Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGƯỜI HỌA SĨ VÀ GỐC MAI GÓC VƯỜN

Vũ Từ Trang
Thứ ba ngày 26 tháng 1 năm 2010 6:55 PM

             Tôi ngẩn ngơ trước bức tranh sơn mài  “ Thiếu nữ bên đầm sen ”của danh họa Nguyễn Gia Trí. Bức tranh sơn mài khổ lớn ( 2,4m x 1,2m), một tấm liền, với sắc màu vừa thẳm sâu vừa lộng lẫy. Tôi bâng khuâng tự hỏi, các cô gái nguyên mẫu trong bức tranh này giờ đang ở đâu ? Những eo lưng thon thả, những mái tóc dài bồng bềnh, những tà áo dài bay bay như mây và vẻ mặt vừa đoan trang, thánh thiện, vừa xa vời, vừa gần gũi, cho tôi một cảm giác  thế giới thanh bình, con người như hòa vào vẻ đẹp của trời đất. Có phải các cô gái ấy đã bay vào cõi Thiên Thai, hay đang hòa vào dòng chảy của đời thường bề bộn lo toan này?!
               Thực ra, thời nào cũng vậy, cái đẹp, cái xấu luôn song hành. Cái quan trọng và cái tài của người nghệ sỹ là biết phát hiện ra vẻ đẹp bất tử của con người. Chỉ có vẻ đẹp cao sang và bất tử của nghệ thuật mới tồn tại và vượt thời gian. Tôi hình dung, người họa sỹ bậc thầy này đã sung sướng và khổ đau như thế nào khi thể hiện bức tranh này. Tôi lại  thú vị khi hình dung ra cái ngày họa sỹ Bùi Quang Ngọc đi đón bức tranh  tuyệt mỹ của họa sỹ tài danh về căn nhà mình. Quý vật tìm quý nhân, câu ngạn ngữ cổ thật đúng với trường hợp này. 
              Ngày ấy, vợ chồng họa sỹ Bùi Quang Ngọc chân ướt chân ráo bìu ríu đàn con từ Hà Nội vào Sài Gòn kiém sống . Nhà cửa chưa có, họ ở nhờ nhà vợ chồng Tuân Nguyễn Phương Thúy. Rồi mãi họ mới mua được căn hộ nhỏ ở chung cư Thanh Đa. Đấy là thưở bạn bè văn nghệ ai cũng nghèo, nhưng rất thương nhau. Thanh Đa ngày ấy như chỗ chứa chấp những mảnh đời văn nghệ sỹ nghèo khó từ Bắc kéo vào. Trong lúc nhẽ ra phải đi tìm  mua chiếc xe máy Hon Đa, cái ti vi đen trắng, hay cái đài cát-sét … thì  Bùi Quang Ngọc lại mải lang bang đi tới những quán sách cũ, những gallery xem sách, xem tranh. Những cuốn sách quý của Jean Paul Sartre, Kafka, Camus... rồi các bộ sách tuyển tập tranh Picasso, Van Gogh, Matisse…như hút hồn anh. Đi xem cho thỏa mắt là chính, chứ chưa dám mua, vì đồng vốn dắt lưng quá còm. Một bữa, đang ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của bức tranh trong một galery nhỏ, thì có người đến vỗ vai anh, hỏi anh có muốn mua tranh không? Người ấy nói, thấy anh say mê vẻ đep hội họa, nên muốn mời anh về nhà nhượng lai anh bức tranh quý. Khi nghe người đó giới thiệu tranh  của danh họa nổi tiếng, anh choáng váng. Mình đâu đủ  tiền để  mua tác phẩm của danh họa bậc thầy? Thôi thì cứ liều đi, miễn là được xem tranh đã đủ sướng rồi. Tới nhà, anh càng  choáng váng. Đó là bức tranh  kiệt tác của danh họa  Nguyễn Gia Trí, tranh sơn mài khổ lớn. Người ấy tự giới thiệu, ông vốn là một công chức của chế độ Mỹ Ngụy, trong diện sắp xuất cảnh để đoàn tụ với gia đình ở nước ngoài. Ồng muốn chọn người xứng đáng để trao lại và bảo quản tác phẩm tuyệt mỹ này. Bùi Quang Ngọc  liền về nhà bàn với người vợ bán sạch đồ đạc, từ cái xe đạp, chiếc bàn là, cái phích nóng lạnh…Chiếc xe máy , phương tiện đi lại duy nhất của cả nhà cũng đã được bán trước tiên. Gom góp được món tiền nhỏ, anh đem đến nhà người chủ bức tranh kia. 
                 Người  bán tranh cũng không vì số tiền nhiều hay ít. Ông nhận thấy anh là người xứng đáng để ông bàn giao giữ bức tranh quý trước lúc ông đi xa. Thế là vợ chồng Bùi Quang Ngọc được làm chủ bức tranh vô giá với sự tình cờ như vậy. Khi bình tĩnh nghĩ lại, trong đời anh có những cơ may, thì việc có được bức tranh của danh họa Nguyễn Gia Trí là cơ may lớn. Câu ngạn ngữ, quý vật tìm quý nhân, thấy càng chí lý.
                 Bây giờ, sau những giây phút vui buồn, vợ chồng họa sỹ Bùi Quang Ngọc lại  mở tấm nhung gấm trùm bảo quản bức tranh, để chiêm ngưỡng  tác phẩm  bậc nhất này. Dù  bức tranh đã ở nhà mình bao năm, dù đã  ngắm nhìn  bao lần, nhưng mỗi lần xem tranh, lại cho họa sỹ Bùi Quang Ngọc xôn xao bao cảm xúc mới, phát hiện thêm  vẻ đẹp mới. Có bảo tàng và cả mấy nhà sưu tập tranh trong nước và ngoài nước muốn ngỏ ý xin mua lại bức tranh. Biết là món tiền lớn đấy, nhưng họa sỹ Bùi quang Ngọc vẫn từ chối khéo. Tôi biết, anh chưa muốn rời xa tác phẩm nghệ thuật này .
   
                                                           *
       
            Sinh ra ở Quảng Bình, lớn lên, anh tình nguyện vào bộ đội chống Pháp. Anh từng được tham dự mặt trận Bình Trị Thiên. Rồi run rủi làm sao, anh được đơn vị cho về hậu phương học văn hóa, rồi chuyển sang học Trường mỹ thuật. Niềm khát khao trở thành họa sỹ của anh, được chắp cánh từ đấy. Khóa học ngày đó, có hàng loạt  cây cọ về sau này thành các họa sỹ có tên tuổi và giữ trọng trách trong giới mỹ thuật, như các họa sỹ Giáng Hương, Nguyễn Thụ, Sỹ Tốt…Được đào tạo bài bản, từ học trung cấp, lên đại học, ra trường anh tình nguyện về công tác ở khu mỏ Quảng Ninh.
              Đất mỏ dạo đó là tâm điểm của nền công nghiệp cả nước,  mà bao họa sỹ, nhạc sỹ, nhà văn, nhà thơ hướng về. Bùi Quang Ngọc đang độ sức trai, anh đầu trần lên mỏ vẽ ký họa, vẽ tranh áp phích. Không khí lao động sản xuất hừng hực, những bắp tay cuộn gân cuốc than, những tấm thân trần nhễ nhại mồ hôi đẩy những goòng than đầy, những đôi tay như múa của các cô gái nhà sàng chọn than, là những cảm hứng bất tận cho anh thỏa sức vẽ. Đất mỏ lại có truyền thống đấu tranh bất khuất đòi tự do của giai cấp công nhân. Biển Bái Tử Long đẹp như tranh. Những Cọc 5, Cọc 6, những Vàng Danh, Cẩm Phả…đã phơi phới đi vào những câu hát, các vần thơ và tranh vẽ của một lớp văn nghệ sỹ khát khao yêu chủ nghĩa xã hội. Chiến tranh phá hoại lại trút mẻ bom đầu tiên xuống đất mỏ. Nhà máy sơ tán vào hang động để tiếp tục sản xuất và chiến đấu. Chính thời điểm này, một loạt nhà thơ nhà văn ra đời trên đất mỏ và được khẳng định vị thế, như : Thái Giang, Yên Đức, Đào Ngọc Vĩnh, Lý Biên Cương, Tô Ngọc Hiến, Trần Nhuận Minh, Nam Ninh, Lê Hường… Họ là những người bạn văn nghệ luôn thúc giục anh vẽ. Dạo ấy anh vẽ quên ngày quên đêm. Anh em trên Hà Nội xuống thăm, thấy Bùi Quang Ngọc đốt đuốc cháy đùng đùng trong hang, trần lưng say mê vẽ. Tình yêu tổ quốc chưa bao giờ thắm đượm và mạnh mẽ như  giai đoạn đó. Mỏ, người công nhân, biển và bầu trời với những gam màu chắc khỏe, chứa chan cảm xúc, tạo thành phong cách sáng tạo riêng trong tranh của anh một thời.
                Sau hơn  mười năm lăn lộn và cống hiến ở đất mỏ, anh gồng gánh gia đình về Hà Nội. Rồi anh đến làm họa sỹ trình bày cho tờ báo tôi đang làm. Thưở ấy, nhà cửa chưa có, một thời gian dài anh và tôi ngủ tại bàn làm việc. Ngày làm báo, đêm chúng tôi thường kéo nhau đến thăm các nhà thơ, các họa sỹ. Chúng tôi cùng nói về khát  vọng sáng tạo nghệ thuật. Anh từng vẽ tranh tường hoành tráng, vậy mà quay về vẽ những minh họa, những vi-nhét nhỏ cho từng trang báo nhỏ, anh cũng tạo ra phong cách riêng, tạo vẻ đẹp  sang trọng cho tờ báo. Cũng  nhờ làm báo, chúng tôi có điều kiện đi nhiều địa phương, nhiều cơ sở sản xuất. Anh có thói quen đến đâu đều quan sát, ghi chép, ký họa làm tư liệu để thể hiện tranh sau này. Tôi còn nhớ mãi chuyến đi Đà Lạt cùng anh, ngay sau ngày miền Nam giải phóng. Đà Lạt khi ấy còn bình yên, u buồn như một thành phố nhỏ của Châu Âu. Những  thung lũng hoa, những vạt áo măng-tô , những chiếc ô màu như lặng  trôi trong sương mù. Chúng tôi được bố trí nghỉ ở một khách sạn  sang trọng bên hồ Xuân Hương. Quả thật, vốn quen đời sống kham khổ và thiếu thốn ngoài Bắc, nên chúng tôi chưa quen với tiện nghi  xa xỉ khi đó. Sau một ngày  làm việc tại các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ, đêm về, chúng tôi đi dạo phố. Con đường đầy hoa vồng vềnh uốn lượn  theo  sườn đồi, dẫn chúng tôi vầo  quán cà phê nhỏ.  Quán vắng khách. Ánh đèn sáng vừa đủ, chúng tôi vẫn nhận rõ một cô gái ngồi trầm ngâm bên tách cà phê góc phòng, Cô gái với khuôn mặt đẹp và buồn. Có thể chúng tôi ào vào quán với niềm hứng khởi, nên cô gái chú ý chăng?  Bản nhạc của Trịnh Công Sơn phát ra từ chiếc đài cát-sét. Lời bản nhạc như lời thánh ca xa xăm. Cô gái vẫn ngồi lặng lẽ. Không ai nói với ai câu nào, nhưng  cùng  ý nghĩ, không nên làm gợn cái không khí thanh sạch và u buồn trong phòng. Cảm hứng ùa đến, Bùi Quang Ngọc vội rút cuốn sổ  trong túi ra vẽ. Anh vẽ trong ánh sáng mờ mờ, vẽ con đường có bóng ô che, vẽ khuôn mặt người nhòa trong sương, vẽ con đường xa xăm không biết dẫn về đâu. Cô gái vẫn ngồi  như không hề nhúc nhích. Tách cà-phê trên tay cô chợt rơi xuống nền nhà  vỡ tan. Người bán hàng nhẹ  tới, cô gái khẽ nói lời xin lỗi, rồi lặng lẽ ra ngoài đường. Chiếc ô màu đỏ trên tay cô nhòa  trong đám đông phố xá. Họa sỹ Bùi Quang Ngọc và tôi sững sờ nhìn nhau. Ai cũng  thấy như mình vừa có lỗi với cô gái. Chúng tôi  vội đuổi theo, nhưng bóng cô gái đã mất hút vào con dốc dài.
                  Trở về khách sạn, chúng tôi không ngủ. Nỗi ám ảnh về cô gái với ly cà-phê  vỡ  tan, khơi gợi chúng tôi bao điều suy đoán. Đêm ấy, tôi ngồi làm thơ. Những vần thơ lan man, đắm say và rối rắm. Họa sỹ Bùi Quang Ngọc thì trải giấy, vẽ hàng chục bức tranh lớn nhỏ. Tranh nào cũng thấy bóng dáng  một khuôn mặt vừa thất vọng vừa hy vọng, vừa đam mê vừa chán chường. Đấy là tâm trạng của một lớp trí thức trẻ phân vân giữa đi hay ở, khi đất nước vừa thống nhất.
                Chuyện xảy ra đã ba mấy năm ròi,  khi gặp nhau, chúng tôi vẫn thường nhắc lại. Sự ám ảnh về tâm trạng giằng xé ấy, vẫn thấy lặp đi lặp lại trong nỗi nhớ của tôi. Từ một họa sỹ sở trường vẽ tranh hoàng tráng, thế mạnh của anh là vẽ đám đông, Bùi Quang Ngọc quay ra vẽ tranh trừu tượng. Những hình khối, những sắc màu đan xen, chồng chéo và rắc rối như cuộc sống vốn có. Mảng tranh trừu tượng ám ảnh anh, mở cho anh một triển lãm tranh trừu tượng đầu tiên tại Sài Gòn. Rồi anh lại quay ra vẽ chân dung văn nghệ sỹ. Đó là những người cùng thời mà anh yêu mến, họ bằng hoặc trên tuổi anh,  cùng buồn vui và nhiều thăng trầm  như anh. Đấy là : Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Văn Cao, Đặng Đình Hưng, Quang Dũng, Thái Bá Vân… Tranh chân dung của Bùi Quang Ngọc  luôn chứa chất  thân phận kiếp người.
                Gia đình anh là gia đình nghệ thuật. Người anh trai của anh là nhà văn Bùi Quang Đoài, sau ký tên là Thái Vũ, viết nhiều tiểu thuyết lịch sử, như “ Cờ nghĩa ”, “ Tình sử Mỵ Châu ”. Chị Vinh vợ anh, là họa sỹ đồ họa trang trí công nghiệp.  Vốn là con gái Hà Nội gốc, chị rất chiều chồng và bạn văn nghệ của chồng. Chị biết hy sinh phần sáng tạo của mình, để dành thời gian chăm sóc cho chồng vẽ. Con đường  sáng tạo nghệ thuật của họa sĩ Bùi Quang Ngoc là sự chuyển hóa từ vô thức tới vô hình,  tiến tới hữu hình. Anh đã mở ba cuộc triển lãm riêng (  năm 1996, 2000, 2004 ) tại Hà Nội. Năm 2001, để  kỉ miệm  mối tình bạn thâm giao, anh cùng Lưu Công Nhân và Phan Vũ mở triển lãm chung tại Sài Gòn. Cuộc triển lãm nào của anh cũng được bạn bè và giới chuyên môn đánh giá cao.
                 Sau bao năm lăn lộn sống và  làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh, anh đã mua được  ngôi nhà vườn rộng rãi ở Thủ Đức để làm nơi sáng tác. Tôi đã  đến thăm ngôi nhà sáng tác của anh, từng xem tranh và ngắm  vườn mai của anh. Tôi  chú ý tới một gốc mai già góc vườn, thân cây sù sì , vỏ cây mốc thếch với thời gian, nhưng vẫn  vươn những cành mập mạp, để mùa xuân bung ra những đóa hoa vàng kiêu hãnh. Sao tôi chợt liên tưởng tới sức sáng tạo của chủ nhân ngôi nhà - họa sĩ Bùi Quang Ngọc mà tôi mến yêu !
 
Tháng 1 năm 2010
V.T.T