Trang chủ » Tin văn và...

CHUYỆN LẠ QUANH HỒ GƯƠM

Đinh Quang Tỉnh, BTV Thanh Nhàn
Thứ sáu ngày 19 tháng 2 năm 2010 8:19 PM
 
Dự Tất Niên ở Trung Tâm Văn Hóa - Ngôn ngữ Đông Tây, Nhà giáo Phạm Toàn chỉ vào trán tôi, anh nói: Cuối đời Cậu khá đấy, nhưng chỉ tài năng thì không thành đâu. Ông Trời cho đấy - phải nhớ mà tạ ơn! (ý anh nhắc đến Triển lãm tranh chân dung “Bản diện Kim cương Bất hoại” của tôi tổ chức tháng 11/2009). Về nhà, tôi đâm ra ngẫm ngợi. Cúng Giao thừa, tôi dâng một đĩa tiền mới đặt ngay ngắn bên cạnh mâm cỗ chay. Khói nhang nghi ngút. Tôi cung kính khấn vái tạ ơn Trời Phật đã phù hộ độ trì cho tôi. Thế rồi, mấy ngày tết tôi không ra khỏi nhà, mồng 2 tết khai bút, vẽ chân dung GS. Huệ Chi (anh ruột PGS. Du Chi - bạn thân của tôi đã quá cố). Dựng xong hình và lên màu, đã thấy đôi mắt rất Huệ Chi. Bà xã rót thêm rượu vào ly, nàng nhắc khéo, “Ông đau tay, để mấy bữa nữa ấm áp lên hãy vẽ tiếp”. với lại tôi cũng hết hứng, nên lụi hụi rửa bút, lấy vải ủ màu rồi cất tranh lên gác…Chén rượu bà xã mới rót thêm vẫn còn nguyên bên giá vẽ.
Mồng 5 tết, sáng đi qua Gò Đống Đa vẫn còn vắng vẻ, chắc trời rét nên Hội mở muộn. Chúng tôi đến quán bún riêu bà Điếc ở Nhà thờ Hàng Bột chúc tết và ăn mở hàng, rồi đi vòng Bờ Hồ “Du Xuân”.
Điểm đến đầu tiên là Bưu điện Bờ Hồ. Một cổng chào rực rỡ màu đỏ vàng với khẩu hiệu “Toàn Đảng Toàn Dân Toàn Quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi, nhiệm vụ KT – XH năm 2010”, mọi người thi nhau đọc và “luận”,khẩu hiệu kêu gọi mà như là đánh đố thiên hạ. Cuối cùng, có người đã nhấc điện thoại hỏi 1080 mới hay từ viết tắt là KINH TẾ - XÃ HỘI, suýt nữa lại tưởng là KĨ THUẬT XÔNG HƠI.!
Chúng tôi đến thăm bà cụ bán nước chè chén ở dưới bụi tre Bên Hồ - nhân vật trong bài ký “Những điều có thể bạn chưa biết về Hồ Gươm”, ngắm nhìn các cô gái làng hoa đang khéo léo kết hoa tươi trên một Khung tranh mùa Xuân. Tôi nâng máy ảnh lên định ghi lại khoảng khắc tuyệt vời rực rỡ sắc màu ấy, thì than ôi, một tấm biển “Nhà Vệ sinh công cộng WC” chỉ thẳng vào bồn hoa này! Bờ Hồ mênh mông, bát ngát thiếu gì nơi bày hoa mà lại chọn đúng chỗ có tấm biển cố định chỉ nơi “thải chất uế tạp” này?
Chán quá, chúng tôi rủ nhau về Thủy Tọa uống Café cho đỡ bức bối trong lòng, ngắm phố Lê Thái Tổ, ngắm những tòa nhà nguy nga nằm hiên ngang bên cạnh nhà vệ sinh công cộng - công trình Nhà vệ sinh công cộng xây ngầm duy nhất ở Hà Nội hiện nay. Bỗng chúng tôi nhìn thấy một tấm biển bé tí, treo tòong teeng ngay bên cạnh nhà vệ sinh với nội dung “vô cùng văn hóa”: “T. Ư. H. N .C. T Việt Nam (có lẽ là Trung ương hội Người cao tuổi Việt Nam) VĂN PHÒNG TRUNG TÂM THƠ CA TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM. Câu lạc bộ thơ ca Hồ Gươm Hà Nội Việt Nam”…… Văn phòng tiếng tăm oách như thế mà như nhỏ nhoi, lạc lõng núp sau cái nhà vệ sinh công cộng quá dư thưa sự ngạo nghễ. Thật là nghịch cảnh!
Tôi bỗng nghĩ: Hà Nội Ngàn năm văn vật! Sao các cụ không “VẬT” chết cha chúng nó đi để cho Hà Nội thanh tao, trong lành hơn?
Chúng tôi đều buông ly café, rồi rủ nhau về phố Mã Mây ăn thịt Bò khô cho đủ vị chua, cay, mặn, ngọt của một cửa hàng “Nộm Tàu Lai” còn sót lại.
Trên đường về, chúng tôi ghé thăm Chợ Âm phủ, nơi đây từng là nơi an nghỉ của rất nhiều người đã hy sinh anh dũng để bảo vệ Thủ Đô. Tấm lòng và trách nhiệm của người Hà Nội hôm nay đã đước thể hiện bằng việc “trả lại” quá khứ một con phố mới đẹp đẽ, khang trang thay cho cái chợ tạm chuyên bán thịt chó ngay giữa Thủ đô Ngàn năm Văn hiến, như để nhớ lại những nấm mồ và những hàng cây Xà cừ nghiêng mình buông bóng mát, đã ngự trị trong tâm trí người dân mấy chục năm qua, bỗng nhiên biến mất trong cơn lốc Thị trường. Một con phố độc đáo, phồ mà không cửa hàng, không cửa hiệu, không bon chen buôn bán lọc lừa - mà chỉ đơn côi một bóng Bồ đề che râm mát những bát nhang hiu quạnh. Ôi! Hà Nội vẫn còn nơi thuần khiết và tâm linh đến mộng mị.
Rồi hình như chúng tôi được “phù hộ “
Đến ngã tư Quang Trung -Trần Quốc Toản, chúng tôi như bắt được vàng. Ấy là, Hà Nội từ thời Lê, khu Kẻ Chợ 36 phố phường tập trung ở quanh trục đường phố chính Hàng Giầy, Hàng Đào. Duy có phố Hàng Kèn tách riêng ở phía nam Hồ Gươm. Phố này thuộc thôn Hồi Mỹ, gần đoạn đường dốc có một cây thị cổ thụ, nên thành tên Dốc Hàng Kèn cây thị, nay là đoạn phố Trần Quốc Toản, từ đường Bà Triệu đến trường phổ thông Quang Trung, thời thuộc Pháp gọi là trường Hàng Kèn. Phố này có một phường kèn trống bát âm chuyên phục vụ các đám rước thần và đám ma. Bất chợt chúng tôi nhìn thấy tấm biển gắn trên cánh cửa trạm biến thế Phố Trần Quốc Toản, còn dấu ấn của tên phố xưa: “Trạm Biến áp HÀNG KÈN” – Một tấm biển xưa như lịch sử.
Chúng tôi vui quá, bao nỗi bức bối bỗng tan biến, bình yên và hạnh phúc dâng tràn…
 
WC và hoa
Hà Nội lưu giữ truyền thống