Trang chủ » Tin văn và...

ĐẦU XUÂN LÊN CÕI THIỀN YÊN TỬ

Trần Nhương
Chủ nhật ngày 21 tháng 2 năm 2010 9:35 PM


Ông bạn Kim Quốc Hoa, TBT báo Người cao tuổi rủ vợ chồng tôi cùng mấy gia đình đi Yên Tử. Năm 2010 này tôi mới được đến Yên Tử, như vậy là sau Cụ Tổ Trần Nhân Tông tới 711 năm. Hôm Hội nghị quảng bá văn học đầu tháng 1-2010 tôi mới lên đến chùa Hoa Yên chứ chưa lên được chùa Đồng. Theo tài liệu của mấy trang mạng Phật giáo thì lý do Vua Trần Nhân Tông chọn Yên Tử là nơi tu hành vì:
Sau hơn một năm truyền ngôi cho con là Trần Anh Tông, vào tháng 7 năm Giáp Ngọ (1294), Thượng hoàng Trần Nhân Tông xuất gia tại hành cung Vũ Lâm (Ninh Hải – Hoa Lư – Ninh Bình). Sự kiện này[1] đã được ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư. Nhưng đến tháng 7 năm Kỷ Hợi (1299), Thượng hoàng lại rời hành cung Vũ Lâm về Yên Tử tu hành 10 năm rồi viên tịch ở đây (1308).
 
Vì sao Thượng hoàng Trần Nhân Tông không ở lại Vũ Lâm hay lựa chọn một nơi nào khác trên đất nước Đại Việt mà lại chọn Yên Tử để tu hành?
 
Về sự kiện này, Hải Lượng Thiền sư – người tự coi mình là “đệ tứ Tổ Trúc Lâm” ở thế kỷ XVIII, cho rằng: “Người ta thấy Điều ngự Đệ nhất Tổ đến chùa Hoa Yên thì bảo Ngài xuất gia. Ta biết rằng Đức Ngài lúc bấy giờ biết xem thiên hạ là công, trong nước vô sự, nhưng ở phía Bắc vẫn có nước láng giềng mạnh mẽ, sợ người ta dao động cho nên nhằm được ngọn núi Yên Tử là cao nhất, phía đông nhìn về Yên Quảng, phía bắc liếc sang hai tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, dựng lên ngôi chùa, thường thường dạo chơi để xem động tĩnh để ngừa cái mối lo nước ngoài xâm phạm”. Một số học giả thời nay đã hết sức tán đồng kiến giải trên của Hải Lượng Thiền sư.
  Yên Tử đầu xuân đông nghìn nghịt khách viếng thăm. Bãi để xe có đến hàng ngàn xe ô tô, còn xe máy thì vô kể. Khách trong Nam ngoài Bắc đủ các vùng miền đến với cõi thiền. Có lẽ vì: Ai ơi trong kiếp tu hành, chưa đến Yên Tử chưa thành chân tu...
 Chụp mấy kiểu ảnh nhân chuyến về với cõi thiền Yên Tử đầu năm Canh Dần.
 

 
 Cáp treo
 Trước ảnh tượng Phật tổ Trần Nhân Tông sắp dựng tại Yên Tử (cao 9m9 nặng tới 100 tấn, tượng bằng đồng)
 Phụ tử nhà Trần Đông Phú
 Lên cõi Thiền
 Mái chùa Đồng gài đầy tiền lẻ
Đường lên Chùa Đồng 
 Thăm Thiền viện Trúc Lâm
 
Vị La Hán tại Thiền viện Trúc Lâm. Vị này khoái ngoáy tai có lẽ Ngài nghe nhiều chuyện thị phi quá nên cứ phải ngoáy tai...
 
Thêm bài thơ bình
Sau khi bài về Yên Tử đưa lên, chỉ sau vài giờ luật sư Nguyễn Minh Tâm từ Sài Gòn đã tức cảnh bài thơ vịnh tượng La Hán. Xin đưa ngay để bạn đọc thưởng thức
 
VỊNH TƯỢNG LA HÁN NGOÁY TAI

Tay Cụ ngoáy, miệng Cụ cười
Phải chăng Cụ nói với người thế gian :
- Ta nghe mãi cũng thấy nhàm
Chúng sinh chỉ NÓI không LÀM, ngứa tai
Bao giờ đạt được cả hai
Thì Ta đình chỉ ngoáy tai tức thì

   Nguyễn Minh Tâm