Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

SAO MẠNG NGƯỜI VIỆT NAM CHẾT DỄ THẾ ?

tRẦN kỲ tRUNG
Thứ tư ngày 27 tháng 1 năm 2010 5:59 AM

          Mấy hôm rày đọc tin trên báo giấy, báo mạng thấy thực sự bức xúc.
           Một em bé đi học đã bị điện giật,  giết chết. Chuyện vừa xảy ra ở thành phố Hồ Chí Minh. Đến lúc truy tìm nguyên nhân của mối điện hở chết người kia, không cơ quan nào chịu nhận!!! Khốn nạn cho gia đình em bé này, người vợ đã bị chồng bỏ, niềm an ủi duy nhất của chị là thằng con trai ngoan ngoãn, hiếu thảo. Chỉ do sự vô trách nhiệm của của các cơ quan công quyền, người phụ nữ đã mất đứa con, mất một chỗ dựa, mất một niền an ủi lớn lao. Tôi không biết người mẹ này sẽ sống như thế nào với quãng đời còn lại, khi không còn đứa con trai kia?
           Lại một chuyện tiếp theo, một bà già nghèo, đi  mót hạt cà phê rơi, bị đàn chó becgie của một chủ trang trại xông ra cắn chết ở Bình Dương. Rồi nghe đâu, chủ trang trại định đền một số tiền cho gia đình bà già nghèo khó này coi như... hết chuyện.
           Còn trước đó, nếu chịu khó tập hợp những thông tin đăng công khai trên báo, nghĩ cũng thật lạ. Rất nhiều vụ đánh chết người gần như diễn ra một cách công khai, giữa một xã hội đầy đủ ban bệ, thể chế, có luật pháp : trai làng này sang làng kia chơi, bị đánh chết! Một học sinh bị đâm chết ngay trước cổng trường, dù em này chẳng gây thù, chuốc oán với ai. Rồi... cứ tự hỏi, vì sao nhiều người bị công an bắt lên thẩm vấn, chỉ một hai ngày sau, gia đình được thông báo, người này đã “ tự tử” !!! Những cái chết trùng lặp, có nhiều uẩn khúc, mà... không thể giải thích được???
           Đấy là chưa kể tai nạn giao thông, cầu sập, rồi bị ngộ độc thức ăn và còn vô số những cái chết, do những nguyên nhân vô trách nhiệm của con người. Còn nhờ đến luật pháp, tất cả đã muộn. Người chết không sống lại được!
          Ngày lại ngày, không đọc báo thì thôi, đọc cứ thấy tin này chồng lên tin kia, gây cho mình nhiều nỗi bức xúc. Nỗi bức xúc, biết rằng có viết như thế này, hoặc nữa, mạnh dạn gửi thư từ, viết đơn đưa chỗ này, chỗ kia... cũng không mong có sự hồi âm hay một lời giải thích vì có lẽ những tin như thế là quá đỗi  “ bình thường”, “ không đáng quan tâm”, thậm chí, có người còn nói “ Nếu không có chuyện đó mới là bất bình thường”. Không biết đã có ai tổng hợp một năm ở nước ta có bao nhiêu người chết, ngoài nguyên nhân bệnh tật. Chỉ riêng tai nạn giao thông, một năm đã có hơn mười ngàn người chết. Một con số lạnh lùng, nhưng nghĩ kỹ một chút, sao nhức nhối đến kinh khủng. Đường sá, luật lệ, ý thức chấp hành người tham gia giao thông... đều rất kém...tất yếu đẫn đến hậu quả kia. Còn bao nhiêu nguyên nhân dẫn đến cái chết khác, nếu hiểu đúng nguyên nhân lại thấy nó vô lý đùng đùng. Mà chung quy lại, như nhiều người nói, “ Ở nước ta có luật pháp mà như không có”, nên mới có nhiều người chết vô lý!
           Giá như luật pháp được thượng tôn, không phân biệt người có chức vụ đến người dân thường, rồi người lãnh đạo phải là những tấm gương tốt để người dân tin tưởng, chắc chắc sẽ bớt đi nhiều cái chết vô nghĩa. Vừa rồi,  bão chí có đưa tin, một ông phó chủ tịch huyện ở một tỉnh phía nam, dám giang tay tát một người dân đáng tuổi cha mẹ mình chỉ vì ông ta cho rằng bà này : “ không biết ông là ai?”. Việc làm như thế, chi ít phải bị kỷ luật, cách chức, bắt ông lãnh đạo này xin lỗi người dân công khai. Nhưng... cho đến tận bây giờ, câu chuyện “ Cán bộ đánh dân” này, mọi người không biết sẽ giải quyết như thế nào? Không thấy báo chí đưa tin, ông phó chủ tịch huyện kia vẫn tại vị. Rồi, tôi không vơ đũa cả nắm, đã ai làm hộ một thống kê, các ông từ Chủ tịch huyện đến Chủ tịch tỉnh cho đến các ông Trung Ương, tuổi đời trên dưới năm mươi ( tôi phải lấy tuổi này để cho mọi người thấy rằng, khi bước ra khỏi cuộc chiến tranh, các ông ấy, tuổi đời còn rất trẻ, chỉ biết sự thống khổ của người dân để giành độc lập dân tộc qua phim ảnh, tài liệu, bài học... hoặc có trải qua cũng không phải là sự ghê gớm), hiện tại, chưa nói đến tiền, vàng...các ông này có, thử đếm nhà các ông ấy đang sở hữu!!! Đi đâu cũng có xe đưa đón, mang tiếng xuống cơ sở làm việc mà trên tường toàn dán khẩu hiệu chữ vàng trên nền đỏ “ nhiệt liệt chào mừng đồng chí ...” . Một phong cách cực kỳ quan liêu, xa lạ với dân trong khi vẫn nêu khẩu hiệu “ do dân, vì dân”.Trong quan hệ hàng ngày khi đến công quyền gần như muốn việc chạy nhanh, có kết quả thì phải có tiền, việc gì cũng cứ nghĩ “ phải đi cửa sau mới xong”, kể cả những chuyện chạy chức, chạy án... Rồi những cảnh sống, sinh hoạt ăn chơi của các con ông Lớn, Đại Gia... phơi bày trên bloc, Website và trên cả phim ảnh, tạp chí... Trong khi người dân, những người bộ đội phục viên, những người cựu thanh niên xung phong...sống như thế nào? Về những vùng nông thôn, sẽ rõ ngay. So sánh cuộc sống, sinh hoạt... với những “ quan cách mạng”, thấy sự tương phản dữ dội...
           Đó chính là nguyên nhân dẫn đến sự bất an xã hội, dẫn đến những cái chết đau lòng. Luật pháp, kể cả kỷ luật Đảng “ nằm ngoài vòng phủ sóng” của không ít các vị có chức ,có quyền... Đứng trên Nhân Dân, thậm chí tự coi mình có khi còn đứng trên cả tổ chức Đảng, một mình thao túng tất cả, như một “ ông trời con”.
          Chuyện đó tất yếu dẫn đến người dân, thậm chí cả những người nhân viên, cân bộ nhà nước( tuy họ không nói ra công khai) coi thường người lãnh đạo, từ coi thường người lãnh đạo họ coi thường luật pháp và hành động bất chấp luật pháp, tự hành xử, tự ra điều kiện để mình thực hiện. Còn những thanh niên nghèo, thất học nhìn cảnh đó, họ căm thù, có những suy nghĩ tiêu cực. Có thể những người thanh niên này nghĩ ra mọi cách có tiền để ăn chơi, hoặc không được như thế sẽ  phá bĩnh... Tất cả điều đó đều rất dễ dẫn tới chuyện “ giết người”.
 
          Mạng người Việt Nam chết dễ là vì thế ?