Phạm Ngọc Khảnh
Vào đầu thế kỷ XVI nhà Minh nghe tin Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, đặt quan lại ngụy chiếm giữ Kinh thành, ngăn trở đường tiến cống... bèn sai Hàm Ninh hầu Cừu Loan làm Tổng đốc quân vụ, Binh bộ thượng thư Mao Bá Ôn làm tham tán quân vụ, đem quân sang đánh nước ta. Đến biên giới Mao Bá Ôn gửi điệp văn hỏi tội họ Mạc kèm theo bài thơ Vịnh Bèo, hàm ý dọa nạt và miệt thị đân tộc Việt Nam như đám bèo trôi nổi, lúc “tụ” lúc “tán”, gặp giông bão quét ra hồ, ra biển sẽ “sạch bong bong”!
Phiên âm thơ của Lưu Bá Ôn:
BÌNH THI
Tùy điền trục thủy mạo ương châm,
Đáo xứ khan lai thực bất thâm.
Không hữu căn miêu không hữu diệp
Cảm sinh chi tiết cảm sinh tâm?
Đồ tri tụ xứ ninh chi tán,
Đãn thức phù thi ná thức trầm?
Đại để trung thiên phong khi ác
Tảo quy hồ hải tiện nan tầm.
Dịch thơ:
Tràn lan ruộng nước nổi bồng bềnh,
Khắp chốn xem ra gốc bám nông.
Riêng có rễ mầm, riêng có lá,
Dám sinh cành cội, dám sinh lòng.
Tụ rồi lúc tán hay chăng tá,
Nổi đó khi chìm có biết không?
Đến lúc chiều trời giông bão nổi,
Quét ra hồ, biển sạch bong bong!
Thạch Can dịch thơ
Bài thơ họa lại thơ Vịnh Bèo của Mao Bá Ôn:
Tạm dịch: Vẩy gấm ken dày kim khó lọt
Lá cành liền rễ chẳng cần sâu
Không cho mặt nước mây lồng xuống
Há để lòng sâu nắng lọt vào
Ngàn lớp sóng cồn không phá nổi
Muôn cơn gió táp chẳng chìm đâu
Thuồng luồng tôm cá nằm trong đó
Lã Vọng không đường thả lưỡi câu
Thạch Can dịch thơ
Bá Ôn xem thơ, biết là “Nam quốc hữu nhân”, nghĩa là nước Nam còn có người tài giỏi chửa có thể đánh được, lại lui quân về. Người đời coi bài thơ có sức mạnh không kém gì “tàu bay trái phá”... sánh với áng hùng văn “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt vang động đêm nào trên sông Như Nguyệt, khiến quân Tống phải rút chạy về nước; hay những bức thư trong “Quân trung từ mệnh tập” của Nguyễn Trãi làm rã rời hồn vía Vương Thông! Cho tới nay chưa ngã ngũ tác giả của bài thơ họa này là của Ngô Miễn Thiệu hay của Giáp Hải? Muốn làm sáng tỏ điều này chúng ta phải lần tra vào sử sách, văn, bia có liên quan đến hai vị trạng nguyên. Theo báo Nam phong và tập Văn đàn bảo giám của Trần Trung Viên, tạp chí Nam phong tháng 2 năm 1925 của Nguyễn Hữu Tiến cho rằng Mạc Đang Dung sai Trạng Nguyên Giáp Hải họa bài thơ đó. Theo “Các nhà khoa bảng VN, NXB Văn học Hà Nội 1993” lại ghi như sau: “Ngô Miễn Thiệu (1499-?) người xã Tam Sơn, huyện Đông Ngàn, nay là thôn Tam Sơn, xã Tam Sơn, huyện Tiên Sơn tỉnh Hà Bắc. 20 tuổi đỗ Đệ nhất giáp tiến sỹ cập đệ đệ nhất danh (trạng nguyên), khoa Mậu Dần niên hiệu Quang Thiệu 3 (1518) đời Lê Chiêu Tông. làm quan nhà Mạc đến chức Lại bộ thượng thư kiêm Đô ngự sử, Chương Hàn lâm viện sự, Nhập thị kinh diên, tước Lý Khê bá, ông từng được Mạc Đăng Dung triệu vời để họa bài thơ Vịnh Bèo của Mao Bá Ôn nhà Minh (1534), sau đó ở lại làm quan triều Mạc...” “Giác Hải (1507-1586), người xã Dĩnh Kế, huyện Phương Nhân, nay thuộc xã Dĩnh Trì, huyện Lạng Giang, tỉnh Hà Bắc. 32 tuổi đỗ Đệ nhất giáp tiến sỹ cập đệ đệ nhất danh (trạng nguyên) khoa Mậu Tuất, niên hiệp Đại Chính 9 (1538) đời Mạc Đăng Doanh. Từng đi sứ nhà Minh. Làm quan trải Lục bộ thượng thư kiêm Đông các, Nhập thị diên, Thái bảo, tước Sách quốc công, về trí sỹ. Thọ 79 tuổi.” Khi Giáp Hải mất Bảng nhãn Đỗ Uông (1523-?), có bài văn tế ca ngợi thân thế sự nghiệp của ông. Phần nói về sự nghiệp văn thơ cũng chỉ vẻn vẹn một câu: “Nhớ lại các bài thơ, toàn là những phẩm đề tuyệt tác” thôi, không hề nói gì đến bài thơ Vịnh Bèo... Nếu đối chiếu với thời gian, năm 1534, nhà Minh dập rình xâm chiếm nước ta, Mao Bá Ôn dọa nạt bằng bài thơ Vịnh Bèo; lúc này Ngô Miễn Thiệu đã là Trạng nguyên từ năm 1518 lại đã là một học sỹ, đại thần nhà Lê về ở ẩn, Giáp Hải còn đang “lôi thôi sỹ tử”, mãi đến năm 1538 mới đỗ Trạng nguyên; lúc ấy vua nhà Mạc phải tìm đến Trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu chứ khó có thể tìm người chưa đỗ đạt gì như Giáp Hải. Việc này “Phả hệ dòng họ Ngô Tam Sơn” còn ghi: Lúc đất nước lâm nguy, Mạc Đăng Dung rất sợ hãi “bèn sai sứ đem lễ vật về Tam Sơn, mời quan trạng lên Kinh bàn việc nước”. Nhận được “lời mời”, Ngô Miễn Thiệu băn khoăn: ralúc này với nhà Mạc khác nào “cứu cái tôi nghịch thần”, nhưng ông đã đặt vận nước lên trên, hiểu chữ trung theo một tầm cao rộng lớn... Vào triều, Mạc Đăng Dung nói: “Nay việc nước như thế, nên làm thế nào?”. Chỉ trong giây lát, Ngô Miễn Thiệu thảo xong bản điệp văn và làm bài thơ họa lại bài Vịnh Bèo của Mao Bá Ôn; không ngồi, ông đứng mà đọc. Triều thần theo đó mà chép... Đương thời trong triều nhà Mạc có câu: “Lập thi thoái lộ” – đứng làm thơ mà lui được giặc, để ca ngợi tài Trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu. Ghi lại công lao ấy của quan Trạng, ở cột đồng trụ trước từ đường họ Ngô Tam Sơn có câu: Bắc quốc ban sư huy hào điện nhất thời vũ trụ - Nước Bắc lui quân vẫy bút vững một thời bờ cõi. Theo Bộ Thi Lâm của Tàu thì chỉ thấy ghi (bài thơ họa thơ Vịnh Bèo) là của một người Giao Chỉ chứ không nói rõ là của ai. Vậy sự sai lạc từ Trần Trung Viên, Nguyễn Hữu Tiến trên kia đến một số tác giả sau này do đâu, hay chỉ là suy luận... Việc đưa tác phẩm họa thơ Vịnh Bèo có tầm cỡ ấy về đúng tác giả của nó là nghĩa vụ của hậu thế. Cũng chỉ dám mạo muội xới xáo đôi dòng; nhưng thâm tâm thì tôi tin bài họa thơ Vịnh Bèo ấy là của quan Trạng Tam Sơn Ngô Miễn Thiệu.