Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

XUÂN SẮC TÂY THIÊN

Vũ Ngọc Tiến
Thứ bẩy ngày 30 tháng 1 năm 2010 10:08 PM

 
(Trích lời bình viết cho phim Tết VTV2)
Lại một mùa xuân đến trên đất nước Việt Nam. Dẫu biết rằng quy luật tuần hoàn muôn thủa của vũ trụ vẫn là hết mưa thì nắng hửng, đông tàn thì xuân tới, nhưng đi giữa đất trời ngợp trong hương sắc của mùa xuân, mỗi người chúng ta ai cũng có cảm giác vũ trụ dường như ban tặng mùa xuân  cho riêng mình. Thơ Đỗ Phủ viết: “Vì ta sông núi nổi màu xuân” Cảm giác nên thơ và kỳ diệu ấy sẽ càng hằn sâu trong tâm thức với những ai có dịp du xuân vãn cảnh trên núi rừng Tam Đảo, giữa khuôn viên của Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên vào mùa xuân Canh Dần (2010) này. Trong cái mang mang của gió, cái kỳ vĩ của núi non trùng điệp, cái thâm u của rừng thông ngàn tuổi, cái tôn nghiêm của chốn tu Thiền, ta như lạc vào cõi giới Thiền định, làm chủ cái tâm ta giữa vũ trụ khôn cùng, nhân sinh đa phức mà phiêu bồng hoan lạc… 
                                                                 *
                                                              *    *
Giáo lý nhà Phật dạy ta rằng, cái quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi con người là phải làm chủ được thân tâm mình. Khi tâm đã an định sâu thì mùa xuân ở mãi trong lòng, con người trở nên hoan lạc, minh triết phát sáng cho ta rũ bỏ tham- sân- si, thoát khỏi bến mê về bến ngộ. Chính nhờ có cái tâm an định sâu nên các vua và đại thần nhà Trần đã trở thành những anh hùng dân tộc, phát huy nội lực và trí tuệ toàn dân đánh thắng giặc Nguyên – Mông, giữ yên bờ cõi. Nhận thấy giá trị to lớn của minh triết Phật giáo nên hơn 700 năm trước, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã từ bỏ ngai vàng như vứt đôi dép rách, lên núi Yên Tử khai sáng ra Thiền phái Trúc Lâm. Ngài là tấm gương tuyệt vời của việc tu Thiền, thể hiện rõ trong bài Cư trần lạc đạo: “Trần duyên rũ hết- Thị phi chẳng hề- Rèn một tấm lòng- Đêm ngày đon đả- Ngồi cong trần thế- Chẳng quản sự thay- Văng vẳng ngà kia- Dầu lòng dong thả- Học đòi chư Phật- Cho được viên thành- Xướng khúc vô sinh- An thiền tiêu xá…”
Không phải ngẫu nhiên khi Hòa thượng Thích Thanh Từ và các thiền sư, cư sĩ học giả khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo đời Trần đã chọn Yên Tử và Tam Đảo làm nơi xây cất Thiền viện để trở thành trung tâm tu Thiền lớn của cả nước. Quá trình khai quật di tích văn hóa Phật giáo quanh các nền chùa cổ trên núi Tam Đảo đã góp phần làm sáng tỏ Phật giáo nước ta có từ trước công lịch, vào thời Hùng Duệ Vương. Ngay trong thư tịch cổ ở Trung Quốc cũng đã từng có người ghi nhận rằng đạo Phật ở Việt Nam có trước Trung Quốc và mang bản sắc riêng. Pháp sư Đàm Thiên trả lời vua Cao Tổ nhà Tuỳ rằng: "Cõi Giao Châu có đường thông sang Tây Trúc gần hơn ta. Khi Phật giáo chưa du nhập vào đất Giang Đông vùng Hoa Hạ, thì ở cõi ấy đã xây được 20 ngọn tháp, độ hơn 500 tăng sĩ, dịch được 15 bộ kinh rồi." Vì vậy, trong Tổ đường của Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên có tượng thờ nhà sư Khương Tăng Hội, người đã từng sang đất Kiến Nghiệp của nước Ngô thời Tam Quốc giảng dạy kinh phật. Thiền học Việt Nam được khởi đầu với hòa thượng Khương Tăng Hội. Ngài là đệ tử đầu tiên của 2 nhà truyền giáo Sona và Uttara (những người đầu tiên truyền bá Phật giáo vào Việt Nam). Không chỉ là người sáng lập ra Thiền học Việt Nam, Khương Tăng Hội đã có thời đem Thiền học sang truyền bá ở Trung Quốc. Dòng Thiền có 3 tông là: Thiền tông, Tịnh Độ tông (tu theo pháp môn niệm Phật) và Mật tông (tu theo phái bùa chú). Thiền tông Trung Hoa là trực chỉ phân tâm, tích tâm tích Phật; Thiền tông Nhật Bản có kiếm đạo, trà đạo…; còn Thiền tông Việt Nam tu theo cách riêng, mang bản sắc của phái Trúc Lâm Yên Tử.  Khảo sát, khai quật xung quanh khu vực thắng cảnh Tây Thiên, người ta đã phát hiện 3 bia đá ở Đền Thượng Tây Thiên có ghi: Võng Sơn Thiền Sư, Cúc Khê Thiền Sư, Giác Linh Ngã…là các vị sư thiền. Điều đó cho thấy từ thời Hùng Vương nơi đây cũng đã xuất hiện các vị Thiền sư truyền Thiền. Phần lớn các ý kiến cho rằng, vào cuối thế kỷ XIII, núi thiêng Tam Đảo là một trong những nơi được phái Trúc Lâm Yên Tử chọn điểm truyền bá Thiền tự.
Công lao to lớn của Phật hoàng Trần Nhân Tông là đã thống nhất các Phật phái, dòng Thiền trong nước lại thành một tổ chức duy nhất tầm cỡ quốc gia, mang bản sắc riêng của Phật giáo Việt Nam truyền đến ngày nay. Hơn 7 thế kỷ đã qua đi, các giáo lý của Phật hoàng Trần Nhân Tông đã thấm sâu vào tâm hồn người dân nước Việt, làm nên cốt cách văn hóa cộng đồng, kỷ cương xã tắc và là cội nguồn sức mạnh của dân tộc cho mùa xuân ở mãi trên đất nước này…
Mùa xuân đến trên núi rừng Tam Đảo là dịp để tăng ni, phật tử cả nước nô nức hành hương về Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, thưởng ngọan cảnh đẹp, hít thở khí thiêng nơi đất Phật mà dưỡng tâm tu Thiền. Thiền là giải pháp hữu hiệu mang đến cho hành giả một sức mạnh nội tâm hay nội lực, vì thế nên các nhà truyền bá Yoga, võ thuật, khí công, dưỡng sinh… cũng đã ứng dụng tọa thiền để rèn luyện cơ thể cho tăng nội lực, khí lực hay chữa trị bệnh tật. Giờ đây, trong xã hội hiện đại, con người bị quay cuồng theo công việc của hệ thống dây chuyền sản xuất hoặc những áp lực từ nhiều phía của đời sống trong cuộc mưu sinh dễ đưa đến chứng bệnh stress thì tác dụng của tọa Thiền càng thu hút sự hưởng ứng của đông đảo mọi tầng lớp cư dân không còn bó hẹp trong giới tu hành. Song điều quan trọng hơn, vào mùa xuân tâm thế an lạc, người ta đến Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên cầu kinh, niệm Phật, học phép tọa Thiền là để an định cái tâm cho mình sau những tháng ngày vật lộn giữa cuộc mưu sinh, đầy rẫy sự bất an, vọng động. Khi tâm an định thì trí tuệ sáng suốt, đó là quy luật tất yếu trong mối tương quan giữa tâm và trí. Minh triết chỉ đến khi tâm ta hoàn toàn tĩnh lặng, dục vọng nhờ đó mà chịu ngủ yên. “Tâm địa nhược không tuệ nhật tự chiếu.” Chư vị sư tổ nhờ thiền định mà tâm an định sâu, chứng ngộ đạo quả, có trí tuệ siêu việt, thấy được chân lý của vạn hữu, từ đó sống ung dung tự tại giải thoát…
Tinh hoa tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm có lẽ trước hết nằm ở quan điểm triết học “Tam giáo đồng nguyên”. Phật hoàng Trần Nhân Tông đã từng tọa Thiền chiêm nghiệm các học thuyết Tam giáo và chỉ ra: Lão giáo bàn sâu về mối quan hệ giữa người và vũ trụ, Nho giáo bàn sâu về mối quan hệ giữa người với người trong toàn cõi nhân sinh, Phật giáo bàn sâu về mối quan hệ đa phức trong tâm thức mỗi người. Ngài đã thâu tóm những tinh hoa ấy vào trong triết học Thiền phái Trúc Lâm và bảo rằng:
Vi minh nhân vong phân Tam giáo
Liễu đắc để đồng ngộ nhất tâm.
nghĩa là:
Chưa sáng tỏ người ta lầm phân biệt ba giáo khác nhau
Hiểu thấu triệt thì cùng giác ngộ: chỉ có một Tâm.
Ngài đã thống nhất Tam giáo vào trong một chữ Tâm và khởi xướng thuyết “Tu trong một kiếp”, nghĩa là xuất thế, thoát tục, “đốn ngộ thành Phật” rồi sẽ trở lại nhập thế, cùng kiến tạo một thế giới đại đồng, kiêm ái tương lợi. Đó là pháp tu chủ động, không hề bi quan, yếm thế mà rất thiết thực cho đời sống của mỗi con người, mỗi cộng đồng dân tộc…
Điều thú vị và vinh hạnh cho những ai hành hương đến Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên vào đầu năm 2010 là được tham dự lễ khánh thành khu nhà Giảng đường và Trai đường vừa được xây dựng, đánh dấu bước trưởng thành, lớn mạnh của một trung tâm Phật giáo trong quá trình chấn hưng Phật giáo đời Trần. Nhớ lại mấy năm trước, trên nền cũ của chùa Thiên Ân năm xưa bị giặc Minh tàn phá, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên được khởi công từ tháng 4/2004, khánh thành giai đọan I vào tháng 11/2005. Các công trình kiến trúc giai đọan này gồm chính giữa là toà Chánh điện, bên trái là nhà trưng bày hiện vật có niên hiệu Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Ngoài ra còn có cổng Tam Quan, Lầu Chuông, Lầu Trống, Nhà Tổ, Nội Viện... Mỗi đơn nguyên kiến trúc ở đây đều xứng tầm một tác phẩm nghệ thuật kiến trúc vừa mang đậm tính dân tộc trong kiến trúc Phật giáo cổ truyền, lại vừa có nét hiện đại, mang dấu ấn kiến trúc của thế kỷ XXI. Công trình đã thật sự là niềm tự hào, hoan lạc vô bờ của nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc và tăng ni, phật tử cả nước. Từ đó đến nay, sức hút của Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên với khách thập phương ngày một lớn. Nhu cầu mở rộng quy mô kiến trúc đã thôi thúc sư trụ trì thích Kiến Nguyệt và Ban quản lý dự án nỗ lực hết mình hoàn thành tiếp một công trình mới khá nguy nga, đồ sộ gồm hai tầng dương là Giảng đường, Trai đường và ba tầng âm là khu nghỉ ngơi dành cho các tu sinh và khách thập phương. Tổng dự toán của công trình là 14 tỷ đồng, nhưng nhờ có sự nhiệt tình đóng góp công sức, trí tuệ, tiên bạc của tăng ni, phật tử nên chi phí đã giảm chỉ còn một nửa. Lễ khánh thành giai đọan II diễn ra tưng bừng như ngày hội lớn, với sự chứng kiến của đại diện Chính phủ, Chính quyền địa phương, các cấp chức Hội Phật giáo và hàng nghìn tăng ni, phật tử, khiến sắc xuân trên núi rừng Tam Đảo càng thêm huy hoàng, rực rỡ.
 
Rồi mai đây, các thế hệ tăng ni, phật tử nước nhà sẽ ghi nhớ công lao của những người đã dày công nghiên cứu, vất vả khảo sát, dồn hết tâm huyết xây dựng nên công trình kiến trúc tuyệt tác này trên đất tổ Tây Thiên. Chính quyền và nhân dân huyện Tam Đảo vẫn thường xúc động nhắc lại hình ảnh thầy Kiến Nguyệt cùng nhiều phật tử, cư sĩ học giả lặn lội suốt 3 tháng ròng leo dốc, ngủ rừng, tìm kiếm nền cũ của chùa Thiên Ân làm cơ sở đặt móng xây dựng Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên. Hàng nghìn con người miệt mài làm việc không kể ngày đêm, quên trời mưa nắng, không nhận tiền công mà vẫn sung sướng tự hào vì được góp phần vào công cuộc chấn hưng Phật giáo. Mới hay khi cái tâm đã hướng Phật, con người ta trở nên có sức mạnh diệu kỳ và niềm hoan lạc vô bờ…
Trong tâm vô thường sinh- diệt có tâm lặng lẽ hằng nhiên, như trong lò lửa cháy rực có hoa sen tươi thắm. Bởi tại chúng sinh quên mất tâm Phật của mình, quay cuồng tìm tâm Phật ở bên ngoài nên mới vọng động bất an. Một khi ta biết quay trở lại với tâm mình sẽ thấy tâm tức Phật. Tinh thần Thiền tông ấy  được thể nghiệm qua thân tâm của Phật hoàng Trần Nhân Tông và các thế  hệ đệ tử chân truyền của ngài suốt hơn 7 thế kỷ  sẽ mãi là hướng đi thích hợp của Phật giáo việt Nam hiện tại và tương lai. Bao giờ con người còn vô minh, còn khổ đau thì sẽ còn phải xoay lại mình, tìm hiểu chính mình để tu sửa thân tâm, đưa cái tâm đảo điên trở về trạng thái thanh tịnh hằng nhiên, chấm dứt khổ đau, thấy được chân lý của đời, tiến đến giác ngộ giải thoát…
 
Xuân sắc Tây Thiên trên núi rừng Tam Đảo hôm nay như đang điểm tô thêm cho mùa xuân đất nước bước vào năm đại lế, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Mỗi công trình kiến trúc Phật giáo đã, đang và sẽ còn xuất hiện ở Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên sẽ là một đóa sen thành kính dâng lên Phật hoàng Trần Nhân Tông, vị anh hùng dân tộc lãnh đạo nhân dân đánh thắng giặc Nguyên Mông, giải phóng kinh thành Thăng Long, giữ yên bờ cõi. Âm thanh lễ hội giữa khuôn viên Thiền viện và hương xuân ngào ngạt của vùng đất Tây Thiên- Tam Đảo gợi cho ta nhớ bài thơ xuân của Phật hoàng thủa trước, khi Ngài rời Thăng Long lên núi Yên Tử khai sáng ra Thiền phái Trúc Lâm cho dân tộc Việt:
                                  “Chim hót nhởn nhơ, hoa liễu bay
                                  Bóng thềm nhà vẽ, mây chiều bay
                                  Chuyện đời khách đến thôi không hỏi
                                  Cùng tựa lan can ngắm núi mây”…
Về với Tây Thiên tận hưởng sắc xuân, dưỡng tâm tu Thiền, tưởng nhớ công lao và đức hạnh của Phật hoàng Trần Nhân Tông, mỗi người trong chúng ta tự thấy mình có trách nhiệm bảo tồn và phát huy tinh hoa tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm cho muôn đời con cháu mai sau biết làm chủ thân tâm mình, lánh xa mọi cám dỗ ở đời mà chung tay xây dựng nước Việt Nam giầu đẹp, văn minh, công bằng xã hội. Thật kỳ diệu vì trong khung cảnh ấy, khách du xuân lại được chứng kiến lễ khởi công chế tác bức tượng Phật bằng ngọc quý khổng lồ, nặng hàng chục tấn sẽ được hoàn thành và đặt giữa bao la trời đất của núi thiêng Tam Đảo, vào đúng ngày khai mạc đại lế 1000 năm Thăng Long. Khi ấy, pho tượng Phật bằng ngọc này sẽ là một kỳ quan của Phật giáo Việt Nam, trường tồn cùng lịch sử dân tộc. Pho tượng cũng nhắc nhở ta rằng, còn một thứ ngọc quý khác ẩn sâu trong tâm hồn người Việt, làm nên truyền thống văn hóa Việt Nam, nhân cách Việt Nam. Truyền thống ấy có phần đóng góp không nhỏ từ trong giáo lý thâm viễn mà thiết thực của Trúc Lâm tam tổ. Người Việt ta tìm thấy trong giáo lý của các Ngài đều lấy “phản quan tự kỷ” làm nguyên lý dưỡng tâm: Làm chủ được thân tâm mình đúng như thật thì mọi kiến chấp đều bị phá vỡ, đem lại sự an lạc cho mình và cho tất thảy chúng sinh. Và vì thế, người Việt Nam bao đời nay sống nhân hậu, thủy chung theo phép ứng xử Lục Hòa mà Phật hoàng Trần Nhân Tông đã truyền dạy (thân hòa, khẩu hòa, ý hòa, kiến hòa, giới hòa và lợi hòa), nhưng cũng noi gương Ngài dám xả thân vì nghĩa lớn, chiến đấu đến cùng vì nền độc lập của dân tộc...
Chủ trương phục hưng Thiền tông đời Trần là nhằm nâng cao giá trị của đạo Phật nước nhà. Phật giáo Việt Nam với bản sắc riêng: từ bi, bác ái, giải thoát, nhưng không thụ động bi quan, yếm thế mà tích cực góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước, kiến tạo một thế giới hòa bình không có chiến tranh. Với tinh thần nhân bản của Phật giáo, tất thảy chúng sinh đều có Phật tính bình đẳng, không phân biệt sang hèn, văn minh hay lạc hậu. Trên tinh thần đó, Thiền tông Việt Nam nỗ lực góp phần kiến tạo sự hữu hảo giữa các cộng đồng dân tộc, các cộng đồng tôn giáo ở khắp thế gian…
                                                                        *
                                                                     *    *
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên nằm trong Khu danh thắng Tây Thiên của tỉnh Vĩnh Phúc, có diện tích khoảng 148 ha, nằm trên sườn ngọn núi Thạch Bàn, thuộc địa phận xã Đại Đình, huyện Tam Đảo. Nơi đây không chỉ là một trung tâm tín ngưỡng tôn giáo lâu đời, một điểm hành hương nổi tiếng từ xa xưa trong lịch sử mà còn là một nơi có cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng và hùng vĩ. Từ thế kỷ XVIII, Tây Thiên đã  được Lê Quý Đôn mô tả lại trong sách Kiến văn tiểu lục: “...Bên dưới sắc nước như chàm, sâu thẳm không thấy đáy; tre xanh, thông tốt, cảnh sắc thanh nhã, rộng rãi, hồ sen nước xanh biếc có thứ đá lạ và hoa sen đỏ nở bốn mùa, thác từ sườn núi chảy xuống trông như tấm lụa.” Từ ngày khánh thành, mỗi ngày Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên đón hàng trăm phật tử, du khách hành hương về “cội nguồn Phật giáo Việt Nam”, thắp hương khấn Phật và thưởng ngoạn cảnh đẹp rừng núi Tây Thiên. Đường lên khúc khuỷu, quanh co, sương sớm phủ mờ từng khóm lau, ngọn thông bên dốc. Họ bước đi, trong lòng hướng Phật, chợt thấy cảnh vật xung quanh bỗng thanh tịnh đến lạ lùng, chỉ nghe tiếng suối Tây Thiên róc rách, tiếng thông reo và tiếng chuông thiền ngân nga, ru ta vào giấc mộng thần tiên, tâm hồn được siêu thoát, ngộ ra cái lẽ vô thường của tạo hóa và cõi nhân sinh, rũ bỏ mọi ưu tư, phiền muộn cho lòng hướng thiện... Núi rừng Tam Đảo giờ đây đã thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước kết hợp du lịch sinh thái với du lịch văn hóa tâm linh, góp phần làm giàu thêm cho quê hương Vĩnh Phúc. Đặc biệt, năm Canh Dần (2010), chắc chắn Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên cũng sẽ là điểm tham quan, du lịch không thể thiếu trong lộ trình của du khách thập phương đến với lễ hội 1000 năm Thăng Long- Đông Đô- Hà Nội...