Trang chủ » Tôi có ý kiến

Thấy thế bạn có buồn không?

Trần Nhương
Thứ hai ngày 15 tháng 12 năm 2008 12:00 AM
Cái tít bài nghe có thể làm bạn bận lòng nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng vì là công dân nên nhiều khi cứ nghĩ ngợi nhiều chuyện mà lòng buồn man mác.   Bằng cớ thì nhiều lắm, chạm vào đâu cũng thấy buồn mà tự hỏi : “Sao lại thế nhỉ?”. Nhưng rồi không trả lời được nên lại buồn…  

 Một đề án 112 đưa tin học quản lý hành chính nhà nước tiêu tốn bao nhiêu tỷ bạc không có hiệu quả phải dừng lại. Có ai quy ra số tiền chi lãng phí ấy thành bao nhiêu tấn thóc thuế, thành bao nhiêu ngôi nhà cho người nghèo không nhi ? Chắc là không. Các tác giả của nó là ai ? Và ai chịu trách nhiệm trước nhân dân vì sự thiếu kỹ lưỡng của mình. Vậy mà ông thư ký của dự án nói mấy trăm tỷ không phải là nhiều. Trời ơi, một quan chức thuộc Văn phòng chính phủ mà nói thế ư ? Coi tiền của dân như cát như bụi. Vô cảm đến kinh hoàng. Xin bạn hãy đọc bài trên báo Tuổi trẻ tôi cóp dưới đây. Và tin mới nhất trên tienphongnline ông trưởng ban điều hành đề án 112 tuyên bố một cách bất cần la ai đánh giá thế nào mặc kệ. Thấy thế liệu bạn có buồn không ?

Thư ký Ban điều hành đề án 112 Chính phủ - ông LƯƠNG CAO SƠN:“Mấy trăm tỉ đồng không phải là nhiều”!

Vì sao kinh phí cho đào tạo ứng dụng công nghệ thông tin của đề án 112 quá cao? Tuổi Trẻ trao đổi với ông Lương Cao Sơn (ảnh) - thư ký Ban điều hành đề án 112 Chính phủ.*

 Thưa ông, đào tạo của đề án 112 theo chương trình gì mà ngân sách phải chi đến hơn 100 tỉ đồng?

- Đấy là căn cứ theo định mức đơn giá Bộ Tài chính phê duyệt. Chúng tôi gửi đề nghị đơn giá đào tạo lên đấy mất mấy tháng họ mới phê duyệt, họ đi khắp nơi để kiểm tra giá thị trường... Chúng tôi có bịa ra định mức đơn giá đào tạo ấy đâu. Bộ Tài chính cũng cho định mức rất nhiều dự án khác nhau, không phải bộ này ưu ái cho đề án 112 đâu. 

* Với khoản ngân sách đầu tư hơn 100 tỉ đồng cho đào tạo, vì sao không tổ chức đấu thầu?

- Đấu thầu thế nào được! Ví dụ triển khai đào tạo ở Lai Châu, Lào Cai... làm sao đấu thầu, ai tham gia thầu? Hơn nữa, nếu một công ty trúng thầu thì không thể làm hết các tỉnh, các nơi mà đề án 112 triển khai đào tạo với số lượng lớn, ở nhiều nơi.

* Thưa ông, thực tế đề án 112 đã giải ngân được bao nhiêu tiền?- Chỉ riêng ngân sách trung ương, đề án đã giải ngân được 680 tỉ đồng.* Số tiền này đã được chi cho những nội dung gì của đề án?- Trong số 680 tỉ (gồm cả 170 tỉ đồng vay của ADB) có 410 tỉ đồng giao trực tiếp cho địa phương thực hiện mua sắm máy móc thiết bị, hạ tầng mạng, số còn lại là đào tạo và làm phần mềm dùng chung.

* Có nhiều ý kiến cho rằng chi phí đào tạo thấp nhất là 2 triệu đồng/người là quá đắt. Ông nghĩ sao về điều này?- Đắt hay không thì Bộ Tài chính cho ý kiến. Đồng ý quyết toán bao nhiêu thì cứ thế mà nhân lên với số lượng đã được đào tạo.

 * Được biết Bộ Tài chính chỉ cho áp dụng đơn giá đào tạo do Ban điều hành đề án 112 Chính phủ đề xuất cho các lớp thí điểm vào cuối năm 2003 và sáu tháng đầu năm 2004, chứ không phải cho kéo dài hết năm 2005?- Chúng tôi biết Bộ Tài chính chỉ cho áp dụng thí điểm, sau đó phải có tổng kết đánh giá và báo cáo. Sau hội nghị tổng kết về đào tạo ở Hạ Long (Quảng Ninh), Ban điều hành đề án 112 Chính phủ có văn bản gửi Bộ Tài chính nhưng bộ không trả lời, chỉ nói miệng “cứ thực hiện”. Tuy nhiên, đến thời điểm quyết toán thì Bộ Tài chính có công văn nói rằng “trong khi chưa có định mức đơn giá mới và phê duyệt chính thức thì áp dụng đơn giá được phép áp dụng để làm căn cứ quyết toán”.

 * Cho đến nay vẫn không có văn bản chính thức về đơn giá sau khi kết thúc các lớp đào tạo thí điểm?

- Chúng tôi có công văn đề nghị xem xét về đơn giá đào tạo chính thức nhưng thông thường Bộ Tài chính trả lời chậm trễ lắm. Cứ theo nguyên tắc hành chính là sau 15 ngày không trả lời thì coi như đồng ý. Tuy nhiên cuối cùng Bộ Tài chính cũng có văn bản chính thức.

 * Theo ông, việc triển khai đề án 112 có thành công so với công sức và số tiền ngân sách đã bỏ ra?

- Tôi chẳng đánh giá đâu. Mấy trăm tỉ đồng không phải là nhiều.

Q.THANH - K.HƯNG thực hiện

   Một vũ trường New Century, cái ung nhọt tệ nạn xã hội câng câng trước mặt các cơ quan chứcnăng của Hà Nội nhiều năm mà vẫn đều đều nhận khen thưởng về chống tệ nạn. Vậy thì sự “sừng sững” ấy không thể nói là các cơ quan chức năng Hà Nội không biết gì. Không biết gì sao lại khen thưởng ? Và cái sự suy tôn nơi này thì các vị cao nhất nhì Hà Nội sao lại không biết. Thế thì ta có thể suy ra: Biết khen vì có lợi, không biết tội cũng vì có lợi. Ông phó bí thư thành uỷ  Hà Nội có lời xin lỗi: Lãnh đạo thành phố xấu hổ về vụ việc tại New Century. Công an Hà Nội không hay biết gì, dù vũ trường chỉ cách trụ sở Công an quận vài trăm mét. Chúng ta không phát hiện ra, hay không muốn làm vì lý do nào đó, Phó bí thư thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái nói, sáng nay (theo VnExpreess ngày 4-5-2007). Trung tướng Lê Thành, Tổng cục phó Cảnh sát cũng đặt vấn đề, Công an Hà Nội được đánh giá là đội quân tinh nhuệ nhất trong cả nước, nhưng vì sao lại không thể phát hiện được một tụ điểm nổi cộm như vũ trường New Century?( cũng tin trên). Thấy thế liệu bạn có buồn không?  

  Đọc bài trên việtnam.nét thấy có một chuyện về các vị giáo sư khả kính đi chấm luận án tiến sỹ. Vị này từ Hà Nội bay vào chấm tại thành phố Hồ chí Minh. Ông than thở với bạn rằng vừa rồi ông bị làm nhục. thì ra cái cơ chế bất thành văn là nghiên cứu sinh phải bao thày chấm luận án cho mình nào là vé máy bay khứ hồi, nơi ăn chốn ở. Khốn khổ, đi lại bằng tiền của “nó”, ăn, ở bằng tiền của “nó” ai nỡ để nó trượt. Thế là thầy bị “há miệng mắc quai”. Đấy đào tạo tiến sỹ như thế thì lấy đâu người tài thật sự. Thống kê thì ta có hàng ngàn tiến sỹ, giáo sư, hình như còn nhiều hơn cả công nhân lành nghề…Chả thế mà dân gian khi thấy các vị tiến sỹ thường ghi trên danh thiếp hoặc tác giả sách báo là TS thì họ bảo là ông “thiến sót”. Đào tạo kiểu này thì lẩy bẩy như gà thiến sót thật. Thấy thế liệu bạn có buồn không ?  

  Nạn hàng nhái, hàng giả lan tràn. Người ta đang tâm làm giả cả thuốc chữa bệnh thì kinh hoàng. Cái gì cũng có hàng nhái. Quy chế dân chủ ở cơ sở bị những người lãnh đạo ở đây biến nó thành một vũ khí phe phái, triệt hạ những người không ăn cánh. Ở một viện nọ bỏ phiếu tín nhiệm để chọn viện trưởng. Chuẩn bị tổ chức bỏ phiếu thì họ chỉ thị ngầm cho các ban, khoa nên thế này thế nọ. Khi bỏ phiếu thì tờ phiếu bầu được vi tính in sẵn chỉ có tên một người. Nếu ai giới thiệu thêm là vi phạm quy chế bầu cử. Tất nhiên phiếu một người bầu một người thì trúng là cái chắc. Thế là nhái cả dân chủ chứ không phải dân chủ thật. Bỏ phiếu tín nhiệm chọn người lãnh đạo là một việc làm rất dân chủ nhưng một số người có quyền thi hành nó đã biến dân chủ thành hàng nhái…Lại còn bao nhiêu chuyện mua quan bán chức, phe phái. Đến cái chức trưởng thôn các dòng họ cũng tranh nhau. Ở huyện ở tỉnh thì người miền đông, người miền tây.Thấy thế liệu bạn có buồn không ? 

  Còn nhiều chuyện nữa. với tư cách một công dân làm sao chúng ta lại không buồn trước những trớ trêu như vậy. chắc bạn hỏi biết thế thì hãy đấu tranh, sao lại buồn một mình. Thưa rằng ở ta không có biện pháp để người dám đấu tranh có thể lên tiếng công khai. Ai bảo vệ họ “chờ được vạ thì má đã sưng”. Chính vì thế nên tôi chỉ biết buồn, nỗi buồn công dân….

 Và xin lỗi bạn nếu bài viết này làm bạn phiền lòng. Nhưng nếu bạn cũng buồn như tôi là chúng ta “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”…