Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRÒ CHUYỆN CÙNG NHÀ VĂN HOÀNG QUỐC HẢI

Phùng Văn Khai thể hiện
Thứ bẩy ngày 30 tháng 1 năm 2010 9:59 PM

Hiền tài là nguyên khí quốc gia.
                     (Trích văn bia Quốc Tử Giám)
LTS: Thời gian gần đây, nhiều tờ báo đã có bài phỏng vấn nhà văn Hoàng Quốc Hải về tiểu thuyết lịch sử mà ông là người kiên trì sáng tác đã vài chục năm với thành tựu tiêu biểu là bộ tiểu thuyết bốn tập “Bão Táp triều Trần”. Hiện nay, sau hơn mười năm viết liên tục, ông vừa hoàn thiện bốn tập tiểu thuyết về triều Lý với hơn ba nghìn trang. Tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, giá trị của hai bộ tiểu thuyết trên là những đóng góp quan trọng thể hiện tâm huyết và tài năng của nhà văn với lịch sử dân tộc, với tiến bộ xã hội. Trong dịp Tết đến xuân về, nhà văn Phùng Văn Khai đã có cuộc trò chuyện với tác giả xung quanh hai bộ tiểu thuyết đồ sộ này, đặc biệt là bộ “Bão táp triều Trần” đã tái bản nhiều lần, đoạt nhiều giải thưởng, Hội nhà văn cũng đã hội thảo, được dư luận xã hội hoan nghênh, đón nhận.
Nhà văn Phùng Văn Khai : Thưa nhà văn Hoàng Quốc Hải, chúng ta đã có rất nhiều buổi trò chuyện về tiểu thuyết lịch sử trong đó có hai bộ tiểu thuyết về triều Trần về triều Lý của ông. Bộ triều Trần bạn đọc đã được đọc từng cuốn từ hai chục năm trước và trọn bộ những năm gần đây. Lòng yêu nước, tự hào dân tộc, những bài học từ lịch sử trong bộ tiểu thuyết là rất lớn. Bộ tiểu thuyết cũng cho thấy sức lao động hết sức nghiêm túc của nhà văn. Xin ông hãy cho vài nét phác thảo về quá trình viết hai bộ tiểu thuyết này.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Đã có nhiều ý kiến về Bộ tiểu thuyết lịch sử Bão táp triều Trần. Trước khi in thành bộ, 4 cuốn trong bộ sách đã từng có những số phận riêng, như về thời gian cuốn ra đời trước cuốn ra đời sau, như về số lượng cuốn in khá lớn (hàng chục vạn bản), tái bản nhiều lần (Huyền Trân công chúa, Thăng Long nổi giận), cuốn gây sóng gió trong quá trình in chỉ vì cái tựa đề (Bão táp cung đình)… Tựu trung ở một góc độ nào đó, bộ tiểu thuyết lịch sử Triều Trần, mà nay khái quát bằng một cái tên chung cho cả bộ là Bão táp Triều Trần khi hợp tung lại với nhau đã tạo ra một cái nhìn bao quát, chỉnh thể và sâu sắc về triều đại nhà Trần, một triều đại có võ công, có văn hiến có nhiều nhân tài, vừa sinh Phật vừa sinh Thánh, một triều đại huy hoàng vào bậc nhất trong lịch sử dân tộc. Để hoàn thiện bộ tiểu thuyết, tôi đã phải giành nhiều thời gian gần hai mươi năm với nhiều cuộc đi điền dã dài hơi để thu thập tư liệu, đặc biệt tư liệu từ dân gian và cũng phải thú thực rằng, về tư liệu, chúng ta bị thất tán nhiều quá, nguồn chính thống rất nghèo nàn, độ chuẩn xác lại không cao. Nhưng may mắn thay, dân gian luôn có cách lưu giữ lịch sử của riêng mình và nhà văn, nếu biết khơi ra từ nguồn ấy cũng rất phong phú. Về việc hoàn thành bốn tập “Tám triều vua Lý” (Lý Bát Đế) vẫn bằng cách tiếp cận các nguồn tài liệu như trên, thậm chí tôi luôn phải đối chiếu với lịch sử các nước láng giềng thời điểm ấy như nhà Tống, Nguyên, (Trung Quốc), Chăm Pa, Ai Lao. Việc điền dã không chỉ diễn ra trên nước ta mà cả một số quốc gia có liên quan tới các cuộc chiến tranh vệ quốc của chúng ta nữa. Tôi hy vọng với hai bộ tiểu thuyết này đã văn chương hóa lịch sử 400 năm, giúp người đọc có nhận thức liên hoàn về hai thời đại vừa khai minh vừa đưa dân tộc ta lên đài vinh quang chói lọi. Đó là tâm nguyện của người viết.
Nhà văn Phùng Văn Khai: Nghĩa là ông đã bỏ ra trên 30 năm ròng rã để hoàn thành hai bộ tiểu thuyết lịch sử hẳn hơn ai hết ông hiểu được những khó khăn mà mình đã trải qua để làm nên thành tựu của tác phẩm văn chương về đề tài lịch sử. Bạn đọc muốn biết những khái quát nhất của quá trình viết hai bộ sách kể trên?
Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Đã theo nghiệp văn chương thì bất cứ đề tài nào cũng khó khăn cả. Tôi nghĩ người viết, nhất là viết về lịch sử, thì điều quan trọng nhất là phải toàn tâm toàn ý, khách quan, công tâm với lịch sử. Viết về lịch sử đòi hỏi nhiều thứ, chẳng hạn anh phải am hiểu về văn hóa của thời đại mà mình viết, thời đại mình đang sống. Ví dụ, viết về thời đại Lý, Trần phải hiểu rõ thời đại đó tồn tại ba thứ đạo và cũng là ba dòng triết học lớn: Phật, Nho, Lão và ba đạo ấy lại cùng phát triển trên cơ sở “tam giáo đồng nguyên”. Đó là chỗ linh diệu, cao siêu của các nhà trị quốc nhằm dung hòa như thế nào để ba thứ đạo ấy đều nhằm một mục tiêu là phục vụ cho con người, cho dân tộc Việt. Định hướng xã hội thời đó là: Xã hội Nho, Tâm linh Phật, Thiên nhiên Đạo (Lão) đã tạo nên một chỉnh thể ý thức hệ dân tộc Việt. Người viết tiểu thuyết lịch sử cũng cần phải nắm bắt được tương quan lịch sử của dân tộc mình và các dân tộc khác; nếu không sẽ sa vào kỳ thị dân tộc, chỉ biết ta, đề cao ta... Giải mã được lịch sử, tôi nghĩ đó là thiên chức của các nhà văn viết về lịch sử. Muốn giải mã được lịch sử thì phải đi sâu nghiên cứu, tìm tòi, gạn lọc trong trùng điệp biết bao vỉa quặng của lịch sử, để rồi ngõ hầu rũ lớp bụi thời gian mà có thể phát lộ nó ra, có thể làm thay đổi quan niệm, đôi khi là thiên kiến và cả hạn chế về nhận thức của các sử gia, nên có những đánh giá sai lệch về sự kiện lịch sử hoặc nhân vật lịch sử. Nhà văn không phải sử gia nhưng đôi khi cần thiết vẫn cứ phải nhìn nhận lịch sử một cách thấu triệt và công bằng, ít nhất là trên địa hạt văn chương. Điều này quả là không đơn giản. Viết những truyện xưa để thổi hồn thiêng sông núi và nâng tầm khí phách của dân tộc cho hôm nay, đó mới là điều mà người đọc cần. Do vậy, bất cứ sự xuyên tạc hay bóp méo lịch sử vì mục đích này nọ, thông qua sự hư cấu của văn chương đều là có tội với tổ tiên.
Nhà văn Phùng Văn Khai: Nói về lịch sử không thể không nhắc tới các nhân vật lịch sử, những biến cố lịch sử và những huyền thoại, huyền tích của lịch sử, thậm chí cả những điều phi lý của lịch sử. Lịch sử Việt Nam là lịch sử của 4.000 năm dựng nước và giữ nước. Tại sao phải luôn luôn đặt vấn đề giữ nước lên hàng đầu. Tự thân khái niệm nước, quốc gia, dân tộc cũng luôn luôn có nhiều biến động. Nước có thể hợp nhất hoặc chia tách từ nhiều nước, dân tộc hoặc quốc gia cũng thế và hoàn toàn có thể trở về cái đích ban đầu sau những biến cố lịch sử, chiến tranh và hoà bình. Nghĩa là lịch sử không thể là những kịch bản viết sẵn. Đứng trên góc độ ấy, tiếp cận bộ tiểu thuyết lịch sử Bão táp triều Trần sẽ nhận thấy sự thú vị từ bộ sách mang lại, và những ngẫm ngợi, những xẻ chia với dân tộc, vận mệnh lịch sử... Theo ông xã hội triều Trần là một xã hội như thế nào?
Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Thưa nhà văn Phùng Văn Khai, nhiều tứ trong câu hỏi bạn đặt ra, tự nó đã là sự trả lời. Xã hội triều Trần là một xã hội tiến bộ về nhiều mặt: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội và khá dân chủ. Triều Trần cũng là triều liên tiếp mở những hội nghị có tính toàn quốc: hội nghị Diên Hồng, hội nghị Bình Than... cho thấy những nhà lãnh đạo đất nước rất chú trọng đến suy nghĩ của quần chúng nhân dân, điều làm lên nền tảng chiến thắng từ cổ chí kim trước mọi kẻ thù xâm lược hùng mạnh. Tôi chỉ xin nói về một ý lớn mà bạn đặt ra rằng: “Tại sao dân tộc ta phải luôn luôn đặt vấn đề giữ nước lên hàng đầu”. Quả thật xét trong lịch sử hầu như tất cả các triều đại khi bàn giao ngôi nước cho con, các vị đều di huấn: “Cái họa của nước ta là từ phương Bắc tới, muốn giữ được nước phải canh chừng phương Bắc”. Đó là kinh nghiệm được rút ra từ bản thân lịch sử chứ không phải là chuyện ngoa ngôn hoặc phỏng chừng. Bởi đã có kẻ có ý đồ thường trực thôn tính nước ta, thì ta cũng phải có ý thường trực giữ nước. Chỉ cần một sơ hở nhỏ cũng dẫn tới nguy cơ mất nước. Vâng vấn đề chỉ có vậy thôi, và điều này trong chính sử của ta đã phản ánh khá đầy đủ.
Nhà văn Phùng Văn Khai: Khởi nghiệp của vương triều Trần với cuộc chuyển giao quyền lực có một không hai trong lịch sử Việt Nam. Đến bây giờ, các học giả, nhân sĩ trí thức vẫn còn nhiều tranh cãi. Cái nhìn bây giờ phải nói là đã cởi mở hơn, ít định kiến hơn và trên thực tế thuận theo quy luật hơn. Lịch sử thường có những việc mà hàng trăm năm sau, hàng ngàn năm sau vẫn chưa thống nhất là đúng hay sai, hay hay dở, tại sao, có công hay có tội. Lịch sử là thế, đôi khi dường như là để trêu cợt hậu thế. Nhiều khi lại đơn giản tới trần trụi. Nhưng cũng hàm chứa không ít bí ẩn khiến hậu thế nối đời tranh cãi. Trong việc khởi nghiệp của Vương triều Trần và cá nhân Trần Thủ Độ, ý kiến của ông như thế nào?
Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Để làm được điều như bạn hỏi thì việc tái hiện lịch sử phải đạt tới mức độ chân thực. Giải quyết việc này như thế nào ư? Vấn đề là phải tìm cho ra mã số của thời đại mình định tái hiện, rồi trên cơ sở đó mà giải mã nó ra thôi. Diễn tiến của quá trình lịch sử như thế nào tôi đã phản ánh trong tác phẩm thông qua xây dựng hình tượng các nhân vật, kể cả nhân vật gây nhiều tranh cãi như Trần Thủ Độ, xin phép không nhắc lại nữa. Sự thật, bạn đã đọc khá kỹ các tác phẩm của tôi và đã tóm được cái thần của nó làm nội dung các câu hỏi, thực chất là một cuộc trao đổi, đối thoại, có những điểm chung và những gợi mở khác nhau. Như thế cũng là để khách quan với bạn đọc.
Nhà văn Phùng Văn Khai: Xin được bàn kỹ hơn về bộ Bão táp triều Trần. Thấy rất rõ một điều rằng, trong toàn bộ bộ sách, nhà văn luôn luôn là một vị tổng chỉ huy các nhân vật của mình, lại là các nhân vật lịch sử, hẳn nhiên vị tổng chỉ huy phải rất cao tay. Điều binh khiển tướng thế nào, cân nhắc thái độ ra sao của vua, của quan, của tướng, của triều thần, kẻ sĩ, và cả của dân là một bài toán cực khó. Ở đây, tác giả đã lựa chọn sự thật, nói thẳng, nói thật nhất lịch sử. Nhưng là sự nói thẳng nói thật từ tâm thế nhà văn, tâm thế một người yêu dân, yêu nước. Chính từ quan điểm ấy dẫn đến giọng văn trong sáng, giản dị và mới mẻ của toàn bộ bộ sách. Tác giả đã cố gắng tước hết đi những rườm rà nghi lễ, những câu chữ văn chương, những từ ngữ cổ giả, những điển tích xưa cũ mà thay vào đấy là tâm sự của người hôm nay, người thời nay hiểu và bàn, khơi ra và giải quyết những vấn đề lịch sử theo một cách nhìn nhân văn nhất... Thấy rất rõ trong bộ sách là tác giả đặt nước lên trên vua, dân cũng ở trên vua, sĩ tốt trên tướng lĩnh, văn hoá ở trên chính trị, giường mối đoàn kết ở trên bè cánh thị phi, nhân phẩm ở trên tính cách, lợi ích dân tộc là tối thượng, trọng tình không mù quáng, ái quốc không tư vị, nhẫn nhục không hèn kém, cao thượng không hống hách… ở đấy vấn đề con người được đặt lên hàng đầu. ở đấy học đạo làm người trước học đạo làm vua, làm tướng. Ở đấy những bô lão được kính trọng, trẻ nhi đồng được nâng niu. Ở đấy tướng cởi trần tập võ với quân, người thương yêu ngựa, trâu, voi, chó. Đến như loài chim câu còn biết đưa thư đánh giặc, đầm lầy năn lác vây giặc, đỉa muỗi cũng biết nhằm chỗ sơ hở của giặc mà đánh. Dựng lên một xã hội sinh động như vậy dưới diện mạo lịch sử có sẵn, phải là một nhà văn có tài và có đức. Xưa nay các tác giả có tài viết về lịch sử không ít nhưng nếu chỉ khoe tài, khoe câu chữ, khoe kiến thức tất sẽ dẫn đến ham ngọn mà bỏ gốc, thích sặc sỡ tô vẽ mà quên thực người thực việc. Tại sao viết về lịch sử chữ Đức của nhà văn phải được coi trọng đến vậy?
Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Bạn nói rất đúng, nhà văn phải biết chọn chỗ đứng thế nào để khái quát được cái tổng thể mà mình cần phản ánh. Nếu chọn sai chỗ đứng anh sẽ là người quáng gà, và tác phẩm trở nên rối loạn về lớp lang chứ chưa kể đến giá trị tư tưởng mà nó cần đạt tới.
Nhà văn Phùng Văn Khai: Trong bộ Bão táp triều Trần, có những đoạn ông dành nhiều tâm huyết để khái quát mọi mặt lịch sử dân tộc, tiếp thu những tinh hoa nhân loại và Việt hóa khi thể hiện một trường đoạn, một triều đại lịch sử dân tộc mình nên không ít những trang văn rất sống động, không ít những nhân vật được khắc họa độc đáo, những phong tục tập quán được miêu tả kỹ lưỡng, những cảnh quan đất nước được thể hiện phong phú, những ngành nghề cổ truyền được trân trọng đã cho thấy nội lực của một ngòi bút uyên thâm, thấm nhiều tinh thần tôn vinh những giá trị văn hóa từ những đóng góp của nhân dân lao động. Nói về dân, bàn về dân và hiểu nhân dân là một thành tựu của nhà văn thể hiện được sự tiến bộ vượt bậc của Vương triều Trần trong công cuộc an dân, trị quốc và đánh giặc. Ở việc này có lẽ Nhà nước nên biểu dương nhà văn Hoàng Quốc Hải (cười).
Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Cám ơn nhà văn Phùng Văn Khai, câu hỏi bạn vừa nêu lại chính là sự bình giá tác phẩm. Cái quyền này trước hết thuộc về độc giả và nhà phê bình, tác giả không được phép xen vào.
Nhà văn Phùng Văn Khai: Nhà văn Hoàng Quốc Hải đã dành nhiều tâm huyết cho tập sách cuối của bộ sách Bão táp triều Trần, đó là tập Vương triều sụp đổ. Vẫn bằng một thái độ trong sáng, chân thực và tinh thần quyết chiến với cái xấu xa bỉ ổi, cái ác, cái mưu mô, vạch trần chúng ra trước ánh sáng của chân thiện mĩ. Tập sách hẳn là một đau đớn của ông trước những diễn ra oái oăm, ngu muội, dốt nát, đểu cáng và đặc biệt là sự thoái hoá, xuống cấp của đạo đức, tinh thần. Còn đâu hào khí Đông A, còn đâu tinh thần xả thân, trượng nghĩa với những võ công hiển hách. Chỉ còn lại là mưu ma chước quỷ, là sa đoạ dật lạc, là lừa phỉnh hà hiếp dân lành. Ôi lê dân, những người dân lương thiện một thời thích hai chữ “sát thát” không sợ đầu rơi máu chảy xông ra diệt địch bây giờ cúi gầm sợ sệt lũ vua quan mục nát tăm tối. Dân ngoảnh mặt với triều đình. Giặc vào ra kinh thành như chốn không người cướp phá, đốt giết. Quan lại thì tư vị, bè cánh, chuyên quyền, hà lạm, lừa vua dối dân. Một xã hội đang đà phát triển  bỗng sập gãy vì những suy nghĩ và hành động tăm tối của chế độ cầm quyền. Một bài học lịch sử đau đến trăm năm, ngàn năm. Sự tiếm quyền của mấy tên quan đầu triều như Hồ Quý Ly - Nguyễn Đa Phương… cộng với sự ưa chuộng cái ảo, rời xa chính tâm của vua Trần Nghệ tông đã hùa nhau tàn phá, huỷ diệt vương triều Trần. Sự háo danh, háo sắc và thói đạo đức giả đã mau chóng làm tê liệt cả một vương triều nhiều võ công, dầy văn hoá là một bài học lịch sử mà hậu thế rất cần biết đến...
Nhà văn Hoàng Quốc Hải: (lặng đi) Phải nói là người có lương tri luôn phẫn nộ với những tối tăm của kẻ cầm quyền. Một bộ máy mà than ôi có các nhân sĩ trí thức cũng vì những lợi ích của riêng mình, sợ sệt cầu an, không quyết tâm chiến đấu đến cùng với cái xấu cái ác như từng một thời đã chiến đấu là rất đáng xấu hổ. Tuy cũng có những tấm gương  cao thượng đầy phách lực như bậc “Vạn thế sư biểu” Chu Văn An, những võ tướng thao lược như Trần Khát Chân nhưng khi mà thế nước đã suy, gian thần lộng hiểm, nhân dân bị bỏ rơi và bị khinh thị thì đó là điềm suy vong không sao cưỡng lại được. Và cũng từ những tất yếu lịch sử ấy, bọn tiếm quyền nhanh chóng rơi vào tai hoạ, ngoại xâm nhòm ngó và bọn chúng vốn thất đức đã không quy tụ được nhân tâm nên tự chôn vùi mình, tạo vết nhơ trong lịch sử. Chỉ thương dân đen vô tội bị xua vào nạn giáo gươm để lại một lần nữa dân tộc phải lầm than dưới gót giầy nhơ bẩn của giặc Minh, và một cuộc thảm sát về văn hoá man rợ chưa từng thấy trong lịch sử cổ kim đã diễn ra còn đau đến tận bây giờ.
Thật ra sự sụp đổ của các triều đại, có thể chế là do nó tự chuẩn bị cho sự ra đi của chính nó, chứ không có một kẻ thù nào đủ sức làm cho nó tiêu vong được. (Kẻ thù chỉ nhắm đúng thời cơ để nó ra tay. Ví như nhà Minh xâm lược đối với nhà Hồ). Triều Trần cũng như các triều đại khác đều không có ngoại lệ.
Nhà văn Phùng Văn Khai: Có thể khẳng định, cho đến bây giờ, ông là nhà văn chuyên viết tiểu thuyết lịch sử với những thành tựu nhất định, đặc biệt là khoảng thời gian 400 năm lịch sử Việt Nam triều đại nhà Lý, nhà Trần (Bộ tiểu thuyết lịch sử Tám triều vua Lý hiện đang chuẩn bị xuất bản) thực ra bạn đọc cũng muốn biết ngoài tâm huyết với dân tộc và sự lao động nghiêm túc thì quan điểm cá nhân của ông về văn chương mảng tiểu thuyết lịch sử ở Việt Nam cũng như trên thế giới như thế nào? Các tác giả, tác phẩm, những thuận lợi và khó khăn...
Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Các quốc gia như Nga, Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Trung Quốc... được nhiều nước, nhiều người trên thế giới biết khá kỹ bởi họ đã văn chương hóa được lịch sử của dân tộc mình. Ví dụ, Trung Quốc có các bộ tiểu thuyết như: Đông Chu liệt quốc, Tam quốc diễn nghĩa, Thủy Hử... Chúng ta thì sao! Dân tộc ta từ khi dựng nước đến nay trải bao cuộc chiến tranh chống ngoại xâm lừng lẫy. Có thể nói, từng địa danh, từng tấc đất của tổ quốc đều thấm đẫm lịch sử và máu; và ông cha xưa đã vô cùng nhọc nhằn để giữ từng mét đất. Thế nhưng, giới văn chương nước nhà từ xưa tới nay chưa văn chương hóa lịch sử. Những trang lịch sử vốn khá khách quan và khô khan, nhưng nếu như được văn chương hóa bởi các tài năng văn học, sẽ trở thành những tác phẩm phục vụ cho việc phổ cập hóa lịch sử khá thuận lợi. Và nếu như tác phẩm hay, nó sẽ sống lâu bền cùng thời gian.
Từ đầu thế kỷ 20 đến nay, đã có một số tác giả quan tâm đến lịch sử, viết về lịch sử như cụ Phan Bội Châu viết Trùng Quang tâm sử; Nguyễn Huy Tưởng viết Lá cờ thêu 6 chữ vàng, An Tư công chúa; Chu Thiên với Bóng nước hồ Gươm; Hà Ân với Người Thăng Long; Nguyễn Triệu Luật Bà Chúa Chè, Cánh buồm thoát tục; Hoàng Yến với Câu thơ yên ngựa; Nguyễn Xuân Khánh Hồ Quý Ly... Có thể nói, hơn 200 năm nay những tác giả viết tiểu thuyết lịch sử ở Việt Nam đếm trên đầu ngón tay. Mỗi tác giả có cách tiếp cận và khai thác lịch sử khác nhau. Thực chất nhiều người rất muốn viết tiểu thuyết lịch sử, muốn dựng lại lịch sử thông qua văn chương, nhưng đi vào công việc này rất khó khăn, phần đòi hỏi tư liệu, vốn sống, vốn kiến thức và hơn hết là cần sự bền bỉ, hy sinh thầm lặng...
Nhà văn Phùng Văn Khai: Mặc dù các bộ tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Hoàng Quốc Hải có khởi đầu và kết thúc theo văn bản  từng tập hoặc từng bộ nhưng tựa như sự mở hay sự khép chỉ là tương đối bởi một lẽ tâm thế, hồn vía của bộ sách đã hướng tới được cái đích là con người và Tổ quốc. Con người ở đây bao hàm mọi tầng lớp, tôn giáo, sắc tộc, địa vị. Tổ quốc ở đây đúng nghĩa thiêng liêng nhất của nó, là trái tim, là khối óc, là danh dự của từng cá thể trong một cộng đồng lớn, một cộng đồng đã kề vai sát cánh bên nhau mấy nghìn năm chung một dải non sông gấm vóc. Tiến tới 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, có thể khẳng định những đóng góp của nhà văn Hoàng Quốc Hải là những đóng góp lớn cho văn học nước nhà, góp phần khẳng định văn hiến Đại Việt, tầm vóc văn hóa Việt Nam rất cần được sự quan tâm, đánh giá đúng mức.
Những bài học mà các bộ sách lịch sử của nhà văn Hoàng Quốc Hải mang lại là những bài học lớn, nó là tinh hoa của con người Lạc Việt hun đúc lại, soi sáng ra và rất cần được tiếp tục bổ xung, tiếp tục phát huy và phát triển. Thái độ nhà văn từ bộ sách này là một thái độ nghiêm cẩn với lịch sử, nghĩa tình với cuộc sống và lao động nghệ thuật ở đây là lao động nghệ thuật chân chính, tâm huyết. Thành tựu ở một bộ sách giá trị ở chỗ nó tạo ra cho độc giả ngoài kiến thức về lịch sử, quân sự, văn hoá, kinh tế, chính trị… của một thời đại nào đó còn thổi vào trái tim, tâm hồn bạn đọc một ý thức sống, một thái độ  sống, một niềm tin, ước mơ và khí phách cho riêng mình.
Xin trân trọng cảm ơn nhà văn