Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Doanh nhân, Anh là ai?

Hữu Thỉnh
Thứ năm ngày 18 tháng 12 năm 2008 12:00 AM

 

Người Việt Nam ta rất tự hào với trống đồng Ngọc Lũ, tháp Đồng Thịnh, lụa Hà Đông, sứ Bát Tràng, đồ gỗ Đồng Kỵ nhưng khi ghé mắt vào các làng nghề lâu nay đều bĩu môi gọi chung là kẻ chợ. Ngay cả khi xuất hiện các trung tâm thương mại lớn như Phố Hiến, Hội An, Tràng An, Bến Nghé có sức tạo ra sự thông thương với cả khu vực và thế giới nhưng vẫn chưa đủ sức phá vỡ cái trật tự nhất nông nhì sĩ đè nặng và kìm tỏa xã hội hàng nghìn năm. Cho đến khi cuộc hội nhập lần thứ nhất đầu thế kỷ 20 bắt đầu và đặc biệt là việc hội nhập lần thứ hai cuối thế kỷ trước với nội dung chủ yếu là công nghiệp hóa hiện đại hóa thì diện mạo các nhà doanh nghiệp mới dần dần ló rạng làm thay đổi cả kết cấu kinh tế và thiết chế xã hội. Đến bây giờ thì cái châm ngôn “phi thương bất phú” bị treo trên giấy bao đời nay mới thực sự bước ra khỏi trang sách để đi vào đời sống. Mặc dầu vậy còn rất non trẻ và không khỏi bỡ ngỡ trước dòng thác của toàn cầu hóa, đội ngũ các nhà doanh nghiệp của chúng ta ngày càng đông đảo, đầy sinh khí, tất cả nhằm trả lời một câu hỏi sống, còn của lịch sử: Họ phải làm gì để nhanh chóng tạo ra cái tôi vật chất của xã hội công nghiệp?
 
 Xin lấy một hình ảnh so sánh ngẫu hứng để trả lời câu hỏi: Doanh nghiệp, anh là ai? Ngày nay, biển trí khôn của con người đang có xu hướng dồn tụ vào các thung lũng Silicon của trí tuệ. Xâm nhập và khai thác lẫn nhau trong một thế giới những cái thung lũng Silicon đã tạo ra một quyền lực mới chưa từng có của tri thức và thông tin. Tương tự như vậy, cái doanh nghiệp của chúng ta đến từ mọi thành phần kinh tế đang đóng vai trò là những thung lũng của sản xuất và kinh doanh, hàng ngày hàng giờ sản xuất hồng cầu cho nền kinh tế quốc dân. Sự thật là như vậy! Nhưng có một nghịch lý, nếu như trong xã hội vị trí, vai trò của các doanh nhân ngày càng được thừa nhận như một tất yếu lịch sử thì diện mạo của họ vẫn chưa được khắc tạc một cách chân thực trong văn học. Có một thời kỳ đáng tiếc là không ngắn lắm, cứ nói đến giám đốc thì thường thấy là phải đầu hói, bụng phệ, đi kèm với rượu bia và bồ nhí. Ai sẽ là người giải nỗi oan Thị Kính này. Có sự hiểu làm đáng tiếc đó trước hết là cái lỗi của nhà văn và cũng là cái lỗi của các doanh nhân chưa tạo điều kiện để nhà văn hiểu mình. Tổ chức cuộc hội thảo văn học với đề tài kinh doanh, doanh nhân lần đầu tiên tại tỉnh Vĩnh Phúc chứng tỏ muốn tạo ra một bước đột phá nhằm mở rộng đường biên văn học động viên các nhà văn tự tin và hào hứng, thâm nhập vào lĩnh vực vô cùng mạnh mẽ nhằm, bằng nghệ thuật văn chương trả lời cho bạn đọc câu hỏi: Doanh nhân, anh là ai? 

Đồng
Đồng chí Trịnh Đình Dũng UVTƯ Đảng - Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc đọc diễn văn chào mừng cuộc Hội Thảo Văn Học và doanh nghiệp - doanh nhân

 Đây là một lĩnh vực rất mới và hầu như cả nhà văn chúng ta không có kinh nghiệm gì. Với bề dày của văn học trong quá khứ, cho phép chúng ta nói rằng, hai loại nhân vật mà chúng ta am hiểu và thông thuộc nhất là nông dân và người lính. Nhân vật người thợ, tuy đã được hiện ra trong một số tác phẩm nhưng vẫn được xây dựng theo những mô thức cũ. Còn các doanh nhân, có thể nói đó là một lĩnh vực còn hoàn toàn bỏ trống. 

Đồng
Đồng chí Trịnh Đình Dũng tặng bức tranh Thiền viện Tây Thiên bằng đá quý cho Hội Nhà văn Việt Nam 

Trong cuốn sách dự báo thế kỷ 21, các chuyên gia kinh tế Trung Quốc cho rằng, một xí nghiệp hoàn chỉnh vừa phải là một sinh mệnh kinh doanh vừa phải là một sinh mệnh văn hóa; vừa phải là một thực thể kinh tế vừa phải là thực thể xã hội. Và nói đến doanh nhân trước hết và quan trọng nhất là nói đến trình độ và năng lực quản lý. Phải nói rằng, các nhà văn chúng ta có thành công và có kinh nghiệm miêu tả loại nhân vật với sức mạnh cơ bắp, còn ít có kinh nghiệm xây dựng loại nhân vật với sức mạnh trí tuệ. Quản lý là trí tuệ, quản lý là khoa học của mọi khoa học, là bí quyết của mọi bí quyết. Bỏ qua tài năng quản lý, trình độ quản lý, nghệ thuật quản lý, các nhà văn không thể miêu tả cả doanh nhân đúng tầm của họ.

Các
Các nhà văn và doanh nhân tại cuộc Hội thảo


 Với sự phát triển vũ bão của khoa học và công nghệ, quy trình sản xuất và sách lược quản lý làm thay đổi từng ngày diện mạo của một xí nghiệp. Kết quả của một sự thay đổi đó làm tiêu đề cho sự thay đổi then chốt sau đây: Nếu như hôm qua, người ta quan tâm đến sự tăng trưởng của sản lượng sản phẩm thì hôm nay mối quan tâm đó được thay thế bằng lợi nhuận của xí nghiệp 

 Lợi nhuận và lợi nhuận. Không ai trong chúng ta nghe được tiếng đàn muôn điệu của lợi nhuận tinh tường như các doanh nhân. Nhưng cũng chính các doanh nhân là người biết điều chỉnh mối quan hệ của các nhóm lợi ích sao cho giảm thiểu tối đa những véctơ trái chiều để tạo nên sự đồng thuận trong xí nghiệp. Sự đồng thuận của các nhóm lợi ích trong và ngoài xí nghiệp còn có một tên gọi khác là văn hóa làm giàu. Viết về văn hóa làm giàu phải chăng là cảm hứng mới của văn học ta hôm nay. 

 Trở lại chủ đề của cuộc hội thảo, tôi đề nghị các nhà văn và các nhà doanh nghiệp có mặt tại đây đi sâu thảo luận làm sáng tỏ 3 vấn đề lớn sau đây: 

- Làm thế nào để văn học ta sớm có nhiều tác phẩm hay về doanh nghiệp, doanh nhân.
- Làm thế nào để qua viết về doanh nghiệp doanh nhân mà làm nổi bật lên cuộc chuyển đổi giá trị chưa từng có trong lịch sử đất nước ta từ nghèo nàn lạc hậu tiến lên giàu mạnh và phát triển.
- Làm thế nào để nhích gần khoảng cách giữa doanh nhân và các nhà văn. 

Mạnh dạn đặt vấn đề theo hướng đó, thay mặt ban tổ chức, tôi xin khai mạc cuộc Hội thảo chắc chắn là đáng nhớ và bổ ích của chúng ta. Chúc sức khỏe các vị. Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.

============
Ảnh: Văn Chinh 

Nguồn: HNV