Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

GẶP TỨ QUÁI THƠ "SÔNG HÃN"

Vương Tâm
Thứ sáu ngày 15 tháng 1 năm 2010 5:50 AM

Ký 
 
      Hẹn hò mãi đến tận cuối năm 2009, tôi mới vào được Đông Hà, để gặp tứ quái thơ Sông Hãn. Tôi gọi vậy bởi họ, trước hết là những blogers trên cùng mạng văn chương với nhau, đó là thi sĩ Phan Văn Quang, phân hội trưởng phân hội VHNTQuảng Trị,rồi đến nhà  thơ  Đức Tiên, người đã liên tục giục dã tôi trong chuyến đi này; kế đến là ông chủ hiệu cà phê Châu Giang, suốt ngày nghe nhạc Trịnh, có cái tên rất trẻ Xuân Lợi và thơ anh cũng vậy, ấm áp và tình si. Còn bloger trẻ nhất trong số họ là Mai Thanh Tịnh, nhưng tuổi cũng đã ngoại tứ tuần, lại gồ ghề trong thơ đúng như anh ngoài đời, một kẻ giang hồ vặt, luôn tất bật trên đường vì làm ăn. Tôi gọi họ là tứ quái, bởi sau đó là cái chuyện, họ kết nghĩa với nhau như anh em trong cùng một ý tưởng trên con đường thơ. Và trên mỗi cái tên của họ ở giao diện đều xưng cái danh Sông Hãn kèm theo. Cả bốn đã từng tự tổ chức nhiều chuyến đi thực tế, đúng với nghĩa chu du đây đó, trên cái xe ô tô ọc ạch của kẻ giang hồ họ Mai. Đến đâu viết đó và khích lệ nhau sáng tác, thậm chí có lúc còn cãi vã nhau vì câu chữ, nhưng sau đó lại dùng rượu để giải hoà, và lại nhâm nhi câu chữ mà mình thấy khoái chí. Ấy thế rồi có những tập thơ ra đời sau các chuyến đi ấy...Thế là họ kết bạn và luôn luôn ới nhau dù chỉ là để ăn một bát cháo hành, hoặc đọc cho nhau nghe một câu thơ chợt loé sáng. Trong một năm mà họ đã đi thăm và giao lưu với bạn bè văn thơ gần chục tỉnh phía Nam.
      Khi vào tới nơi, tôi mới hay rằng họ lập thành nhóm thơ Sông Hãn, ngoài cái lẽ vì tình bạn, còn bởi họ muốn tiếp nối dòng sông thơ Nguồn Hàn ngày nào do các nhà thơ Chế Lan Viên, Vĩnh Mai, Dương Tường, Trần Hoàn, Lương An thành lập như một ngọn cờ thơ ca trên đất Quảng Trị một thời huy hoàng. Sau này phải nói, kế tiếp là lực lưọng thơ thời cuộc chiến chống Mỹ cũng thật sự vang dội với những cái tên như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Xuân Đức, Lê Thị Mây, ...
     Thực ra, khi lập nhóm thơ Sông Hãn, cả bốn không hề cho rằng mình là thế hệ thay thế những lớp người thơ đi trước, mà họ chỉ ước vọng rằng cố tạo được một nhịp sống văn học riêng,  học hỏi cố vượt lên đóng góp được chút gì đó cho thi đàn đang rất đa dạng hiện nay. Nhà thơ Phan Văn Quang, một gương mặt rất sâu lắng trong thơ ca, đất Quảng nhỏ nhẹ nói với tôi:
- Vui thôi mà anh. Chơi với nhau vì cái tình, quý nhau vì cái nghĩa và đi với nhau vì nghiệp thơ đều nặng nợ một đời.
     Và rồi anh đọc ngay cho tôi nghe  câu ca dao Quảng Trị:
Không thơm cũng thể hương đàn
Không trong cũng thể nước nguồn Hàn chảy ra
     Thì ra họ lập nhóm cũng còn vì lẽ quê hương thân thiết đó. Thật đáng yêu làm sao. Khi tôi hỏi nhóm bầu ai làm trưởng hoặc phụ trách, thì mọi người đều lắc đầu tỏ ý chẳng có ai là số một cả. Đột nhiên Mai Thanh Tịnh nói một cách hóm hỉnh:
 - Cũng may mà không bầu. Mà nếu đem ra bầu không khéo lại có chuyện chạy phiếu, chạy chức như chơi.
      Tất cả đều cười và tôi mới hay quả là bốn tay này cùng đều có sỏi trong đầu chứ chả đùa. Nhưng phải nói người nói nhiều và cũng lắm chuyện chính là  Đức Tiên. Tôi cho đây là quái đầu tiên phải tính đến. Vì có thời anh đã từng cầm súng đánh nhau tại thành cổ Quảng Trị, đầy ký ức; hơn nữa lại đã từng là sinh viên văn khoa đại học Huế, do vậy đọc cũng lắm, thuộc cũng nhiều. Nên sau khi đưa tôi vào lễ viếng các chiến sĩ đã hy sinh tại thành cổ,  Đức Tiên nhắc lại cho tôi nghe bốn câu thơ nổi tiếng của Lê Bá Dương:
Đò lên Thạch Hãn ơi...chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm...
     Rồi anh kể lại những kỷ niệm khó quên của mình trên chiến trường Quảng Trị năm 1972. Đó là những cuộc gặp gỡ các nhà văn nhà thơ đi thực tế trong lửa đạn bom rơi, như Thu Bồn, Xuân Quỳnh, Cảnh Trà, Trinh Đường...Những cuộc gặp gỡ này đã thôi thúc mầm thơ trong anh ngày thêm một dâng trào. Rồi những bài ca được viết ra ngay tại mặt trận của các nhạc sĩ Huy Thục, Doãn Nho, như Tiếng đàn Ta lư hay Người con gái Sông La đã làm hồn thơ  Đức Tiên xáo động với những vần thơ ấp ủ bấy lâu đã bật ra một cách chân thành về ký ức tình yêu trong thời chiến. Giọng thơ anh thật ấm áp, bên dòng sông Thạch Hãn êm đềm trôi:
Rồi một ngày em phải xa tôi
Thời chinh chiến tôi lên đường từ ấy
Biền biệt chân trời hơi từng gió núi
Vẫn không quên hương nưng nức sầu đông

Em bây giờ còn nhớ bến sông
Hạt mưa  rào phương trời nào rơi rụng
Đèn thị xã vẫn sáng loà hào phóng
Mảnh vườn xưa hoa cỏ đã thay màu...

     Trên đường người thường im lặng là Mai Thanh Tịnh, có lẽ một phần bởi  Đức Tiên nói hết, bên cạnh còn có Phan Văn Quang góp chuyện, và có thể vì còn tập trung lái xe. Thỉnh thoảng anh chỉ mỉm cười vì những chuyện vui của Đức Tiên, nhưng khi đến thăm bảo tàng cố tổng bí thư Lê Duẩn tại Triệu Phong, anh mới kể rằng Quảng Trị đối với anh là một mảnh đất tràn đầy kỷ niệm trong hồn thơ của mình. Anh kể lại cuộc chiến đấu diễn ra ở đây như một huyền thoại vậy, cách đánh  của chiến sĩ ta cũng vượt ra khỏi những quy ước thông thường. Và, ở đây những người bị thương không chịu lui về tuyến sau mà vẫn bám trụ kiên cường cùng đồng đội chiến đấu...Rồi anh lại kể mới đây thôi, nhiều bạn trẻ cùng gia đình trong đêm thả hoa đăng và thắp những nén hương tưởng nhớ đến những người chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến vĩ đại của dân tộc. Ánh đèn trôi chậm rãi trên dòng nước xanh trong, một cảnh sắc lung linh trong nỗi niềm thương nhớ chiến công bi tráng ngày nào. Mai Thamh Tịnh dừng lại với ánh mắt đăm chiêu nhìn về bên kia sông, rồi anh đọc cho tôi nghe những câu thơ cháy bỏng tình yêu quê hương như một lời tâm sự với các chiến binh ngày nào.
     Cầm tập thơ mới của Thanh Tịnh, có cái tên nghe cũng thấy lạ Cầu vồng cõng những cơn mưa và giọng thơ cũng thấy có nhiều nét tìm tòi. Dường như trong thơ anh có phảng phất chất của Chế. Tôi hỏi như vậy khi đọc tập thơ mới nhất của anh trong chuyến đi Đà Lạt năm 2009, anh mỉm cười, không trả lời rồi bình thản đọc:
Ta đóng đinh cho định mệnh nốt gầy
Buộc mảnh hồn tả tơi nhoè thao thức
Mặc vòng xoay vũ vần hư thực
Lặng miên man lạnh ngắt - mặc định ngày
     Trầm lắng trong cách nghĩ, cánh chơi của mình, Mai Thanh Tịnh có nỗi khắc khoải riêng trong thơ, một ngôn ngữ riêng có chất kỳ bí, đó cũng là một chiêu quái trong cách thể hiện mình.
     Riêng nhà thơ Phan Văn Quang lại luôn lúng túng khi diễn đạt một điều gì đó. Anh còn khoe với tôi là mọi việc riêng của anh đều do các bạn lo cho hết. Hầu như các chuyến đi anh đểu trông cậy vào ba người bạn trong nhóm chuẩn bị cho hết mọi chuyện. Khi đưa tôi đến khu nhà thờ La Vang,  không ngờ anh gặp được một bà dì ở quê lên đi lễ. Anh đã cỡ sáu chục rồi mà cứ như con trẻ vậy, mừng muốn rơi nước mắt, làm mọi người thấy ngậm ngùi. Thảo nào đọc thơ anh có những nét cô đơn tủi phận vì những lo toan trong cuộc sống. Đọc bài Ngồi một mình của anh tôi thấy buồn man mác, với những câu:
Vấn đề cũ cuối năm còn trả nợ
Ngân hàng ngâm thẻ đỏ ngồi run
Mấy thiệp cưới ngân nga chờ nhuận bút
Con mái già lật ổ xới tung  
     Và để rồi mọi thứ lo toan trong anh lên tới tột đỉnh mà vẫn âm thầm chịu đựng:
Ngồi một mình cuối năm trời trở gió
Vấn đề là không biết viết cho ai
Tim van hở thiếu tiền đi viện mổ
Nỗi buồn dầy năm tháng có lỳ chai
     Tôi định đọc thêm bài Thơ trên sân ga không có vé khứ hồi của Quang thì Đức Tiên kêu lên:
   -À mà thôi đọc buồn thấy mồ!
     Anh đưa ngay cho tôi tập thơ của Xuân Lợi, khi vừa về đến quán cà phê Giang Châu.   Lúc này trời vừa xẩm tối. Bản nhạc Trịnh vẫn vang lên nồng nàn cùng với những nét u hoài  rêu phong qua giọng hat Khánh Ly. Xuân lợi có tới mấy chục đĩa nhạc của Trịnh. Anh nói sẽ trọn đời chỉ nghe nhạc Trịnh mà thôi. Sự kiên định đó cũng phần nào thể hiện trong thơ của anh chàng kế toán nhà nước này. Nghe nhạc để an ủi mình để cân bằng nhịp sống đang sôi động từng ngày, Xuân Lợi nghĩ thế và trút hết cảm xúc lắng đọng của mình vào những vần thơ về quê hương:
Con trở về ray rứt không thôi
Nỗi buồn đọng dấu chân trâu ngõ vắng
Vẫn tháng ngày bao mùa mưa nắng
Lưng còng nghèo khó đắp đuổi quanh năm
     Hay chỉ như nỗi nhớ mái trường thân yêu anh cũng có những tâm trạng khôn nguôi:
Tuổi người qua chuỗi lênh đênh
Góc sân nắng loáng ghập ghềnh nhớ quên
     Thơ Xuân Lợi lành hiền so với các bạn vì anh hướng tới cài bản ngã quê kiểng trong mọi nỗi niềm tâm tư, đến ngay như nhưng câu thơ tình của anh cũng vẫn chăm chút một giọng quê:
Bỗng thương
  gầu nước lẳng lơ
   Bỗng đau
   quang gánh em giờ nhẹ tênh
       Tôi đang thả hồn về miền quê thơ của Lợi thì  Đức Tiên tỏ ra tị và nói:
    - Thì ra ông không chịu đọc thơ tôi. Vậy để tôi đọc nhé!
     Nói rồi Tiên đọc luôn bài thơ mới nhất có cái tên rất Đĩ là Lưu đày Mắt em. Phải nói giọng đọc của Tiên hay thật, hơi khê một chút nhưng cái âm khàn ấy lại được phát huy qua cách đọc bay bổng, như trên đài vậy làm tôi cũng thấy mê:
...Em rằng nào có can chi
Trái tim mắc cạn thôi thì...buông tay
Buộc thêm một nét lông mày
Thì ra ta đã lưu đày... mắt em
     Phải nói Tiên làm thơ lục bát rất hay, thực ra ở bài này tôi còn thích hai câu ở khổ trên, đó là:
Đếm nhầm mấy đốt ngón tay
Thiếu thừa bù lấp cọng ngày chia đêm
     Chữ cọng ngày thật gợi và mới lạ. Sau đó anh còn khoe còn một loạt bài lục bát nữa như Ta về làm kiếp ăn mày, Cho Quê...Nhưng thôi thế cho đủ Lục Phủ ngũ tạng của bọn này hả?- Tiên nói rồi ngừng đọc thơ và cả bốn người hẹn tôi sáng hôm sau đi ăn   cháo má lợn để coi như buổi liên hoan chia tay, tiễn tôi lên tàu ra Hà Nội.
     Hôm sau tôi chia tay tứ quái thơ ‘Sông Hãn trong tiếng còi tầu rúc vang bên con sông Hiếu hiền lành và thơ mộng của thành phố Đông Hà. Trước khi con tàu chuyển bánh,   Đức Tiên còn dúi vào tay tôi chai rượu Xika, mà chúng tôi vừa uống dở nửa chừng. Tiên nói:
 -Anh uống nốt đi nhé và coi như cả bốn thằng chúng tôi đang ngất ngư cùng anh trên con tầu ra bắc.
     Tôi thấy rưng rưng khi tiếng còi tầu lại rúc lên khi chuyển bánh. Bốn người vẫn đứng ngóng theo trên sân ga cho đến khi xa khuất. Và thật không ngờ lúc này hai câu thơ trong bài Thơ trên sân ga không có vé khứ hồi của Phan Văn Quang lại vang lên trong tôi:
Câu thơ xuân thì một đời lỡ chuyến
Hẩm hiu níu kéo phận người
     Ngỡ như nhóm tứ quái Sông Hãn đang ở bên cạnh thế là tôi dốc ngưọc chai rượu tu một hơi đến cạn đáy. Con tàu hối hả đi. Tôi ngoái lại Đông Hà như một lời hẹn một mai sẽ về...

 ( Bài đăng trên báo Văn nghệ trẻ )