Trang chủ » Tin văn và...

CÂU NÓI HAY NHẤT ĐẦU NĂM DẦN

PGS.TS Phạm Duy Nghĩa
Thứ hai ngày 15 tháng 2 năm 2010 8:34 PM



Nếu sự giám sát của nhân dân kém khắt khe, miếng bánh phúc lợi tích lũy từ tăng trưởng trong những năm tới có nguy cơ rơi phần đáng kể vào tay người có thế lực
 
Đến ngày thiên hạ của công
 
TTXuân - Trên khu lăng mộ Tôn Trung Sơn ở Nam Kinh có bốn chữ lớn “Thiên hạ của công”. Một thời ở nước ấy có những thiên tử xem mọi thứ ở hạ giới đều là của riêng mình, cho nên cuộc cách mạng Tân Hợi mới mơ rằng quyền lực cần được trả về cho nhân dân. Từ ngày ấy đến nay gần một thế kỷ đã trôi qua, chính quyền ở nhiều nước đều xưng danh của nhân dân.
 
Nếu sự giám sát của nhân dân kém khắt khe, miếng bánh phúc lợi tích lũy từ tăng trưởng trong những năm tới có nguy cơ rơi phần đáng kể vào tay người có thế lực. 

Song trên thực tế, tổ chức một chính quyền mạnh mẽ và chịu trách nhiệm trước nhân dân ở đâu cũng luôn khó. Thách thức ấy lớn dần khi một xứ thuần nông như nước ta vươn lên thành một quốc gia công nghiệp với thu nhập của người dân ở mức trung bình trong mươi năm nữa.
Dù đã tiến xa trong cải cách hành chính, song trong bảng xếp hạng về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của chính quyền đối với dân chúng ở 200 quốc gia, do một nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới tiến hành, vị trí của nước ta còn chậm được cải thiện trong hơn 10 năm qua. Vay nợ nước ngoài và đầu tư của Nhà nước chưa được kiểm soát tốt, doanh nghiệp quốc doanh tiêu tốn vốn mà ích lợi chưa cao, quan chức ít phải chịu trách nhiệm cá nhân cho những chính sách đôi khi thiếu hợp lý của mình.
“Không sợ nghèo, chỉ sợ chia không đều”, nếu sự giám sát của nhân dân kém khắt khe, miếng bánh phúc lợi tích lũy từ tăng trưởng trong những năm tới có nguy cơ rơi phần đáng kể vào tay người có thế lực. Mất công bằng thì an ninh, đại đoàn kết khó được bảo đảm.
Người cầm quyền bởi đâu mà có những đặc ân. Không còn là con vua, con chúa, quyền lực ấy có cội nguồn từ sự ủy trị của nhân dân. Tuy vậy, tiếng dân thường thì xa mà tiếng người đỡ đầu giúp quan chức có được quyền và giữ được chức thì gần. Nếu thiếu sự giám sát hiệu quả, một ngày kia thiên hạ của công bỗng lùi trở lại thành của những nhóm người. Đất đai, tài nguyên rừng biển, nguồn tín dụng và đầu tư công... có nguy cơ bị các nhóm lợi ích hành xử như của riêng nhà mình.
Bởi thế, mười năm nữa tiếp tục hối thúc công nghiệp hóa và khuyến khích làm giàu chính đáng, song không thể lãng quên xây dựng những thể chế giúp người dân thực thi quyền làm chủ. Nếu thiếu sự ủy trị từ nơi dân ấy thì chính quyền thiếu sự chính danh. Nếu thiếu chính danh, dù có cồng kềnh bộ máy song chính quyền khó có thể mạnh.
Việc ép buộc phải minh bạch và ép chịu trách nhiệm giải trình có thể sẽ làm vướng víu gây khó chịu cho người cầm quyền, song sự vướng víu ấy lại là cách hay nhất làm cho chính quyền trở nên hiệu năng, tránh được những quyết sách tùy tiện và giúp thải loại được cả những con người không dám quyết, không dám chịu trách nhiệm trong bộ máy nhà nước.
Trở thành một nước có thu nhập trung bình là một mức phấn đấu. Cùng với đích ấy phải có những thiết chế ủy trị giúp người dân Việt Nam có năng lực và cơ hội xây lấy một chính quyền mạnh mẽ và dám chịu trách nhiệm cho dân tộc mình. Làm được điều ấy trong mười năm tới, tài sản của nhân dân ngày càng riêng song quyền lực trong xã hội cần phải giữ chặt làm của công. Khi ấy, chúng ta gần hơn với một nhà nước vì dân.
PGS.TS PHẠM DUY NGHĨA (Đại học Quốc gia Hà Nội):

Nguồn: Tuổi trẻ Xuân:
 
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=363743&ChannelID=87