Trang chủ » Tôi có ý kiến

Văn chương mạng

Trần Nhương
Thứ hai ngày 15 tháng 12 năm 2008 12:00 AM
Cũng nhờ công nghệ siêu phàm đó mà các phương thức xuất bản truyền thống bị mất vị trí độc tôn. Và đương nhiên văn học mạng ra đời. Nó nắm bắt và tận dụng tối đa lợi thế công nghệ thông tin này để xuất bản hàng triệu triệu bản với tốc độ nhanh nhất. Đó là một hình thức “truyền hình trực tiếp” khiến bạn đang ở bất cứ chân trời nào miễn là có internet là có thể đọc được tức thì. Theo kiểu truyền thống thì tác giả gửi tác phẩm đến nhà xuất bản, đến báo họ nghiên cứu xem có hợp khẩu vị không, nếu hợp thì biên tập, vi tính, in ấn mới phát hành. Quy trình này cần một thời gian cơ học nhất định. Với văn học mạng thì không. Một bài thơ vừa viết chỉ trong nháy mắt, enter một cái là đã tung ra khắp thế giới. Tất nhiên nếu bằng văn tự thì còn rào cản ngôn ngữ. Nhưng nếu là tranh, ảnh , âm nhạc thì ở đâu cũng thưởng thức được mà không cần thông dịch. Hiện nay văn học “giấy” của ta thì cũng chỉ người trong nước và người Việt ở nước ngoài đọc đấy chứ. Vậy thì văn học mạng chỉ nói phạm vi trong nước và cho người Việt cũng đã hay lắm rồi. 

  Văn học mạng do các văn nhân tự chịu trách nhiệm, họ có thể tung lên tác phẩm của họ mà không bị cắt xén, không bị ép theo khuôn khổ của trang báo, tập sách, định kỳ xuất bản. Nó như một thứ trái cây vừa ngắt ở vườn nhà tươi ngon, nguyên bản và thơm nức cuộc sống. 

  Văn chương mạng trên thế giới có từ lâu, ngay nước láng giềng Trung Quốc đã xuất hiện gần chục năm rồi, người ta còn xuất bản tác phẩm văn học qua cả điện thoại di động nữa kia mà. Văn học mạng là một sân chơi bình đẳng, không ai có thể cấm đoán và chèn ép, miễn là không vi phạm luật pháp. Điều cốt tử là tác phẩm của anh có thu hút được độc giả hay không. 

  Ở ta một Trang Hạ đã làm “giám đốc” nhà xuất bản văn chương mạng mấy năm nay và hàng triệu người truy cập. Các nhà văn Việt Nam dù có chậm chân hơn thế giới nhưng đã vào cuộc. Nhà thơ Vũ Hồng vuhong.com (Bến Tre) có lẽ là người đầu tiên mở website. Anh cho ra đời Quán nhỏ văn chương bên sông Hàm Luông từ năm 2002, nhưng chỉ đến năm 2004 mới thật sự hết “chạy thử”. Có thể kể tên các website sau đây: tranthanhgiao.com (nhà văn Trần Thanh Giao), thaibatan.com (nhà văn Thái Bá Tân), thunguyet.com ( nhà thơ Thu Nguyệt), phongdiep.net ( nhà văn Phong Điệp), lehuyquang.com (nhà thơ-hoạ sỹ Lê Huy Quang), lethikim313.com (nhà thơ Lê Thị Kim), vohong.de (nhà văn Võ Hồng), vannghelaxanh.com (nhà văn Nguyễn Đình Chính), nhitương.info (nhà văn Nhị Tường), lyhathao.com (nhà thơ Lý Hà Thao). Đặc biệt nhất là nhà văn Trang Thế Hy, một ông già 83 tuổi tít tận Bến Tre đã cho ra mắt web của mình tại địa chỉ trangthehy.googlepages.com. Và một website mới tinh là của nhà thơ Võ Quê ở cố đô Huế là voquehue.com. Riêng tôi thì đầu năm 2007 này mới cho ra website trannhuong.com. Nếu so với các nhà văn miền Bắc thì tôi xếp thứ hai sau nhà văn Thái Bá Tân.  

 Các nhà văn làm weblog thì khá đông như: Nguyễn Quang Thân-Dạ Ngân, Nguyễn Trọng Tạo, Văn Công Hùng, Hoàng Đình Quang, Anh Đào, Từ Nguyên Tĩnh, Nguyễn Tiến Hải, Hồng Ngát, Trịnh Thanh Sơn, Anh Đào, Nguyễn Anh Nông, Phạm Xuân Nguyên...