nguy, chứ ốm vờ thì chả lo!

Cún nguýt dài rồi đứng lên. Lý sự với những lão chồng hâm, có mà đổ thóc giống ra xay ăn!

Thấm thoát đã hàng chục năm. Hôm nay anh Lười chẳng hiểu vì lẽ gì mà mang cả đống rơm vào dải ổ, một cái ổ vĩ đại vào bậc nhất. Giờ thì anh đã ngự giữa ổ với một chai cuốc lủi, nghê nga, nhấm nháp chờ vợ. Một lúc sau chị Cún đi làm về, vừa đặt đôi quang gánh xuống đầu hè đã nghe tiếng chồng gọi:

- Vào đây... Vào đây.... Con nó đi sang bà ngoại cả rồi. Quẳng mẹ quang gánh đấy vào đây luôn đi...!

Chị Cún vào buồng. Trong ánh sáng lờ mờ, chị nhận luôn ra cái ổ rơm dày cộm, dày tới lưng cột nhà, và một ông chồng ngồi chễm chệ ở giữa.

- Sao hôm nay lại trải cái ổ rơm dày phát khiếp lên thế? - Cún hỏi.

Anh chồng giơ tay kéo vợ:

- Ngồi xuống!

Khi vợ đã ngồi xuống bên cạnh, anh Lười rót một cốc rượu đặt vào tay vợ.

- Uống đi! Đêm nay là đêm giao thừa…

- Ơ kìa, còn hai tháng nữa mới tết cơ mà?

- Vẫn là giao thừa. Cô lú lẫn rồi à cô Cún?

- Thế thầy em bảo tôi lú lẫn chỗ nào?

- Em ơi, em đi làm về không thấy anh đắp chăn rên, anh lại tự ôm hết một đống rơm vào buồng làm cái ổ dày nhất xã để đêm nay ta hú hí...

- Phải gió ạ, làm sao tự nhiên lại động cỡn lên thế? Có chuyện gì hở thầy em?

Anh Lười dốc ngược hết chén gật gù :

- Đêm nay là đêm giao thừa, hí hí... Hôm nay là đời cũ, ngày mai là đời mới... Cô Cún ạ, rồi cô sẽ không bao giờ còn được nghe tiếng rên của chồng cô nữa đâu! Thằng này vốn không phải thằng lười, chẳng qua là thời thế tạo cái lười cho nó! Nào nâng cốc! Giơ cốc lên đi! Chén rượu này là chén rượu mừng, uống… đi…!

Anh chồng lại dốc ngược, còn chị vợ chỉ cầm tay, đôi mắt đăm đăm nhìn chồng.

- Này em, hãy bỏ qua cho anh cái chuyện rên vờ đi nhé?

- Thế rồi sao?

- Thế rồi.... Nào em bỏ cái quần ngoài ra rồi nằm xuống ổ rơm để anh ủ cho ấm...

Chị Cún giãy nảy:

- Chết, sao tự nhiên lại rửng mỡ thế? Ai vào nhìn thấy người ta cười cho thối rốn!

- Được rồi! Thối rốn cũng không có gì đáng lo! Mà đêm tối, rét mướt thế này, thằng chó nào còn thò đi đâu nữa, chúng nó cũng đang sờ vú vợ trên ổ rơm cả đấy thôi mà... hí hí... Nào bu em....

Chị Cún hất tay chồng ra :

- Khoan đã! Nghe người ta hỏi rồi trả lời đã, vội gì mà như đi ăn cướp thế!

- Úi chà, còn hơn ăn cướp ấy chứ! Cái khoản này thì từ thánh thần đến ma quỷ đều ngấu nghiến, dao kề cổ cũng không buông ra đâu bu nó ạ ...

- Vậy bố nó vui thế vì lẽ gì? Mới nhặt được vàng?

- Còn hơn nhặt được vàng! Mẹ nó quên rồi ư? Sáng sớm ngày mai được nhận lại ruộng! Không phải nhận khoán đâu, chia hẳn cho khẩu... Nghĩa là mỗi người, mỗi nhà từ ngày mai sẽ là chủ nhân thực sự những mảnh ruộng của mình!

- Ai bảo?

- Chiều nay lúc bu mày không có nhà, lão đội trưởng đã đi từng nhà bảo rạch ròi. Lúc đến đây lão đứng đầu ngõ gọi toáng vào:

- Anh Lười đâu?

Tôi tưởng lão lại đến thúc ra đồng như mọi lần, nên cứ trùm chăn rên, lão liền vào tận buồng quát:

- Này thôi đứng giả vờ rên ốm nữa! Ngủ khoán à? Dậy ngay mà nghe một tin vui....

- Mổ lợn hay mổ trâu? Mỗi xuất được mấy lạng hơi?

Lão liền bước qua cửa buồng đi vào tận ổ rơm, rồi đưa tay kéo tuột cái chăn trùm đầu tôi ra, nói:

- Sáng sớm ngày mai ra đồng nhận lại ruộng, rõ chưa? Chính sách thời kì đổi mới đấy!

- Ông không đùa chứ? – Tôi không tin, hỏi lại.

Lão quát:

- Đùa cái con khỉ! Mấy lần họp đội để phổ biến chính sách mới anh mải hít l… vợ ở ổ rơm không đi họp. Vì thế mà mù tịt chẳng biết gì! Đúng bằng giờ sáng mai, cả hai vợ chồng phải có mặt ngoài đồng để nhận ruộng, rõ chưa?

- Rõ õ…!

Đấy, chuyện vui là thế. Lão đội trưởng về rồi là tôi tung chăn, vùng dậy luôn. Rồi tôi ôm rơm trải ổ mới, rồi tôi đi mua cuốc lủi… Này đúng tháng nay tớ nằm suông không có tấn công, không một lần nã đại bác vào bu mày… Còn đêm nay… Ôi chà chà! Nhất định là phải tóe khói! Đêm giao thừa đổi đời mà lại. Nào bu em ngồi sát lại đây, anh rửa tay bằng xà phòng thơm rồi, cho anh “mò cua” một tí…hí hí… Gớm “con cua” của em dạo này khai thế…!

….. Cái ổ rơm dày bằng thước cứ phồng lên, dẹp xuống, lúc khoan thai như trống chèo, lúc lại dập như ngũ liên khi đê vỡ. Độ gà gáy lần hai thì nó lặng hẳn. Hai vai chính nhọc phờ râu trê lăn ra ngủ. Cái khoản này được coi là liều thuốc ngủ cực kì công hiệu. Lại được cái ổ rơm dày một thước bao bọc, ủ ấm. Khi anh Lười ngáp ba cái rồi mở mắt ra thì trời đã sáng bệch từ lâu, anh liền phát đẹt một cái rõ đau vào mông cô vợ đang cong nghiêng trên mặt ổ. Cái mông trắng hớn nảy lên, rồi hạ xuống. Chị Cún bực dọc càu nhàu:

- Sao bao đêm hít ngửi mà giờ lại phát người ta đau thế?

Anh Lười cười khì:

- Dậy mà còn đi nhận ruộng! Rồi đến đêm sẽ bàn luận tại sao lúc thì hít đít, lúc thì phát.

Nửa giờ sau, hai vợ chồng đã ra tới đồng. Làng Trọng Nghĩa đang im lìm bỗng sôi động. Cả làng hôm nay đổ ra đồng. Niềm vui được nhận ruộng hôm nay ngang tầm với niềm vui cách mạng Tháng Tám thành công, ngày thắng Pháp ở Điện Biên Phủ, và ngày giải phóng Sài Gòn… Vẫn từng đoàn, từng đoàn người từ trong làng kéo ra đồng. Những gương mặt gầy guộc, xanh xao vì đói khổ lâu ngày. Không ai còn bộ quần áo lành để mặc trong ngày vui đổi đời. Lem nhem, luộm thuộm những cái quần đen, áo nâu, áo gụ đã bạc màu, nhăn nhúm những mảnh vá trên vai, trên lưng, phần đông là chân đất, vài ba người có dép lốp, đàn ông thì mũ lá tụt vành, mất chỏm, đàn bà thì nón rách, áo tơi rách gió thổi bần bật. Cái rét ở nơi đồng trống lại cứ luồn qua làn áo mỏng làm nổi da gà. Chỉ còn đôi mắt và cái miệng luôn luôn nói cười là chứng tỏ đám người này còn vui. Đất hình như cũng xao động, cứ phập phồng, hổn hển dưới chân những ông chủ hờ. Nó cũng đang hấp hối. Đất xấu hổ vì không nuôi nổi người. Nhưng chính con người mới thực đáng xấu hổ. Từ ngàn xưa mảnh đất này vốn phì nhiêu, màu mỡ, rảnh mạ cắm xuống mấy ngày đã đổi lá xanh, rồi mùa đến trĩu cây nặng hạt, người yêu đất, đất chẳng phụ lòng người, đất và người hòa quyện lấy nhau như vợ chồng, như tình ái. Rồi một ngày kia đất bỗng không còn chủ, như vợ lìa chồng, cha lìa con, bạn bè và nhân tình lìa bỏ, trên danh nghĩa có ông chủ tập thể, nhưng thực tế thì không ai là chủ. Mảnh đất ngàn năm được yêu chiều nay lại bị phụ bạc, trở nên xác xơ, cằn cỗi, cắm rảnh mạ xuống hàng tháng sau vẫn chưa đổi màu. Cô gái đang tuổi dậy thì xinh tươi ngày nào, bỗng thành bà già khô đét, vắt kiệt đôi vú nhũn nhẽo mà chẳng đủ nuôi con.

Anh Lười chạy lăng nhăng hết khu ruộng này sang khu ruộng khác, nhìn vào tận mắt từng người rồi cười ha hả, phả hơi thuốc lào hôi xịt vào mặt người ta mà hỏi:

- Khoái không?

- Khoái không ư? Đằng ấy nói mới hay hớm làm sao! “Khoái không?” Đó là lời của anh chống lúc đang đè lên bụng vợ trên ổ rơm trong buồng, thế mà giữa cánh đồng lúc đang lắm dân nhiều quan thế này cũng hỏi “khoái không?”.

- Này các chư vị dốt đặc cán mai ơi, tôi hỏi các vị có khoái không là không phải hỏi cái chuyện đè vợ trên ổ rơm trong buồng!

- Thế thì chuyện gì khoái nào?

- Chuyện… rồi đây chúng ta không phải chỉ hôn hít vợ mà còn hôn cả mảnh ruộng mới được chia…

- Á à! Được! Được đấy! Đúng là khoái thật, chuyện nhận ruộng hôm nay có thể xếp vào mục “tứ khoái”…

Tùn tùng! Cắc cắc tùng! Trống làng hôm nay gõ đến gần thủng để hối thúc lòng người, hối thúc cuộc đời sang trang mới. Từng đoàn người vẫn lũ lượt từ trong làng kéo ra, rồi rồng rắn theo sau mấy ông chức sắc: Ông cầm ngũ, ông cầm sổ, ông thì cầm loa. Đám phó thường dân rồng rắn theo sau thì cầm cọc tre, dây đay và những cái biển có kẻ nắn nót tên mình. Ông đội trưởng cầm sổ, báo cho ông đội phó bắc loa gọi tên, còn anh thư kí thì đo đạc. Cứ nghe gọi tên mà vác cọc chạy đến.

- Loa loa! Đến lượt Phó Lười nhận ruộng…

Anh Lười ôm một ôm cọc tre và cái biển có tên mình chạy đến.

- Dạ, báo cáo ông, tên tôi là Phạm Văn Lưới chứ không phải là Phó Lười đâu ạ!

Ông đội trưởng quắc mắt:

- Mặc kệ, ai bảo anh lười mãi thì giờ anh phải mang tên là Phó Lười! Phó Lười! Xứ đồng Dộc một sào hai miếng nhận đi… Hay là anh không muốn nhận ruộng thì anh nói rõ ra?

- Đâu dám, thưa bác đội! Em chỉ muốn bác xóa cho em cái tên Phó Lười thôi ạ! Vâng, vâng! Em xin nhận ngay tức khắc!

Anh thư kí đội cùng với hai người phụ việc căng dây đặt ngũ đo đạc, tính toán một lát rồi chỉ cho Phó Lười mảnh ruộng:

- Nhận đi! Từ giờ mảnh ruộng này là của anh, anh có để cho chó ỉa thì chúng tôi cũng mặc xác, đến vụ cứ số thuế đã định chúng ông gô cổ vào phải nộp!

Phó Lười không nói gì, lẳng lặng giở bó cọc tre ra, có bốn cái tất cả, toàn bằng gốc tre già to đến bằng cổ chân và dài tới một mét. Theo tay chỉ của anh thư kí đội, Phó Lười phập cái cọc vào một góc ruộng rồi rút chiếc búa đinh giắt ở sau lưng ra, nện chan chát xuống đầu cọc. Khi cả bốn cọc ở bốn góc đã đóng xong thì anh vác cái biển to tên Phạm Văn Lưới ra cắm phập ngay giữa ruộng, rồi cứ đứng ngây ra mà nhìn mảnh ruộng.

- Loa! Loa! Đến lượt Phó Xoáy nhận ruộng… Ông đội phó xoay tròn cái loa gọi rống lên.

Từ giữa đám đông, một chàng trai mặt choắt tai dơi, ôm một ôm vừa cọc tre vừa biển cắm rẽ phứa phừa bước ra. Đi đến gần ông đội phó, anh ta gân cổ cãi:

- Thưa ông đội, tôi là Hoàng Văn Xoay chứ không phải là Xoáy!

- Anh là Phó Xoáy! - Ông đội phó gườm gườm nhìn rồi thản nhiên trả lời – Làng nước quên cái tên Hoàng Văn Xoay từ lâu, chỉ nhớ anh là Phó Xoáy! Nhận đi! Phó Xoáy một sào hai miếng…

Người được gọi là Phó Xoáy không nói gì nữa, liền đi theo anh thư kí để anh chỉ cho bốn mốc cọc tre, sau đó thì mới giở bó cọc tre ra, dùng búa nện chan chát, và cũng cắm một cái biển để xác nhận chủ quyền của mình.

- Loa, loa… Lại Thị Toét có đây không? – Tiếng loa lại oang oang gọi.

Im lặng.

- Bà Toét đã đến chưa? Sao không thấy lên tiếng thế?

- Có đây! Lại Thị Toét xứ đồng Dộc một sào hai miếng… bây giờ đến lượt Phó Ba Gai! Loa loa! Phó Ba Gai đâu đến nhận ruộng…

Một vị đầu trọc, trán dô để hai hàng ria cáo đen ngòm xuất hiện trước loa, gân cổ cãi:

- Tôi không phải Phó Ba Gai!

- Thế ông là gì? – Ông đội phó hỏi lại.

- Tên tôi là… Giai Nhân!

- Hố hố! Đầu trọc lông lốc, lại râu ria vểnh lên vểnh xuống thế kia mà là giai nhân à? – Một bà đứng cạnh hỏi vặn.

Ông Phó Ba Gai liền đáp ngay:

- Ai bảo bà rằng tôi là đàn ông? Bà đã xem xét tường tận mọi chỗ chưa mà dám kết luận tôi là đàn ông? Cái thói quan liêu chỉ nhìn ngoài mà đoán trong đã qua rồi, giờ thời đổi mới, muốn kết luận ai là đàn ông, ai là đàn bà cũng cần phải sờ mó tường tận mới kết luận được. Nào xin cho biết vị nào ở đây đã sờ mó tôi mà dám kết luận tôi là đàn ông, nếu nói sai tôi kiện tới trung ương…

- Kìa, bà nào, cô nào đã sờ mó ông Phó Ba Gai thì khai ra, ông đội phó quay ra hỏi đám đàn bà đang lườm nguýt.

Một bà nguýt dài:

- Nói thế mà nói được! Có vợ ông sờ chứ ai thừa tay mà sờ với mó? Thử hỏi ông là Gia Nhân thì sao vợ ông lại đẻ thòm thòm như vịt?

Phó Ba Gai đập lại:

- Bà nói đến vịt à? Vịt cái không cần vịt đực cũng đẻ được đấy chứ!

- Thôi, thôi… Ông đội trưởng sốt ruột liền nhắc – Đến bây giờ mà ông còn lý sự cùn như vậy thì dù có thời kì đổi mới ông vẫn là Phó Ba Gai! Nào xin ngài Phó Ba Gai nhận ruộng không thì bảo?

Phó Ba Gai bỗng cười ha hả, rồi vác bó cọc theo anh thư kí, rồi thì tiếng búa nện vào cọc tre chan chát vang lên…

- Loa, loa! Xin mời Phó Cuội đến nhận ruộng…

Tiếng loa vừa dứt, một người len đám đông tiến ra:

- Tôi là Lê Cuốn chứ không phải là Phó Cuội!

- Thôi thôi nhận đi Phó Cuội! Anh khuyếch khoác còn hơn cả thằng Cuội trên cung trăng còn cãi gì nữa! Phó Cuội một sào hai miếng nhận đi!

- Loa, loa! Mời anh Phó Dê đến nhận ruộng…

- Có tôi! Tôi là Dế mà các vị lại cứ gọi là Dê, oan cho tôi quá!

- Nhận đi: Phó Dê một sào hai miếng…

- Đồng ý ý ý… Tuyệt…

Mãi gần trưa mặt trời mới ló ra, run rẩy như bà lão thở phì phò hắt những tia nắng vàng nhạt xuống cánh đồng. Đất xám xịt, vừa gặt xong còn trơ gốc rạ ưỡn lên đón nắng. Cái nắng se se dọi vào những khe nẻ toang toác, đỏ lòm, sâu hút… Những giọt sương dưới khe đất lóng lánh, tròn tròn, meo méo, lúc chụm lại, lúc tõe ra, hớp hớp những hơi nồng quý của tia nắng mặt trời.

Cánh đồng vẫn đông kịt. Những người đã nhận ruộng rồi cũng không chịu về. Từ trong làng vẫn lũ lượt kéo ra. Những bà đi chợ về, vội quẳng cái rổ, cái thúng ở hè rồi chạy vội ra đồng để nhìn tận mắt, sờ tận tay mảnh đất từ nay chỉ riêng mình làm chủ. Tiếng kêu hỗn loạn, vừa ngũ liên giục giã hối hả, vừa xen các bài trống tế, trống rước, rồi cả kèn đám ma cũng đưa ra tò te tí toét. Đã lâu lắm rồi, làng Trọng Nghĩa mới có một ngày vui như thế này. Không phân biệt quan hay dân, già trẻ, giàu nghèo, mọi khóe mắt đều rưng rưng. Mảnh đất bao năm tập trung chỉ có chủ hờ mà không có chủ thật, giờ đã xác xơ. Nhiều nông dân khi nhận lại ruộng thì ngồi đầu bờ khóc. Họ khóc đất như khóc đứa con lưu lạc bị đọa đầy, khi thân tàn ma dại trở về với cha mẹ. Suốt một ngày trời làng bỏ trống, mọi sinh hoạt chuyển ra mảnh ruộng vừa được nhận lại. Đất cũng xếp ba hòn chụm lại thành bếp, rồi đặt lên ấm chè tươi, nồi khoai lang mới rỡ. Khoai chín, nước chè tươi đủ ngấm là tiếng gọi nhau í ới, tình làng nghĩa xóm chuyển ra đồng, ông này đặt vào tay bà kia củ khoai lang đặc bột, nhận lại bát nước chè, ngồi xổm, ngồi bệt ngay xuống mặt ruộng mà nhấm nháp cái khoái dân dã mà các vị vua chúa có nằm mơ cũng không được. Rồi từ đâu chẳng rõ, những chai cuốc lủi được giấu trong cạp quần nhảy vọt ra. A ha! Dịp này mà không nâng chén thì không còn là đàn ông nữa! Một chai, hai chai, ba chai, năm chai… sao ở đâu mà lắm thế? Thì ra các vị mày râu, vị nào cũng đút vào cạp quần một chai đem ra đồng. Nhận ruộng xong là túm lại, cầm cả chai dốc ngược. Say bí tỉ, say bét nhè, say lảo đảo như Chí Phèo đi tìm Thị Nở rồi lăn quay ra mảnh đất vừa nhận mà cào cấu, nức nở, giận hờn, vồ vập, hôn hít… Say mà tỉnh, tỉnh mà say…

Năm vị Phó quây lại một mâm, gật gù chén chú chén anh. Làng Trọng Nghĩa đã có người đẹp An Na Lan Hương, lại có thêm năm phó: Phó Lười – Phó Cuội – Phó Ba Gai – Phó Xoáy – Phó Dê! Cùng với mĩ nhân ái nam ái nữ, những ông phó này làm khổ dân làng mà cũng làm vui đáo để.

Đêm. Những vạt rạ khô chưa kịp gánh về để lên đống còn nằm rải rác trên các bờ vùng bờ thửa, bị đám con trai con gái ôm từng ôm đưa xuống ruộng chất đống rồi đốt lửa trại. Chưa bao giờ người ta đốt cả một cánh đồng rạ như đêm nay, ngọn lửa bập bùng bốc cao làm sáng rực cả khoảng trời. Những gương mặt gầy guộc, đôi môi khô héo ít cười nở bừng trong ánh lửa. Lửa phập phồng trong gió đêm. Mùi lửa rạ mới thơm như ngô rang, những ống rạ nổ đốp đốp như pháo.

Phó Lười khật khưỡng say mềm, mặt đỏ phừng phừng trong ánh lửa:

- Hát lên chứ! Nhẩy cẫng lên đi chứ! – Anh ta gào lên giục mọi người.

Lửa bốc lên, lòng người cũng bốc theo. Cả Hội Ngũ Tử đang say mèm bỗng đứng lên ôm nhau nhảy và hát:

Yêu bên nhau lúc này cũng giúp nhau tương thân tương ái

Cùng với nhau lúc này kề vai sát cánh bên nhau…