Gần đây trên mạng xôn xao về một số phát ngôn của Bộ trưởng Giáo dục (BTGD). Tôi không tin, tìm tận nguồn gốc những câu ấy thực hư thế nào. Quả là có một số câu nói “lạ” lại phát ra từ BTGD! Ví dụ:
1. “HỌC KÉM THÌ KHÔNG THỂ ĐẠO ĐỨC TỐT ĐƯỢC” , Bộ trưởng khẳng định”. (Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn trước đại biểu Quốc hội sáng 11/6./ 2014).
- Ông BTGD luôn học tư tưởng Hồ Chí Minh lại không nhớ lời cụ Hồ: “Có Đức mà không có tài, giống như ông Bụt”…nghĩa là học kém (không có Tài), vẫn có Đức đấy thôi. Hơn nữa lời nói này còn xúc phạm đến những người “học kém” và ít được học. Mọi người đều biết học giỏi hay kém phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố về sinh thể, tâm lý, xã hội, giáo dục... Với giáo dục hiện nay, học sinh (HS) dân tộc thiểu số (nhóm yếu thế) sao học giỏi bằng HS người Kinh được?... Có một thời tôi đi dạy Bổ túc văn hóa (bây giờ gọi là giáo dục thường xuyên), nhiều anh chị là công nhân, nông dân, bộ đội… rất tốt (có Đức), nhưng lại học kém, trong khi những HS không được vào cấp 3 (nhiều em vì Đạo đức kém), phải học BTVH, lại học khá hơn nhiều so với nhóm công, nông, binh. Vậy phải hiểu thế nào? Rồi suy rộng ra, còn lôi thôi lắm, vì ở cấp bậc nào cũng có người học giỏi và có người kém!... Hơn nữa có thể hiểu, không cần quan tâm GD đạo đức nữa, cứ học thêm thật nhiều, luyện các môn thi, thi đạt điểm cao là tức khắc có đạo đức tốt (?).
2. “Con người là SẢN PHẨM DỊCH VỤ rất quan trọng vì đào tạo sai KHÔNG THỂ ĐÀO TẠO VÀ SỬA LẠI như những sản phẩm và dịch vụ thông thường”. (GDVN 30/10/2013)
- Karl Marx có một mệnh đề triết học mà mọi học giả CS đều thuộc: “Bản chất con người, trong tính hiện thực của nó, là tổng hòa các quan hệ xã hội”. Đúng ra cần nói “bản chất xã hội của con người”… Nhưng ông BTGD lại nói “Con người là SẢN PHẨM DỊCH VỤ”? Sao con người lại thụ động thế? Hay trong cơ chế thị trường định hướng XHCN thì con người là sản phẩm của dịch vụ, giống như dịch vụ thụ thai nhân tạo? Dịch vụ đẻ thuê, dịch vụ học thuê, dịch vụ thi thuê, dịch vụ làm luận văn, luận án thuê…?
- Karl Marx thì viết “Hoàn cảnh tạo ra con người, trong chừng mức con người tạo ra hoàn cảnh”, còn BTGD sau khi nghiên cứu chủ nghĩa Marx liền kết luận: “đào tạo sai KHÔNG THỂ ĐÀO TẠO VÀ SỬA LẠI” (?). Vậy thì nguy rồi, bao nhiêu con các quan chức trung, cao cấp cho đi du học ở các nước tư bản chủ nghĩa, sai mục tiêu đào tạo thành những “chiến sĩ cách mạng vừa HỒNG vừa CHUYÊN”, nay chúng về được quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo đất nước “theo con đường XHCN mà Bác Hồ và nhân ta đã lựa chọn” thì làm sao đây BTGD ơi!? Nguy quá, chệch hướng to!
3. “Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói giáo dục sắp có một "TRẬN ĐÁNH LỚN". Trong trận đánh này SÁCH GIÁO KHOA cũng là một VŨ KHÍ QUAN TRỌNG và cần được chú ý đặc biệt. (GDVN 30/10/2013).
- BTGD bị hướng nghiệp sai, đáng lẽ ông phải vào ngành quân sự, không may bị làm BTGD nên lúc nào cũng mơ tưởng làm “TỔNG TƯ LỆNH” ngành, mơ về một “TRẬN ĐÁNH LỚN”, coi GV là các “CHIẾN SĨ RA TRẬN” và “SÁCH GIÁO KHOA cũng là một VŨ KHÍ QUAN TRỌNG” … Khổ quá, xưa nay các nhà GD lỗi lạc đều rât khiêm tốn chỉ ví mình như người làm vườn, chăm sóc, vun trồng những cây non cho cứng cáp trưởng thành. “Hồ Chủ tịch vĩ đại” cũng chỉ dám nói việc “trồng người”, so với việc trồng cây. Chỉ ông BTGD này là thích “đánh nhau” mà phải là “TRẬN ĐÁNH LỚN” (?). Trận đánh là giết chóc, tàn phá, diễn ra trong một thời gian, không gian nhất định và kết thúc trong tan hoang, đầy thương tích, hận thù…
Còn GD là công việc chắt chiu xây dựng, hình thành “từ không đến có”, từ có ít đến có nhiều… “Ôi, từ không đến có, diễn ra như thế nào?” (Xuân Diệu); là quá trình dưới sự sự hướng dẫn tỉ mỉ, tận tình, kiên nhân, đầy tình nhân ái của GV, HS từng bước khám phá, lĩnh hội những giá trị tinh túy của nhân loại và dân tộc được kết tinh trong SGK, như “con ong tìm mật yêu hoa” (Tố Hữu). Đây là quá trình hoạt động sáng tạo, tìm kiếm chân lý, cái đẹp, cái thiện, cái có ích cho sự phát triển làm phong phú bản thân; là quá trình chuyển tiếp những kinh nghiệm của các thế hệ đi trước cho thế hệ hôm nay và mai sau. Tất cả diễn ra một cách an bình, tự nhiên trong quan hệ tương tác thân ái thầy – trò – bè bạn trong một môi trường văn hóa sư phạm đầy tính nhân văn. Sao lại là “trận đánh lớn”? Có phải vì “triết lý GD” của ông như vậy nên dưới thời ông, HS rất khoái đánh nhau, bạo lực học đường gia tăng kịch liệt?
Lại còn “SÁCH GIÁO KHOA cũng là một VŨ KHÍ QUAN TRỌNG”(?) Có lẽ ông BTGD bị hội chứng “Tổng tư lệnh”? Thời Nho học, người ta coi sách là chữ thánh hiền, phải thuộc từng chữ, phải để sách nơi tôn nghiêm. Sau này SGK được coi như nội dung kiến thức HS phải nhớ, phải thuộc. Ngày nay SGK được xem như vật liệu/tài liệu để HS làm việc, qua đó làm phát triển tri thức, kỹ năng, kích thích lòng say mê tìm tòi sáng tạo của HS. Tự cổ chí kim chưa thấy ai coi SGK là “vũ khí”. Vũ khí của ai nhằm chiến đấu với ai? SGK là vũ khí, tức dùng nó làm công cụ chiến đấu với đối tượng nào đó? Không, SGK chính là đối trượng mà HS dùng các phương pháp, cách thức khám phá, chiếm lĩnh các giá trị trong đó, như con ong hút mật từ hoa… “SGK là vũ khí”, một quan niệm lạ lùng!
4. “Trận đánh lớn của Bộ GD&ĐT chỉ có thể thành công được nếu như HUY ĐỘNG VÀ TẬN DỤNG TOÀN BỘ SỨC MẠNH CỦA TOÀN DÂN. Đây cũng chính là bí quyết thắng lợi ĐƠN GIẢN của dân tộc ta trong toàn bộ lịch sử dựng và giữ nước. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hiểu và vận dụng thành công trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Bài học đã có sẵn, câu chuyện chỉ còn là vị "TỔNG TƯ LỆNH" ngành giáo dục và đào tạo VẬN DỤNG NHƯ THẾ NÀO TRONG LĨNH VỰC CỦA MÌNH. (GDVN 30/10/2013, Vũ Tuấn Anh- Viện Quản Lý Việt Nam)
- “Trận đánh lớn của Bộ GD&ĐT chỉ có thể thành công được nếu như HUY ĐỘNG VÀ TẬN DỤNG TOÀN BỘ SỨC MẠNH CỦA TOÀN DÂN”. Quan niệm làm GD thế này thì GD tan hoang là phải! Khi “Toàn dân diệt giặc dốt” thì được. Còn xây dựng/ tổ chức một nền GD hiện đại, phát triển với chất lượng cao thì phải tuân theo những quy luật của khoa học GD. Hãy nhớ lại, người Pháp xây dựng hệ thống GD hiện đại của họ ở Việt Nam, thay dần nền GD Nho giáo, cứ lặng lẽ diễn ra từ năm 1905 đến 1945, trong vòng 40 năm, mà đặt nền móng cho nhiều ngành khoa học tự nhiên, xã hội, nghệ thuật… của Việt Nam đạt trình độ tiến tiến của thế giới và đào tạo ra bao nhiêu nhân tài cho Việt Nam. Họ có “huy động sức mạnh tổng hợp toàn dân tham gia” đâu? Ngành GD cứ lặng lẽ hình thành dần “từ không đến có”, phát triển thành hệ thống đạt tới đỉnh cao, có ầm ĩ gì đâu?
Từ 1975 đến nay cũng tròn 40 năm, từ chỗ “có tất cả” mà đến nay vẫn ngổn ngang trăm mối. Tại đâu? Đó là do làm GD không theo quy luật của GD, chỉ thích những “Trận đánh lớn”, “Đồng loạt ra quân”, “Huy động sức mạnh toàn dân”, “Dấy lên phong trào thi đua”, “GV là chiến sĩ”, “SGK là vũ khí”… Người GV chẳng còn tĩnh tâm gắn bó say mê với nghề, HS chỉ răm rắp làm theo; động cơ học tập vì chiếm lĩnh đối tượng làm phát triển phong phú bản thân, bị tha hóa, thay bằng những kích thích học vì điểm, vì thành tích thi đua, vì cốt có bằng cấp…
Trên bình diện quản lý toàn ngành GD thì cũng là tổ chức hệ thống sao cho đầy đủ, cân bằng các yếu tố trong một chỉnh thể, tạo cơ chế vận hành trơn chu (không mắc lỗi hệ thống), nhất quán theo một đường lối ổn định lâu dài. Những đôỉ mới/cải cách trong giáo dục đều hoàn toàn có thể bình tĩnh, chủ động nghiên cứu, thực nghiệm, thí điểm, từ từ từng bước, bao giờ thấy phù hợp (HS, GV, cha mẹ HS, xã hội chấp nhận là hợp lý) thì áp dụng. Tại sao phải cấp tập từng trận đánh? Tại sao phải huy động sức mạnh toàn dân vào trận đánh, khiến cho nền GD luôn trong một môi trường bát nháo và HS, GV, cha mẹ HS luôn điêu đứng bởi những “trận đánh” do vị “Tổng tư lệnh ngành” điều binh khiển tướng, liên tục ra lệnh… “chữa cháy”!
- Ông BTGD coi sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc đánh thắng ngoại xâm “chính là bí quyết thắng lợi ĐƠN GIẢN của dân tộc ta trong toàn bộ lịch sử dựng và giữ nước. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hiểu và vận dụng thành công trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Bài học đã có sẵn, câu chuyện chỉ còn là vị "TỔNG TƯ LỆNH" ngành giáo dục và đào tạo VẬN DỤNG NHƯ THẾ NÀO TRONG LĨNH VỰC CỦA MÌNH”(?) Rõ là vừa lầm lẫn nguy hiểm giữa chỉ huy quân sự và làm GD, lại vừa tự phụ như hoang tưởng?
5. “Chỉ đạo các đơn vị giáo dục phải nghiên cứu rất kỹ Nghị quyết 29, Bộ trưởng cho rằng: “Thi tốt nghiệp THPT sẽ không đặt vấn đề giải quyết GD TOÀN DIỆN, đó là tinh thần cũ trước đây. Sứ mạng của THPT là định hướng, chuẩn bị tốt cho các học sinh theo ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP, phát huy được năng lực, sở trường của các em”. (Tiền phong 15/8/2015).
- Sao lại “không đặt vấn đề giải quyết giáo dục toàn diện” trong việc tốt nghiệp THPT? GDPT bao giờ cũng nhằm mục tiêu GD con người toàn diện, cân đối, hài hòa giữa thể chất và tâm hồn; giữa phẩm chất và năng lực; giữa lý thuyết và thực hành… Trong một môn, ngoại ngữ chẳng hạn, cũng phải “toàn diện”: nghe, nói, đọc, viết. Dù lên THPT có phân ban hay tự chọn, thì tư tưởng chỉ đạo trong GDPT vẫn luôn luôn là chống lối GD phiến diện, chống lối học lệch, học “tủ”… vẫn hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện, cân đối, hài hòa con người, đáp ứng mong đợi của xã hội.
- Kỳ thì “2 trong 1” năm 2015 đã phá nát hết GD HƯỚNG NGHIỆP suốt những năm GDPT. Còn đâu “Sứ mạng của THPT là định hướng, chuẩn bị tốt cho các học sinh theo định hướng nghề nghiệp, phát huy được năng lực, sở trường của các em”? HS cứ cầm cái kết quả điểm thi của mình chạy hết từ trường này sang trường khác, cuống quýt, đứt hơi, căng thẳng như chơi chứng khoán, thì còn gì là HƯỚNG NGHIỆP, CHỌN NGHỀ?
6. "Khi bước vào trận đánh, từ tướng lĩnh đến binh lính đều phải có quyết tâm cao, có niềm tin chiến thắng, và sẵn sàng trả giá, hy sinh. Tôi coi thực hiện để án đổi mới giáo dục lần này là một trận đánh lớn", Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận trao đổi với VnExpress. (VNExpress, Thứ hai, 30/9/2013)
“Ta phải có lòng tin và nhau, tin vào đội ngũ. (…) Giống như khi RA TRẬN, chúng ta là những TƯ LỆNH, chúng ta phải tin rằng các CÁC CHIẾN SĨ NGOÀI KIA ĐANG CHĨA SÚNG VÀO ĐỊCH, CHỨ ĐỪNG LO HỌ CHĨA SÚNG VÀO MÌNH…” - Bộ trưởng Luận ví von. (Tiền phong 15/8/2015).
- Có cần bình luận gì nữa không? Sao làm GD lại là “Trận đánh lớn”, rồi “tướng lĩnh đến binh lính”, “sẵn sàng trả giá, hy sinh”? Sao người làm GD lại có thể hoang tưởng như vậy? Có lẽ đầu óc như thế nên cứ muốn làm đảo lộn tùng phèo những cái đang yên lành, “quân lệnh” ban ra liên tục, quyết liệt chỉ đạo hàng ngày làm cho “quân lính” tối mắt tối mũi, cả ngành GD nháo nhào, toàn dân ngơ ngác hoang mang…
- Rồi GV là những “chiến sĩ đang chĩa súng vào địch”… Địch là ai? Sao GV lại chĩa súng vào địch mà “đừng lo chĩa súng vào mình” (BTGD)? Có chắc không, khi một ông “Tổng tư lệnh” coi “nước sông, công lính” như bèo, chỉ thích xua họ vào những “trận đánh lớn” vô nghĩa, tệ hại?
KẾT LUẬN: Thực lòng tôi rất thương ông BTGD, ông rất vất vả mà làm việc ít hiệu quả, có lẽ ông chọn nghề quân sự thì hợp hơn. Trách BTGD một thì phải trách các “quân sư” của BTGD năm, vì cách đây đã lâu, có ai đó viết bài “TƯ LỘN CÁI LỀNH”, thế mà họ không đưa BTGD xem, để ông cứ thích là “tư lệnh” mãi! Và phải trách cái cơ chế quản lý xã hội này mười, vì nó “sàng lọc” thế nào mà hầu như ở tất cả các lĩnh vực, bao nhiêu người có Tâm, có Tài, phù hợp công việc thì cứ bị loại ra, để những người trong hệ thống đó, càng thế hệ sau càng kém cỏi hơn thế hệ trước!? Nghĩa là “con kém cha, nhà vô phúc”!
Tôi đắn đo mãi mới công bố bài viết này, vì biết sẽ làm ông BTGD phiền lòng. Nhưng tôi nghĩ phải nói cho các đồng nghiệp của tôi biết rằng, cần suy nghĩ kỹ, phản biện, hiểu cho rõ những điều ông BTGD nói, chớ có lầm lẫn mà có hại cho bản thân, cho nghề nghiệp suốt đời của ta, nhất là có hại cho các em HS thân yêu của chúng ta.
Ngày 17/8/2015
MVT