Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐÌNH LÀNG KHE LIỀN, DI TÍCH KHÁNG CHIẾN

Hà Lâm Kỳ
Thứ năm ngày 20 tháng 8 năm 2015 9:56 AM
Trong bài viết “Đồng chí Đào Tiến Lộc” (2001) của tác giả Hoàng Việt Quân, in trong Tạp chí “Yên bái xưa và nay” (Hội Sử học tỉnh Yên Bái) phát hành tháng 4 năm 2012 có đoạn viết: "Đào Tiến Lộc và Hoàng Minh Lưu, người cùng xã, đang học tại Trường Quân chính, được Tỉnh ủy (Yên Bái) cử về, giao nhiệm vụ đứng ra củng cố lại Huyện bộ Việt Minh và chuyển cơ sở Huyện bộ Văn Chấn về làng Khe Liền, xã Đại Lịch…”. Trong Hồi ký (bản viết tay, lưu tại Phòng Quản lý di sản văn hóa, thuộc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Yên Bái) của ông Đào Tiến Lộc, Bằng “Có công với Nước”, Lão thành cách mạng, nguyên Chủ nhiệm Huyện bộ Việt Minh huyện Văn Chấn 1947-1954 ghi: “Đầu tháng 10 năm 1947 Pháp tái chiếm Nghĩa Lộ, huyện bộ Việt Minh Văn Chấn bí mật rút về làng Khe Liền xã Đại Lịch, lập thành cơ sở hoạt động kháng chiến”. Tại các cuộc Hội thảo, do Đảng ủy xã Đại Lịch tổ chức năm 1989 và 1993 để tập hợp tư liệu viết cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Đại Lịch, nhiều cán bộ cao niên và người trong cuộc phát biểu ý kiến tựu trung xung quanh “cơ sở kháng chiến- làng Khe Liền” là: Ngay khi Huyện bộ rút về đóng ở làng Khe Liền, Huyện ủy đóng ở Đồng Mè, Ủy ban kháng chiến đóng ở Lường, đồng chí Nguyễn Chấn Bí thư Tỉnh ủy thời điểm đó, vào kiểm tra tình hình và dự cuộc mít tinh ở Bãi Bằng gò đình Khe Liền… Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nói: Đại Lịch xây dựng không phải chỉ riêng mình mà còn là cơ sở cách mạng của huyện Văn Chấn, là nơi trung chuyển các chỉ thị, nghị quyết đi các nơi trong huyện, hướng dẫn vận động nhân dân đứng lên đánh đuổi giặc giành lại độc lập tự do, đó là vinh dự lớn của Đại Lịch, nên lãnh đạo và nhân dân các dân tộc Đại Lịch cần phải cố gắng. (Trích tài liệu Hội thảo năm 1993). Năm 1994 tôi đến Thị xã Nghĩa Lộ gặp cụ Bùi Lạc, lão thành cách mạng để lấy tư liệu lịch sử kháng chiến về Văn Chấn và Trạm Tấu. Cụ Bùi Lạc kể: “Bác được kết nạp Đảng ngay sau một cuộc họp ở đình làng Khe Liền mà bố cháu là người giới thiệu”. Trong cuốn “Yên Bái- Hồi ức thời chống Pháp” ông Doãn Kim (Lê Văn Kim) lão thành cách mạng, nguyên Bí thư Huyện ủy Văn Chấn 1947-1948 viết: “Huyện ủy đã chọn xã Đại Lịch làm nơi đóng cơ quan Huyện ủy và Ủy ban kháng chiến huyện thời kỳ đầu địch tạm chiếm Văn Chấn… Từ nơi đây, Huyện ủy đã nhanh chóng tập hợp cán bộ cơ sở, gặp lại các đồng chí cán bộ phụ trách các xã, các đảng viên lớp “Tháng Tám năm 1947”… phổ biến chỉ thị của Tỉnh ủy… Cũng từ đây, Huyện ủy đã nhanh chóng củng cố Đội du kích tập trung của huyện, sau đó thành Đại đội 86 bộ đội địa phương Văn Chấn”. (Trang 107-108). Nơi đóng cơ quan huyện ở Đại Lịch đó chính là các làng Khe Liền, Lường, Đồng Mè, còn nơi “phổ biến Chỉ thị Tỉnh ủy” mà Bí thư huyện ủy Lê Văn Kim nói trên chính là đình làng Khe Liền. Mới hay, cán bộ Việt Minh biết dựa vào dân, dựa vào thiết chế hoạt động văn hóa tâm linh, địch ít nghi ngờ. Có lần tôi hỏi cha tôi, cụ Hà Văn Đê, lúc đó (1947-1951) là Phó chủ tịch Ủy ban kháng chiến xã Đại Lịch, là, vì sao bọn Pháp đã đốt nhà dân (26/28 nhà) mà lại đốt cả đình làng? Cụ Hà Văn Đê (tức Dũng) trả lời: Có kẻ khai báo Việt Minh hay gặp nhau ở đình! Bố tôi còn kể: Khoảng tháng 6 năm 1945 chánh tổng Lương ca Trần Đình Khánh (sau này là Chủ tịch Ủy ban hành chính đầu tiên của tỉnh Yên Bái, Đại biểu Quốc hội khóa I (1946), lão thành cách mạng, Huân chương Độc lập hạng 3) lấy cớ lên làng Khe Liền thắp hương cho cô ruột (tức cụ nội tôi) là cụ bà Trần Thị Gấm, đã gặp Hội đồng kỳ mục, tiên chỉ, hào lý tại đình làng, vận động họ thu gom vũ khí quyên góp lương thực, thực phẩm ủng hộ Việt Minh. Ý ông Trần Đình Khánh được Chánh tổng Đại Lịch Hoàng Văn Cừ đồng tình, thế là dân làng Đại Lịch góp được nhiều khí giới. Riêng cụ Chánh Cừ còn ủng hộ kháng chiến có tới 17 con bò. Sự việc trên đây, hôm nay người dân Đại Lịch vẫn còn nhắc đến.
Di tích Đình Khe Liền.
Về ngôi đình, theo lời nhiều người già trong làng truyền lại cho lớp con cháu, và qua lời kể của các cụ: Hà Văn Đê, Hà Văn Tuất, Hà Văn Khanh, Hà Văn Chung…. những người từng là thổ đạo hoặc dầy công ghi chép, kể lại, thì lúc đầu, đình chỉ là một miếu nhỏ xuất hiện cuối thế kỷ 18, biểu hiện tiếp nhận sự ảnh hưởng của đình làng Dọc, đình Bằng Là. Ngôi miếu thờ thổ địa làng Khe Liền được dân làng dựng thành đình làng, vẫn tọa lạc tại bãi soi Đồng Lở này, để thờ Thần Núi Đáy (tức Tản Viên Sơn Thánh). Khoảng thập niên 1900-1910, gia tộc họ Hà Đình (những người có công dựng đình) đã đưa bài vị vào hàng thứ ngai để thờ ông Hà Đình Sứ, một người có công khai phá, lập nên xóm ngoài của làng Khe Liền (thế kỷ 17). Từ đó đình chính thức có thổ đạo (cụ Hà Văn Đặng), thủ nhang, đặt ra các lễ tục và định ngày mồng sáu tháng giêng làm ngày cầu cúng, hội làng (Lễ hội Lồng Tồng). Cũng từ đó (đầu thế kỷ 20) đình làng Khe Liền trở thành tụ điểm tâm linh thân thiện lớn của dân làng Khe Liền và cả xã Đại Lịch. Hôm nay đây, những người ở độ tuổi 75-80 đều được chứng kiến không khí sinh hoạt đình làng ngày xuân, ban phước cháo lá đa trong lễ hội Lồng Tồng (xuống đồng) dưới tán cây đa to rộng bên dòng suối làng giữa cánh đồng Đồng Lở ngày xưa.
Về sự kiện lịch sử gắn với ngôi đình, như đã nói ở phần đầu bài viết, theo nhiều tư liệu lịch sử của tỉnh Yên Bái và huyện Văn Chấn, chúng ta được biết: Ngày 2 tháng 10 năm 1947, thực dân Pháp từ Sơn La, theo đường Phù Yên ồ ạt đánh sang Yên Bái. Chỉ trong nửa tháng 10, toàn bộ thị trấn Nghĩa Lộ và các xã vùng trong Văn Chấn lọt vào tay chúng. Tiếp đó, Pháp xây dựng hàng chục đồn bốt quanh xã Đại Lịch. Trước tình thế trên, Tỉnh ủy Yên Bái quyết định cho phép Huyện bộ Việt Minh Văn Chấn (cơ quan đầu mối kháng chiến) cùng Huyện ủy, Ủy ban kháng chiến huyện, bí mật rút về Đại Lịch và đóng tại Khe Liền, Lường, Đồng Mè, lấy Khe Liền làm địa điểm thường trực của các cơ quan lãnh đạo huyện. Khe Liền có đình làng, là thiết chế văn hóa tâm linh, có thể che mắt địch, nên những người lãnh đạo cuộc kháng chiến của xã, của huyện đã quyết định chọn Đình làm nơi hội họp khi cần thiết trong đó có việc làm lễ kết nạp Đảng cho một số đồng chí cán bộ trung kiên như Bùi Lạc, Hà Văn Ky, Phạm Thị Thức... “Trong cuốn Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân khu Tây Bắc”, do Nhà xuất bản Khoa học xã hội phát hành năm 2003, trang 183-184 ghi rõ: Cuối tháng 10 năm 1947, Tỉnh ủy Yên Bái họp bàn chủ trương củng cố tinh thần, tư tưởng, ý chí chiến đấu cho nhân dân… phát triển mạnh chiến tranh du kích…. Cũng trong thời gian này, đồng chí Nguyễn Tấn Phúc, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái trực tiếp kiểm tra huyện Văn Chấn và xây dựng Đại Lịch thành căn cứ du kích. Chi bộ Đại Lịch được thành lập, du kích xã phục kích đánh trận đèo Din diệt 6 tên địch trong đó có một tên Pháp. Trong cuốn sách: “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Yên Bái” xuất bản năm 2007, có đoạn: Cuối tháng 10 năm 1947, đồng chí Nguyễn Tấn Phúc Bí thư Tỉnh ủy vào Văn Chấn kiểm tra tình hình, giúp cấp ủy tổ chức cuộc kháng chiến trong vùng địch hậu… việc liên lạc giữa các cơ sở, các đơn vị với cấp trên được khâu nối lại, các đội du kích Khau Phạ, Đá Xô (Cát Thịnh), Thượng Bằng La, Hưng Khánh đã bám trụ, bắt đầu hoạt động mạnh…. (Trước đấy, đồng chí Nguyễn Chấn, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái đã vào Đại Lịch, đồng chí đã dự cuộc mít tinh với nhân dân tại Bãi Bằng- gò đình Khe Liền).
Theo Hồi ký của các ông Đào Tiến Lộc, Phạm Văn Tích, Kim Doãn, Bùi Lạc, thì đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cùng Nguyễn Tấn Phúc đi kiểm tra tại làng Thanh Bồng, Đồng Mè, làng Lường, rồi tắt sang Khe Liền và làm việc với Huyện bộ và xã bộ Việt Minh tại đình Khe Liền. Buổi làm việc chỉ hơn một tiếng đồng hồ nhưng đã đưa ra giải pháp thực hiện 4 vấn đề lớn đó là: Triệt để sơ tán lên rừng, thực hiện vườn không nhà trống. Tổ chức lại và phát triển các đội du kích trong toàn huyện và lân cận, kiên quyết chống giặc càn quyét. Phân loại tề ngụy để đối sách với từng loại. Giữ vững đường dây liên lạc giữa huyện với xã, huyện với tỉnh. Chủ trương tại buổi làm việc này cũng được ghi trong cuốn sách “Tỉnh Yên Bái, một thế kỷ”, xuất bản cuối tháng 4/2000 (trang 246). Ngoài ra còn nhiều tài liệu, nhân chứng khác xác nhận những sự kiện lịch sử trên đây.
Như vậy, ở làng Khe Liền, các địa danh: Khe Phắc Nam, Khe Đồng Lở, Khe Cái, và đình Khe Liền, cùng với các làng Đồng Mè, Lường, Thanh Bồng của xã Đại Lịch gắn liền với cơ quan lãnh đạo huyện Văn Chấn thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp từ tháng 10 năm 1947 đến tháng 10 năm 1949. Cuối năm 1949 nhân dân tản cư, cơ quan huyện Văn Chấn rút ra Hiền Lương.
Điều rất tự hào cho xã Đại Lịch nói chung, làng Khe Liền nói riêng, trong hơn 2 năm, các cơ quan huyện đóng ở Đại Lịch, và suốt trong 5 năm Đại Lịch kháng chiến (10.1947-10.1952), mặc dù có hàng chục chiến sỹ du kích và nhân dân hy sinh anh dũng, mặc dù hàng trăm nhà dân các làng bị giặc Pháp đốt cháy, tất cả tài sản bị cướp phá. Song, người dân Đại Lịch, và người dân làng Khe Liền vẫn vững vàng, quả cảm, vượt qua bom đạn, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho cơ quan huyện, cho các đồng chí lãnh đạo cấp tỉnh và huyện, cho các đơn vị bộ đội địa phương, và các đoàn công tác bí mật hậu địch. Niềm tự hào rất đáng được ghi nhận và truyền lại cho con cháu.“Trăm năm ta nhớ ơn làng/ Cánh tay che chở bước đường gian nguy”, hai câu thơ đó của nhà thơ cách mạng Tố Hữu, thật đúng với Đại Lịch thời đấy. Bởi vậy, dù chưa được Nhà nước xem xét công nhận Di tích lịch sử văn hóa, nhưng Bia di tích đình làng là tấm lòng tri ân và ghi dấu truyền thống kháng chiến một thời của bà con các dân tộc Khe Liền, cũng là góp phần làm rõ hơn lịch sử địa phương trong bối cảnh đất nước hiện nay.