Trang chủ » Tin văn và...

ÁNH MẮT DÂN CÀY

GS Tương lai
Thứ năm ngày 18 tháng 2 năm 2010 10:25 PM
 
...Về chuyện này, xin kể lại một kỷ niệm. Về chuyện bản báo cáo “Khảo sát xã hội học tại Thái Bình” cũng lắm gian truân, nhưng xin chỉ kể một chuyện.
Hôm ấy, đồng chí Phạm Văn Đồng cho gọi tôi lên để trình bày về bản báo cáo ấy. Cố gắng hết sức kiệm lời, vì biết người nghe sẽ hết sức chăm chú song không có nhiều thời gian. “Thưa anh, theo chúng tôi, chẳng có địch phá hoại nào trong chuyện này cả, đây chỉ là mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân”. Đang trong “trớn” trình bày, cứ nghĩ là như vậy cũng đã đủ “thẳng thắn”, vì với đồng chí Phạm Văn Đồng, trong câu chuyện giữa hai thầy trò, chúng tôi trao đổi rất thoải mái không phải kiêng dè bất cứ điều gì, bỗng tôi thấy ông khe khẽ gõ tay trên mặt bàn: “Nào anh bạn, anh nói lại câu vừa rồi đi”.
Tôi dừng lại, liếc vội về phía anh Nguyễn Tiến Năng ngồi ghi chép ở đầu chiếc bàn dài đặt khá xa bàn uống nước mà đồng chí Phạm Văn Đồng và tôi ngồi, anh Năng cười hất đầu ra hiệu “nói đi”. “Vâng thưa anh, theo tôi nghĩ, trong chuyện Thái Bình, chẳng có địch phá hoại nào cả, mà chỉ là mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân”.
Phạm Văn Đồng cười sảng khoái rồi bất thần hỏi tôi: “Này, anh Tương Lai, với tôi mà anh vẫn còn phải sợ à?” Ông thôi không cười nữa và dằn giọng: “Không có mâu thuẫn nội bộ nhân dân nào cả. Phải nói rõ đây là mâu thuẫn giữa một bên là những người cầm quyền hư hỏng, thoái hoá, biến chất và một bên là nhân dân chống lại sự hư hỏng đó. Phải nói như vậy, phân tích như vậy thì mới tìm ra giải pháp đúng được”.
Tôi hiểu ý của ông, hiểu sự xót xa, giằng xé trong tư tưởng của ông khi ông nói lên những điều đó. Bởi vì rồi sau đó không lâu, trong bài viết cuối cùng trên báo Nhân Dân, ông nghiêm khắc cảnh báo: “Nhiều người có chức có quyền trong hệ thống tổ chức của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể quần chúng hư hỏng quá, thoái hoá, biến chất, chạy theo chức quyền, tiền, danh và lợi, những người ấy đang làm cho một bộ phận không nhỏ trong nhân dân ta ngày càng giảm lòng tin vào Đảng, đưa đến tình hình nguy kịch không thể coi thường” .
Cũng về chuyện báo cáo Thái Bình ấy, tôi có dịp được báo cáo với đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi thưa với ông về câu chuyện cảm động và lý thú với đồng chí Phạm Văn Đồng và bổ sung bằng những bức ảnh sống động mà chúng tôi chụp tại Thái Bình dạo ấy. Trong ấy có một bức mà tôi thưa với đại tướng là bức ảnh có ý nghĩa nhất trong đời làm xã hội học của chúng tôi.
Duyên do là, khi được báo cáo là tại xã An Ninh huyện Quỳnh Phụ, “bọn phản động” đã đập tượng Bác Hồ trong đêm đập phá trụ sở uỷ ban nhân dân xã, có đồng chí lãnh đạo đã tỏ ra rất bức xúc. Khi đến hiện trường, chúng tôi thấy một tượng Bác bằng thạch cao bị vỡ đặt nằm dưới gầm bàn làm việc tại trụ sở uỷ ban xã, nhưng ngay sát mặt bàn, lại có cái bục cao, trên đó vẫn có một tượng Bác được đặt nghiêm chỉnh. Hỏi vị chủ tịch uỷ ban xã thì được trả lời là: “Chỉ tượng Bác đặt trên mặt bàn bị đập vỡ thôi, còn tượng đặt trên bệ cao thì “chúng” chưa kịp đập”. Thế một phòng họp lại có đến hai tượng Bác Hồ cơ à, câu hỏi ấy được trả lời là “Vâng, để cho nó thêm trang trọng ạ!” Chúng tôi chụp ảnh cả bức tượng vỡ nằm dưới gầm bàn và toàn cảnh phòng họp đang có bức tượng Bác đặt trên bệ trang trọng.
Đại tướng mỉm cười độ lượng “họ vụng về quá, dàn cảnh thế này thì ai mà chẳng biết”. Tôi thưa với ông: “Thưa anh, đúng vậy. Khi chúng tôi tìm hỏi dân thì người ta cho biết, bức tượng thạch cao bị vỡ từ lâu để trong kho. Nay muốn “dựng hiện trường giả”, họ đưa bức tượng vỡ ấy từ trong kho ra đặt vào đó”.
Đại tướng hiền từ nhắc nhở: “Đề tài nông dân vẫn là một chủ đề nóng bỏng, các anh cần cố gắng tập trung thời gian nghiên cứu”. “Vâng, thưa anh, nó vẫn nóng bỏng như từ khi Vấn đề dân cày của Qua Ninh và Vân Đình đặt ra”. Ánh mắt của con người huyền thoại ấy như vui lên: “À, thế ra cậu cũng đã đọc cuốn sách ấy à. Hiện có cuốn ấy ở nhà không, gửi cho mình xem lại. Trong tủ sách của tôi không có cuốn ấy”. Tôi hứa chắc với ông thế nào tôi cũng tìm được cuốn sách ấy để gửi tặng ông. Nhưng quả thật gay go để tìm được nguyên bản, đành phải đến Viện Thông tin khoa học xã hội năn nỉ với viện trưởng vốn là chỗ thân tình, nhưng anh cũng chỉ cho phép chụp lại để gửi tặng Đại tướng