Alexander Đại đế là một trong những vị quân vương nổi tiếng nhất thời cổ đại, hậu thế nghìn năm còn ngưỡng mộ. Sự nghiệp chinh chiến vĩ đại của ông là có một không hai. Nhưng cái chết của ông cũng để lại nhiều suy ngẫm cho người đời.
Cuộc đời chiến chinh oanh liệt
Ngay từ năm 16 tuổi, Alexander đã bắt đầu theo cha rong ruổi chinh chiến và học hỏi những kỹ năng chiến trận từ cha mình, hoàng đế Philip. Năm 336 TCN, Alexander chính thức lên ngôi hoàng đế xứ Macedonia. Lên kế vị không lâu, ông bắt đầu tiến hành các cuộc chinh phạt không ngừng mở rộng lãnh thổ.
Bằng tài năng quân sự thao lược của mình, Alexander đã đạp cả Hy Lạp dưới gót chân, hướng mũi giáo chinh phạt Tiểu Á, Ba Tư, Lưỡng Hà, Ai Cập… Thậm chí, Alexander còn đi xa hơn tất cả những người tiền nhiệm của mình khi mang quân áp sát tới tận biên giới phía bắc Ấn Độ, lưu vực sông Ấn.
Chỉ trong vòng 13 năm ngắn ngủi, Alexander dựng nên một đế chế trải dài từ Âu sang Á, bao gồm tất cả các trung tâm văn minh lớn của thế giới cổ đại. Ông cũng là một mãnh tướng “bất khả chiến bại” theo đúng nghĩa đen, chưa từng thua bất kỳ trận nào trong nghiệp cầm quân.
Sau khi không thể tiến thêm về phía đông, Alexander cuối cùng cũng từ bỏ kế hoạch viễn chinh của mình và thừa nhận giới hạn của đế chế dừng lại ở bờ sông Ấn. Năm 323 TCN, trên đường trở về Babylon, Alexander mắc trọng bệnh rồi qua đời ở tuổi 33.
Ước nguyện cuối cùng
Cái chết của ông đến nay vẫn nằm trong vòng bí ẩn. Tuy nhiên, câu chuyện về phút lâm chung của vị hoàng đế vĩ đại này vẫn được người đời truyền tụng không ngớt. Chuyện kể rằng trong giây phút cảm nhận được cái chết đang bủa vây lấy mình, Alexander đã cho gọi quần thần lại và dặn: “Trước khi chết, ta có 3 điều muốn các ngươi thực hiện, nhất định không được trái ý”.
Cụ thể, ba điều đó như sau:
- Ông muốn tất cả các ngự y giỏi nhất khiêng quan tài của mình trở về.
- Ông muốn binh sĩ rải hết vàng bạc, châu báu, ngọc ngà mà mình để dành cả đời suốt dọc con đường dẫn ra nghĩa địa.
- Ông muốn người ta đặt bàn tay của mình thò ra bên ngoài nắp quan tài, để tất cả đều nhìn thấy được.
Quần thần của Alexander đều vô cùng kinh ngạc, cho rằng hoàng đế của mình đã không còn tỉnh táo. Alexander lấy sức thở một hơi dài, đoạn nhìn tất cả một lượt và nói: “Sở dĩ ta yêu cầu các ngươi làm điều đó là muốn nhắn nhủ với con người thế gian 3 điều này”:
- Thứ nhất, thầy thuốc giỏi đến thế nào cũng không thể thực sự chữa khỏi bệnh cho chúng ta. Khi đối diện với cái chết, họ cũng đành bất lực. Vì vậy, hãy biết trân quý sinh mệnh của mình.
- Thứ hai, tiền bạc, của cải dù nhiều đến đâu, khi chết đi cũng trở thành vô nghĩa, chỉ có thể dùng để lót đường mà thôi.
- Thứ ba, khi giã từ cõi đời, thứ con người thực sự còn lại chỉ là hai bàn tay trắng. Ta đến và đi đều là như vậy, cớ sao phải ôm giữ quá nhiều?
Nói xong, Alexander thở dài một tiếng rồi từ từ nhắm mắt. Một cuộc đời oanh oanh liệt liệt với bao chiến công kết thúc như vậy đấy!
Biết buông bỏ là một loại trí huệ
Ở thời điểm đắc ý nhất của mình, Alexander đã có cả thế giới trong tay. Ông là hoàng đế của một trong những đế chế vĩ đại nhất, lại có được sự nghiệp toàn thắng đỉnh cao. Nhưng vì sao đến lúc nhắm mắt xuôi tay ông mới hiểu những đạo lý đơn giản kia?
Bạn thử nghĩ xem, hạnh phúc đích thực trong cuộc đời mình là gì? Nhà cao, cửa rộng, xe hơi, vợ đẹp, con khôn, tiền tài? Vật chất đủ đầy có thể khiến tinh thần người ta phấn khởi nhưng niềm hưng phấn ấy không thể lâu dài. Tiền tài đến rồi lại đi, sự nghiệp thăng rồi lại trầm, nếu coi chúng là cội nguồn hạnh phúc chẳng phải chúng ta đã tự hạ thấp mình quá chăng?
Giàu có cỡ nào, quyền lực cỡ nào, bạn cũng không thể sánh bằng Alexander Đại đế. Nhưng đến ngay cả Alexander cũng vẫn cảm thấy cô đơn, không tìm được hạnh phúc đích thực của mình. Cuộc đời sao kỳ lạ đến vậy? Hạnh phúc sao khó tìm đến thế?