Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGHĨ LUNG TUNG SAU HỘI NGHỊ QUỐC TẾ GIỚI THIỆU VĂN HỌC VIỆT NAM

Nghiêm Huyền Vũ
Chủ nhật ngày 17 tháng 1 năm 2010 7:35 AM
 
 1) Ở nước Nam ta có câu “ ma chê, cưới trách”. Chuyện chê trách dĩ nhiên không chỉ dành cho đám cưới, đám ma mà dành cho mọi thứ đình đám. Sau HNQT giới thiệu văn học Việt Nam có nhiều ý kiến khen chê cũng là chuyên thường tình, không nên vì thế mà nặng lời với người chê ( theo cách nói rằng có ông uống rượu của Hội nghị như điên lại đi chê Hội nghị!)
 2) Nếu chê Hội ta tổ chức các hội nghị luộm thuộm thì có mà chê cả đời! Ở một hội sang trọng, mỗi ông hội viên có trong bụng đến mấy bồ chữ, thế mà không hiểu sao, đã nhiều lần, chỉ viết mấy dòng lên tấm phông chính cũng để cho người ta phải “dọn vườn”, cả khi viết tiếng mẹ đẻ chứ chả riêng gì khi viết tiếng ngoại quốc!
 3) Thực ra thì Hội nghị đã thành công. Không cần phải nói quá nhiều về học thuật vì chuyện dịch văn học cũng là chuyện người ta đã làm từ lâu, đang làm hằng ngày. Việc các dịch-giả-trong-kỳ-vọng của chúng ta được thấy lòng hiếu khách, được thưởng thức những món ăn ngon và thưởng ngoạn các danh thắng của đất nước ta, được giao lưu trực tiếp và có mối quan hệ cá nhân với các nhà văn Việt có khi còn có tác dụng nhiều hơn là ngồi nghe những discours dài dòng văn tự (nhiều khi còn chẳng hiểu gì vì không có phiên dịch!)
 4) Tuy nhiên không phải sau Hội nghị thì các tác phẩm văn học của chúng ta sẽ được dịch ồ ạt sang các thứ tiếng. Việc dịch hay không dịch một tác phẩm của ta ra tiếng nước ngoài không chỉ phụ thuộc vào ý chí của chúng ta. Một cuốn sách sẽ được dịch ra tiếng nước ngoài nếu nó hay, quyến rũ, ám ảnh người dịch giả, khiến ông ta không thể không dịch, hoặc là nó nằm trong kế hoạch “quảng bá”, được một tổ chức, một “cơ quan hữu quan” “đặt hàng”. Loại thứ nhất ta chưa có nhiều, loại thứ hai ta chưa có tiền! Và rất tiếc là, chưa có nhiều người nước ngoài biết tiếng Việt giỏi đến mức để đọc được tác phẩm rồi bị nó quyến rũ và ám ảnh.
 5) Khi tác phẩm được dịch rồi thì việc “quảng bá” phụ thuộc hoàn toàn vào chất lượng văn học, tính thời sự của tác phẩm đó (gồm cả bản dịch). Nó có phù hợp với kế hoạch kinh doanh của một nhà xuất bản nào đó không? Có nghĩa là nó có làm ra lãi cho nhà xuất bản không? Muốn có lãi thì phải bán được sách, muốn bán được sách thì phải có người mua, muốn có người mua thì sách phải hay! Cuối cùng thì vẫn là chuyện sách phải hay. Hay ở ta rồi lại phải hay ở nước ngoài, nơi ta muốn quảng bá, nghĩa là những gì viết trong cuốn sách phải có tính thời đại, phải có tính toàn cầu... Ôi, phức tạp lắm thay!
 6) Năm ngoái, khi biết sẽ có Hội nghị này, tuy không phải là “nhà văn xuôi” nhưng tôi có mạo muội viết một “cái văn xuôi”. Xin cảm ơn báo Văn Nghệ đã cho đăng ở số 29, ngày 18 – 7 – 2009. Nhân tiện tôi gửi lại để các bạn đọc cho vui...
 
     Nghiêm Huyền Vũ
 
       B Ú A   L I Ề M 
           
 Các nhà văn Việt Nam sốt ruột, có lần hỏi nhau: “Bao giờ Việt Nam có giải thưởng Nobel văn học?” và rồi hè nhau đi tìm nguyên nhân vì sao chưa có giải.  Một phát kiến tầm cỡ cho rằng: “Chúng ta chỉ dịch văn học thế giới ra tiếng Việt chứ không làm ngược lại. Dĩ nhiên chúng ta chỉ mới chuyển được một phần kho báu của nhân loại ra tiếng Việt thế mà đã có những bản dịch tuyệt vời, làm say đắm bao thế hệ. Thế sao chúng ta không dịch ngược?”
 Đã có dịch rồi đấy chứ, “Truyện Kiều” được Nguyễn Văn Vĩnh dịch ra tiếng Pháp từ những năm 40 của thế kỷ trước, “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài chẳng đã được dịch ra bao nhiêu thứ tiếng là gì.
 Có người còn dịch cả Hồ Xuân Hương ra tiếng Anh. Câu thơ nổi tiếng
   Chém cha cái kiếp lấy chồng chung !
được dịch ra một câu tiếng Anh mà nếu dịch ngược trở lại tiếng Việt thì nó có dạng sau đây:
  Phải chia chồng cùng với người khác, ôi cuộc đời!
  Thật kinh hoàng!
  Nếu cứ dịch như thế thì hy vọng Việt Nam có giải Nobel văn học còn xa lắm, đấy là chưa nói đến chuyện nguyên bản tiếng Việt đã Nobel hay chưa?
 Cả khi các nguyên bản tiếng Việt đã gần gần Nobel rồi thì việc dịch ra các thứ tiếng khác không phải cứ duy ý chí là làm được. Chúng ta có các bản tiếng Việt “Chiến tranh và hoà bình”, “Những người khốn khổ”, “Bố già” hay “Tam quốc diễn nghĩa” và “Hồng lâu mộng” tuyệt diệu hảo từ như đã biết thì hoàn toàn không phải những người Nga, người Pháp, người Mỹ hay người Trung Quốc vì muốn có “Giải Lá Diêu Bông” chẳng hạn, mà dịch ra rồi  “tay nâng ngang mày”, dâng lên cho bạn đọc Việt Nam mà đấy là những tượng đài tôn vinh lao động dịch thuât của các nhà văn Việt !
 Đến đây tôi bỗng ngại viết tiếp vì phải nói rất nhiều, nào là Việt Nam với danh nghĩa là một quốc gia, phải là thế này, thế kia. Kinh tế, văn hoá Việt Nam phải thế kia, thế nọ. Ngoại giao Việt Nam phải thế này thế khác…thì mới làm cho các quốc gia, các nền văn hoá khác có nhu cầu tìm hiểu Việt Nam thông qua tấm gương phản chiếu của nó mà dịch văn học Việt Nam ra tiếng của họ. Các dịch giả bản ngữ mới đủ dũng cảm tìm đến các nguyên bản tiếng Việt, đánh vật với thứ ngôn ngữ có một phần “đã hoá thạch” mà chuyển ngữ. Chỉ khi đó các tác phẩm của ta mới thực sự hoà nhập vào nền văn hoá thế giới và giải Nobel văn học mới lấp ló phía chân trời theo ước vọng của các nhà văn Việt Nam.
 Cũng đã có các tác giả Việt Nam được dịch theo huớng đó. “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp v.v…Cũng đã có các tác giả được tặng thưởng nhưng vẫn còn là quá ít, đấy là còn chưa nói đến các giải thưởng, các tấm huân chương, nhiều khi có mùi chính trị nhiều hơn là văn nghệ.
 Tóm lại, các nhà văn Việt Nam phải “cùng với toàn dân tộc”, tự đi đến với giải Nobel chứ không thể chỉ nhờ cậy ở các bác “dịch ngược”. Các bác này, dẫu có là thiên tài về ngoại ngữ cũng không thể và không có chức năng làm công việc tày đình đó. Với lại ở ta, người có thực tài, có thể làm được thì chắc gì đã được làm.
 Tôi nói vòng vo tam quốc như vầy là do bỗng hứng lên chứ những người có tài viết văn chẳng ai lại làm thế, vì lúc đầu tôi chỉ định viết lại mấy mẩu ký ức cỏn con.
 Số là hồi làm tạp chí Vietnam Today, chúng tôi lo nhất là khoản “dịch ngược”. Tạp chí do hai anh em cùng lo, anh Phan Hồng Giang, quá nổi tiếng, làm Trưởng ban Biên tập, còn tôi, chẳng ai biết, làm Thư ký toà soạn. Cả hai sõi tiếng Nga, còn tiếng Anh thì…, có dịp tôi sẽ tự kể về vốn tiếng Anh của mình.
 Lo xong bài vở cho một số 48 trang đã toát mồ hôi, chưa nói chuyện đưa đi dịch. Bản dịch có rồi thì lo nhất là không biết nó đã là tiếng Anh chưa. Vì vậy chúng tôi đề nghị cho thuê chuyên gia để “nhuận sắc” bản dịch. Kinh phí hạn hẹp, lãnh đạo duyệt cho 3 triệu đồng một số. Ba triệu đồng đối với chúng tôi đã là to lắm, bằng 300 USD kia mà! Nhưng để thuê một chuyên gia văn học Anh-Mỹ quả là còn quá khiêm tốn. Có người hiến kế hay thuê tây ba lô. Trong rất nhiều nhà du lịch mang ba lô, đi bộ, hàng ngày vẫn diễu qua nhà xuất bản, biết ai là người có kiến thức văn học mà ướm lời, mời làm cộng tác viên, khó thế đấy !
 Thế mà một hôm, tôi đang ngồi vò đầu bứt tai trước một bản dịch “mot-à-mot” thì có tiếng gõ cửa. Mời vào! Một ông tây cao gần 2 mét, complet vải bông màu đen, kính trắng, dép râu bước vào:
 - Chào anh! Anh ta chào tôi bằng tiếng Việt và nói rằng có người giới thiệu nên đến tìm việc làm, cũng lại bằng tiếng Việt.
 Tôi bắt tay, mời ngồi, rót nước theo thói quen Việt Nam.
 - What is your name? Tôi hỏi, dĩ nhiên bằng tiếng Anh !
 - William Smith. Tên Việt Nam là Liềm, Búa Liềm.
 Tôi có phần ngạc nhiên nhưng chợt hiểu ra và không khỏi buồn cười: “Liềm” là do chữ William đọc trệch mà ra, còn “Búa” chắc mới thêm vào khi nhập cảnh vào một nước cộng sản, tôi đoán thế.
 Tôi vui vẻ ngồi cùng anh ấy và cả hai nói chuyện bằng tiếng Việt, thứ tiếng chúng tôi cùng biết.
 W. Smith sinh ra và sống ở London, học khoa Lịch sử phương Đông ở một university. Sau khi tốt nghiệp, được gửi sang Hồng Kông (lúc bấy giờ còn thuộc Anh), được phân vào một trại tị nạn, nơi tập trung rất đông các thuyền nhân Việt Nam, để thực tập . Cơ duyên có lẽ bắt đầu từ chỗ ấy. Sau những lần giao tiếp với các trại viên, W. Smith phát hiện ra rằng anh rất có năng khiếu tiếng Việt, thứ tiếng đơn âm với năm âm sắc mà ngay cả các sinh viên chuyên ngữ khi học cách phát âm cũng phải khiếp đảm thần hồn. Anh lấy tên Việt là Liềm chắc từ thời đó.
 
 Hết thời gian thực tập, Liềm trở về chính quốc lấy nốt cái bằng Master với một đề tài về lịch sử Viêt Nam, đồng thời theo học một khoá tiếng Việt và sau đó bò sang Hà Nội tìm vận may! Thời ấy ở Việt Nam mới băt đầu “đổi mới”, cơ hội chưa nhiều, theo lời giới thiệu của một người sang trước, anh tìm đến chỗ chúng tôi…
 Ba triệu đồng một tháng, nếu tằn tiện vẫn có thể sống sót. Ngoài tiền thuê nhà trọ, khoản chi chính là cơm bụi. Đến bữa chúng tôi kéo nhau ra phố Hàm Long, sà vào các hàng cơm và “gọi món”. Liềm ăn bằng đũa và xơi ngon lành các món bình dân, thi thoảng còn húp một chút nước mắm và khen là pha rất khéo.
 Liềm vừa nhận việc được chừng một tuần thì đã có nhân viên an ninh đến thăm nhà tôi. Thế mới biết ngành an ninh của ta hoạt động tốt đến mức nào. Chả trách mà bấy nhiêu năm trời, trong hoàn cảnh thù trong giặc ngoài mà chính quyền cách mạng vẫn vững như bàn thạch. Thời bây giờ lại càng phải cảnh giác với các chiêu “diễn biến hoà bình”!
 Thì ra Liềm đã được quan tâm từ ngày còn thực tập tại các trại tị nạn bên Hồng Kông. Khi anh ta vào Việt Nam, thì cái tên William Smith đã bị các máy tính phát hiện và cung cấp đầy đủ các dữ liệu cần thiết cho bên an ninh. Tôi đi vắng, cậu nhân viên an ninh nói chuyện với vợ tôi, đại khái:
 - Anh nhà vừa từ quân đội chuyển nghành, hơn mưòi năm gần đây anh làm việc thường xuyên với các cố vấn Liên Xô vì thế bọn em quan tâm đến việc William Smith tiếp cận anh ấy.
 Bà vợ tôi vốn thật thà, bảo:
 - Chú đừng lo, anh ấy thì có thông tin gì mà moi. Với lại anh ấy yêu nước lắm, có khi còn hơn cả chú nữa đấy. Chú đến gặp thì biết.
 Hôm sau cậu ta đến gặp tôi tại cơ quan. Tôi kéo cậu ấy ra quán cà phê đối diện. Không phải nói gì nhiều, tôi hoàn toàn thông cảm với mối quan ngại của cậu ấy. Còn cu cậu ra về rất an tâm vì vừa phát triển được cho mạng lưới thêm một đặc tình, ấy là tôi! Sau đấy thỉnh thoảng cậu ấy lại đến mặc dù tôi chẳng có gì để mà báo cáo.
 Công việc ở tạp chí Vietnam Today hàng tháng chỉ chiếm mất của Liềm mấy ngày. Thời gian còn lại, anh ấy đi làm ở những nơi khác. Khả năng tiếng Việt siêu đẳng của một người Anh chính gốc đang là của hiếm ở cái thời mà người ngoại quốc bắt đầu kéo đến Việt Nam. Khả năng ấy được hoàn thiện từng ngày.
 Trong quán nườc, khi chúng tôi ngồi tán chuyện ở một góc khuất, nếu ai đó có lỡ nghe những mẫu đối thoại của chúng tôi chắc không thể nào nhận ra là trong hai người có một ông tây nhưng lại biết ngay là có một anh Nghệ Tĩnh.
 Mỗi lần Liềm đi các tỉnh về tôi thường hỏi xem anh ấy có cảm tưởng gì mới về các vùng miền không, Liềm thường chỉ nhận xét về ngôn ngữ hay cách phát âm. Đi Hải Phòng về, tôi hỏi, anh ấy bảo chẳng có gì thật đặc biệt, chỉ có phố Đà Nẵng người ta lại gọi là Đà Lẵng, còn vào Hà Tĩnh ra anh ấy bảo rằng ở trong ấy có rất nhiều tru (trâu) thả rông trên rú (núi)!
 Ít lâu sau đã thấy Liềm mua xe máy. Đấy là một con Dream cũ, dưới cái dáng cao lêu đêu của Liềm, chiếc xe bỗng trở thành như một thứ đạo cụ ở rạp xiếc. Hàng ngày Liềm vẫn lạch bạch đi về bằng con xe khôi hài đó.
 Nhân có Liềm làm việc cùng, thỉnh thoảng tôi cố ý luyện mấy câu tiếng Anh giao tiếp, ví dụ có ai đó tìm gặp Liềm, tôi gọi:
 - William, You are wanted! Anh ấy cười cười chạy ra. Tiếp khách xong anh ấy mới nhắc:
 - Sao anh lại bảo tôi đang bị truy nã thế ?
 Anh ấy còn bảo rằng tôi nói tiếng Anh theo ngữ điệu Nga, nghe rất ấn tượng! Tôi chống chế:
 - Ông ở gần tôi sắp sửa nói tiếng Việt theo ngữ điệu Nghệ thì còn ấn tượng hơn nhiều! Nhớ rằng con sâu thì gọi là con trâu, con trâu thì gọi là con tru còn nơi nào sâu thì gọi là su nhé !
 - Ôi giời! Thế à? Khiếp! Anh ấy trố mắt ngạc nhiên.
 Có lần có việc cần, không thấy tôi ở cơ quan anh ấy têlêphôn về nhà. Vợ tôi cầm máy trả lời mà không biết rằng đang nói chuyện với người ngoại quốc, dẫu rằng trước đó Liềm đã đến ăn cơm mấy lần. Trước khi gác máy, bà ấy hỏi:
 - Em tên là gì để anh ấy về chị còn bảo?
 - Em là Liềm đây! Chị không nhận ra em à? William Smith đây ạ!
 Chúng tôi làm tạp chí cùng nhau thế mà cũng được mấy năm. Tình hình đất nước cũng thay đổi dần. Ngày càng có nhiều nhà đầu tư vào Việt Nam, nhiều tổ chức phi chính phủ cũng sang và mở các văn phòng ở Hà Nội. Một hôm nghe tin Liềm đã bán xe máy, tôi hỏi bán được bao nhiêu, Liềm bảo mười bốn triệu, tôi nói cũng được giá đấy nhỉ, Liềm bảo :
 - Em còn bị hớ đấy. Nếu gặp thằng tây ngố em còn “luộc” được mười lăm, mười sáu triệu ấy chứ. Liềm đã không còn tự xem mình là “thằng tây” nữa, ít nhất không còn là “thằng tây ngố” nữa!
 Liềm chưa bao giờ “ngố”, anh ấy thông minh và nhã nhặn lại rất hóm hỉnh, anh hiểu những khó khăn của chúng tôi và cùng nhau chia sẻ. Nhưng cuộc vui nào rồi cũng có hồi kết, cái ngày chia tay nhau cũng đến. Một NGO mới mở văn phòng và mời anh ấy làm trưởng đại diện. Thế là đổi đời! Trụ sở là một biệt thự có khuôn viên, có đến mấy em người Việt xinh như mộng vừa trợ lý vừa thư ký, Liềm cũng thuê nhà riêng và đi làm bằng xe hơi . Có lẽ vì thế mà anh bán cái con ngựa sắt cà tàng đi để chuẩn bị cho một giai đoạn mới. Trước khi chuyển, anh ấy giới thiệu cho chúng tôi một cộng tác viên, cũng là người Anh đang học tiêng Việt, anh ấy bảo người đồng hương:
 - Nếu cậu muốn học thêm một ngoại ngữ nữa thì bám theo bác Vũ đây, ngoài tiếng Việt, bác ấy còn biết tiếng Nghệ!
 Liềm bận công việc mới, thế mà thỉnh thoảng vẫn ghé qua chỗ chúng tôi nói dăm ba câu chuyện, kể những cảm tưởng sau các chuyến đi và hỏi thăm tình hình tạp chí. Nghe tirage đang tụt, anh hỏi:
 - Phú quý giật lùi à? Bây giờ có nhiều tạp chí mới bằng tiếng Anh,   đầu tư lớn, đì-dai-nơ (designer) ngoại, in đẹp như tây lại phát không. Em đi Vietnam Airlines thấy có cái Heritage sang lắm, chẳng thấy tạp chí của mình đâu nữa, thế mới não chứ! 
 - Lai còn khủng hoảng tài chính, tài chiếc, bạn hàng Đông Nam Á chạy hết, quảng cáo eò uột, kẹt lắm, sắp chết đến nơi rồi! Ông xem có chỗ nào bán hộ chúng tôi một ít lấy hoả hồng uống bia – Tôi bảo.
 Liềm cười buồn ra về.
 Mùa hè năm ấy, Liềm mời bố mẹ sang Hà Nội chơi, anh làm luôn chân hướng dẫn viên du lịch cho phụ huynh trong một tour xuyên Việt.  Hôm Liềm tổ chức sinh nhật, anh mời tôi, nhân tiện thăm nhà mới. Tôi đến, thấy một bom bia hơi Hà Nội kê giữa sân, xung quanh là mấy bộ bàn ghế,  mọi người đang uống bia lạc rang. Tôi hỏi làm sinh nhật theo kiểu Việt Nam à? Liềm bảo sinh nhật bụi mà anh! Anh giới thiệu với mọi người tôi là former boss của anh ấy. Tôi bảo “bót” cái con khỉ!
 Anh dẫn tôi đi xem nhà, vẫn là chỗ ở của một chàng độc thân. Mọi thứ tềnh toàng và lộn xộn tuy nhiên khá hơn nhiều so với cái phòng 4 giường thời sinh viên bên Nga của chúng tôi. Ngoài phòng ngủ, anh còn có phòng ăn và phòng làm việc. Theo thói quen, tôi để ý ngay đến cái giá sách !
Ngoài những sách chuyên môn gì đó bằng tiếng Anh, những cuốn từ điển to nhỏ, cuốn Từ điển Việt-Anh dày cộm của Bùi Phụng do Nhà Ngoại văn xuất bản, tôi mượn giúp cho Liềm cái đận làm tạp chí, tôi còn thấy khá nhiều sách tiếng Việt, trong đó có Vũ trọng Phụng, Nam Cao…, có cuốn Tướng về hưu vừa xuất bản.    
 Tôi nghĩ, thằng cha này hay nhỉ, sao nó không viêt văn bằng tiếng Việt luôn đi cho xong (Sau này có anh chàng Dâu gì đó, người Canada, viết tạp văn bằng tiếng Việt khá dí dỏm, rất ăn khách)! Tôi bảo:
 - Liềm này, sao ông không giúp NXB Ngoại văn dịch sách của mấy nhà văn Việt Nam ra tiếng Anh? Cứ để mấy cụ già ngồi cặm cụi trông tội lắm. Ông làm được thế thì chúng tôi cảm lắm.
 - Thì em đang cóp nhặt vốn liếng mà anh. Bây giờ em còn phải kiếm sống, chưa có lúc nào mà làm. Sau này anh có quyển gì đưa em dịch cho!
 - Tôi thì làm gì có sách, ông có dịch thì dịch mấy ông này này, tôi chỉ lên giá sách, về bên ấy chạy được cửa nào nó in cho thì khối tiền còn gì…
  Thế mà đã bao nhiêu năm không gặp lại Búa Liềm. Không biết hiện nay Mister Smith đang ở đâu. Nhắc đến chuyện “dịch ngược” lại nhớ đến anh ấy. Không biết anh ấy đã có thể thanh thản mà ngồi vào bàn, trước các văn bản tiếng Việt để góp phần giúp các nhà văn Việt Nam đoạt giải Nobel văn chương hay chưa…
  Phương Tây có câu: Hai ngọn núi thì không thể gặp nhau, hai con người sẽ có lần gặp lại. Cứ biết thế…
              22 tháng 2-2009.
                 NHV.