Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nhà văn Lưu Văn Khuê - Người có nhiều tác phẩm văn học đề tài kháng chiến

Cao Năm
Thứ bẩy ngày 20 tháng 12 năm 2008 12:00 AM

Sau khi tiểu thuyết Mạc Đăng Dung (tác giả Lưu Văn Khuê, cố vấn lịch sử Ngô Đăng Lợi, nhà xuất bản Hải Phòng - 2007) ra đời được vài hôm, Lưu Văn Khuê xuống nhà tôi chơi. Nói là chơi, chứ cánh viết dù có ngồi tào lao với nhau bên ấm trà cũng chẳng thể gọi là chơi, theo đúng nghĩa từ này. Đầu tiên tôi nói với Lưu Văn Khuê rằng, ông hiểu lịch sử sâu và có trí nhớ tốt thật, dựng lại cả một giai đoạn lịch sử hàng trăm năm qua hai triều đại phong kiến Lê, Mạc. Nhưng Lưu Văn Khuê lại bảo, thực ra đề tài lịch sử mình cũng chú ý, nhưng nói sâu và tâm đắc nhất thì phải là đề tài kháng chiến, mà kháng chiến thì mình để công nhiều nhất là thời kì chống thực dân Pháp (1946-1954). Rồi Lưu Văn Khuê kể ra mấy tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi, như Giành lại cao nguyên (tiểu thuyết), Thằng Cún bấu xấuCao nguyên bí ẩn (hai truyện vừa), đến những tác phẩm viết cho người lớn, như Tiếng súng từ ba phía (tiểu thuyết viết chung với Vũ Hạnh), rồi Cuộc tình mang mặt lạ (tiểu thuyết), và gần đây nhất, vừa ra lò giữa năm 2007 là tiểu thuyết Một thời vệ quốc, đều được xây dựng trên cái nền của cuộc kháng chiến thần thánh Chín năm.

Chưa kể tác phẩm văn học thiếu nhi (mảng sáng tác có thể nói là thành công nhất của Lưu Văn Khuê), chỉ riêng sáng tác cho người lớn, ở Hải Phòng, đến thời điểm này, Lưu Văn Khuê là người lập kỉ lục tiểu thuyết về đề tài kháng chiến chống thực dân Pháp, với một sê-ri ba cuốn dầy dặn, đều từ ba, bốn trăm trang trở lên. Dù mãi đến năm 1999, tiểu thuyết Tiếng súng từ ba phiá mới được nhà xuất bản Công An Nhân Dân ấn hành, nhưn từ đầu thu năm 1991, tiểu thuyết này đã được Báo Hải Phòng đăng nhiều kì trọn tập. Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên (cho đến nay) viết về lực lượng cảnh sát (công an) thành phố Hải Phòng, mà tiêu biểu là cảnh sát trưởng thành phố Trần Thành Ngọ, trong những ngày tháng khó khăn nhất của Hải Phòng - Kiến An sau ngày Cách mạng thành công, chính quyền nhân dân mới ra đời. Dưới sự chỉ huy sâu sát, mưu trí và quả cảm của cảnh sát trưởng Trần Thành Ngọ, những chiến sĩ cảnh sát thành phố Cảng trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thù trong, giặc ngoài lăm le chống phá hòng tiêu diệt chính quyền non trẻ của ta, nhưng các chiến sĩ cảnh sát vẫn bám đất, bám dân, nắm chắc tình hình, phán đoán kịp thời, chính xác âm mưu thâm hiểm của địch, tham mưu cho lãnh đạo thành phố có quyết sách đúng lúc, đập tan âm mưu gây rối của bọn phản động, giữ vững an ninh, trật tự thành phố.

Tiếp tục mạch viết về những chiến sĩ cảnh sát thành phố ngày đầu kháng chiến chống Pháp, nhưng trong tiểu thuyết Cuộc tình mang mặt lạ Lưu Văn Khuê lại đi vào một công việc thầm lặng của chiến sĩ trinh sát nội tuyến, nắm tình hình ngay trong hàng ngũ địch, giữa những ngày thành phố bị giặc chiếm đóng. Cuộc chiến đấu thầm lặng diễn ra từng phút từng giây với các chiến sĩ tình báo, dù là anh đóng giả viên thiếu uý nguỵ vừa tốt nghiệp trường võ bị Đà Lạt về Hải Phòng, chị tiểu thương ngày nào cũng quang thúng bán mua nay đầu đường, mai ngõ chợ, nhưng thực ra là để nhận tin, chuyển tin tức của người mình ra cho cơ sở ven đô. Tất cả, nhà văn đã dựng lên một Hải Phòng bên ngoài tưởng như lặng lẽ chịu sự kiểm soát của giặc, nhưng bên trong đang thực sự là những đợt sóng ngầm chuẩn bị bước vào cuộc chiến đấu mới.

Nhưng công bằng mà nói, Lưu Văn Khuê thành công với đề tài kháng chiến chống Pháp ở thành phố Cảng phải đợi đến Một thời vệ quốc, do nhà xuất bản Hải Phòng ấn hành quý 2/ 2007, bút pháp của ông mới thực sự có bước chuyển khi tạo dựng một không khí Hải Phòng những ngày sau cách mạng tháng Tám với một lối viết đan xen hư thực, thực hư, trong chừng mực nào đó, có thể nói là tương đối thành công. Cuốn tiểu thuyết bao quát cả thời kì thành phố Hải Phòng nhìn bề ngoài tưởng như sư đoàn 130 của Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch, cùng bọn Việt gian phản động làm mưa làm gió, nhưng bên trong nhân dân lao động và các chiến sĩ Vệ quốc đoàn của ta lại âm thầm điều tra, theo dõi tình hình, nắm bắt âm mưu địch và ráo riết chuẩn bị về mọi mặt cho cuộc chiến đầu bảo vệ thành phố. Dù là người từng chứng kiến Hải Phòng những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, hay những ai chưa từng biết mùi khói súng, nay có dịp đọc Một thời vệ quốc hẳn sẽ thấy hiện ra trước mắt một Hải Phòng bộn bề công việc, từ cụ già đến em nhỏ, từ anh Vệ quốc đoàn, chị tự vệ đường phố, đến ông xích lô, cô bán hàng giải khát, tất cả đều gắng gỏi, lặng lẽ làm cái gì đó góp phần giữ gìn trật tự, an ninh và bảo vệ chính quyền non trẻ của thành phố. Nhà văn đã dựng lại được một Hải Phòng bộn bề, phức tạp nhưng cũng đầy sôi động, quyết liệt của ngày đầu kháng chiến chống Pháp, mà nếu thiếu đi những tác phẩm nghệ thuật như thế, hẳn một ngày nào đó, chúng ta, và lớp cháu con, sẽ cảm thấy nuối tiếc.

Từ một nhà văn tâm huyết với đề tài kháng chiến của thành phố, bỏ nhiều công sức dựng lại cả một giai đoạn, một lớp người cần cù, mưu trí và dũng cảm của Hải Phòng và bước đầu gặt hái thành công, người đọc trông chờ ở Lưu Văn Khuê và các văn nghệ sĩ đất Cảng, bằng những tác phẩm tâm huyết của mình, góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống cách mạng, truyền thống văn hoá Hải Phòng trong thời kì đổi mới và hội nhập.

Nguồn: hoaikhanh.vnweblogs.com