Nếu Bùi Ngọc Tấn có "Truyện kể những năm sáu mươi" chắc chắn sẽ khác rất nhiều với “TRUYỆN KỂ NĂM 2000". Đơn giản vì tôi biết có một Bùi Ngọc Tấn khác, một thời để sống để yêu và để viết khác. Thời đó đã xa nhưng với tôi nó vẫn còn rất gần, nó vẫn chưa dứt áo trôi về quá khứ. Những năm sáu mươi thế kỷ trước. Chúng tôi, Bùi Ngọc Tấn, Nguyên Bình cũng như nhiều người yêu văn chương cùng lớp, đã là những chàng trai trẻ hồn nhiên nhiều hoài bão. Khi tôi về Hải Phòng thì Tấn đã ở đó. Anh chuyển từ một tờ báo lớn ở Hà Nội, có lẽ muốn được gần quê hương Thủy Nguyên của anh. Nguyên Bình cũng vậy. Còn tôi, 28 tuổi, rời trường viết văn Quảng Bá sau hai năm được sống trong môi trường văn chương với các thầy là những nhà văn, những học giả đỉnh cao mà từ thời trai trẻ, chúng tôi coi như những ngọn núi.
Chúng tôi yêu văn chương theo cách yêu của thế hệ mình, với những thần tượng và tên tuổi quen thuộc của nền văn thơ sáng lạn 30 – 45 và sau đó là văn nghệ kháng chiến tuy còn thưa mỏng nhưng cũng rất quyến rũ như hoa rừng Việt Bắc. Yêu thì yêu còn không biết viết như thế nào. Văn học lãng mạn huy hoàng trước cách mạng nhưng đã lỗi thời và thực sự cũng hết hấp dẫn.
Tấn và Nguyên Bình là biên tập viên, có khi là phóng viên báo Hải Phòng. Tôi được lĩnh lương của ngành thủy lợi như một người viết văn chuyên nghiệp. Một số ngành kinh tế muốn có một nhà văn “đi thực tế” ngành mình để viết. Tất nhiên là có dụng ý tuyên truyền. Thời đó và mãi đến bây giờ, dưới cái ô "tính đảng", văn chương với tuyên truyền như hình với bóng. Tấn và Nguyên Bình, một làm mảng công nghiệp, một nông nghiệp, ngoài chỉ tiêu viết cho báo nhà, cả hai đều hăm hở thức khuya dậy sớm viết văn. “Đi thực tế”, “về cơ sở” để tìm vốn sống như là một phong trào. Châu Diên (Phạm Toàn) xin ra khỏi biên chế về lao động tại nhà máy xi măng Hải phòng, cũng trọ nhà Nguyên Bình. Anh nhiều tuổi hơn chúng tôi, nhiệt huyết cũng hơn chúng tôi vì đã cả gan bỏ biên chế nhà nước, đồng nghĩa rời bỏ vú bao cấp, tự lao động để tìm hiểu tâm tư người thợ.
Chúng tôi say mê sáng tác, viết báo để có dịp đi nhiều, có nhuận bút cải thiện cảnh sống thời bao cấp khó khăn. Đứa nào cũng có một số truyện dài, truyện ngắn được in, được đọc và đương nhiên đều hào hứng tưởng rằng mình đang đặt chân vào lâu đài văn chương mong ước. Có khi còn tự hào mình là“chiến sĩ”, là tín đồ của phương pháp sáng tác được coi là tiến bộ nhất mọi thời đại là "hiện thực xã hội chủ nghĩa". Mặc dù cho tới nay, chúng tôi và có lẽ nhiều nhà văn vẫn chưa thể nuốt trôi cái món phương pháp sáng tác mà không hiểu nó như thế nào. Vào thời sôi nổi “phục vụ bằng ngòi bút”ấy, Tấn cũng như chúng tôi không như bây giờ. Chúng tôi không được đọc và cũng chưa nghĩ tới được như A. Camus năm 1957, cái chuỗi nghiệp chướng: servir - servant - asservi ( Il sert et, servant, il est asservi - nghệ thuật phục vụ và là người hầu, nó bị nô lệ hóa). Hiển nhiên đó cũng là nghiệp chướng của "nhà văn chiến sĩ". Tấn cũng hồn nhiên, cũng hăng hái, như chúng tôi, lẫn lộn tuyên truyền với văn chương, đều sướng rơn lên khi được in cái gì đó.
Có một người đã vô tình hay cố ý đánh động, kéo chúng tôi ra khỏi cơn say "phục vụ" đó, không ai khác lại là anh Hoàng Hữu Nhân, người lãnh đạo cao nhất của thành phố. Tấn quan hệ rất thân với anh Nhân vì thường cùng anh đi thăm nhà máy, xí nghiệp với tư cách nhà báo. Khi Tấn có ý định viết một cuốn tiểu thuyết mà nhân vật chính có nguyên mẫu là bí thư thành ủy, anh can ngăn. Tôi không biết anh đã nói với Tấn những gì. Nhưng với tôi, dù tôi không quen thân anh nhưng anh biết tôi vì có lời giới thiệu miệng của anh Nguyễn Đình Thi, nhờ “giúp đỡ một cây viết trẻ có triển vọng”. Một hôm anh Nhân hỏi tôi: “Anh em bên đó đối xử với cậu có tốt không?” Tôi trả lời qua loa: “Dạ, tốt ạ”. Anh nói liền: “ Hãy coi chừng, người ta cơm bưng nước rót là để nhà văn "phục vụ" họ đấy. Phải bị thiên hạ đá như quả bóng viết mới hay! Nhưng đừng tủi thân nha!”. Anh dừng lại một chút rồi nói thêm: "Bọn chính trị chúng tớ có cách để giữ ghế, không cần nhà văn bưng bê đâu. Cứ viết làm sao có tác phẩm để đời là hay rồi!” Trong đời tôi, tôi chưa được nghe bất kỳ một ông lãnh đạo to nhỏ nào nói với một nhà văn trẻ điều tâm huyết chính xác, có tầm nhìn xa trông rộng như ông "cán bộ chính trị cao cấp" ấy. Anh Nhân giỏi tiếng Pháp và có lúc tôi nghĩ: hay anh đã đọc Diễn văn Thụy Điển nổi tiếng của Albert Camus?
Có thêm Châu Diên, chúng tôi vui hơn, hay gặp nhau hơn. Nhà văn có một chức năng, đôi khi cũng là cái tật là muốn "phát biểu không ngừng" ( ý của Albert Camus). Nhu cầu trò chuyện, tán gẫu trên trời dưới đất của anh em viết trẻ luôn có và tự nhiên hình thành những nhóm bạn thường là bên ấm trà nhạt như nước ốc thời bao cấp. Cái chất humour xóc óc trong những nhận xét, đối đáp của Tấn giữa chúng tôi luôn gây ấn tượng, chưa kể những câu chuyện có khi rất dị thường dị dạng anh tha về sau những chuyến đi lấy tài liệu viết báo. Không thể phủ nhận nhu cầu có bạn viết. Cũng không thể nói nó không gây tai vạ. Nhưng cùng với Tấn, với Châu Diên, với Nguyên Bình, chúng tôi dần dần vỡ ra một số vấn đề và mỗi đứa một cách dò dẫm bước lên con đường văn chương mà chúng tôi, nhiệt huyết nhưng ngây thơ như con dê yêu tự do trong truyện ngắn của một nhà văn Pháp, chỉ nhìn thấy nội cỏ hoa rừng mà quên mất đàn sói chực chờ nham hiểm.
Châu Diên không trụ nổi lâu với thân phận “công nhân”, trở lại Hà Nội. Anh Hoàng Hữu Nhân, người lãnh đạo cởi mở, am hiểu văn chương hiếm có, cũng được triệu về Trung Ương. Hình như anh mang theo mình một cái gì lớn hơn cương vị của anh, là một quan điểm, một hiểu biết quan trọng hơn, một thái độ với văn chương mà đáng lý ra, một người ở cương vị anh cần phải có.
Anh Nhân chuyển về Hà Nội không được bao lâu thì Bùi Ngọc Tấn gặp nạn. Khi đó tôi cùng cơ quan sơ tán về An Lão. Chỉ còn lại Nguyên Bình ở lại thành phố, tiếp tục làm báo, đương nhiên “trong sự theo dõi, nghi ngờ”. Cũng chính anh và có lẽ chỉ có anh thôi mới có gan cùng chị Bích đi thăm nuôi Tấn nơi tù đày xa tắp, trong bom đạn chiến tranh. Chuyện này đã được viết lại trong cuốn tiểu thuyết của Tấn.
Vụ bắt giữ Tấn đến nay vẫn còn là một bí ẩn, ít nhất với tôi. Anh bị bắt và giam giữ gần sáu năm trời vì tội gì, mỉa mai thay, có lẽ anh cũng không biết. Vì anh thân với anh Nhân, một lãnh đạo bị thất sủng, có quan điểm cấp tiến? Vì những chuyện trà dư tửu hậu giữa các nhà văn vốn lắm lời luôn than thân trách cái phận lửng lơ giữa "văn nô", ""bồi bút" và người cầm bút tự do? Thời đó, như một câu thơ Akhmatova, "chỉ người chết mới được bình yên".
Phải chăng, như lời anh Nhân, nhà tiên tri, đây là cơ hội trăm năm một lần trong đời một nhà văn? Tấn đã bị "đá như quả bóng" trong nhà tù để có cơ may viết được một tác phẩm để đời? Phải ở tù như Dostoiewski, như Solzhenitsyn hay lưu đày như Hugo, Kundera mới viết được tuyệt tác? Trời ơi, tội tình gì mà Trời đày nhà văn hay nhà văn buộc phải sống trong hoàn cảnh khắc nghiệt đến vậy mới có tác phẩm lớn?
Nhưng sau khi hay tin Tấn bị bắt, chúng tôi hoàn toàn không nghĩ tới một cơ hội để có tác phẩm để đời của một nhà văn có tài như anh. Ngay lúc đó chỉ là một nỗi hoảng sợ trong im lặng của đàn cừu, là sự chấm dứt cái thời sôi nổi, nhiều khi ngu ngơ tưởng mình đang sống trong dân chủ và tự do "gấp triệu lần chúng nó". Nếu đó là mục đích việc đưa một nhà văn như Tấn vào tù thì cỗ máy đã thành công.
Từ đấy, cái tên Bùi Ngọc Tấn bị quên lãng, thành cái tên kiêng kỵ ngay ở Hải Phòng và cả trên văn đàn trong nhiều năm. Không khí sáng tác văn học lắng hẳn xuống, lặp lại cơn cuồng phong đã quét tan hoang thế hệ nhà văn có tài hồi Nhân Văn - Giai Phẩm. Có một sự thật phũ phàng chính Camus đã chỉ ra, "viết là nguy hiểm" và người ta luôn tìm dịp để chứng minh sự đúng đắn nhận xét của một nhà văn mà họ thâm thù.
Gặp lại Tấn sau khi anh được thả, tôi chỉ có một lời an ủi: “Tấn có tài, cầm bút lại đi không thì uổng. AQ chút chơi, hãy coi vừa qua là năm năm ngủ đông của con gấu, bút của Tấn vẫn tiềm sinh, chẳng vì thế mà cùn.” Tấn gầm lên: “ Nhưng gấu nó không phải năm năm liền đi gánh cứt tưới rau ông ơi!” Vẫn là lối nói cay đắng cố hữu của anh.
Làm ở Cửa Biển, tạp chí văn nghệ duy nhất của thành phố, hai năm tôi chờ đợi bài của ông bạn mà không thấy. Có lần gặp nhau, Tấn thổ lộ với tôi chuyện viết trở lại. Anh nói, "viết đã khó mà viết để vỗ về thằng cùm mình càng khó hơn." Tôi chỉ nói: viết về cái cùm hay gánh phân trên vai không có nghĩa là ca ngợi chúng. Cũng không phát phải để in ngay. Viết là viết vậy thôi! Tôi đoán mò:"Xem chừng viết đối với cậu còn có tác dụng giải tỏa ức chế, phòng ung thư". Tấn không còn gầm lên nữa. Chúng tôi cũng nói đến chuyện tha thứ hay trả thù đời. Văn chương không phải để trả thù, cũng không rao giảng sự tha thứ. Trả thù sẽ đẻ ra tội ác mới. Tha thứ dễ khuyến khích thói đạo đức giả. Tao phải viết thế nào về đoạn đời không còn được là người và những gánh cứt, những cái cùm ấy đây? Tấn nói thế thôi chứ anh thừa biết chính anh mới là người phải trả lời câu hỏi ấy. Tôi chỉ nhắc anh: "Dù đã có Papillon người tù khổ sai và Henri Charrière mất khi cậu còn chăn kiến trong tù nhưng đoạn đời khổ ải này của cậu là trải nghiệm vô giá và độc đáo không mấy nhà văn trên thế giới có được." Tấn từng kể tôi nghe chuyện "chăn kiến", chuyện ăn lén một con rắn mối hay một con gián ngon lành trước mặt một ông coi tù mà ông ta không hay, chuyện một người tù được thả không về nhà mà đi vào rừng treo cổ lên cành cây vì anh còn biết đi đâu khi thế giới đã sụp đổ ngày anh bị bắt oan, chuyện buộc phải chào một cô quản giáo bế con đi dạo:" chào bà bế ông đi chơi mát ạ"...những chuyện ấy không unique sao hả Tấn? Những chuyện như thế có lẽ chỉ có trên xứ này, chỉ ngôn ngữ Việt mới cho phép người ta thay đại từ nhân xưng phong một thằng bé còn ẵm ngửa lên "ông" để hạ nhục người tù, dù anh ta là một nhà văn. Đọc Henri Charrière rồi, người đọc vẫn phải đọc Tấn. Vì người ta sẽ có cảm giác được tiếp tục duyệt con đường không mấy đẹp đẽ mà nhân loại đã đi qua. Con đường ấy được treo tấm biển ghi dòng đại tự của Albert Camus: "la barbarie n'est jamais provisoire" (sự dã man không bao giờ là tạm thời).
Bạn bè ai cũng muốn giúp Tấn lấy lại cái say mê của nghiệp viết. Nhưng tôi tin những lời cổ vũ của chúng tôi chỉ là đám ruồi vo ve quanh cỗ xe ngụ ngôn La Fontaine mà thôi. Cái "yên sĩ phi lý thuần" của Tấn đang trở giấc, bao giờ nó cất đôi cánh thiên thần? Riêng tôi, tôi hồi hộp về nguồn cảm hứng viết đang chuẩn bị đốt cháy anh cũng như bất kỳ nhà văn nào. Sau chừng ấy năm bị đày ải, bị hạ nhục cả thể xác lẫn tinh thần, cảm hứng sẽ đưa anh đến đâu, anh sẽ viết như thế nào đây? Một tác phẩm nghệ thuật đích thực đưa lại Sự Thật và hứng khởi Tự do hay chỉ là một giải bày cảm xúc cay cú, hận thù dồn nén của một nạn nhân? Hay ngược lại, một bài ca triền miên của sự tha thứ không giấu nổi cao ngạo của người đưa má phải ra cho kẻ vừa tát lên má trái của mình?
Hai năm sau anh đưa tôi một tập bản thảo bảo "đọc chơi và góp ý". Đó là một phần cuốn tiểu thuyết sau này sẽ trở nên nổi tiếng và vang dội: Chuyện Kể Năm Hai Ngàn. Tôi đã đọc nó trong hai ngày ở nhà Nguyên Bình, Hà Nội, lần đó có Dạ Ngân ở miền Nam ra. Một tập giấy đánh máy vừa tay cầm, có nhiều thủ bút tự biên tập của tác giả.
Tôi sững sờ sau trang cuối cùng dù biết chắc phần còn lại của cuốn sách đang được viết tiếp còn hay hơn, lớn hơn. Dù đã có PAPILLON, nhưng cái này, hiện tượng này sẽ thuộc về nhân loại. Vì nó không được viết trong hận thù, cũng không rao giảng lòng bao dung. Mà nó cho ta Sự Thật và cảm hứng hướng về tự do, hai đĩa đặc sản của một tác phẩm văn học đích thực.
Bùi Ngọc Tấn đã thoát ra khỏi thân phận người tù, nhận lãnh sứ mệnh nhà văn để có thể viết một thiên hùng ca trong đó có cuộc diễu hành của cái ác, cái xấu xa tự nguyện hoặc bắt buộc, và niềm kiêu hãnh bất tử của con người, cuộc diễu hành bi tráng ấy, nói như Shakespear vĩ đại, có "sự trì trệ của công lý, sự hỗn xược của cường quyền, sự miệt thị của bất tài với thiên tài nhẫn nhục", có hiện diện một HẮN và BẠN TÙ, với những đồng chí CAI TÙ trông coi, cai quản và đày đọa họ như với một bầy dê, một mớ đồ vật. Và phía sau là những người đã đẩy họ vào địa ngục nhân danh luật pháp hoặc chỉ để thỏa mãn cái thú nhốt người như những ông Lan-Mặt-Ngựa. Phía sau nữa là CỖ MÁY vận hành ngon lành với tiếng cổ vũ, reo hò của đám đông, những cổ động viên vô tư của lịch sử đẫm máu.
Tôi về Phòng, đưa lại Tấn tập bản thảo, không có ý kiến gì, chỉ một lời cổ vũ ngắn gọn: "Tiếp tục đi Tấn. Cái này không chỉ cho chúng ta mà sẽ thuộc về nhân loại." Tôi chỉ nói lên điều tôi nghĩ sau khi đọc một phần cuốn sách mà tôi hy vọng sẽ rất lớn.
Mạch suối đã được khai mở với cuốn tiểu thuyết đầu tay tuy chưa được in (và chính anh cũng không tin là nó sẽ được in ra) nhưng anh và bạn bè rất vừa ý.
Và một ngày đẹp trời, nó đã được một NXB Nhà Nước khai sinh giữa thanh thiên bạch nhật. Tuy cuốn sách lỡ in (mégarde) bị nghiền thành bột giấy gần như ngay sau ngày ra đời, nhưng nó sống lại rất nhanh và kỳ diệu như con phượng hoàn trỗi dậy từ đám tro tàn. Điều kỳ diệu ấy đã được Tấn kể lại một cách trung thực trong cuốn sách cuối cùng của anh.
CHUYỆN KỂ NĂM 2000 đã chính thức ân xá và đền bù cho người tù oan Bùi Ngọc Tấn. Trước đó, anh đã được cởi bỏ xiềng xích nhưng phần hồn anh vẫn bị nhốt trong chấn song sắt vô hình của mặc cảm, ẩn ức và có thể hận thù. Vâng, dù có là Thánh đi nữa. Sau khi viết xong NÓ, anh đã thoát ra, đã vượt qua, đã bay lên khỏi mớ xiềng xích vô hình ấy để thật sự có tự do và trạng thái tinh thần thanh thản cần thiết của nhà văn.
NÓ đặt anh lên một đường ray mới, với một "yên sĩ phi lý thuần" mới. Vừa phải lận đận kiếm sống nuôi con ở nhà máy cá hộp, nơi mùi cá ươn đặc quánh có thể làm người ta phát điên, Tấn cặm cụi viết như muốn đòi lại khoản thời gian bị tước đoạt. Anh là người chăn kiến, người làm sống lại ký ức. Không phải ký ức chỉ của riêng anh mà của thời anh sống, thời chúng tôi cùng sống, đòn roi phũ phàng còn niềm thông cảm thì hiếm hoi, chậm trễ.
Không chỉ có một tiểu thuyết mà hai, ba. Không ai còn nhận ra được ngòi bút hừng hực ca ngợi người gác đèn biển Phùng Văn Bằng với thành tích tổ đội sản xuất trước đây nữa. Bây giờ là một kho tàng truyện ngắn, chuyện kể, ký ức… Không phải vì số cuốn, số trang mà vì dung lượng nó chứa chất bên trong. “Những người rách việc”. “Người chăn kiến”. Tiểu thuyết “Biển và chim bói cá”. Và cuốn sách cuối cùng, “Thời biến đổi gien”. Ôi những cái tên gợi cảm làm sao! Mất hay là được đây, Tấn ơi?
Tấn ơi, anh luôn nói chưa viết hết những gì muốn viết, chưa trả hết nợ đời. Nhưng đời cũng nợ anh nhiều lắm.
Đồng chí Napoleon của Owel hay Ông số 1 của Koesler được coi là tàn ác một cách thông minh và thông minh một một cách tàn ác vượt mọi thời đại. Tuy đồng chí ấy đã thành công cất giấu SỰ THẬT hàng mấy thập kỷ dưới hàng triệu xác người vô tội, đã đưa đi đày đến xứ băng tuyết Siberia 15 triệu ông kulak, linh hồn của nền nông nghiệp Nga, giết hai mươi hai ngàn sỹ quan Ba Lan ở Katyn mà không ai biết, không ai nhớ và kể lại được một lời.
Nhưng đồng chí Napoleon vĩ đại cũng đã từng phạm những sai lầm chết người. Đó là đã lỡ đày đọa AKHMATOVA, PASTERNAK, LÃO XÁ, bỏ tù những SOLZHENITSYN, BÙI NGỌC TẤN cùng nhiều nhà văn khác. Đó là những người có trí nhớ siêu đẳng gìn giữ ký ức và đặc biệt có tài năng thoát ra mọi ràng buộc đời thường để biến ký ức thành ngôn từ văn học. Khi nhà văn nhớ lại, thì ký ức hóa thân trong ngôn từ và có sức mạnh vô song.
08/2015
Ảnh: Cà phê Hải Phòng cùng anh Bùi Ngọc Tấn, Đỗ Minh Tuấn, Đình Kính, Trần Nhương