Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CÔNG VIÊN LÊ VĂN TÁM TẢN MẠN

Vũ Duy Chu
Thứ năm ngày 14 tháng 1 năm 2010 9:24 PM

Công viên Lê Văn Tám của TP. Hồ Chí Minh bé tèo tẹo. Tôi cuốc bộ giáp vòng phía trong hàng rào hết đúng chín phút. Đi bộ lúc giữa chiều mỗi ngày thường vắng người, không phải chen chúc như lúc sáng sớm. Công viên đã bé lại càng bé hơn, do Công ty Dịch vụ công ích thuộc lực lượng Thanh niên xung phong thành phố tổ chức giữ xe máy, xe đạp ngay trong công viên, giữa các lối đi. Họ thu bộn tiền. Học sinh, sinh viên các trường học, cán bộ công nhân viên các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp xung quanh công viên, cả khách vãng lai đem xe đến gửi rất tiện lợi. Mặt tiền công viên dọc đường Hai Bà Trưng treo biển báo cho đỗ xe hơi có thu phí. Nói chung, người ta tận dụng tối đa, tận thu tối đa trên từng mét vuông đất nơi này.
Ấy là chưa kể nước rửa chén, bột giặt, các loại sữa cho trẻ em, sữa chống loãng xương cho cụ ông, cụ bà, hội thi chim, thi cây cảnh, triển lãm này nọ kia… thỉnh thoảng lại chọn công viên để quảng cáo tiếp thị, loa đài rần rần. Có lúc bán vé vô cửa năm ngàn, mười ngàn, người như nêm suốt tuần…
Tôi thường đi bộ phía trong công viên do còn một lý do nữa. Không thể nào đi bộ vòng quanh phía ngoài được. Con đường Phan Liêm nhỏ xíu bao một đầu công viên không có lề đường đi bộ. Phía giáp đường Điện Biên Phủ mùi nước tiểu khai nồng nặc, có lúc chảy xuống vỉa hè lênh láng. Góc Hai Bà Trưng- Điện Biên Phủ, các bác xe ôm vật vờ suốt ngày chờ khách, mót tiểu thì áp sát hàng rào sắt, chỗ có các trụ bê tông, tương ra rất thản nhiên. Nhà vệ sinh công cộng chỉ cách chỗ các bác ấy tiểu chừng năm mươi mét và một nhà vệ sinh nữa cũng gần đó, góc Điện Biên Phủ- Phùng Khắc Khoan. Kệ, tiền đâu mà vào những chỗ ấy. Những thanh sắt hàng rào công viên tròn to như ngón chân “tắm” nước tiểu suốt ngày suốt tháng lở loét, nhiều thanh đã đứt gốc treo lơ lửng…
Nói chỉ mấy bác xe ôm tiểu bậy là chưa công bằng. Cánh lái xe hơi bốn chỗ, bảy chỗ đánh xe vào bãi đậu trước công viên cũng rứa. Họ đậu xe cả buổi, cả ngày chờ sếp đi họp, đi làm việc hay đi đâu làm sao mà biết. Không đọc báo thì anh em túm năm tụm ba đánh bài ăn tiền, không đánh bài thì chui vào xe bật máy lạnh lên khò. Vị nào tiết kiệm xíu thì mở cửa xe, ngoẹo đầu lên ghế lái thư giãn.
Thế là hình thành hàng loạt dịch vụ ăn theo. Người ăn xin, người bán vé số, người bán báo, đánh giầy, bán quà vặt, đồ chơi trẻ em luôn có mặt để phục vụ các thượng đế. Góc Hai Bà Trưng - Võ Thị Sáu còn tấp nập hơn. Ở đó có một bà chủ bán bò bía và nộm bò khô rất đông thực khách, nhất là mỗi buổi chiều. Bà chủ phục vụ theo kiểu chợ chồm hổm, nghĩa là lỡ ra bị xua đuổi thì toàn bộ “ bếp núc” của bà chỉ để trên một chiếc xe đạp di tản nhanh gọn, nhẹ nhàng.
Thực khách la liệt. Họ ngồi xổm, lót giấy ngồi trên các bờ gạch xây ô vuông bao các gốc cây, ngồi trên xe máy, xe đạp. Ới một tiếng, có người mang đồ ăn tới liền. Mười ngàn một dĩa nộm bò khô, năm ngàn một dĩa bò bía. Trong các món ăn bình dân vỉa hè, ngoài cổng các trường học phổ thông ở Sài Gòn, hai món ăn này không thể thiếu, luôn hấp dẫn các thanh nữ áo dài duyên dáng.
Phía trong công viên, người ta kinh doanh trò chơi. Góc phục vụ cho thiếu nhi hàng chục năm nay vẫn thế. Các trò chơi nhà banh, ngôi nhà cổ tích chật chội, đu quay, xe lửa, xe đạp mini cũ kỹ lem luốc, chạy cọt kẹt, uể oải. Hồ bơi cho các cháu chỉ nhỉnh hơn cái nong phơi lúa. Phụ huynh nào sải tay dài một chút là có thể kéo con đang bì bõm giữa hồ lên bờ. Vậy mà chiều thứ bảy, chủ nhật nào nóng nực cũng đông nghẹt. Nghỉ cuối tuần phụ huynh biết đưa con đi đâu? Một chỗ chơi bé tin hin cho lũ trẻ như ở đây, còn hơn là không.
Nhưng rồi những chỗ vui dù bé như thế này, nay mai chắc gì đã còn? Báo chí làm rùm beng về chuyện người ta xẻ thịt công viên. Nhưng rồi các công viên cứ dần dần biến mất. Công viên Lam Sơn góc đường Đồng khởi - Lê Thánh Tôn đã bị xóa sổ, nhường chỗ cho một tòa cao ốc. Công viên Bách Tùng Diệp bị thu hẹp. Công viên Hoàng Văn Thụ, Công viên Gia Định, Công viên 23.9, Công viên Tao Đàn như cái vẩy ốc giữa thành phố bảy tám triệu dân cũng vài phen bị cuốc thuổng hỏi thăm, phấp phỏng không biết thế nào.
Thỉnh thoảng tôi lại thấy mấy ông vác máy móc dây nhợ vào đo đo vẽ vẽ trong công viên Lê Văn Tám. Có thể, một khu đỗ xe với các tầng ngầm chứa hàng ngàn ô tô sẽ mọc lên ở đây. Tất cả các vỉa hè, tuyến phố trung tâm thành phố đã quá tải, không còn chỗ đậu xe máy, nói gì đến ô tô. Những năm trước đây, tôi vẫn thường ra nhà sách Fahasa quận I, gửi xe máy trên phố Tôn Thất Đạm. Bây giờ ra Fahasa tôi phải chở vợ đi theo để đứng góc đường giữ xe, còn mình thì chạy vào nhà sách chớp nhoáng.
Các nhà môi trường học, các nhà quy hoạch đô thị, các nhà lãnh đạo vĩ mô thường nói đến một môi trường đô thị xanh, sạch, đẹp. Lại cũng chính họ báo động về sự ô nhiễm không khí vượt mức cho phép hàng trăm lần tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Chính họ đưa ra những con số tỷ lệ cây xanh tính theo đầu người ở Việt Nam thuộc hàng thấp nhất thế giới. Nhưng nếu không có sức ép dồn dập, không khoan nhượng của báo giới và dân chúng thì Công viên Thống nhất ở Thủ đô, công viên 23.9 trước chợ Bến Thành đã có những tòa nhà, khách sạn mọc lên, cưa gục hàng trăm, hàng ngàn cây xanh to lớn tỏa bóng thanh bình, râm mát.
***
Mới đây thôi, người ta tranh luận, thậm chí cãi nhau về công viên Lê Văn Tám. Nhưng không phải tranh luận làm thế nào giữ lại công viên trong bài toán giải quyết nạn thiếu chỗ để ô tô của thành phố. Họ tranh luận ông Lê Văn Tám có thật không hay chỉ là chuyện bịa, là hoang sử? Chao ơi, chuyện ấy cũng cần thiết nhưng đâu đã cấp bách? Làm sao tự nhiên ông Lê Văn Tám có thể biến mất trên trang sách của học trò mấy chục năm nay, dù là bịa, là hoang sử?
Nhưng công viên Lê Văn Tám sẽ biến mất nay mai là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra…

Thành phố Hồ Chí Minh, 14.1.2010
V.D.C