Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHUYỆN TÌNH ĐẠI DƯƠNG

Phạm Văn Chữ
Thứ bẩy ngày 1 tháng 4 năm 2017 5:24 PM




CHUYỆN TÌNH ĐẠI DƯƠNG- bi thương và uất hận!

Phương Dung


Có một chàng Cá Biển Đến đúng nơi hò hẹn

Yêu một nàng Cá Sông Cá Sông bỗng rùng mình

(Xin bạn đừng có hỏi Sao đại dương vắng lặng

“Vì sao?”- chỉ tốn công Lạnh giá đến phát kinh


Thời đại intenetr Rạn san hô đã chết

Đưa cá đến với nhau Xám đen như nhà mồ

Dù nước mặn nước ngọt Chất chồng xác thủy sản

Tình yêu vẫn nhiệm màu Thành nghĩa trang khổng lồ


Một ngày chàng Cá Biển Nàng Cá Sông kinh hãi

Gửi mail cho Cá Sông “Cá Biển…chàng ở đâu?”

Mời nàng đến du lịch Không một tiếng vọng lại

Miền đại dương mênh mông Thăm thẳm đáy biển sâu…


“Biển quê anh đẹp lắm Ngây thơ và trong sáng

Ngày đêm sóng vỗ bờ Cá Sông nào có hay

Anh sẽ cùng em dạo Cuộc thảm sát đẫm máu

Quanh những rạn san hô…” Chính con người ra tay


Cá Sông nghe rạo rực Người nàng yêu đã chết

Quyết ba lô lên đường Biển xanh cũng chết rồi

Khi tình yêu vẫy gọi Tất cả bị đầu độc

Can đảm vượt trùng dương! Bởi Formosa thôi


Trước biển nàng choáng ngợp Khi nàng dần ngấm độc

Hơi một chút đắn đo: Cái chết đến khẽ khàng

Ôi, nước biển mặn quá Cá Sông thì thầm gọi

Nhỡ mình thành cá kho…!* “Em ở đây với chàng”


Nhưng ngoài kia “chàng ấy’ Gửi lời chào vĩnh biệt

Đang đợi mình từng giây Tới dòng sông quê hương

Chỉ còn một hải lí Nhờ Biển Đông cất giữ

Là ta vây trong vây. Câu chuyện tình bi thương

******
Ngày thứ 60 vụ Cá chết

ở bắc miền Trung

Nguồn Facebook

LỜI BÌNH

Sự kiện cá biển 4 tỉnh bắc miền Trung nhiễm độc, chết đồng loạt, nổi phềnh lên tội nghiệp, lớp lớp trôi dạt vào bờ, chất từng bãi, từng đống xẩy ra từ đầu mùa hè 2016 là một tổn thất không thể đo đếm ; một nỗi đau, một nỗi nhục lớn, chưa từng có. Nó làm nhức nhối con tim mỗi người dân đất Việt.

Thời đại đòi hỏi minh bạch thông tin, nhất là những sự kiện nóng bỏng liên quan đên vận mệnh quốc gia, phải đến được với tất cả mọi người. Ngay cả lớp măng non đất nước cũng không thể đứng ngoài cuộc. Xin tiếp lời ông cha mà nói rằng : Quốc gia hữu sự, thiếu niên hữu trách. Các cháu cần phải biết về hiện tình đất nước, dù đó là chuyện buồn, chuyện lo, chuyện đau xót. Nhà báo Phương Dung thường viết truyện cho thiếu nhi, đã kịp thời có truyện thơ Chuyện tình đai dương là đi từ dụng ý tốt đẹp ấy.

Thông điệp thơ phải đến được tâm hồn các em bằng con đường ngắn nhất. Ở đây, yếu tố truyện và thơ, tự sự và trữ tình đã gắn kết hài hòa. Truyện thơ thường dài, nhưng đây dung lượng gọn nhẹ, chỉ mười bốn khổ thơ năm tiếng,với kết cấu tương phản, hai phần cân xứng, số lượng câu chữ tương đương một bài thơ bình thường, thế mà hàm chứa được cả một câu chuyện hoàn chỉnh, có mở đầu, diễn biến và kết thúc. Tác giả đã khéo dẫn dắt trí tưởng tượng các em dõi theo mạch kể của trục thời gian về « chuyện tình” giữa một chàng Cá Biển và một nàng Cá Sông. Sẽ khai thông được nhiều điều cần nói từ sự hư cấu sáng tạo này.

Khi yên bình thì thơ thiếu nhi ngập tràn sắc màu, không khí vui tươi, trong tréo, hồn nhiên...Đôi “tình ngư” xứ nước thời hiện đại yêu nhau, dù sông biển muôn trùng xa cách. Nhờ công nghệ thông tin hiện đại, « họ » đến được bên nhau. Chàng tha thiết gửi lời qua hộp thư điện tử mời nàng đi ra « Miền đại dương mênh mông » quê mình để tham quan- du lịch: “Biển quê anh đẹp lắm/ Ngày đêm sóng vỗ bờ/Anh sẽ cùng em dạo/ Quanh những rạn san hô…”. Rạn san hô đối với sinh vật biển cũng như « lũy tre thân mật » luôn bao bọc, chở che cho làng bản, xóm thôn. Còn gì thanh bình, yên ả, nên thơ hơn thế ? Nó gợi lên trong tâm hồn các em tình cảm yêu quý, tự hào về biển và làng biển thân yêu của chúng ta, mà nhiều quốc gia không có được.

Đáp lại tình chàng: “Cá sông nghe rạo rực/ Quyết ba lô lên đường/ Khi tình yêu vẫy gọi/ Can đảm vượt trùng dương!”. Qủa là « Yêu nhau chẳng quản đường xa/ Đá vàng đã quyết, phong ba cũng liều »(Ca dao). Náo nức bao nhiêu giờ phút gặp gỡ :“ Chỉ còn một hải lí/ Là ta vây trong vây!”. Nghe hợp lĩ và thú vị. Cá cũng khoác ba lô hành trình và khi sóng đôi bên nhau thì “vây trông vây”. Hứa hẹn biết bao hạnh phúc !

Phần sau hoàn toàn đối lâp. Cùng miêu tả các tầng biển sâu, nhưng đâu có còn là những khung cảnh hùng vĩ, những bức tranh sống động như trong Hai vạn dặm đáy biển của Jules Verne mà các em đã từng say sưa đọc. Tất cả đều bị dìm xuống đáy sâu trong thảm đạm, chết choc, thê lương. Mấy khổ thơ liên tiếp dùng thủ pháp tăng cấp và các từ ngữ : vắng lặng, lạnh giá, phát kinh, rùng mình, kinh hãi…vừa là trực diện cận cảnh vừa là phản ứng tâm lí trước một thế giới âm hồn : « Rạn san hô đã chết/ Xám đen như nhà mồ/ Chất chồng xác thủy sản/ Thành nghĩa trang khổng lồ ». Đây chính là bề sâu của thảm trạng môi trường.

« Vì ai gây dựng cho nên nỗi này ? »(CPN) : « Cuộc thảm sát đẫm máu/ Chính con ngươi ra tay ». Câu chữ thường dùng để lên án và nguyền rủa những vụ tàn sát, giết người hàng loạt một cách dã man của những kẻ hung tàn khát máu. Nay dùng vào đây, thật đích đáng. « Ra tay » là có dự mưu và quyết tâm lớn, hoàn toàn không phải diễn ra ngoài ý muốn.

Tác giả vạch mặt chỉ trán, khẳng định dứt khoát, chính danh thủ phạm là Formosa, chứ không ai khác : « Người yêu nàng đã chết/ Biển xanh cũng chết rồi/ Tất cả bị đầu độc/ Bởi Formosa thôi ». Người ta đã giết « một tình yêu đẹp », người ta đã giết biển xanh. Biển xanh><chết rồi, là hai thái cực. Hình ảnh biển xanh, biểu tượng của hòa bình, thịnh vượng, an vui. Nguồn tài nguyên vĩ đại, vô giá ấy, Tạo hóa hào phóng ban tặng cho chúng ta, « Biển cho ta cá như lòng mẹ/ Nuôi lớn đời ta tự thuở nào »(Huy Cận). Thế mà giờ đây, một vùng biển rộng dài 200km, qua địa bàn 4 tỉnh « đã chết rồi » ! Biển chết, một khái niệm chưa có trong kho từ vựng tiếng Việt. Biển của ta, họ đã giết chết là chết triệt để :cả một thế giới sự sống của muôn loài sinh vật biển bị hủy diệt tận cùng bởi các hóa chất cực độc. Sức tàn phá có khác gì bom nhiệt hạch, gấp ngàn lần bom nguyên tử. Nguy hại hơn, biển chết đã thành một kho thuốc độc khổng lồ, di hại đến bao đời con cháu. Rồi biết đến bao giờ cho biển phục sịnh ? Môi trường là sự sống. Biển chết, hàng mấy triệu bà con ngư dân, diêm dân ở đấy biết sống sao đây ? Tránh sao khỏi tình cảnh lao đao, cùng khốn, tan tác, điêu linh ! Thơ không là pháp luật, nhưng thơ có sức mạnh tố cáo và lên án. Tội ác diễn ra thanh thiên bạch nhật, làm sao có thể « Lấy vải thưa hòng che mắt Thánh » để « đối Trời lừa Dân », dối lừa đến cả con trẻ ?

Người đọc cảm đoán tác giả cũng từng mất ăn mất ngủ và bức xuc lắm, nhưng đã cố kìm nén cho giọng điệu thơ điềm tĩnh, nhẹ nhàng, vừa hợp với thẩm mĩ thiếu nhi vừa để cho tự hình tượng bật lên xúc cảm : « Khi nàng dần ngấm độc/ Cái chết đến khẽ khàng/ Cá Sông thì thầm gọi/ Em ở đây với chàng ». Khổ thơ kết vẫn như lời của hơi thở cuối : « Gửi lời chào vĩnh biệt/ Tới dòng sông quê hương/ Nhờ Biển Đông cất giữ/ Câu chuyện tình bi thương ». Khác với thơ người lớn đầy thịnh nộ, hờn căm : « Độc tố Formosa/ tận diệt muôn loài/ cái chết âm thầm/ ngấm vào com tôm hạt muối/ Cá dạt vào bờ tức tưởi/ mắt trừng trừng/ - Cá chết vì đâu ? (Độc tố- Phan Huy).

Bài thơ kể chuyện tình nhưng không phải là thơ tình, nói chuyện cá nhưng là để nói chuyện người như ngụ ngôn xưa nay. Nó vạch tội Formosa nhưng cũng là để trách cứ, lên án những « người nhà mình » đã rải thảm đỏ, giang tay đón rước nó về. Cho nên không chỉ là bi thương mà còn là uất hận ! Bởi vì « quái vật khổng lồ » Formosa sẽ còn ngạo nghễ, chình ình ra đấy hơn 60 năm nữa. Nó là « cái u ác tính » trên thân hình đất nước.

Người Việt ta có câu tục ngữ tuyệt hay : « Con hơn cha, nhà có phúc ». Kể chuyện buồn để cảnh tỉnh, nhưng cũng là nhằm gửi gắm một niềm tin. Các cháu hôm nay còn là thiếu niên, nhưng mai ngày lớn lên là chủ nhân đất nước.. Tin là các chấu sẽ biết yêu nước, thương nòi ; sẽ khôn ngoan, thông minh, tài giỏi bằng người; sẽ biết nghe lời ông cha truyền dạy « Nhân bất nghĩa bất giao, vật bất chính bất thủ », biết trừ mặt bon gian hùng và không thấy của thì tối mắt ; sẽ chẳng bao giờ đem sự ngu dốt cộng với sự tham lam, cộng với sự nhiết tình để rồi phạm tội tày đình : « rước voi giày mả Tổ ».

Cầu mong hồng phúc rồi sẽ đến !

phamvanchu@gmail.com