Ngày Cá tháng tư (1/4) có nguồn gốc từ phương Tây, xuất hiện khoảng những năm cuối của thế kỉ 14. Đây được coi là ngày nói đùa, ngày hội vui vẻ của những người vốn có đầu óc tinh nghịch và hài hước. Ở một số quốc gia, người ta thường hay tạo ra những tin đồn để đùa giỡn với nhau.
Không rõ thời điểm du nhập vào Việt Nam nhưng từ nhiều năm nay, nó khá phổ biến, được coi là “Ngày nói dối”.
Cũng theo thần thoại phương Tây thì chỉ một người lương thiện, chưa nói dối dù chỉ một lần là thần Balder (còn gọi là Baldur, Baldr), con trai thứ hai của Frigg và Odin . Vì thế nói cách khác, nó như là một phần bên kia tất yếu của đời sống, hiện diện ở mọi quốc gia, mọi lúc, mọi nơi.
Tiếc thay, phải nói thật trong ngày nói dối rằng hiện nay, tệ nạn nói dối đã và đang là mối lo ngại đối với xã hội Việt Nam ta. Nó được “biến tấu” dưới rất nhiều hình thức và cũng là nguồn cội của mọi tệ nạn, đặc biệt là tham nhũng và bệnh thành tích. Về sâu xa, tham nhũng chính là hành vi dối trá và “bệnh thành tích” cũng tượng tự.
Trong bài “Em biết, thầy sẽ… im lặng!” đăng trên BLOG Dân trí ngày 12/6/2012, tôi đã viết “… Khi là cái bào thai mới ba tháng tuổi ngo ngoe trong bụng đã thấy mẹ vo vo tờ polime dúi vào tay ông bác sĩ để mua lấy câu trả lời lách luật: “Cháu đái ngồi (con gái) hay đái đứng (con trai)?”.
Ngày chào đời, hình ảnh đầu tiên mà em nhận thấy bà em gấp gấp tờ tiền đút vào tay cô hộ lý để mong cô “tắm cho cháu nhẹ nhàng”. Hai tuổi, em đi mẫu giáo, ba em cầm cuốn “Sổ vàng” mặt như người vừa bị trấn lột. Sáu tuổi, em đi học. Đó là cuộc đua chạy trường, chạy lớp mà phương tiện là những chiếc “phong bì” dày dày ngoại tệ...
Và cho khi em chết, con em sẽ làm như bố em làm ngày ông em mất: Lo lót cái phong bì để có một chỗ nằm trong nghĩa địa.
Hành trình làm người là hành trình giả dối dù dân tộc Việt Nam không có truyền thống giả dối. Thạch Sanh 3 lần bị phản bội vẫn ơn Lý Thông như một ân nhân.
Mị Châu mất đầu vẫn giữ niềm tin ở tên gian ngoại bang Trọng Thủy.
Cô Tấm ba lần bị lừa vẫn tin ở tình yêu thương nơi mụ dì ghẻ độc ác.
Dân tộc Việt Nam không chỉ trung thực mà thành thực đến ngây thơ…
Sống trong đảo người gù, ai thẳng lưng là dị dạng. Nếu không muốn bị coi là dị dạng, bị cộng đồng xua đuổi đương nhiên không gù cũng phải còng xuống thành gù. Ai cho họ thẳng lưng? Ai cho họ trung thực? Có nơi đâu mà sự trung thực bị coi như một nhược điểm, thậm chí ngu xuẩn, điên rồ…”.
Thế mà giờ đây sau 5 năm (2012 - 2017), tôi vẫn còn nguyên đó ao ước có một ngày (dù chỉ một ngày thôi) trên mảnh đất này không có sự dối trá. Anh em, bè bạn, đồng nghiệp, đồng chí, vợ chồng… thành thật để sống thật với nhau.
Ngày đó sẽ không có tiếng xì xầm to nhỏ sau lưng.
Ngày đó sẽ không có chỗ cho trò “ném đá giấu tay”.
Ngày đó sẽ không có “nói trong hội trường khác nói ngoài cầu thang”.
Ngày đó sẽ không có các từ “rút ruột”, “khai khống”, “kê giá”, “khai gian”.
Ngày đó không có những bảng thành tích ảo với con số “đẹp như mơ”, lớp có 50 học sinh thì 45 em xuất sắc.
Ngày đó sẽ không còn những cuộc bình bầu toán chiến sĩ thi đua, lao động xuất sắc nhưng làm ăn bê trễ, năm trước anh hùng, năm sau nát bét.
Ngày đó không có kẻ “Miệng na mô, bụng bồ dao găm”….
Mong ước lắm có một ngày sống thật, nói thật trong một ngày nói dối!
Bùi Hoàng Tám