Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGOA NGÔN

Nguyệt Vũ
Thứ hai ngày 18 tháng 1 năm 2010 5:47 PM
 
Tôi viết bài này sau khi đọc bài giới thiệu tập thơ của Nguyễn Thị Ánh Huỳnh với một cái tên khá gợi : Đừng múc cạn nỗi buồn, vâng, đừng múc cạn!. tác giả Vương Cường viết:
"Bây giờ, sau hơn 20 năm đổi mới, người đọc lại chia đôi khi đọc và đánh giá, “Đừng múc cạn nỗi buồn”, tập thơ của Nguyễn Thị Ánh Huỳnh ( NTAH-nhà xuất bản Hội Nhà Văn 2008 ). Có người cho rằng, tập thơ này hay nhất kể từ 1975 đến nay, và có người bỏ phiếu cho tập thơ này vào giải thưởng thơ năm 2009 của HNV. Có người cho rằng tập thơ chỉ làng nhàng, hoa hậu phường!"
Tôi lập tức dán mắt vào, nói gì thì nói thơ ca Việt nam giờ nhan nhản, có người mỗi ngày viết một vài bài thơ, vậy mà mỗi khi vớ được bài thơ hay đọc sướng cả ngày. Nhưng đọc đến câu Ngoài kia lông ngỗng đầy trời trong đoạn:
“Có những câu thơ đẹp, mang lại cho ta sự thanh thản, yêu đời và tất nhiên yêu người hơn:
Ngoài kia lông ngỗng đầy trời
Mùa thu rắc lối cho người tìm em
 
Viết như thế là rất mới. Lông ngỗng không xa lạ gì nhưng lông ngỗng ở đây lại được tác giả mượn sự quen thân đó làm nhiệm vụ khác, giao liên cho tình yêu”.
Tôi dừng đánh khựng lại như nhai phải hạt sạn trong một bữa cơm ngon rồi không thể nào ăn tiếp được.  Trong đầu cố tưởng tượng ra cảnh " lông ngỗng đầy trời" như thế nào và ở đâu?. Tôi đã từng sống ở châu Âu nhưng mới chỉ nhìn thấy cảnh tuyết trắng đầy trời mà thôi.
Tôi chưa được đọc tập thơ của chị Ánh Huỳnh, nên không thể nói gì nhiều nhưng chỉ riêng câu này đã xếp tôi sẽ đứng vào phía "tập thơ chỉ làng nhàng". Tôi không hiểu khi nhà thơ viết lên câu thơ đó thì có tưởng tượng ra cái khung cảnh mà mình đang vẽ lên cho độc giả chăng? Đành rằng nếu đọc qua câu thơ thấy vần điệu đủ cả thậm chí giàu hình ảnh nữa, lông ngỗng đầy trời, mùa thu rắc lối đưa độc giả liên tưởng tới câu chuyện tình Trọng Thủy, Mỵ Châu -một cuộc tình lừa dối và lãng mạn nhất Việt nam. Tôi đang tưởng tượng ra Mỵ Châu ngồi sau vua cha thả từng chiếc lông ngỗng rắc xuống đường trường khi ngựa đang phi nhanh chạy giặc. Tình yêu vốn mù lòa, rắc lông ngỗng để lại dấu vết cho chồng nhưng cũng là để cho giặc đuổi theo cha mình nhưng trách sao được trái tim yêu. Lông ngỗng rơi trên đường như niềm hy vọng mong manh trong lúc khốn cùng vẽ lên huyền thoại đắng lòng rằng chiến tranh, quyền lực và ngai vàng nhưng cuối cùng tình yêu vẫn thắng bằng cách riêng của nó. Nhưng không thể là “ lông ngỗng đầy trời” như Ánh Huỳnh viết, như vậy có ngoa ngôn quá không?. Cái bệnh ngoa ngôn, dùng mỹ từ thì chẳng phải riêng mình chị mắc, cả tôi, cả bạn, cả những nhà thơ của Việt nam theo kiểu: "Đường ta rộng thênh thang tám thước" của một nhà thơ nổi tiếng nhưng tại cái thời của ông có lẽ chẳng ai dám lên tiếng vì ông chỉ cần ho thì mất nghiệp văn chương mất rồi. Cái tư duy hạn hẹp ấy chỉ có thể là của một anh nông dân chứ nếu là tư tưởng của một nhà lãnh đạo thì gay lắm. Câu thơ của Ánh Huỳnh thoáng đọc lên thì có vẻ hay nhưng đi sâu vào ngữ nghĩa thì than ôi nó làm hỏng hết cả bài thơ, hỏng hết cả một truyền thuyết lãng mạn. Trái tim yêu có thể mù lòa lầm lẫn chứ thơ ca mà mù lòa thì không thể là thơ hay được. Tôi không biết ở xứ nào dưới bầu trời này mà có cảnh lông ngỗng đầy trời và nó đẹp ở đâu nhỉ? Và nói như một thầy giáo dạy văn khi tôi trao đổi với anh về câu này thì:” Nhà thơ nào thế nhỉ? Tôi chưa được hân hạnh biết đến. Nhưng chỉ riêng hai câu thơ này thôi đã thấy sự vô lý ( chưa bàn đến chuyện ngoa ngôn như em nói) vì lông ngỗng đầy trời thì muốn tìm em cũng không thể nào tìm thấy . Em có đứng giữa đường giữa chợ đâu. Khi Mỵ Châu rắc lông ngỗng nàng chỉ rắc theo đường nàng theo cha ra đến bờ biển vì thế Trọng Thuỷ mới tìm thấy được. Đằng này "mùa thu rắc lối" với mớ lông ngỗng bay mù mịt đầy trời kia thì biết tìm cách nào . Chưa biết nhà thơ này định nói gì!”
Tôi đọc lại lần nữa câu thơ và cố đoán xem liệu có phải tác giả muốn dùng thi pháp nào khác lạ như kiểu “ những cơn mưa màu vàng” của Si mô nốp chăng? Bởi chỉ một câu thơ này mà văn học Nga đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực. Khi tác giả mang thơ đến tòa soạn báo Sự thật, Biên Tập viên đòi sửa vì thực tế làm gì có những cơn mưa màu vàng nhưng nhà thơ thì khăng khăng không sửa bởi đó là nỗi lòng là cảm nhận của mình lúc đó. Sau này nhiều người dịch ra thành "những cơn mưa lá vàng rơi" nhưng thực chất vẫn mắc bệnh diễn giải thơ mà thôi. Đọc những "cơn mưa màu vàng" ta còn hình dung ra những ngày mưa buồn ảm đạm trong chiến tranh ở Matxcơva chứ cảnh "lông ngỗng đầy trời" ở Việt nam thì tôi chịu. Hay có sự tích gì giống như “ bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân” không nhỉ?
Để hiểu thêm bối cảnh của câu thơ tôi đã đọc bài Mùa thu ảo của Ánh Huỳnh và đây là câu thơ lục bát duy nhất trong bài thơ theo thể tự do, dạng tân cổ giao duyên. Có nhiều hình ảnh khác như “ mùa thu chết/ trong nhạc, mùa thu huyền/trong mắt anh) khá là hoang tưởng.
Trong ca dao tục ngữ Việt nam cũng có những câu thơ " ngoa ngôn" như:
Lỗ mũi em mười tám gánh lông
Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho
Người Việt nam đọc lên biết ngay rằng đó là bút pháp ngoa ngôn để nói lên sức mạnh của tình yêu, nhưng nếu dịch ra tiếng nước ngoài tôi e rằng đọc cũng ...thất kinh! Câu ca dao tục ngữ ấy có lẽ đã có hàng nghìn năm rồi, chứ trong thời đại hiện nay mà phụ nữ như thế chắc chả ai dám đến gần chứ đừng nói là yêu nữa. Ý tôi là sự ngoa ngôn này chấp nhận được vì văn học phù hợp với thời đại chứ ngoa ngôn theo kiểu " lông ngỗng đầy trời" thì khó chấp nhận được chứ đừng nói là thơ hay nữa.
Mời các bạn xem bức tranh choáng ngợp trong thơ của Yesenin:
Đêm. Tất cả im lìm
Tiếng suối reo róc rách
Trăng riêng mình lấp lánh
Dát bạc cả thế gian
Dát bạc cả dòng sông
Dát bạc con suối nhỏ
Dát bạc trên thảm cỏ
Trăng tưới đẫm thảo nguyên ( Nguyệt Vũ dịch)
Đọc bài thơ lên ta như ngồi trong khung cảnh tuyệt vời của đêm trăng trên thảo nguyên, tâm hồn nhẹ nhàng thư thái và lâng lâng. Thơ thế mới gọi là thơ chứ và dịch ra tiếng nước nào cũng vậy thôi.
Ôi thơ văn nó rắc rối và phức tạp làm sao, có người thích lại có người chê nhưng cái bệnh ngoa ngôn trong thơ thì cũng có lúc phải đem ra bàn mà mổ xẻ chứ để những hạt sạn trong một tập thơ được đánh giá là hay thế này phí lắm. Tôi rất mong nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh tha lỗi cho tôi vì sự mạo phạm này. Nếu tập thơ của chị được coi như những tập thơ tự in khác thì không sao nhưng nếu "Có người cho rằng, tập thơ này hay nhất kể từ 1975 đến nay, và có người bỏ phiếu cho tập thơ này vào giải thưởng thơ năm 2009 của HNV" thì có vẻ như không ổn lắm. Hàng trăm năm sau khi thế hệ chúng ta đã qua đi, lớp trẻ đọc lại sẽ đánh giá như thế nào về thơ văn của Việt nam từ năm 1975 đến nay hay cũng như câu thơ của Tố Hữu mãi mãi trong bia miệng người đời...
Tất nhiên độc giả không chỉ đánh giá tác giả mà đánh giá cả những người bình chọn tập thơ nữa.