Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VŨ OANH THẦY THUỐC CỦA TÂM HỒN

Nguyễn Hưng Hải
Chủ nhật ngày 26 tháng 3 năm 2017 7:51 AM







Đọc tập thơ “Trắng tóc đường lau”

của Vũ Oanh ( Nxb Hội Nhà văn / 2016)

Cũng như nhà thơ Vũ Quần Phương, Vũ Oanh là một bác sỹ giỏi về trị bệnh cứu người. Là một bác sỹ nên thơ ông cũng rất nhiểu “ bắt mạch kê đơn”. Ông vừa là một “ Lương y như từ mẫu” vừa là Thầy thuốc của tâm hồn. Đọc Vũ Oanh và quen biết ông từ lâu, trân trọng một nhân cách, một tấm lòng hết mực thương yêu con người và luôn trân quý bạn bè nên tôi thật sự mừng vui khi biết ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, cách đây chừng 5-7 năm gì đó.

Càng mừng hơn khi được ông tặng tập thơ Trắng tóc đường lau (Nxb Hội Nhà văn / 2016), và cảm nhận được ở đó thật nhiều nỗi niềm trăn trở, cả những cảnh tỉnh, dự báo và ký ức của một thời trận mạc. Ông nghiêng bút về phía cội nguồn, cảm xúc cội nguồn lấp lánh một vẻ đẹp nhân cách. Thành công rõ nhất trong tập thơ này là những bài ông viết về Cố hương, viết về những người thương yêu ruột thịt, viết về chính nghề “ cứu người” của ông và những bài thơ viết về Người lính và chiến tranh cách mạng. Có cảm giác, ông quan tâm nhiều hơn, can dự nhiều hơn về thời thế và nhân thế. Khác với những tập thơ đã xuất bản trong vòng hơn 10 năm nay, ở tập thơ này, ta bắt gặp một Vũ Oanh đầy chiêm nghiệm và trải nghiệm. Ông thực sự là một người lính tiên phong đi tìm hồn người – hồn chữ.

Đã từng cứu sống bao mạng người, chứng kiến bao giây phút hiểm nghèo của người bệnh, đưa người bệnh trở về từ “cõi chết” nên thơ ông đầy nước mắt và cẩn trọng. Đạo đức và lương tâm của người thày thuốc cũng thể hiện rất rõ trong thơ ông. Cảm giác nhận được từ Trắng tóc đường lau là những thông điệp về ý thức công dân và vẻ đẹp nhân cách. Là người sống có trách nhiệm và chăm chút từng ly cho vẻ đẹp, nên thơ Vũ Oanh cũng đẹp một cách tự nhiên và chân mộc như tâm hồn ông vậy. Tôi rất thích những câu thơ, bài thơ được viết bằng ký ức của ông. Căn cước cho thơ ông được bắt nguồn từ cảm xúc cội nguồn viết về Cố hương, thơ ông đầy day dứt : Bão tố quê nhà quắt quay/ Thiên thu dáng ông vẫn vậy/ Bấy nay cháu đã về đây/ Tay lật từng trang sóng dậy.

Cố hương với ông là nước mắt, và chỉ có nước mắt mới lau sáng được : Cha bỏ bơ vơ tràn thế/ Con đi …mưa gió xứ người/ Thư con viết cho cha/ Gửi về âm phủ/ Từ ấu thơ /Và đợi mãi/ Bạc đầu… Hình ảnh người mẹ trong thơ ông luôn ấm nóng tình mẫu tử đầy thiêng liêng và ám ảnh : Đêm nhà thương/ Ngồi canh mẹ ngủ/ Căng ngang cõi người sợi dây sinh tử/ Con mẹ lòng trĩu nặng lo âu/ Lẫm chẫm mồ côi cha/ Hai thứ tóc vẫn nương nhờ bóng mẹ/ Dẫu con đã lên rừng xuống bể/ Dẫu con có làm được nhiều việc nhỏ việc to… Ý thức được như thế, để mà sống có trách nhiệm hơn cũng là một thức tỉnh về đạo lý. Nếu không biết đáp đền báo hiếu Tổ tiên, cha mẹ , thử hỏi nhân cách sẽ ra sao? Cảnh tỉnh này của Vũ Oanh, qua nhiều trải nghiệm giúp chúng ta hiểu hơn về nhân tình và đạo lý. Ký ức gọi về những năm tháng đói nghèo nhưng cũng thật nhiều tình nghĩa, níu chúng ta lại như níu mọi hồn người nơi xa xứ : Đầu mái rạ chim gù xanh ngắt/ Nơi ta sinh tiếng khóc ban đầu/ Mảnh nhau ta Người gửi vào lòng đât/ Ông bà ơi! Biết? tìm nó nơi đâu? Cảm động đến cay tê nơi sống mũi cho chúng ta ý thức rõ rầng hơn về nguồn cội : Heo hút cuối xóm quê/ Một nhà ngơ ngác Tết/ Mẹ con khóc hờ cha/ Ông bà đau queo quắt/ Cành muỗn cắm giữa nhà/ Không bánh chưng pháo Tết/ Gió xuân chợt ào qua/ Hoa tả tơi trắng đất…

Đói nghèo dễ bị coi khinh nhưng giầu sang còn bị coi khinh hơn một khi nhân tính không còn nữa.Cứa vào lòng này của Vũ Oanh để chữa trị “ lở loét” những tâm hồn “tự ruỗng”: Đau càng lớn/ Mê càng sâu/ Mê lâu rồi tỉnh/ Chỉ sợ mê rồi …tỉnh vẫn mê… Để cứu rỗi những tâm hồn không thể không gây mê, phẫu thuật. “Cuộc mổ” nào cũng đớn đau nhưng không mổ không cắt được khối u, không mổ không cứu sống được người bệnh : Lưỡi dao bén nơi người bệnh/ Ta cẩn trọng rạch qua một vết mổ dài/ Gang tấc cuộc đời/ Tấc gang đường mổ.

Đọc và ngẫm ngợi càng thấm thía hơn về lẽ đời và lẽ sống. Chớp mắt có thể làm nên lịch sử và cũng có thể chớp mắt thôi sẽ để đời “nguyền rủa”… Tấc gang sinh tử ấy, Vũ Oanh đã cứu sống bao người bệnh. Còn những câu thơ của ông có “cứu” được ai không lại là chuyện khác. Và Trắng tóc đường lau cũng như là con đường “định mệnh” vậy: Số phận con/ Vâng lời ông, theo cái nghề cứu nhân độ thế/ Ngày cầm kéo dao mổ xẻ… Đấy là “trị bệnh cứu người” còn thơ ông có là thày thuốc của tâm hồn không, thì hãy cứ để thơ ông tự nói.

Tôi rất thích tự bạch này của Vũ Oanh: Tuổi về chiều vẫn chưa tròn lời hứa /Đời lênh đênh phiêu bạt khắp chân trời/ Công việc nợ đời…/ Cật lực mà chưa xong, chưa đủ/ Những vết sẹo trên người anh mãi còn bí ẩn với em thôi.

Vậy là Vũ Oanh cũng có lần “dính đạn”, đạn từ nòng súng AK hay “ đạn bọc đường” thì cũng là “đạn” cả. May mà ông sống sót trở về, sống giữa nhiều “xác chết” vẫn không bị , không hề bị “nhiễm lây” hiểm hoạ. Có lẽ chính điều đó đã cho ông thức tỉnh, cho ông cảnh tỉnh : Mọi đường nét mẹ cha hằng quen/Chỉ mấy đường kéo dao xoá sạch/ Dung nhan con đổi khác/ Giờ con mang vẻ đẹp vong bản.

Chữa trị những tâm hồn bằng một tấm lòng và một tâm hồn đẹp như thế, dù đâu đó còn ngờ vực, còn chưa tin, nhưng với riêng tôi, thì Vũ Oanh là một bảo đảm bằng “ vàng”. Về nhân cách chỉ với hai câu thơ này : Bên kia biển trời bao cám dỗ/ Giữ trọn lòng ta với em thôi…

Trong nhiều tiếc nuối về những băng hoại, dường như Vũ Oanh luôn giữ được thanh sạch của lòng mình với nhiều nghi vấn và day trở. Đồng cảm và chia sẻ cùng ông trong nhiều băn khoăn, day dứt cũng là để gột rửa tâm hồn mình thêm thanh sạch. Ký ức gọi về những năm tháng đầy cam go thử thách, tấc gang trong sống chết và ký ức cũng đưa ta đến những chân trời, đường bay mới tươi đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Là người hay lật soi các giá trị và làm mới các câu thơ, xác lập nên những giá trị mới, Vũ Oanh có nhiều tìm tòi, phát hiện trong Trắng tóc đường lau. Đường lau trắng tóc mà vẫn tươi màu nhân ái, sức xuân vẫn đầy háo hức của mùa hoa, mùa quả, mùa của những sự đổi thay. Và đổi thay rõ nhất trong thơ ông là cách nhìn về nhân thế và thời cuộc : Ôi cố hương/ Vườn xưa/ Và cây cỏ/ Và đồng bãi, dòng sông/ Và hồn thiêng tiên tổ…/ Những gì nơi xót thương/ Thẳm sâu cõi lòng mẹ/ Nấm mồ cha bên đường/ Cỏ xanh rì bóng xế…

Trở về để ý thức rõ hơn về mình, để nhận về mình trách nhiệm cũng là tiếp thêm năng lượng để đi tiếp, Vũ Oanh trên con đường lông ngỗng trong Trắng tóc đường lau đã neo trụ lại được trong lòng bạn đọc, trong lòng người một tư thế và tâm thế của, một Lương y hết lòng vì “người bệnh” vì vẻ đẹp nhân cách và văn hoá.

Nhà sáng tác Tam Đảo 20/3/2017