Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

GỌI TRONG MIỀN ẢO VỌNG

Hà Linh
Thứ bẩy ngày 30 tháng 1 năm 2010 9:50 PM
 

(Cảm nhận nhân đọc bài thơ "Anh gọi tên em" của Vương Cường, đăng trên trang trannhuong.com )
Tôi đã từng nhiều lúc như thế, chìm trong thế giới ảo vọng, nhìn đâu cũng thấy một gương mặt, nghĩ gì rồi cũng chạm đến nỗi nhớ cồn cào. Cái nhớ hữu hình mà vô hình, vô định, ở đâu đó trong tôi, ngoài tôi, gần xa lẫn lộn. Cái nhớ có thể giết chết thời gian, bóp méo không gian, làm lệch ánh sáng, làm nhoè sắc màu ...
Dường như Vương Cường đang cố níu lại nỗi nhớ ấy. Biết là có thể bất lực khi hữu hình hoá nó, nhưng anh vẫn cố nhét chúng vào trong câu chữ. Toàn là những câu chữ ta thường nói, những câu chữ tự nó không đẻ thêm ngữ nghĩa lạ, không dễ mang được hồn ta vào cõi lênh đênh. Anh có thành công hay không trong cố gắng "mặc áo" cho nỗi nhớ? Điều đó bạn có thể tự ước định khi đọc "Anh gọi tên em"(*). Còn tôi, khi đọc bài thơ này tự dưng lại rơi về cảm giác vô định kia. Những câu thơ thật cay nghiệt, bởi nó lại một lần nữa kéo tuột tôi vào thế giới ảo vọng trong những phút giao thừa Tết Kỷ Sửu, đúng vào lúc thời gian dường như đảo chiều, phá vỡ hai chiều trong thế giới thực, trở thành đa chiều trong từ trường ký ức đầy ma thuật.
Có lẽ cái ma thuật của ký ức bắt đầu từ một hình ảnh thực tế, mà bước sóng của tâm hồn nhạy cảm trùng nhịp một cách vô thức với nó. Hoàng hôn trên cánh đồng với chân trời đầy mây thì có gì lạ nhỉ. Ấy vậy mà nó lại là hình ảnh đa mang, tương tư của Vương Cường, làm bật lên tiếng gọi dồn nén trong lòng:
Chiều chiều giữa hoàng hôn cánh đồng
Ngóng về chân trời xa
Có đám mây hình thiếu phụ
Anh gọi tên em
Khung cảnh giản dị, thôn quê, câu chữ cũng vậy. Nhưng vậy đấy, khi nỗi nhớ là chân thành thì sự thừa nhận nó cũng rất ngắn gọn. Có gặp Vương Cường, ngồi tán gẫu nhâm nhi vài ly rượu với anh mới thấy rõ cái tính cách đó: đi thẳng đến đối tượng, bóc gỡ mạnh dạn những vấn đề hóc. Có lần đọc thơ anh, tôi nói đùa, rằng anh yêu rượu, nên người như có lửa, bắt tay cũng truyền lửa, làm thơ cũng dùng lửa. Cái lửa ấy như lửa cồn, thiêu rất nhanh những râu ria, rơm rác bên ngoài, để lộ óng ra cái cốt lõi bên trong. Tôi lạ là Vương Cường làm thơ mà lại có phương pháp tiếp cận như một nhà khoa học vậy, chuốt sạch để còn lại những câu thơ cô đặc. Sau này mới biết anh có học vị Tiến sỹ.
Với cách đó, Vương Cường đã "đốt cháy giai đoạn" với sự chuyển mạch cô đọng, đầy bất ngờ:
Anh đã gọi em mòn cả hoàng hôn như thế
Vương Cường lặp lại điệp từ "Anh gọi em" trong hai câu liên tiếp, nhưng không phải anh nhìn trăng, nhìn sao, nhìn chim hay hoa lá để đa dạng hoá tiếng gọi. Chỉ nhìn đám mây rồi gọi vọng vào chiều, vậy ma lực nào làm mòn cả hoàng hôn? Có lẽ đám mây hình thiếu phụ kia choán toàn bộ tâm hồn, để anh gọi thành tiếng, gọi thầm trong lòng, gọi như ánh nhìn hoang hoài miết mãi vào chiều, gọi như cộng cảm, níu nuối lấy nắng lợt. Hoàng hôn mòn rồi thì còn lại những gì? Câu thơ trùng lại và tôi chợt se thắt với nỗi đau của chính mình.
Còn gì nữa đâu. Tuổi trẻ đã qua, hoàng hôn đã muộn lại còn mòn thêm như thế. Cánh đồng mọc đầy tóc bạc! Cuộc gọi muộn màng, vô vọng, dâng thành nỗi đau xa xót, trần trụi tràn lên:
Cánh đồng mọc đầy tóc bạc
Những hàng cây không mặc áo
Tua tủa tràn lên
Chẳng có màu xanh
Chẳng có màu vàng
Chẳng có màu trắng
Xa...
Chỉ có gió lồng lên thành bão
Phải chăng không gian cánh đồng ấy không còn hy vọng màu xanh, không có kết quả vụ mùa vàng mượt, không cả lãng mạn hoa cỏ miên man trắng... Chỉ còn là cánh đồng ảo giác, hư xa, nhạt nhoà đầy thất vọng trong ngóng vọng. Phải chăng cánh đồng Vương Cường bây giờ chỉ là mùa đông, không còn mùa Xuân xanh, không còn mùa Thu vàng, không còn Hạ trắng nữa. Mùa đông sương muối gội bạc cành cây trụi lá thường thấy trên rẻo cao, thường có ở mùa đông xứ tuyết. Có lẽ Vương Cường muốn ngoa cọ vẽ sẫm tiếng gọi giữa cánh đồng ảo vọng mùa Đông. Có phải cuộc đời đã sang mùa rét không chỉ bởi có hay không tuyết giá ở bên ngoài.
Phải chăng nỗi nhớ người thiếu phụ anh đã gieo vào tít chân trời, không nảy mầm được trên đất, không hồi lại thành xanh - vàng - trắng hữu hình như cỏ cây hoa lá có thật ở xung quanh. Cái nhớ ấy ảo giác hoá cả cánh đồng lau sậy chăng. Cánh đồng chỉ có một màu trắng ngời, trắng bơ thờ, trắng rụng rơi dần trong gió ấy đã khiến Vương Cường đau và nhận ra cái có thật là "Chỉ có gió cứ lồng lên thành bão!"  Làm gì có cơn bão nào, đám mây hình thiếu phụ vẫn còn đứng đó, chẳng tan dạt đi đâu. Chắc là bão trong lòng nổi lên, thổi ngược hiện tại về quá khứ, cuốn theo nối nhớ đảo chiều thời gian chăng.
Tôi đã không ít  lần gặp lại điệp từ "gọi tên em" trong nhiều bài thơ đã đọc, đã viết một thời. "Cho anh gọi tên em chiều gió nổi/Hoàng hôn bập bùng nắng cuối". "Anh gọi em hun hút phố dài". "Gọi tên em võng cả cung đàn". "Gọi em bốn mùa.../cánh đồng rạp gió khóc trong mưa". "Gọi em xô nghiêng vầng trăng"... Nhưng bây giờ thì gặp Vương Cường với "Gọi em mòn cả hoàng hôn". 
Tôi đã làm một cuộc tra cứu trong hơn 4.600 câu ca dao nói về tình yêu đôi lứa. Đủ cả những hình tượng của vạn vật trong vũ trụ, trong thiên nhiên cây cỏ lá hoa bốn mùa, con vật trên đất, tôm cá dưới nước, con chim trên trời. Đủ cả những gắn bó làng quê, đồng rơm rạ lúa và những hoạt động thường nhật bao trùm cuộc sống sinh tồn, làm ăn buôn bán của con người... Có thế tôi đọc còn ít ca dao, chưa nhiều những nhà thơ thành danh. Thế nên lần đầu tôi gặp hình ảnh "đám mây thiếu phụ, gọi mòn hoàng hôn" của Vương Cường. Những hình tượng thơ ấy níu mãi tôi với "Anh gọi tên em" của anh.
Vương Cường gọi người của tương tư mà không thao thiết quá. Có lẽ lửa nóng đến mức nào đó thì thành xanh. Nỗi đau đến mức nào đó thì khô mắt. Nỗi buồn đến mức nào đó thì cười lặng. Có lẽ vì thế câu thơ ở đây cứ từng khúc nấc khan, rơi ra không cần dẫn giải, thách đố người đọc.
Vương Cường lạc từ không gian thực vào không gian ảo, từ gọi hắt lên thành tiếng đến gọi vô thanh trong miền ảo vọng. Anh thành ra người "ngây ngô", chập choạng giữa ảo và thực, gửi lời đến chân trời xa mà lại cứ muốn nhặt lại lời, rõ ràng là phi vật thể mà cứ muốn nó định hình như đá cuội. "Anh không nhặt lên được những mảnh hạt lời anh gọi em". Câu thơ cuối cùng này lộ rõ Vương Cường đang lãng du, phiêu diêu trong hoài nhớ, ảo tưởng trong đời thực. Chỉ có tình yêu đằng đẵng, chung tình mới thôi miên câu thơ đạt đến hay và hư ảo như vậy.
Tôi cứ băn khoăn, tại sao trong bài lại có những câu dường như mâu thuẫn, không là "cánh đồng hoàng hôn" mà là "hoàng hôn cánh đồng"?. Tại sao lại mượn hình ảnh "cánh đồng mọc đầy tóc bạc"?. Đã thế lại "Chẳng có màu trắng"?... Hình như Vương Cường đang tạo ra đối xứng ảo, giữa hình dáng em là đám mây trên trời với gương mặt anh là cánh đồng mặt đất. Và cánh đồng anh giờ đã đầy râu tóc bạc, cuộc đời chỉ còn là mùa đông. Bài thơ như một bức hoạ lập thể, đa nghĩa, tạo ra nhiều trục mở của tư duy.
 Đôi khi đọc thơ, tôi cám ơn tác giả đã dẫn tôi lạc vào tiềm thức ẩn giấu đằng sau thơ. Đôi khi tôi trách thầm tác giả, vô tình khơi gợi lại nỗi đau của tôi. Đôi khi tôi ghen với tác giả đã viết hay hơn tôi nghĩ về tâm sự của chính mình. Nhưng nếu không có những người thơ, vần thơ như thế, đọc rồi đọng lại, thì tình yêu một thời của tôi, nỗi đau tưởng không quên của tôi cũng đã bị lãng quên mất rồi./. 

Anh gọi tên em
   VƯƠNG CƯỜNG
 
Chiều chiều  giữa hoàng hôn cánh đồng
ngóng về chân trời xa
có đám mây hình thiếu phụ
anh gọi tên em
Anh đã gọi em mòn cả hoàng hôn  như thế
cánh đồng mọc đầy tóc bạc
những hàng cây không mặc áo
tua tủa tràn lên 
chẳng có màu xanh
chẳng có màu vàng
chẳng có màu trắng
xa ...
Chỉ có gió cứ lồng lên thành bão
anh không nhặt lên được những mảnh hạt lời anh gọi em
2 - 8 - 2008