Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán từng bảo rằng có lẽ giọng ca nhạc 'vàng' của Hà Nội từ những năm 60 thế kỷ trước giờ chỉ còn sót lại ông Lộc Vàng mà thôi
Ông tên thật là Nguyễn Văn Lộc. Vì ông mê nhạc “vàng” và có giọng ca trữ tình đúng chất dòng nhạc này nên nhiều khán giả Hà Nội và anh em văn nghệ sĩ thường gọi ông là Lộc Vàng. Trước khi tìm gặp ông, tôi đã được biết tiếng quán cà phê Lộc Vàng nằm ven hồ Tây, nơi giới văn nghệ sĩ khắp trong nam ngoài bắc vẫn thường xuyên ghé qua và thu hút khá đông khán giả yêu mến giọng hát của ông.Cuối thập niên 1930, đầu thập niên 1940, đánh dấu sự hình thành của nền tân nhạc tại miền Bắc. Từ khoảng thời gian này đã xuất hiện dòng nhạc mang màu sắc trữ tình, thường mang chủ đề tình yêu, trong đó có nhiều tên tuổi nhạc sĩ nổi bật như Đoàn Chuẩn, Văn Cao, Nguyễn Văn Thương, Dương Thiệu Tước, Phạm Duy… Dòng nhạc này vào những năm 1950 - 1960 ở miền Bắc hay được gọi là nhạc “vàng”. “Hồi ấy, người Hà Nội rất thích nghe dòng nhạc này, bởi hầu hết đó đều là những bản nhạc trữ tình về tình yêu, cuộc sống”, ông Lộc Vàng nhớ lại. Cho đến năm 1954, thủ đô được giải phóng, tinh thần chiến đấu được đề cao trong âm nhạc, nhạc “vàng” bỗng bị ghẻ lạnh, hắt hủi.
Ông Lộc Vàng kể, dù biết là không được phép hát nhạc “vàng”, nhưng vì mê quá nên cứ tối tối ông và bạn bè lại ngồi trong nhà hát những ca khúc yêu thích. “Chúng tôi mỗi người làm một công việc, tôi thì lái xe cho công ty vận tải. Hồi đó, ai cũng nghèo, nhưng mọi người dành dụm tiền mua gói chè, bao thuốc để ngồi hát với nhau thâu đêm”, ông Lộc Vàng nhớ lại. Năm 1968 là ngã rẽ cuộc đời của ông Lộc Vàng, nhóm nhạc của ông bị bắt. Ông kể bị kết tội vì hát nhạc “vàng”, trong đó có bài Chuyển bến của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Hồi ấy, vì biết Lộc Vàng mê nhạc và quý giọng hát của ông nên nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã tặng ông một số ca khúc của mình. Giữ trong lòng tình cảm với người anh Đoàn Chuẩn, đến lúc bị bắt, ông Lộc Vàng nhất quyết không chịu khai tên tác giả của ca khúc đã hát.
8 năm sau, năm 1976, ông được trả tự do. “Tôi sướng quá, đi bộ đường rừng 30 km từ trại giam ra đến TX.Lào Cai. Lúc ra đến ga Lào Cai, trời đã sẩm tối, tôi ngớ người ra vì các quán cà phê, hàng nước ở đó đều mở băng cối nhạc “vàng” do người miền Nam hát. Tôi vào quán ngồi mà không dám ngồi cạnh cái đài vì trước đây cũng vì hát những bản nhạc này mà tôi bị tù. Ra đến Hà Nội thấy ngạc nhiên vô cùng vì quán cà phê nào cũng mở dòng nhạc này”, ông nhớ lại. Tuy vậy, dòng nhạc này chỉ thực sự được nhìn nhận đúng giá trị bắt đầu từ năm 1987, khi có chính sách khôi phục lại các tác phẩm văn học nghệ thuật trước năm 1954 và được gọi là nhạc tiền chiến.
Mỗi lần nhắc đến người vợ quá cố, ông Lộc Vàng đều rơm rớm nước mắt vì thương bà. “Có những ngày nhìn trời mưa, tôi lại nhớ bà ấy. Khi biểu diễn những ca khúc mà bà ấy thích tôi cũng lại nhớ bà”, ông nói. Ông kể, khi nhạc “vàng” đã được khôi phục, ông được mời đi hát. Cứ mỗi lần như vậy vợ ông lại đưa cả con đi theo. Người bạn của Lộc Vàng mới hỏi: “Trời mưa gió rét mướt thế này, mày bế con đi làm gì, ở nhà nghe thằng Lộc hát suốt rồi không biết chán à? Nó có giai gái gì đâu mà theo nó?”. Vợ ông bảo: “Anh ạ, không phải em đi theo để nghe nhà em hát đâu, mà sợ chẳng may nhà em bị bắt một lần nữa thì em còn biết đường đi tiếp tế”.
Bán nhà vì yêu nhạc
Sau năm 1987, người ta hát nhạc tiền chiến ở khắp nơi, trong quán cà phê, trong các chương trình ca nhạc. Ngay như tại “ngôi nhà” của giới văn nghệ sĩ số 51 Trần Hưng Đạo, chương trình biểu diễn ca khúc trữ tình cũng được tổ chức thường xuyên. Nghệ sĩ Khắc Huề - người chỉ đạo nghệ thuật chương trình đã tìm ông Lộc Vàng - lúc đó đã là giọng ca quen thuộc ở nhiều quán cà phê để mời hát. Ông Lộc cho biết dù vậy ông không đi hát để kiếm tiền, ông làm đủ thứ việc từ bán bánh mì, quét vôi, thầu xây dựng... để nuôi gia đình. Ông hát chỉ vì thích được hát cho mọi người nghe.
Có lần, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đến nghe chương trình có Lộc Vàng hát. Lúc kết thúc phần biểu diễn, nhạc sĩ lên tặng hoa, ôm lấy Lộc Vàng đôi chân như khuỵu xuống. Ngày hôm sau gặp lại, Đoàn Chuẩn mới nói: “Hôm qua anh sướng lắm! Chú có biết vì sao không? Anh đã cho chú mấy bài hát nhưng chú không khai. Điều đó anh rất quý, rất trân trọng chú. Không giá trị nào bằng tiếng hát của chú vang lên bản nhạc của anh”.
Ông Lộc Vàng giờ đã ở tuổi 72, nhưng vẫn giữ nguyên nét hào hoa, phong nhã của chàng trai Hà Nội. Cách đây 8 năm, ông mở một quán cà phê ở ven hồ Tây. “Mục đích của tôi là để giữ gìn dòng nhạc này”, ông Lộc Vàng tâm sự. Ông vay mượn khắp nơi để mở quán, nhưng vì chỉ biết hát mà không biết làm kinh doanh, nên quán bị lỗ. Sau này ông phải bán ngôi nhà ở Kim Mã để trả nợ, rồi mua căn nhà nhỏ hơn để ở. Rồi cứ thế, ông phải bán hết nhà đi để bù lỗ cho quán, đến giờ ông không còn ngôi nhà nào để bán nữa. Ông bảo giờ ở luôn tại quán. Chỗ ngủ của ông trên căn gác xép nhỏ, ngay cạnh bàn thờ gia tiên và người vợ đã khuất.