Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HÃY CỨU LẤY CA TRÙ – NẾU KHÔNG RỒI SẼ MUỘN

Lưu Trọng Văn
Chủ nhật ngày 17 tháng 1 năm 2010 9:27 PM

TNc: Nghệ sĩ Quách Thị Hồ tạ thế lúc 3h 45 phút, ngày 4 tháng Giêng năm 2001, tức ngày 10 tháng Chạp năm Canh Thìn. Thọ 92 tuổi. Trong sổ tang đọc thấy dòng chữ của một nhà nghiên cứu: “Nghệ sĩ Quách Thị Hồ ra đi có mang theo tất cả những gì là cao quý, sang trọng và bác học của nghệ thuật ca trù trong thế kỷ XX”.
Nghĩ đến hôm bà mất, càng thấy thương bà, khi mất, không có đất chôn. Con cháu phải mua một mảnh đất mấy mét vuông bên Gia Thuỵ để làm nơi yên nghỉ cho bà.
Nhân 9 năm, ngày giỗ của Bà, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của nhà báo Lưu Trọng Văn, con trai Thi sĩ Lưu Trọng Lư, trên báo Lao Động cách đây gần 20 năm.
 
Không biết tôi là nhà báo bà Quách Thị Hồ có vẻ khó chịu, không muốn tiếp. Tôi buộc lòng phải giới thiệu rằng cha tôi là một người hơn 50 năm trước rất thích nghe bà hát cô đầu… bà mới cơi nới câu chuyện.
Quách Thị Hồ: Này, cậu hỏi tôi sao không truyền nghề ca trù à? Ai mà học?
• Thưa bà, có một số ca sĩ nói rằng họ là học trò của bà.
Quách Thị Hồ: Tôi muốn họ quên tôi đi. Xấu hổ lắm! Bởi mấy anh chị ấy đến tôi chỉ xin học vẹt, học lỏm từng bài, để mà đi khoe, đi diễn, rằng ta hát ca trù, chứ có ai muốn học nghề, học đến nơi đến chốn đâu? Mà học làm gì?
Bà Quách Thị Hồ dựng đứng lưng song song với thanh tựa, miệng khép lại như để dấu biến những ngôn từ lệch đang ùn ứ bên trong. Bà chẳng khóc. Dễ gì mà lấy được nước mắt của bà?
Quách Thị Hồ: Hồi trước có mấy ông lãnh đạo văn hóa nói thẳng vào mặt tôi rằng: “Cái nghề ca trù của bà chỉ phục vụ bọn thực dân phong kiến, cái cây đã chết, cho nó chết, lấy đâu hoa mà nở”. Lúc đó tôi chỉ cười: “Rồi xem, hoa có nở không”
* * *
Ca trù là một trong những truyền thống âm nhạc vĩ đại nhất, đáng tự hào nhất của văn hóa Việt Nam. Ca trù có từ ngàn năm, bắt đầu từ lễ hội dân gian rồi thâm nhập vào giới trí thức cung đình, bác học lên, lễ nghi lên, rồi lại trở về dân gian bay bổng và bình dị. Những anh hùng, danh nhân lịch sử dân tộc từ Lý Thường Kiệt, Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Cao Bá Quát, Phan Bội Châu, Lê Hồng Phong v.v… đều say mê sáng tác ca trù và đã góp công cùng dân gian làm đẹp thêm ca trù. Ngày nay ở khắp miền Bắc từ Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn Tây, Bắc Ninh, Vĩnh Phú, Hà Nội v.v… Còn đó hàng trăm làng ca trù, mà sự khắc nghiệt của chiến tranh, của thời gian không dễ gì tiêu hủy được. Âm nhạc ca trù được thế giới đánh giá là cực kỳ phong phú, độc đáo, tiết tấu cực kỳ biến hóa. Ông Viện trưởng viện Âm nhạc Pháp nói rằng: Ca trù là đỉnh cao của âm nhạc nhân loại.
Vậy mà, đã có một thời…
Quách Thị Hồ: Người ta đã vục mặt chúng tôi xuống bùn.
• Tại sao vậy, thưa bà?
Quách Thị Hồ: Có lẽ người ta hiểu lầm hát ca trù - cô đầu - ả đào ở Khâm Thiên, ở Vạn Thái, ở Bạch Mai là loại “hát ôm”, đĩ điếm và họ thấy quan lại thường đến ăn chơi ở đó nên cho là văn hóa… đồ trụy.
Khi tôi gặp lại nhiều cụ già, nhiều trí thức, nhà văn, nghệ sĩ lớn của đất nước có một thời lui tới nghe hát cô đầu, tất cả đều bác bỏ luận điểm trên, mà họ cho rằng đi nghe hát cô đầu là loại hình văn hóa rất cao sang, độc đáo, bởi người nghe phải hiểu ca trù, phải biết đánh trống tham gia vào cuộc hát. Người ta đã nhầm lẫn giữa cô đào hát, với cô đào rượu, cô đào thuốc phiện,… để cho vô một rọ… bài trừ.  Cuối cùng, sự thật là sự thật: Là hoa thì hoa vẫn nở, bà Quách Thị Hồ được nhiều giải thưởng quốc tế cao quý, được Nhà nước tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân - nghệ sĩ nhân dân duy nhất của đất nước không ở trong biên chế Nhà nước.
Quách Thị Hồ: Tôi đã 82 tuổi mất rồi.
* * *
Qua sông Hồng, sông Đuống, qua thành Cổ Loa cổ xưa tôi tìm về làng Lỗ Khê - cái nôi của ca trù. Đầu làng, bên lũy tre, một quán nước nhỏ, bà bán quán tuổi 70 phe phẩy quạt vẻ thanh nhàn. Sau hơn 30 năm xa quê, người đàn bà tên là Nguyệt ấy đã quyết định bỏ ngôi nhà của mình ở trung tâm Sài Gòn, bỏ hết gia sản, mọi bảo lãnh quyến rũ qua thế giới phương Tây để về Lỗ Khê, quê cũ, mà được hát… ca trù, được sống lại thời con gái tuổi 15, 16 hát múa, bỏ bộ, bài bông, thiên thai, trong tiếng đàn đáy bạn xưa, ca tỳ bà hành.
Bà Nguyệt: Được hát là tôi mãn nguyện, nhắm mắt cũng vui rồi.
Theo con đường làng rợp bóng bưởi, khế, tre, tôi tìm đến nhà bà Mùi, người hát hay nhất vùng, người một thời nổi tiếng khắp thành đô.  Bà Mùi mặc chiếc yếm chân quê đang gánh nước giải ra đồng tưới rau. Dừng gánh bên đống rơm lởm chởm bà khẽ nhếch mép cười khi tôi nhắc đến hai chữ : Ca trù.
Bà Mùi: Làng tổ ca trù, mà giờ đây bọn trẻ chẳng đứa nào biết ca trù là gì sất. Có nghe chúng em hát (bà xưng “em” với tôi theo kiểu nói người Lỗ Khê) tụi trẻ bảo các cụ rên rỉ buồn chết, các cụ bị chạm thần kinh. Nhà bác bảo tụi em phải dạy nghề ư? Dạy cho ai, truyền cho ai chứ lị? Chúng em sẵn sàng dạy không tiền, em đi hát từ lúc 11, 12 tuổi, nghề hát ông bà cha mẹ truyền cho, chúng em không truyền tiếp cho con cháu, chúng em chết, nghề chết, bác bảo khóc  được không hả bác? Cụ tổ ca trù chúng em chính là ông Đinh Dự, trưởng nam của cụ Đinh Lễ, ngàn năm rồi chứ lỵ. Ngày xưa làng em vui lắm, lễ hội, rước đón ông Thành Hoàng cả làng từ già đến trẻ hát múa suốt đêm.
• Thưa bà, bây giờ bà hát cho cháu nghe đi.
Bà Mùi: (cười lộ cả hàm răng đen): Ấy chết, em 80 tuổi rồi, bác bảo em còn hơi đâu mà hát…
Làng Lỗ Khê cũng như hàng trăm làng ca trù khác, hỏi trẻ, chẳng ai biết ca trù là gì, chẳng cô bé, cậu bé nào biết hát bỏ bộ, bài bông biết đàn phách, gẩy đàn đáy. Hỏi già, già nhớ bao bạn hát bạn đàn xưa đã thành nấm mộ cỏ vàng cỏ xanh, và, chính già, những bà Hào, bà Mùi, bà Sách, cụ Chu Văn Du, cụ Đinh Khắc Ban, cụ Phó Đình Kỳ, cụ Ngô Linh Ngọc… đều đã tuổi bảy mươi, tám mươi, mỗi người phiêu bạt một nơi, người làm ruộng, người lo trông trẻ, kẻ lẩn thẩn, ngẩn ngơ…
Bà Tuất, vợ ông Tuất, một người đánh đàn đáy giỏi nhất vùng, cầm cây đàn đáy của người chồng đã khuất lấm tấm khóc: Thấy cây đàn là nhớ ông nhà tôi, tôi là con nhà giàu, bỏ hết, theo ông ấy vì mê tiếng đàn của ông ấy.
Bà Mùi (đưa tôi xem ba cây phách cũ): B52 tụi Mỹ thả Cổ Loa em chạy xuống hầm mang theo có ba cây phách, chồng em bảo “bà mang theo để làm gì?” Em trả nhời: “Tôi còn mang theo đến chết”.
* * *
Tôi định chấm dứt bài viết của tôi tại đây, nhưng còn một người nữa mà tôi không thể không nhắc tới, đó là nghệ sĩ Trần Thị Phúc 86 tuổi, một trong những nghệ sĩ tài hoa nhất của Việt Nam.
Bà Phúc: người ta bảo chúng tôi là xướng ca vô loài đấy.
Tôi nhìn bộ cánh tuyềnh toàng bà mặc và căn phòng chưa đầy hai mét vuông chỉ đủ kê một chiếc phản gỗ mà trên nó là nồi niêu, chén bát và áo quần, chăn màn xỉn cũ.
Bà Phúc: Cái anh ca trù khó nhất là luyến láy. Học cả đời chưa chắc đã hát được. Tôi có năm đứa con mà chẳng đứa nào theo hát nổi. Cô Trần Thị Tuyết chỉ biết được có ngâm thơ.
Bất ngờ ngồi dựa vào cánh cửa, bà Phúc hát bài Hương tích của Chu Mạnh Trinh:
Bầu trời, cảnh Phật ư…
Thư hương sơn ao ước bấy lâu nay.
Bà Phúc: Đấy anh em, nó ngân nga ở cổ không như hát mới là há mồm đâu. Luyến lắm:
“Kìa… non non, nước nước mây may”
Ca trù phải rành mạch, tròn vành, rõ chữ:
“Trong thiên hạ có anh giả điếc
Khéo ngơ ngơ, ngác ngác, ngỡ rằng ngây…
(Bài “Anh giả điếc” của Nguyễn Khuyến).
Và cứ thế, không mời, không xin bà lão 86 tuổi ấy hát, hát hết bài này đến bài khác. Không hiểu bà hát cho tôi hay cho chính bà, cho cuộc đời bà, cho niềm say mê nghệ thuật của bà, vừa hát, tay bà vừa nhịp, thỉnh thoảng quệt bã trầu. Tiếng hát của bà lúc day day chầm chậm, lúc vút như cánh diều từ tầng cao chót vót lao thẳng xuống đất, nhưng đến mí đất lại bất ngờ vọt lên… tôi như bị mê hoặc, bị thôi miên trong tiếng hát của người nghệ sĩ già. Hát hết ca trù bà lại chuyển qua hát tuồng, hát chèo, hát chầu văn, ngâm sa mạc, hát sẩm, văn tế, trống quân, thầy cúng rồi kể chuyện Kiều…
“Một vùng cỏ áy bóng tà
Gió hiu hiu thổi một và bông lau”
Tự  dưng tôi nghĩ đến nàng Kiều của cụ Nguyễn, có trùng lặp gì đây không thân phận nàng Kiều với thân phận những nghệ nhân ca trù?
“Cùng một kiếp bên trời lận đận”
* * *
Sẽ có người hỏi rằng tôi kể tất cả những chuyện trên để làm gì? Để làm gì ư?
Hãy cứu lấy, phải cứu lấy nghệ thuật ca trù, cứu lấy các nghệ nhân ca trù nếu không rồi sẽ muộn.
Xin chớ để ca trù như nàng Tô Thị… chỉ còn trong ký ức buồn!

Nguồn: Báo Lao Động Chủ nhật, ra ngày 20/10/1991, tr.5.