Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRIẾT LÝ BÌNH DÂN HAY TRÒ CHƠI CHỮ?!

Đường Văn
Thứ ba ngày 8 tháng 9 năm 2015 5:35 AM


(Khảo bình)


Sinh con rồi mới sinh cha,

Sinh cháu giữ nhà, rồi mới sinh ông!

(Tục ngữ)

1. Từ tục ngữ đến truyện cổ tích

Đây là câu tục ngữ về đạo đức, lối sống của nhân dân được diễn đạt bằng hình thức văn vần lục bát nên có người lầm tưởng đó là câu ca dao! Thực ra, từ trong bản chất, nó là tục ngữ 100% (có tính lý trí cao, khái quát chân lý, triết lý mang tính kinh nghiệm dân dã, yếu tố cảm xúc, tình cảm tiết chế tối thiểu).

Có một truyện cổ tích minh họa cho câu tục ngữ này. (Đọc bộ: Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam - Nguyễn Đổng Chi sưu tầm, biên soạn, khảo dị, chú thích; tái bản 1997, tập 2).

Tóm tắt truyện như sau:

Giáp Ất là hai người bạn thân. Nhà Giáp giàu. Nhà Ất nghèo. Không chịu mãi cảnh sống túng thiếu, Ất vay Giáp 5 lạng bạc và chia tay bạn, đưa vợ con đi xa lập nghiệp; hẹn bao giờ có điều kiện sẽ hoàn trả Giáp. Nhiều năm đã trôi qua, không có tin tức gì về Ất và gia đình bạn, Giáp quyết định giắt theo 5 lạng bạc để nếu Ất vẫn túng thiếu thì sẽ tiếp tục giúp bạn. Tìm được nhà mới của Ất – một dương cơ bề thế, sung túc. Thấy bạn ăn nên làm ra, chắc sẽ không cần đến tiền nữa, Giáp tìm cách giấu 5 lạng bạc trên nóc cổng nhà Ất (hoặc đào hố chôn bên cạnh cổng) rồi mới vào thăm gia đình bạn cũ. Vợ chồng Ất mừng ít, ngạc nhiên thì nhiều và đặc biệt lo lắng; vì nghĩ chắc Giáp đến đòi món nợ cũ mà vợ chồng hắn dù đã giàu có, càng không nghĩ tới chuyện trả lại người bạn tốt bụng. Vợ chồng Ất tìm cách bí mật và bất ngờ giết chết Giáp rồi chôn xác bạn ở góc vườn. Ít lâu sau, từ chỗ đó mọc lên 1 cây khế xanh tốt. Đến mùa, cây khế chỉ cho 1 quả to, chín mọng. Lấy nhau đã bao năm mà vợ chồng Ất vẫn chưa có con. Năm ấy, vợ Ất bỗng có dấu hiệu khác thường, thèm ăn khế. Thị mới ra vườn, trẩy, ăn quả khế duy nhất ấy. Vợ Ất có thai, 9 tháng sau sinh được 1 đứa con trai khôi ngô, kháu khỉnh, khỏe mạnh; nhưng đã 8 tuổi mà vẫn chẳng biết nói năng gì!? Cầu cúng, thầy thợ hết cách. Bỗng một lần, sau khi nghe lời than thở, nỉ non của vợ Ất, thằng bé bỗng bật nói rành rõ, chỉ một câu:

- Cha mẹ cứ mời quan huyện đến đây, con có chuyện muốn nói.

Vợ chồng Ất mừng hết nói, lập tức mời quan huyện sở tại đến nhà theo yêu cầu của quý tử. Trước mặt quan huyện và cả nhà Ất, thằng bé kể lại đầu đuôi câu chuyện cũ nhiều năm về trước. Nó chính là hậu thân (kiếp sau) của Giáp. Sau khi bị giết, linh hồn Giáp biến thành cây khế, quả khế, rồi đầu thai vào làm con của vợ chồng Ất. Bây giờ, Giáp mới có cơ hội tố cáo vợ chồng tên bạn vô ơn, độc ác, giết người, quỵt nợ. Quan huyện mới đầu không tin. Nhưng khi nghe lời chỉ dẫn cặn kẽ của thằng bé, ông cho người trèo lên mái cổng (hoặc đào hố bên cạnh cổng) nhà Ất thì quả nhiên đã thấy 5 lạng bạc mà sinh thời Giáp đã từng cất giấu. Quan huyện lập tức ra lệnh tống ngục, mở phiên tòa định tội vợ chồng kẻ sát nhân. Sau khi đã trả được thù, giải được nỗi oan, thằng bé (Giáp) tìm đường về nhà mình. 8 năm đã trôi qua. Đứa cháu đích tôn của vợ chồng Giáp năm ấy đã lên 9 tuổi, hơn ông nội nó 1 tuổi. Bởi thế dân gian mới lưu truyền câu tục ngữ, rằng:

Sinh con rồi mới sinh cha,

Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông.

Theo nhà khảo cứu lão thành Nguyễn Đổng Chi, truyện cổ tích này còn có nhiều dị bản khác nhau, khá phong phú, đa dạng với một số chi tiết không hoàn toàn giống nhau, nhưng về đại thể cốt truyện là như thế. Câu tục ngữ có trước; truyện cổ tích truyền miệng có sau, minh họa cụ thể (cổ tích hóa) nội dung câu tục ngữ. (Cụ Nguyễn xếp vào mục: Sự tích các câu ví). Từ khi truyện cổ tích ra đời, nó song song tồn tại, lưu truyền rộng rãi trong dân gian cùng câu tục ngữ và gây nên những cuộc thảo luận, tranh cãi, những cách phân giải khác nhau về nội dung, ý nghĩa tư tưởng, đạo đức, xã hội, văn hóa, thậm chí tôn giáo… không kém phần phức tạp, thú vị và cho đến nây, cơ hồ vẫn chưa tới hồi kết!...

Dưới đây là một vài cảm luận, suy ngẫm thô thiển bước đầu của kẻ viết bài này, trên cơ sở tiếp thu và trao đổi với một số ý kiến từng đăng tải trên các trang mạng internet trong vài năm gần đây.

2. Vô lý hay có lý? Triết lý sâu xa hay chỉ là trò chơi chữ thông minh?

Ai mới đọc, mới nghĩ lần đầu cũng đều cho rằng câu tục ngữ này hết sức vô lý, trái lẽ tự nhiên, không cần phải tranh cãi. Bởi vì hiển nhiên là ông sinh ra cha rồi cha mới sinh ra con (con của con ông: cháu - đời thứ 3 kế tiếp) chứ làm gì có chuyện ngược lại như cách nói của câu tục ngữ kỳ quái, dở hơi kia!?

Đúng như thế! Nhưng đó mới chỉ là cái đúng của lôgich thông thường, lôgich hình thức nhìn từ 1 phía.

Nếu xét từ ý nghĩa từ vựng: từ sinh có các nghĩa không hoàn toàn đồng nhất:

1. Đẻ.

2. Được tạo ra.

Theo nghĩa 1, câu tục ngữ trên hoàn toàn vô lý, vô nghĩa, hoặc chỉ có nghĩa trào phúng nói ngược, kiểu: Một đàn cào cào đuổi bắt cá rô/ Một chục quả hồng nuốt lão tám mươi/Nắm xôi nuốt trẻ lên mười…

Nhưng nếu xét theo nghĩa 2 thì lại xuất hiện điều lôgich hợp lý, rất thú vị. Đó là mối quan hệ định vị - đặt tên mang tính liên kết - hô ứng chặt chẽ, tương tác, không thể tách rời giữa chủ thể (sinh) và đối tượng (do chủ thể sinh ra).

Chẳng hạn, người đàn ông mãi mãi vẫn chỉ là người đàn ông, một thằng bòi, thằng cu, gã trai, ông mãnh, thậm chí “lão Cu” (tên 1 nhân vật trong nhiều tác phẩm của Nguyễn Hiếu)… nào đó, nếu hắn chưa lấy vợ, chưa có gia đình riêng. Chỉ đến khi có vợ, hắn mới được gọi là chồng (nghĩa là trong quan hệ với vợ). Và chỉ đến khi vợ chồng hắn có con (đẻ) thì hắn mới được gọi là cha (bố, ba, thân phụ, bố cu (nếu có con trai), bố đĩ (nếu có con gái).

Như thế, chẳng phải sinh con rồi mới sinh cha hay sao? Có điều, từ sinh ở đây hiểu theo nghĩa sinh ra vai trò mới, vị trí mới trong mối quan hệ mới (cha – con, con – cha).

Nói 1 cách giản dị: Phải có sự ra đời của đứa con trước thì người đẻ ra nó (sinh trước) mới được xã hội công nhận là người cha (khái niệm, vai trò có sau).

Tương tự như thế, khi ta lý giải trường hợp sinh cháu rồi mới sinh ông.

Ở đây, trong câu tục ngữ này, đã có sự đánh tráo khái niệm trong 1 trò chơi chữ thú vị giữa 2 nghiã của từ sinh, cố tình nhập nhòa 2 bình diện nghĩa khác nhau làm một, tạo nên sự vô lý mà hữu lý trong khi khái quát hiện thực cuộc sống con người – xã hội.

Riêng về câu tục ngữ, tôi cho rằng nó chỉ có ý nghĩa hấp dẫn, gợi tò mò, tranh cãi trong cảm luận và lý giải dựa trên một trò chơi ngôn ngữ tiếng Việt như thế mà thôi! Ngoài ra, bài học về phương pháp luận tư duy khi nhìn nhận, xem xét một hiện tượng, vấn đề là cần có quan điểm cởi mở, toàn diện, tránh quyết định luận cực đoan. Cùng một hiện tượng, sự vật, sự kiện, vấn đề, nhìn từ góc độ này thì nó thế này, xem xét trên bình diện kia, nó lại thế khác, có khi hoàn toàn ngược lại, mà tựu trung cả hai cách đánh giá đều đúng bởi cơ sở xuất phát điểm riêng. Ở đây, câu chuyện ngụ ngôn Thầy bói xem voi lại phát huy tác dụng bổ ích cho những ai vô tình hay hữu ý muốn làm triết gia nửa mùa hay thầy bói nói mò!

Truyện cổ tích Người bạn bất lương hay là truyện Giáp - Ất là một cách lý giải huyền thoại độc đáo, thú vị của dân gian cho cái gút mắc vô lý của câu tục ngữ, biến nó trở thành hợp lý và hấp dẫn người nghe (đọc) qua một cốt truyện ly kỳ vừa có thật vừa đầy rẫy tưởng tượng huyền hoặc. Từ đó, nó không còn chỉ là trò chơi chữ vụn vặt mà đã ánh lên những tư tưởng triết lý dân gian – tôn giáo sâu xa, duy tâm và duy vật, cần làm rõ.

3. Luận hồi – tái sinh: triết lý Phật Giáo

Triết lý chủ yếu và nổi bật trong truyện mang đậm màu sắc Phật giáo. Đó là triết lý về nghiệp chướng, luân hồi, tái sinh. Những khái niệm triết lý trừu tượng cơ bản của đạo Phật. Mỗi con người (chúng sinh) đều có phần xác và phần hồn.

Phần xác (cơ thể vật chất) hữu hình, hữu thể sinh ra từ cát bụi; sau vài chục năm sống trên trần ai, cõi tạm, bể khổ thì hết kiếp, sẽ lại trở về, nơi cát bụi, thành cát bụi. Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi?/Để một mai tôi trở về cát bụi (Một cõi đi về - Trịnh Công Sơn)

Phần hồn (linh) vô hình, vô thể trú ngụ trong thể xác; nhưng có sinh (cùng với sự ra đời của thể xác) mà vô diệt. Khi phần xác chết (không còn hoạt động sống) và tan rữa, phân hủy, thì linh hồn con người tách, thoát khỏi xác và tùy theo sự phán định của Diêm Vương sẽ được lên cõi Niết bàn, Thiên Đường để hưởng hạnh phúc vĩnh viễn hoặc bị giam xuống Địa ngục chín tầng (cửu u), chịu đày đọa vì những tội lỗi mắc phải (nghiệp chướng) đã gây ra trong cuộc đời nơi dương thế. Linh hồn ấy có thể tái sinh, sống lại, sống tiếp những kiếp khác, mới tiếp theo, cũng có thể hóa thành cây, quả, thành con vật, đồ vật (Tấm Cám, Sự tích con nhái), nhập vào thể xác người khác (Hồn Trương Ba, da hàng thịt) một lần hoặc nhiều lần, tùy theo sự xếp định của Trời, Phật, hoặc đầu thai vào một người phụ nữ nào đó, trở lại làm người (Chuyện Từ Đạo Hạnh); trọn một vòng (chu kỳ) luân hồi (bánh xe quay vòng) chuyển từ kiếp này sang kiếp khác, giải thoát một lần nghiệp chướng và có thể lại bắt đầu tạo sinh một nghiệp chướng mới.

Triết lý tuần hoàn, luân hồi sinh - diệt - diệt - sinh của nhà Phật đề cao sự bất diệt của linh hồn, đề cao hạnh phúc - chính quả viên mãn nơi Cực Lạc - Niết Bàn, qua cuộc sống tu hành (tu chùa hoặc tu tại gia) tự diệt và tận diệt thất tình, lục dục, nghiêm chỉnh theo con đường bát chính đạo, tuân thủ bát giới nghiêm ngặt…Kiếp trước là nguyên nhân của kiếp sau; kiếp sau là kết quả của kiếp trước. Triết lý nhân quả chính là một trong những triết lý căn cốt của đạo lý Thích Ca Mâu Ni…

Trong tiểu luận Mô típ “Tái sinh” nguồn gốc Phật giáo trong truyện kể dân gian Việt Nam, THS La Mai Thi Gia đưa ra nhận xét:

“Thuyết Tái sinh khẳng định rằng, con người cũng như mọi loài hữu tình, không phải chỉ sống một đời, mà đã từng sống nhiều đời, và sau đời sống này, sẽ tiếp tục sống nhiều đời nữa. Và sức mạnh, dẫn con người sống đi sống lại nhiều đời như vậy là nghiệp lực, tức là sức mạnh của nghiệp. Thành quả của mọi việc làm của chúng ta trong đời này, tạo thành một sức mạnh, gọi là sức mạnh của nghiệp Tái sinh, đẩy chúng ta tới một cuộc sống mới, một cuộc đời khác, trong đó thân phận và hoàn cảnh sống của chúng ta là do thành quả các nghiệp của đời này quyết định”. Với quan niệm trên, Phật giáo khẳng định rằng mỗi con người là sản phẩm của chính mình, chúng ta hiện tại là sản phẩm do chính chúng ta tạo nhân trong quá khứ và lúc này ta đang tạo ra chính mình trong tương lai.”

Theo tôi (ĐV), đó chính là ý nghĩa tích cực của triết lý Tái sinh – sống lại có nguồn gốc Phật giáo này.

Trong truyện cổ tích Người bạn bất lương, cái chết oan khuất, kết quả của tham lam và tội ác của vợ chồng Ất là nguyên nhân dẫn đến cái chết và sự đầu thai, tái sinh (sống lại trong 1 hình hài khác) của linh hồn Giáp. Sự sống lại bằng cách hóa thân đầu thai này xảy ra 3 lần: thành cây khế, quả khế và đứa bé con trai vợ chồng Ất. Xét từ mô típ Tái sinh trong truyện dân gian: các nhân vật có thể biến hóa, đầu thai sau khi chết cũng không phải là hiếm gặp. Xét theo giáo lý nhà Phật, triết lý luân hồi - tái sinh – duyên nghiệp, nhân - quả, thì đó là sự chứng giải cho nghiệp số, nghiệp duyên của cả hai người Giáp và Ất. Phải chăng cái chết oan uổng, tức tưởi (lấy oán trả ân, làm ơn nhận oán) mà Giáp phải gánh chịu có thể là từ nguyên nhân món nợ kiếp trước mà Giáp phải trả cho Ất (kết quả)? Hành động cho vay 5 lạng bạc để Ất lập nghiệp, và sau này, với hảo ý đem 5 lạng nữa để tiếp tục giúp Ất vẫn chưa đủ để trả món nợ nặng nề kiếp trước. Giáp phải mang cái chết mới trả được sòng phẳng cho gia đình bạn? Nhưng sau khi trả xong thì cũng lại đến lượt vợ chồng Ất phải trả giá bởi sự vô ơn, phản bội và tội ác của mình gây ra với người bạn cũ - ân nhân (Giáp). Cứ luẩn quẩn như vậy! Giết người phải đền mạng là lý đương nhiên! Vợ chồng Ất sẽ và phải bị trừng trị đích đáng để rồi 2 linh hồn tội lỗi, lầm lạc ấy sẽ lại tiếp tục bị hóa thân hoặc đầu thai vào những kiếp nào để trở lại sống trên dương thế đầy đa đoan, phức tạp mà cám dỗ, mê hoặc?

Triết lý Phật giáo trong truyện cổ tích này vừa duy tâm vừa duy vật mà phần duy tâm nặng nề hơn có phần át đi tính duy vật le lói và yếu ớt. Con người được quan niệm như một thực thể, với một linh hồn, dù vùng quẫy, nỗ lực hết tâm sức cũng không sao làm chủ được số phận và cuộc đời mình mà luôn phụ thuộc vào định mệnh của Trời – Phật, những đấng siêu nhiên tối cao xếp đặt, an bài từ trước. Dù thấu thị hay mù mờ chân lý ấy, nhưng con người vẫn và luôn sống và suy nghĩ, hành động, theo tính cách, quan niệm của mỗi cá thể cá nhân người, dẫn tới những kết quả, hậu quả khác nhau mà họ được thụ hưởng hay gánh chịu.

Triết lý vừa tiêu cực vừa tích cực ấy hòa lẫn với những triết lý dân gian lành mạnh đã tạo nên sức sống khỏe khoắn, vạm vỡ, ý nghĩa đạo đức nhân văn bình dị, trong sáng của con người Việt Nam thời cổ - trung đại. Vậy, những triết lý dân gian ấy là gì và được thể hiện như thế nào trong truyện cổ tích này?

Trong đời sống thực tiễn, hiện tượng, vấn đề tái sinhđầu thai, nhìn nhận và lý giải từ góc độ khoa học thực chứng, cho đến nay, vẫn là vấn đề phức tạp, nan giải, và chắc còn rất lâu có kết luận cuối cùng. Theo 1 tin gần đây trên mạng internet, hiện tượng 1 đứa bé ở vùng biên giới Xyri (Tây Á), tố cáo với nhà chức trách tội ác của kẻ đã giết mình ở kiếp trước. Cảnh sát lần theo dấu vết và chứng cứ mà đứa bé đã nói. Quả nhiên phát hiện ra kẻ thủ ác. Và y đã phải cúi đầu nhận tội… Độ tin cậy của tin trên mạng đến mức nào, vẫn chưa được kiểm chứng. Nhưng từ đó, chỉ càng khẳng định rằng hiện tượng đầu thai, vấn đề tái sinh - luân hồi của con người hiện đại vẫn đang và sẽ làm đau đầu các nhà khoa học để tìm lời giải đáp. Như vậy, phải chăng câu chuyện đầu thai – tái sinh của Giáp đâu phải chỉ đơn thuần là một giấc mơ khắc khoải và niềm tin tôn giáo diết da cuả con người?!

4. Thấm đượm những triết lý dân gian Việt:

Đó là những triết lý bình dân quen thuộc thường gặp trong các truyện cổ tích Việt Nam. Chẳng hạn:

Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo, gieo gió gặt bão, Cứu vật, vật trả ân, Cứu nhân, nhân trả oán; Tự mình đấu tranh giành công lý, tự giải oan;… Hướng tương lai (Con hơn cha – nhà có phúc)…

Những triết lý ấy thể hiện quan niệm nhân sinh và khái quát đời sống từ kinh nghiệm bản thân người bình dân Việt. Giáp sống thiện, chịu oan ức, phải đánh đổi cả tính mạng, nhưng cuối cùng cũng gặp lành, trả được thù, lấy lại được công bằng, gặp lại gia đình, lại làm chồng, làm cha, làm ông… trong hình hài một thiếu nhi 8 tuổi. Qua nhân vật Giáp, phải chăng triết lý dân gian còn có ý khuyên người ta hãy gắng tích thiện, thiện nguyện suốt đời trước sau cũng sẽ được thiện báo, chẳng chóng thì chầy, không kiếp này thì kiếp sau! Và làm ơn há dễ mong người trả ơn (Nguyễn Đình Chiểu).Thật lý thú những cũng buồn cười và kỳ lạ cho cái tính ưa hài hước, tưởng tượng dí dỏm của người Việt.

Vợ chồng Ất không những không biết trả ơn người bạn cũ hết lòng với bạn, mà còn vô ơn, vô lương, ky bo, quỵt nợ, giết người diệt khẩu một cách độc ác, đê hèn… Chúng những tưởng giấu nhẹm được tung tích, nuốt trôi vĩnh viễn 5 lạng bạc của bạn, càng tưởng gặp vận hên khi trời còn ban cho đứa con trai nối dõi tông đường!... Có ngờ đâu ác giả ác báo, gieo gió gặt bão, lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt! mình làm mình chịu,… cả hai lại bị ngay đứa con đẻ (kiếp sau của Giáp) tố cáo trọng tội với quan huyện và bị pháp luật trừng trị đích đáng. Cách ứng xử và hành vi của vợ chồng Ất với Giáp cho thấy lòng tham của con người là không giới hạn. Từ lòng tham dẫn đến phạm tội ác, trở thành tội nhân giết người, giết bạn chỉ vì vài lạng bạc chỉ có 1 lằn ranh rất đỗi mong manh!

Theo dõi quá trình từ bị giết, đầu thai, lớn lên, tìm cách giải oan, vạch mặt kẻ thù, thấy Giáp không chỉ là một nạn nhân một bề cam chịu, thúc thủ mà quả là một con người kiên nhẫn và nghị lực, kiên quyết và khôn khéo, tự lực tìm cách thông minh, bất ngờ, chọn đúng thời điểm để hành động phanh phui sự thật, đòi lại công lý, công bằng cho bản thân mình.

Xong xuôi mọi chuyện, thương con, nhớ cháu, nhớ ngôi nhà xưa, Giáp lại tìm về quê mình, nhà mình, sống hạnh phúc với gia đình trong hình hài một đứa trẻ ít tuổi hơn cả thằng cháu nội, trong mối quan hệ vừa là ông - cháu, vừa là bạn bè cùng trang lứa! Có phải tinh thần yêu quý trẻ thơ, triết lý hướng tương lai đang cất lên tiếng cười lạc quan giòn giã nơi đoạn kết truyện cố tích độc đáo này?

***

Từ câu tục ngữ Sinh con rồi mới sinh cha… đến truyện cổ tích Giáp - Ất, người bình dân Việt Nam, từ ngàn xưa, đã đặt ra và gửi gắm bao vấn đề triết lý nhân sinh sâu sắc, thú vị, được thể hiện bằng những hình thức nghệ thuật dân gian cổ truyền quen thuộc mà mới lạ, chứng tỏ tâm hồn nhân hậu, trí tuệ linh mẫn, tinh thần lạc quan vui tươi của người Việt trong đời sống sinh hoạt, lao động và đấu tranh. Câu tục ngữtruyện cổ dân gian giàu ý nghĩa ấy chắc chắn sẽ còn sống rất lâu trong tâm thức văn hóa của các thế hệ con người Việt Nam./.

Trèm, ngày Khai giảng năm học mới:

5 – 9 – 2015. ĐV