Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ÁNG TÓC TRỮ TÌNH TÂY BẮC

Trần Vân Hạc
Thứ hai ngày 18 tháng 1 năm 2010 6:18 PM
 
Tôi sinh ra và lớn lên ở Tây Bắc, sống giữa cảnh thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ. Mỗi rừng cây, mỗi con suối trong xanh gợn sóng, mỗi ngọn gió thấm đẫm hương rừng như ngấm vào huyết quản. Dẫu bây giờ xa Tây Bắc, nhưng trong tôi luôn cồn cào nhớ những dòng suối thơ mộng, trong lành.
Tây Bắc có biết bao nhiêu dòng suối nhỏ, những dòng suối len lỏi giữa bạt ngàn xanh như mạch máu trong cơ thể sống. Đó là nguồn sống của vạn vật, là chiếc nôi của cộng đồng dân cư với những sinh hoạt muôn mầu và ẩn chứa bao huyền thoại, góp phần làm nên một văn hóa đặc thù. Những dòng suối nhỏ kia đâu có biết mình chính là ngọn nguồn của sông, của biển, góp phần bồi đắp nên những cánh đồng mầu mỡ.
Từ thời đồ đá giữa, người Việt cổ đã biết đi xuống ở thấp hơn. Tuy vẫn ở hang hốc, nhưng họ đã biết chọn cho mình những nơi gần khe suối, sông, hồ. Họ nhận thấy rất rõ khi gần sông nước, cuộc sống thuận lợi và dễ chịu hơn. Dòng suối tưới tắm cho những cánh rừng xanh tốt, cung cấp biết bao sản vật quí nuôi sống con người. Sự qui tụ tự nhiên bên những nguồn nước như vậy, phải chăng đã góp phần hình thành văn hóa làng mạc, gắn kết con người trong nghĩa đồng bào? Cũng chính vì vậy với người Tây Bắc, những dòng suối đều được gọi là “Me nặm” – Mẹ nước (tiếng Thái), sinh ra vạn vật.
Những dòng suối nhỏ từ lúc nào đã gắn bó, đồng hành với con người trong suốt chiều dài lịch sử và đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Có lẽ chính vì vậy mà trên khắp các ngả đường Tây Bắc, ở đâu ta cũng gặp những con suối mang những cái tên đầy chất trữ tình, gửi gắm những ước mơ, khát vọng về cuộc sống, là nhịp cầu nối giữa con người với vạn vật và cả thế giới siêu nhiên, phản ánh nhân sinh quan và thế giới quan của người Tây Bắc: Suối Tiên, Suối Mơ, Suối Xuân… và cả “Tát huổi Lô” - tức là đường tới Thiên đường của người Thái đen Tây Bắc (Văn Chấn, Yên Bái). Vào những ngày nắng đẹp, dòng ‘Tát Huổi Lô” nhìn từ xa như một dải lụa bạc, từ trong mây buông xuống ngàn xanh, giữa cái hùng vĩ, huyền bí của đại ngàn và vời vợi trời, mây non nước, trong lòng chợt ngân lên một ý Đường thi của Lý Bách:
“Xa trông dòng thác xuống sông này
Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước
Tưởng dải ngân hà tuột khỏi mây”
                    (Xa ngắm thác núi Lư – Tương Như dịch)
 Cuộc sống của người Tây Bắc từ thở khai thiên lập địa đã phải đấu tranh quyết liệt với thiên nhiên khắc nghiệt, với kẻ thù hai chân và bốn chân, những con  suối cũng phải oằn mình gánh chịu nỗi đau cùng với con người. Đây dòng “Nậm Xia” – Nghĩa Lộ, Yên Bái, dòng nước mắt của cô gái Thái trắng trong xinh đẹp bị cường quyền chia rẽ lứa đôi, để đến tận hôm nay, những ngày nắng đẹp, vẫn thấp thoáng làn rêu huyền ảo trong nước biếc – mái tóc dài thơm của cô gái hóa thành. Kia dòng “Nậm Tộc” (Văn Chấn, Yên Bái), dòng nước mắt xót xa tủi hờn của người con gái Khơ Mú than khóc cho mối tình ngang trái của một kiếp người, của cả dân tộc từng bị thực dân, phong kiến tàn sát, tận diệt, đến mức chỉ còn ba trăm người sống chiu lủi và ẩn náu bên dòng suối nhỏ và chắc chắn sẽ bị tuyệt chủng, nếu không có Cách mạng Tháng Tám năm nào…
 Những dòng suối Tây Bắc ẩn dấu trong mình bao điều trầm tư, sâu lắng. Dòng suối nào xưa hai vợ chồng “Ải Lậc Cậc” – tức Bố khổng, truyện cổ dân tộc Thái đã bắt cá đỡ lòng trong cuộc khai thiên lập địa nên xứ sở này. Ngày nay lúc nông nhàn cả bản Thái vẫn tổ chức bắt cá tập thể. Mùa xuân, trên các bãi rộng ven suối, các bản Thái tưng bừng trong lễ hội hái hoa ban, cùng các trò chơi dân gian: Đua thuyền vượt thác, bắn nỏ, tung còn, múa xòe… Những đêm trăng, những dòng suối long lanh muôn ánh vàng, in bóng những đôi trai gái đang tình tự giữa đất trời ngào ngạt hương xuân.
Khắp các bản mường, những dòng nước tưng bừng quay cọn nước tưới mát cho đồng ruộng, giục lúa lên xanh, ươm những hạt vàng và thậm thình tiếng chầy giã gạo cối nước như nhịp tim của suối, âm vang một  mùa vụ ấm no. Những con thác tung bọt sáng ngời ánh điện trên những công trình thủy điện, thắp sáng những ước mơ cho mỗi con người, làng bản. Đôi khi những con suối cũng “lắm bệnh lắm chứng, chốc dịu dàng đấy, rồi chốc lại bẳn tính và gắt gỏng thác lũ ngay đấy” – Nguyễn Tuân.
Với tôi, những dòng suối Tây Bắc chẳng khác nào nàng công chúa ngủ trong rừng, mà duyên may bất chợt được gặp gỡ và bồi hồi chiêm ngưỡng giữa ngàn xanh huyền bí. Có lẽ những dòng suối Tây Bắc đã gắn bó với tôi từ thở ấu thơ, đầy ắp trong tôi bao kỷ niệm, để rồi khi xa nhớ về Tây Bắc lại cồn cào nhớ những dòng suối nhỏ và tiếng cười trong vắt tinh nghịch của các cô gái Thái đang nô đùa trong làn nước xanh mơ. Tôi chợt nhớ “Sông Đà” của Nguyễn Tuân: “Con sông Đà tuôn dài, tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban, hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói Mèo đốt nương xuân”.
Vâng ! Tôi xin mượn ý của nhà văn Nguyễn Tuân: “Áng tóc trữ tình Tây Bắc” để gọi tên  những dòng suôi quê tôi – Những dòng suối Tây Bắc !