Tôi biết chị vào những năm đầu của thập niên bảy mươi thế kỷ trước. Một lần Lưu Quang Vũ đưa tôi đến nhà Lâm râu ở phố Triệu Việt Vương, thì gặp chị cũng ngồi chơi ở đó. Căn phòng nhỏ tầng hai ngôi nhà xây từ thời Pháp, ấm cúng và mơ mộng. Nó như một sa-lông nghệ thuật nhỏ, tập hợp khá đông đủ khuôn mặt anh em làm văn làm báo, làm nghệ thuật ở Hà Nội. Tôi còn nhớ, bữa ấy Khuê đang mải nghe bản nhạc của Su-be bên chiếc máy quay đĩa chạy kim cổ lỗ. Chị ăn vận giản đơn, nhưng gọn gàng, mái tóc đen nhánh tết làm hai bím thật dầy, cặp mắt mở to và rực sáng. Chiếc máy hát có đầu kim quá mòn mà Lâm có sáng kiến treo chiếc côn xe đạp đè lên chiếc cần để đầu kim bám vào đĩa. Chiếc đĩa than cũ xước, thỉnh thoảng lại nghe tiếng lạo xạo của đầu kim bị vấc. Nhưng âm thanh từ chiếc máy hát cũ càng đó, làm mê hoặc chúng tôi lạ kỳ. Bây giờ, đời sống thay đổi, có nhiều dịp được nghe nhạc từ những giàn âm thanh ba chiều bốn chiều với những bộ âm ly, những cặp loa cực kỳ hiện đại và đắt tiền, ấy vậy, vẫn không sao có được cái cảm giác xôn xao khó tả khi ngồi bên cái máy hát cổ lỗ ở nhà Lâm dạo ấy.
Trước khi gặp Khuê, tôi dã đọc và mê văn của chị. Dạo đó, chị mới xuất hiện trên báo chí. Một vài tùy bút, một vài truyện ngắn, khi ký tên Vũ Thị Miền, khi ký tên Lê Minh Khuê, vậy mà văn chị ám ảnh tôi làm sao. Không phải riêng tôi, mà nhiều anh em viết dạo đó đều mê văn của Khuê. Những câu chuyện chị viết ở chiến trường, về những ngôi sao xa xôi trên cao điểm mùa hạ, về những cô thanh niên xung phong đằm mình trong khói lửa, toát lên vẻ đẹp trong sáng và thanh cao. Đọc văn chị, thấy có gì thao thức, quẫy đạp, vang vọng và kéo bao người đọc thoát khỏi những ý nghĩ tủn mủn trong đời sống thường nhật. Không biết có phải thật thế không, nhưng ngày đó, đọc những trang viết của chị, tôi nghĩ suy như thế.
*
Tôi còn nhớ căn phòng chị ở sát chiếu nghỉ cầu thang trong tòa nhà phố Trương Hán Siêu, Hà Nội. Căn phòng nhỏ, có khuôn cửa sổ rộng. Tôi hình dung bên ô cửa sổ ấy, đêm đêm, chị đứng ngắm bầu trời bao la huyền diệu. Phải chăng chị nhớ về những cánh rừng và bầu trời chi chít những ngôi sao trong chiến tranh, nó đã khơi gợi cảm hứng chị viết truyện ngắn “Những ngôi xao xa xôi” mơ mộng thửơ nào? Khuôn cửa sổ ấy, để cách ly cuộc sống ồn ào và đa tạp, đôi khi, chị khép lại, chong đèn đọc sách hoặc viết lên trang giấy những cảm xúc nóng hổi của mình. Hình như quá nửa đêm, có tiếng vòi nước chảy tong tong vào cái bể nước tập thể luôn cạn nước ở tầng dưới. Ngày đó, nước máy sinh hoạt như một thứ xa xỉ, khan hiếm. Tiếng vòi nước chảy tong tong vào bể nước, khơi gợi một niềm vui riêng.
Tôi nhớ không nhầm, trên những mảng tường quét vôi màu vàng trống trơn của căn phòng chật hẹp của Khuê, có treo duy nhất bức ảnh chân dung Đôtx-tôi-ép ki, nhà văn Nga vĩ đại, mà thời bấy giờ ở nước ta chưa được đề cao. Bức ảnh chân dung đen trắng, nổi bật khuôn mặt võ vàng đau khổ của một bậc kiệt xuất, với những tác phẩm bất hủ, như “Chàng ngốc”, “Năm đêm trắng”, “Tội ác và trừng phạt”, “Anh em nhà Ca-ra-ma-dôp” mà chúng tôi từng chuyền tay nhau ngấu nghiến đọc. Cặp mắt u buồn của người trong ảnh, đối lập với cặp mắt mở to và rực sáng của người chủ nhân căn phòng. Lê Minh Khuê ngày ấy có thú vui sưu tập rất nhiều ảnh các nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ, họa sỹ, triết gia nổi danh thế giới mà chị yêu quý. Bây giờ, công nghệ thông tin, truyền thông quá phát triển, việc kiếm tìm tư liệu đễ dàng, thuận tiện; chứ như hơn bốn chục năm về trước, để có được hàng trăm, hàng nghìn bức ảnh chân dung tiêu biểu của nhân loại, đủ kích cỡ to nhỏ, phải nói là công lao lớn của Khuê. Cao hơn cả công lao sưu tập, là tấm lòng say mê và tôn thờ các bậc kiệt liệt của văn hóa, văn chương nghệ thuật thế giới. Lê Minh Khuê sưu tập, cắt dán vào mấy cuốn an-bum khổ to. Đã mấy lần tôi dược Khuê cho xem tập an-bum các nhân vật kiệt xuất như thế. Đấy là các tấm ảnh nghệ thuật đủ hình vóc các bậc vĩ nhân, như Sếch-xpia, Lep Tôn-xtôi, Đôx-tôi-épxki, Pu-skin, rồi Mai-a, Ê-xê-nhin… Có người râu tóc xùm xòa già nua như thi sỹ Ấn-độ R.Ta-go, lại có những tấm hình tiểu thư, mơ mộng của nữ văn sĩ Pháp F.Sa-gan. Có khuôn mặt nghiêm nghị của nhà triết học J.Paul Sartre, lại có vẻ mặt tếu nhộn của danh hài Sac-lơ. Có khuôn mặt đau khổ của danh họa Pi-cat-xô bên bức tranh “Gec-ni-ca”, lại có vẻ đẹp mơ màng, bình yên của họa sỹ Lê-vi-tan bên bức tranh “Mùa thu vàng”... Mỗi bận Lê Minh Khuê cho tôi xem bộ an-bum về các danh nhân nổi tiếng, lại một lần lòng đam mê nghệ thuật của tôi được khơi gợi và khích lệ.
Không riêng gì tôi, mà Lưu Quang Vũ và Lâm râu mỗi bận xem các tập an-bum của Khuê sưu tập, như cùng có cảm giác giống tôi. Tôi nhớ một lần xem tập an-bum này ở căn buồng nhỏ nhà Lâm râu. Lưu Quang Vũ thì bồn chồn đi lại quanh căn phòng. Còn Lâm râu ngồi bó gối, tay chống cằm, tư lự. Lê Minh Khuê khi ấy đứng khiêm nhường góc phòng, bím tóc tết sam vắt trước ngực, cặp mắt mở to, nhìn xa xăm. Chiếc máy hát chạy đĩa than vẫn chậm chãi quay. Những bức tranh như quằn quại trên tường do Vũ chép tranh của Pi-cat-xô. Có cả tranh của Nguyễn Thị Hiền với vẻ đẹp bứt dứt không bình yên. Bản nhạc không lời, phát ra từ cái máy quay đĩa cổ lỗ có treo chiếc côn xe đạp tì lên cần đĩa, tạo ra một không gian kỳ ảo.
Ngày đi học khóa 6 trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ do Hội nhà văn tổ chức ở Quảng Bá (1974), có lần Khuê đem tập an-bum đến lớp, cho một số anh em cùng xem. Ai cũng xuýt xoa về vẻ đẹp sang trọng các danh nhân choáng ngợp đó. Có nhiều người trong lớp, lần đầu tiên được chiêm ngưỡng chân dung của các bậc kiệt xuất, mà tác phẩm họ đã từng đọc. Tôi càng nể sự đam mê âm thầm sưu tập của Khuê.
Về học ngày đó, hầu hết là các cây bút ít nhiều đã có đóng góp với văn học, sống với nhau rất thoáng. Ấy nhưng có một cây bút tư duy cứng nhắc, phản ảnh lên ban giám hiệu của trường là Khuê mang chân dung nhiều nhà văn phương Tây đối lập đến lớp tuyên truyền. Nhà văn Nguyên Hồng khi ấy là hiệu phó trường, biết chuyện, ông liền xem và phải kêu lên, trời ơi, đây là những đấng bậc kiệt xuất về văn hóa, văn chương nghệ thuật của nhân loại. Tốt quá, các em hãy lấy gương các đấng bậc trong tập an-bum này làm đích phấn đấu. Nhờ nhà văn Nguyên Hồng có ý kiến kịp thời, Lê Minh Khuê cũng hết bị vướng mắc vì tập an-bum các danh nhân yêu quý của mình.
Tinh thần học tập năm ấy, ai nấy đều nghiêm túc. Những ngày nghỉ, anh em thường rủ nhau đi chơi các vùng lân cận. Dịp đó là mùa xuân. Vùng quê Kinh Bắc của tôi vốn là tháng hội hè la đà làng này sang làng kia. Mê quan họ, tôi rủ Khuê cùng Chử Văn Long và Chu Hồng Hải đạp xe về Lim xem hội. Mải nghe quan họ, chúng tôi về muộn học. Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, hiệu trưởng, biết chuyện, gọi chúng tôi lên, không phê bình, mà chỉ nhắc nhở. Khuê và Hải bảo, anh Long phải sáng tác bài thơ về quan họ, để xin lỗi thầy Sanh. Ấy rồi Chử Văn Long có viết được bài thơ hay về quan họ, đem đọc thầy Nguyễn Xuân Sanh nghe, được thầy khen. Bài thơ ấy rồi gửi in trên báo Văn Nghệ.
Khóa học đa phần nội trú. Hà Nội ngày ấy còn nghèo, chưa phát triển. Việc từ Quảng Bá về trung tâm thành phố, là cả quãng đường cách trở. Ấy vậy, hễ ăn cơm chiều xong, thường thường anh em lại nhổng vào phố chơi. Hầu hết là đến gặp gỡ anh em viết cùng lứa, hoặc đến thăm các nhà văn lớp trên. Tình cảm người viết ngày ấy rất đẹp, rất quý nhau. Từng nhóm, từng nhóm một. Có nhóm đến chơi nhà thơ Bằng Việt, nhà thơ Vũ Quần Phương. Có nhóm đến thăm nhà văn Kim Lân, nhà văn Quang Dũng. Có nhóm lại cuốc bộ tới chòi ngắm sóng của nhà thơ Phùng Quán ven Hồ Tây, vừa xem nhà thơ câu cá trộm, vừa ngâm thơ và uống rượu. Đạp xe loanh quanh phố cổ, bánh xe lăn lạo xạo trên lớp lá khô. Phố xá vào thu đậm đặc mùi hoa sữa. Tạt ngang khu chợ Đồng Xuân, ngồi ăn một bắp ngô nướng, nghe lao xao chuyện chợ búa. Rồi chúng tôi ghé vào thăm nhà thơ Tạ Vũ. Ngày ấy, Tạ Vũ còn khỏe, đang là một mẫu “nhà thơ công nhân”, dấn thân vào đời sống lao động. Gặp Khuê, nhà thơ Tạ Vũ reo lên “A, chào con sáo nhỏ của tôi!”. Chả là độ ấy, Khuê vừa có truyện ngắn “Con sáo nhỏ của tôi” in trên báo ký tên Vũ Thị Miền. Ngôi nhà ba tầng đầu phố Hàng Chiếu, sát ô Quan Chưởng của Tạ Vũ đã phơi ra cái dấu vết của đời sống đang nghèo dần. Vượt qua chiếc cầu thang xoắn dốc bằng gỗ lim đã xộc xệch, thiếu ánh sáng, là khoảng trời khoãng đãng của sân thượng luôn có cành cây lớn ngoài phố vươn lên xòe vào che mát. Ô Quan Chưởng trầm tĩnh và u mặc. Lê Minh Khuê như rất thích cái không gian này. Ở đấy, như luôn ồn ào bởi anh em viết lách tụ bạ. Họ tranh cãi về một cuốn sách mới ra. Họ đọc cho nhau những bài thơ, trang văn mới viết. Đấy là Trúc Thông, Nghiêm Đa Văn, Trúc Cương, Định Nguyễn… Có lần thấy cả nhà thơ Hoàng Cầm tay run run nâng chén rượu bé như hạt mít, để ngang mày, ngâm thơ rất hay. Có bận, thấy Thọ Vân, Đào Cảng từ Hải Phòng lên, quần áo như còn vị mặn của gió biển. Lại có lần thấy Đào Ngọc Vĩnh từ Quảng Ninh về, vừa leo cầu thang vừa ôm ngực vì đau tim, miệng lẩm nhẩm những câu thơ đắm say và trúc trắc. Đã có lần, ở giữa chừng cầu thang tối om ấy, tôi cầm tay Khuê và dừng lại, để nghe cái âm thanh ồn ào từ trên căn gác vọng xuống. Cái âm thanh hỗn tạp mà rất chân tình của đám viết lách đang say sưa cãi vã, tranh luận nghệ thuật, ngỡ như họ làm thay đổi cả thế giới bởi tuổi trẻ sôi nổi và bốc đồng của họ.
Một bận, tôi cùng Khuê đi Hải Phòng, thăm bạn bè văn chương vùng đất Cảng. Hải Phòng, những năm bảy mươi, là một miền đất sôi động. Đấy là thời của các nhà thơ tiêu biểu đất Cảng, như Thi Hoàng, Thanh Tùng, Hoàng Hưng, Đào Cảng, Nguyễn Tùng Linh, Vũ Châu Phối... đang sung sức. Khuê viết văn, nhưng mê nghe đọc thơ. Buổi gặp gỡ chân tình, ai cũng muốn đọc những bài thơ mới nhất của mình, để tặng Khuê. Những vần thơ hào sảng, hầm hập nhịp sống và đắm say. Anh em viết ở Hải Phòng độ ấy, như ai cũng ngưỡng mộ Khuê. Văn chương ngày ấy có sức ám ảnh kỳ lạ. Rồi Nguyễn Tùng Linh và tôi đưa Lê Minh Khuê thăm bến cảng. Cửa sông, những con tàu kéo cờ nước ngoài nổi còi rền rĩ xin cập bến. Khuê thích thú khi tôi phát hiện con tàu trắng mang tên một nhà văn Nga đang rẽ sóng ra khơi. Chúng tôi đưa Khuê tới thăm một công trường xây dựng, mà người bạn đương phụ trách. Công trường ngổn ngang sắt thép. Chiếc cần cẩu cao lênh khênh quay những vòng quay gấp gáp, đưa những mảng tường bê tông vào khu nhà lắp ghép. Đấy là những năm đầu của công cuộc xây dựng đất nước thời hòa bình, thống nhất. Khuê được người bạn phụ trách công trường mời lên ngồi thử trên ca-bin cần cẩu tháp cao lưng trời. Tôi thấy đuôi tóc tết sam và cặp mắt mở to, rực sáng của Khuê cứ lung linh trên nền trời đầy nắng gió. Đêm ấy, Khuê về nghỉ ở căn gác gỗ nhà Nguyễn Tùng Linh. Mẹ của Linh chu đáo đưa chiếc màn tuyn trắng để chúng tôi mắc cho Khuê ngủ. Sau một ngày đi lại, gặp gỡ mệt nhoài, Khuê nằm ngủ ngon lành trên chiếc giường giữa phòng gác lửng. Lê Minh Khuê không thể hình dung ở hai chân giường, hai kẻ làm thơ là Nguyễn Tùng Linh và tôi chong đèn ngồi đọc báo suốt đêm để canh giấc ngủ bình yên cho Khuê. Đấy là tình cảm tinh khiết, quý mến của người viết dành cho người viết, như chỉ có được ở những năm tháng ấy. Chuyện xảy ra đã hơn bốn mươi năm rồi, mà cái cảm giác trong sáng và tôn thờ ấy, như vẫn còn nguyên vẹn.
*
Nông Cống là quê ngoại, Tĩnh Gia là quê nội. Tuy cùng đất tỉnh Thanh, nhưng ngày ấy là cách trở. Ông nội ông ngoại đều là đồ nho. Tuổi thơ của Lê Minh Khuê như gắn cả vào quê ngoại. Sống trong gia cảnh không được thuận với thời cuộc, nhưng Khuê ít khi nói về mình. Cũng không ca thán, oán trách gì về cái thời cuộc ấy. Bố mẹ mất sớm, năm 1965, mười sáu tuổi, Khuê tình nguyện đi thanh niên xung phong. Chiến tranh đập vào số phận dân tộc. Lớp trẻ ngày ấy, háo hức lên đường ra trận. Những cánh rừng, những con đường nát nhừ bom đạn. Bốn năm lăn lộn trên bao tuyến đường, năm 1969, từ khu Bốn, Khuê về làm phóng viên báo Tiền Phong. Thời còn sống, nhà thơ Phan Xuân Hạt từng kể về lớp bồi dưỡng các cây bút trẻ do Trung ương Đoàn tổ chức. Vì đương là cán bộ biên tập Nhà xuất bản Thanh niên, ông có được cử về theo dõi lớp tập huấn ngắn ngày đó. Nhà thơ bất ngờ khi đọc những trang viết đầu tay của cây bút nữ ít nói trong lớp. Ông mừng, thốt lên, rồi em này sẽ thành nhà văn xuất sắc. Nữ tác giả trẻ đó, chính là Lê Minh Khuê sau này. Cũng từ đó, Khuê làm phóng viên chiến trường cho đến 1975. Từng làm việc ở Đài phát thanh giải phóng. Rồi Đài truyền hình Việt Nam. Năm 1978, về làm việc ở Nhà xuất bản Hội nhà văn. Năm 1969, bắt đầu sáng tác văn học. Truyện ngắn “Bức tranh” in trên báo Văn Nghệ, với bút danh Vũ Thị Miền. Và sau đấy, cái tên Lê Minh Khuê đã sớm đi vào ấn tượng của văn đàn. Chị là người bền bỉ, chung thủy và thành danh từ thể loại truyện ngắn. Lê Minh Khuê đã xuất bản trên mười đầu sách. Đó là “Những ngôi sao xa xôi”, 1973. “Cao điểm mùa hạ”,1978. “Đoạn kết”,1982. “Một chiều xa thành phố”,1986.. “Bi kịch nhỏ”,1993. “Tôi đã không quên”,2000. “Trong làn gió heo may”, 2000. “Màu xanh man trá”, 2003. “Những dòng sông, buổi chiều, cơn mưa”, 2003. “Một mình qua đường”, 2006. “Nhiệt đới gió mùa”, 2012. “Làn gió chảy qua”, 2016…Ngoài ra, đã được dịch và in các tập truyện ngắn ở Mỹ, Đức, Thụy Điển, Italia, Hàn Quốc. Lê Minh Khuê được giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm 1987 và 2001. Giải thưởng mang tên nhà văn Byeong-Ju Lee của Hàn Quốc, năm 2008. Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, năm 2012.
*
Truyện của Lê Minh Khuê luôn hướng về cái đẹp nội tâm của con người. Có thể phân định thời gian trong các tác phẩm của chị. Đó là hai giai đoạn: con người trong chiến tranh và con người sau chiến tranh. Ở thời đoạn trong chiến tranh, các nhân vật của Lê Minh Khuê luôn toát lên vẻ đẹp trong trẻo, khoáng đãng, cao cả của lớp người dám dâng hiến tuổi xuân cho đất nước. Đó là các cô gái thanh niên xung phong, những anh bộ đội trẻ, hồn nhiên và dũng cảm. Một lớp người lý tưởng. Đất nước tao loạn, họ sẵn sàng ra trận, chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Các truyện ngắn tiêu biểu của chị trong thời gian này, là “Những ngôi sao xa xôi”, “Cao điểm mùa hạ”… Viết về con người sau chiến tranh, thời hậu chiến, ngòi bút Lê Minh Khuê càng da diết, tỉnh táo, gọi tên những xấu xa, ti tiện, hèn hạ trong mỗi con người. Đương nhiên, chiến tranh dội lên đầu mỗi con người, tính tư hữu, ti tiện, tính toán cá nhân như bị lướt qua, không có cơ hội bộc lộ. Nhưng hòa bình, sự tranh giành quyền lợi, phân hóa giầu nghèo, lòng tham, tật xấu trần trụi phơi lộ. Nếu viết về con người trong chiến tranh, Lê Minh Khuê có phần nhuận sắc nhân vật lý tưởng, cao hơn thực tế; thì với con người sau chiến tranh, chị đã mổ xẻ, lên án cái xấu, cái ác đang lộng hành với thái độ cương quyết. Đồng tiền, quyền lực quay cuồng, đảo điên. Bi kịch con người, bi kịch xã hội chồng chéo trên mảnh đất triền miên trận mạc. Lê Minh Khuê lý giải bằng tấm lòng bao dung và trách nhiệm của nhà văn.
Trong một truyện ngắn, cái thị trấn miền núi nhỏ bé, cơ chế thị trường đang xâu xé. Hình ảnh ông thợ may phố núi chuyên may áo quần vải chàm, bất bình với dự án xây khách sạn ven hồ, nhìn ra bao hiểm họa đang tấn công thị trấn. Ông giận dữ bảo rằng “Đứa nào làm bẩn nước hồ, ông sẽ dìm xuống hồ cho chơi với cá” Khốn nỗi, cái mặt trái của cơ chế thị trường, làm sao ông chống trả được? Nó không những chỉ làm bẩn, mà còn quấy nát bét cuộc sống vốn thanh bình nơi đây. Ông thợ may cực đoan tuyên bố “Dân phố cứt trâu, dân trong bản thỉnh thoảng xuống hồ tắm có đánh rắm có ỉa vào hồ thì cũng vẫn là chất thải lành”. Chứ cái lũ văn minh kia, nó xả rác thải xuống hồ, là “giang mai, si đa”, là “chết hết cá đấy!”. Phản kháng thế, nhưng tai họa vẫn ồ ạt tấn công. Kết quả là chính con gái ông, cái con ngỗng non ngây ngô và ngơ ngác của ông đã chịu trận. Ngôn ngữ văn học giai đoạn này của Lê Minh Khuê chát chúa, thô bạo, trần trụi. Đọc xong, lại nhận cảm nỗi buồn ngậm ngùi.
Lê Minh Khuê là người biết tiên lượng con chữ, phát huy thế mạnh của truyện ngắn. Trong lời tựa cho tập truyện ngắn gần đây của Lê Minh Khuê, nhà văn Hồ Anh Thái có viết “Một tiểu thuyết gia Mỹ nói ông viết tiểu thuyết vì không có thời gian để viết truyện ngắn”. Tôi thấy điều này như đúng với Lê Minh Khuê. Với dung lượng truyện “Bi kịch nhỏ”, “Nhiệt đới gió mùa”, ở người khác, có thể kéo dài ra thành một tiểu thuyết vài trăm trang. Nhưng Lê Minh Khuê tiết chế, dồn nén thành truyện ngắn cô đọng. Truyện của Lê Minh Khuê, không có nhân vật điển hình. Nhưng tâm lý điển hình, lớp người điển hình, trong văn Lê Minh Khuê rất rõ, không lẫn được. Nhà văn là người có trách nhiệm cao nhất với nhân vật mình đẻ ra. Lê Minh Khuê như luôn đẩy số phận nhân vật của mình tới tình huống kịch cùng, với lòng yêu ghét kịch cùng. Lê Minh Khuê là người lý tưởng, cực đoan trong ý nghĩ. Mặc dù bên ngoài, chị giữ vẻ ôn hòa, dịu dàng. Cá tính, tạo ra thái độ trên trang viết của nhà văn.
Cô đơn vốn là thuộc tính của sáng tạo. Trong một lần trả lời phỏng vấn báo “Người lao động”, (ngày 8-7-2005) chị từng thốt lên “Đôi khi con người như phận cỏ”. Người cầm bút, như ai cũng có giây phút mong manh, bất an. Chán chường và thất vọng. Một xã hội khi vật chất lên ngôi, nhà văn như càng bị cô độc trước trang viết. Có lúc Lê Minh Khuê phải tự trấn an mình, viết ra cái gì có chục người đọc, là thích rồi. Nhưng chị luôn tin vào việc mình làm. Hay đó là cái nghiệp đã vận vào đời chị, với đầy vinh quang và đầy cay đắng. Chị thốt lên “Không còn ai đọc, tôi vẫn viết!” Và cuối cùng, truyện Lê Minh Khuê, vẫn ánh lên niềm tin yêu thiết tha vào con người. Con đường văn nghiệp của Lê Minh Khuê tưởng như suôn sẻ, thuận tiện, nhưng thực ra không phải thế. Văn của chị, không riêng độc giả, mà ngay trong giới viết lách, có người ca ngợi hết mực, lại có người quay mặt, không chấp nhận. Có nhiều truyện, trầy trật mấy năm, mới công bố được. Ngay tập truyện “Màu xanh man trá” của Lê Minh Khuê, từng qua mấy nhà xuất bản, không in. Mãi tới năm 2003, Nhà xuất bản Phụ nữ in ra, lập tức lại được giới phê bình ca ngợi và đông đảo độc giả đón nhận.
Trong tập “Truyện ngắn chọn lọc” của Lê Minh Khuê, in 2013, ám ảnh tôi, truyện “Một mình qua đường”. Chuyện về đời thường, nhưng lại như một tuyên ngôn về nghệ thuật. “Chả cần quan sát như người ta dặn. Có quan sát có tránh cũng chả ai tránh mình. Anh cứ học em đây này. Em cứ đi chả nhìn ai sất. Không ai dám lao vào mình đâu.” Đấy là lời nói của cô bé trong truyện, quả quyết một mình sang đường theo lối của mình. Cô bé chấp nhận trả giá.
Là người cầm bút, nếu không có lòng tin, không có thái độ, không dám đi theo lối của mình, thì sao viết được những trang sách thật mình nhất? Bao năm nay, Lê Minh Khuê bền bỉ, quyết liệt, đi theo lối của mình. Vì thế, sáng tác của Lê Minh Khuê có phong cách riêng, có chỗ đứng xứng đáng trong bạn đọc.
*
Câu chuyện về tập an-bum các danh nhân kiệt xuất của thế giới làm Lưu Quang Vũ, Lâm râu và tôi nao nức, đã lùi xa mấy chục năm. Tôi chả hỏi Lê Minh Khuê còn nhớ không, chứ tôi thì vẫn nhớ cái âm thanh cao cả, sang trọng cất lên từ chiếc máy hát cổ lỗ nhà Lâm râu. Vẫn nhớ tiếng nước chảy tong tong từ chiếc vòi nước dưới cửa sổ mở rộng căn phòng một thời Khuê ở. Và nhớ cả cái luống cỏ hoa tóc tiên cứ bừng lên sau trận mưa ở sân trường Quảng Bá năm nào…
Tháng 8-2016
V.T.T