Trang chủ » Tin văn và...

MẤY LỜI THƯA VỚI TRÙ BỊ ĐỐI NGOẠI VĂN HỌC

Vân Kính
Thứ bẩy ngày 2 tháng 1 năm 2010 7:04 PM

1.Theo thiển nghĩ của tôi, đặt vấn đề đối ngoại văn học là vấn đề của thời – đại - văn - học chúng ta trong xu thế đã hội nhập, đang hội nhập và không thể không hội nhập với trào lưu chung của thế giới. Vậy thì, như rất nhiều ngành nghề khác, trong xu thế ấy, văn học không thể chỉ khuôn thước, khuôn phép trong giới hạn biên giới của một quốc gia.
Đây không chỉ là một cuộc đối thoại thuần túy, cao hơn nó là cuộc “đụng độ văn hóa” bằng “vũ khí” văn học, một cuộc “chiến tranh ngôn ngữ”, lâm vào mê cung của tiếng nói, chữ viết của nhiều dân tộc khác nhau, rất đa dạng của thế giới.
Đó là một thách đố lớn.
 
2.Trước đây, trong cộng đồng XHCN, văn học Việt Nam cũng đã từng có một vài tác giả được dịch ra tiếng nước ngoài, chủ yếu là tiếng Nga để phục vụ độc giả Xô Viết, tiếng Tây Ban Nha để phục vụ anh em CuBa… Chưa ai thẩm định được hiệu quả của nó ra sao nhưng phần nào đó cũng là phục vụ và bồi đắp cho tình hữu nghị. Chất lượng có “hữu nghị” không cũng chưa ai đoán được(?).
Bây giờ thế giới muôn mặt, đối ngoại đa phương. Việt Nam, dù là nước nhỏ nhưng đã có thể nhìn thấy năm châu, đến tận nơi, bằng đường bộ, đường trời, đường biển, bắt tay nhau qua Internet. Độc giả Việt Nam có thể đọc được văn học của cái thế giới rộng lớn muôn mặt đó, tiếp xúc với các cường quốc văn hóa, văn học lớn đó một cách dễ dàng.
Văn học Việt Nam mang cái gì ra thế giới, “món quà” nào hiện vẫn là một ẩn số hơi khó tìm cách giải. Phục vụ tình hữu nghị bằng “chất lượng hữu nghị” có thể đã là một mệnh đề khác xa, có thể đã cũ rồi trong sự cạnh tranh hết sức bình đẳng về chất lượng của quốc tế.
Không đánh đồng cá tra, các basa, dày dép, hàng dệt may xuất khẩu vào với văn chương khi đi ra thế giới. Văn chương là tinh túy của cái hồn dân tộc. Tuy nhiên, đó cũng là hiện tượng đáng lưu ý trong cuộc vật lộn để đưa ra thế giới những cái MÌNH cần mà NGƯỜI cũng cần.
Văn học Việt Nam liệu khi ngoài biên giới có bị những đòn chống bán phá giá hay không, thật khó trả lời (!).
Đó là thách đố thêm nữa.
3.Chọn ai, tác phẩm nào, dịch ai, ai dịch? “Tuyển thủ” văn học nào cử ra “thi đấu” trên võ đài văn học năm châu là một câu hỏi. Tác phẩm nào đồng vọng với độc giả quốc tế, sao lại không là vấn đề. Vì chúng ta phải tự soi gương lại diện mạo và chuẩn bị hành trang văn học rất cẩn thận trước khi hạ cánh và check – in vào nhân loại.
Nếu không, hiệu quả thì chưa thấy đâu nhưng hậu quả tinh thần thì khôn lường.
Chọn tác giả và tác phẩm theo giai đoạn lịch sử liệu có ổn (?). Chọn tác giả, tác phẩm đã được trong nước phong danh hiệu liệu “ngoài kia” có chào đón không. Thị trường là một bí mật vì ở đó sinh sống toàn thượng đế.
Bộ môn marketing là bộ môn phải trả học phí cao nhất ở các trường đại học danh tiếng. Liệu văn học Việt Nam có phải marketing không, có đánh giá và phân loại thị trường không. Để rồi đưa đến các thị trường khác nhau những sản phẩm văn chương phù hợp, thỏa mãn người tiêu dùng khó tính.
Và điều nữa, sản phẩm ấy phải được đính giá. “Cái phần còn lại của thế giới” có thể hơi ngược điều chúng ta nghĩ: giá cao + bán chạy =  hiệu quả tiêu dùng (tinh thần).
Có thể phải làm quen. Đây là một thách đố tư duy kinh tế, đảo chiều không dễ. Chúng ta là một mà thế giới là số nhiều.
Chưa chuẩn bị  kỹ lưỡng đội ngũ dịch thuật trong nước cũng giống như chưa chọn đủ 11 cầu thủ ở các tuyến khác nhau thì ra sân thế nào chứ đừng nói gì ông bầu (Hội Nhà văn) đoán định được tỷ số. Lực lượng dịch của ta đã già (cả tuổi và cả tư duy). Trẻ thì đông nhưng “làm hàng” hơi ẩu. Dịch xuôi còn ẩu huống hồ dịch ngược. Cái gì ngược cũng khó. Dịch ngược là đi ngược gió, ngược nắng, ngược nước, ngược sông. Đi từ hạ lưu lên thượng nguồn là cuộc chèo chống vỡ mày vỡ mặt.
Ở nước ta, người dịch biết cả ngoại ngữ, cả văn chương thì phải đếm bằng đầu ngón tay vẫn còn thừa hai ngón cái. Ứng xử ngôn ngữ và chờ đợi sự tiếp nhận của bằng ấy quốc gia, nếu làm không khéo thì thừa cả hai bàn tay.
Nhưng có tác phẩm văn học Việt Nam xuất sắc được xuất khẩu và tiếp nhận ở nước ngoài thì quá nên làm, rất nên. Đừng dừng ở kỳ vọng. Chúng ta phải “nghĩ bụng” và phải “nghĩ bằng đầu” thì tình hình mới tốt lên được.
Đó là thách đố thêm nữa.
4.Nhà xuất bản lại cũng là vấn đề đau đầu. Chúng ta chưa có tập đoàn xuất bản lớn, ở đó lắm tiền nhiều của do doanh số cao, có lãi ròng qua các năm, nơi hội tụ các chuyên gia trong lĩnh vực dịch thuật có kinh nghiệm qua sóng gió quốc tế, nơi hội tụ một hội đồng thẩm định nội dung đáng gờm và khó lòng mua chuộc. Chúng ta đang bàn để chuẩn bị đi “đấu thầu quốc tế” thì hồ sơ đáp ứng phải có năng lực pháp lý, năng lực tài chính, năng lực chuyên môn (văn học) mới mong trúng thầu (suýt quên, nghe đâu còn phải có chứng chỉ ISO).
Vừa chạy vừa xếp hàng thực ra cũng còn kịp vì vẫn tịnh tiến về phía trước. Người viết bài vừa nghe được câu chuyện lý thú: Có một cấp trên giao việc cho một cấp dưới- người cấp dưới vốn chỉ thích việc to, ý chừng chê công việc cấp trên giao là nhỏ. “Không nhỏ. Không có việc to, không có việc nhỏ. Cậu có biết rất nhiều thiên tài (người to) lại sinh ra từ các thị trấn nhỏ hay không” - cấp trên bảo.
Hi vọng là thế. Cứ khiêm tốn mà nói, trong tương quan văn học, Việt Nam là một thị trấn của thế giới.  Có thể thị trấn ấy sẽ sinh ra một vài thiên tài nhân loại (tất nhiên phải qua dịch thuật)

Nguồn: toquoc