Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHUYỆN NGƯỜI GHI BIÊN BẢN CHIẾN TRANH

Trần Đinh Thảo
Thứ ba ngày 18 tháng 8 năm 2015 4:10 PM

Tháng 3 năm 1975 cánh phóng viên VNTTX chúng tôi chộn rộn rất nhiều thông tin sẽ “động viên” một số phóng viên đi miền Nam chi viên cho TTXGP sau chiến thắng Buôn Mê Thuột. Ai cũng mong có tên mình trong danh sách, nhưng thật bất ngờ khi ông Đỗ Phượng, Phó Tổng biên tập “chấm” Trần Mai Hạnh chứ không phải cánh phong viên tin miền Bắc chúng tôi. Lý do cũng khá đơn giản, Trần Mai Hạnh từng là phóng viên TTXGP ở khu V, ở chiến trường Quảng Nam-Đà Nẵng và đang làm việc ở ban biên tập tin miền Nam. Nhưng có điều đặc biệt là chuyến đi này do các đồng chí Tố Hữu, Hoàng Tùng thừa lệnh Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn giao nhiệm vụ cho VNTTX mà không chờ văn bản quyết định của Ban Bí thư. Tổng Biên tập Đào Tùng, trưởng đoàn công tác rốt ráo hoan tất công tác chuẩn bị để kịp lên đường.
Sáng 2/4 năm 1975, đoàn chi viện Thông tấn xã Giải phóng của VNTTX trong đó có phóng viên Trần Mai Hạnh lên đường để rồi trưa 30 tháng 4, anh đã vào Sài Gòn cùng đoàn quân chiến thắng.
Trần Mai Hạnh nhớ lại: Khoảng 11 giờ 45 phút trưa 30/4, tôi tới được Dinh Độc Lập. Sự kiện lịch sử vừa diễn ra. Cờ chiến thắng vừa được cắm trên nóc Dinh Độc Lập. Trần Mai Hưởng em ruột tôi, Vũ Tạo, Ngọc Đản, Hoàng Thiểm, Đinh Quang Thành… đi theo Sư đoàn 304 và Lữ đoàn xe tăng 203 của Quân đoàn 2 đã có mặt trước chúng tôi ít phút, các anh đã kịp ghi lại nhiều hình ảnh về những phút giây lịch sử, trong đó có bức ảnh “xe tăng Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập 30/4/1975” Trần Mai Hưởng chụp, được sử dụng rộng rãi như một trong những biểu tượng của ngày chiến thắng. Tôi tìm hiểu ngay các dữ kiện không thể thiếu của bài tường thuật: Mấy giờ chiếc xe tăng đầu tiên húc tung cánh cửa chính Dinh Độc Lập? Mấy giờ cờ chiến thắng được cắm trên nóc Dinh Độc Lập? Chiến sĩ cắm cờ tên là gì? Tổng thống Ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng như thế nào, ta tuyên bố chiến thắng như thế nào?... rồi lao lên ngay tầng 2. Toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn vừa tuyên bố đầu hàng còn ngồi ở đó. Tôi lập tức hỏi và ghi lại cuộc đối thoại lịch sử giữa Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh và cán bộ chỉ huy Quân Giải phóng đánh chiếm Dinh Độc Lập (sau này tôi được biết đó là đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó Trung đoàn 66 của Quân đoàn 2 cùng với Lữ đoàn xe tăng 203 của quân đoàn được lệnh đột kích, thọc sâu đánh chiếm Dinh Độc Lập)… Sau khi viết xong bài tường thuật, tôi loay hoay không biết chuyển về Hà Nội bằng cách nào, cứ loanh quanh ở Viết tấn xã nóng chờ xe chở điện đài và các điện báo viên của Thông tấn xã Giải phóng. Mãi chiều tối các anh mới tới. Sau khi các điện báo viên tìm chỗ đặt máy, căng ăng-ten bắt được liên lạc, tôi liền đưa bài tường thuật để các đồng chí điện về, không phải điện về Hà Nội mà là điện về trụ sở Thông tấn xã Giải phóng trên rừng Tây Ninh…để từ Tây Ninh bài báo được chuyển ra Hà Nội nên ngay 1/5/1975 chỉ có Đài Tiêng nói Việt Nam sử dụng được bài tường thuật giải phóng Sài Gòn… vào chương trình phát thanh đặc biêt trưa hôm đó.
39 năm sau sự kiện lịch sử của nghê báo, Trần Mai Hạnh mới có tiểu thuyết tư liệu lịch sử Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” , Có thể coi là một cuốn biên niên sử sống động về những ngày cuối cùng của chính quyền Sài Gòn. Bằng tâm huyết, lòng say mê nghề của một phóng viên chiến trường,có vinh dự nghề nghiệp được chứng kiến những sự kiện trọng đại của lịch sử, Tiểu thuyết tư liệu lịch sử “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” ra mắt bạn đọc đúng vào dịp kỷ niệm 39 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2014). Đây là trường hợp đặc biệt bởi rất hiếm khi nhà xuất bản chính trị lớn nhất hệ thống xuất bản của nước ta lại cho in một cuốn tiểu thuyết, ở đây là cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử của nhà báo Trần Mai Hạnh.
Đây có thể coi là một cuốn biên niên sử sống động về những ngày cuối cùng của chính quyền Sài Gòn. Cuốn sách được xây dựng kỳ công trên cơ sở chắt lọc từ khối lượng tài liệu đồ sộ và quý giá, phần nhiều trong số đó có giá trị nguyên bản mà tác giả có cơ duyên tiếp cận được trong những năm tháng làm phóng viên chiến trường của VNTTX ở miền Nam.
Cuốn sách được tác giả ấp ủ thực hiện ra đời sau hơn 30 năm kể từ giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 ở Dinh Độc Lập mà tác giả là phóng viên may mắn được chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên của giới báo chí Việt Nam về sự kiện lịch sử vĩ đại này.
Những tài liệu thu được khi tác nghiệp, những trang ghi chép tại chỗ trong những ngày tháng đầu tiên của Sài Gòn giải phóng, những tư liệu quý giá từ phía chính quyền Sài Gòn đã giúp nhà báo Trần Mai Hạnh đủ hành trang để lao động xây dựng nên cuốn sách này.
Bằng cái nhìn điềm tĩnh, khách quan, không thiên kiến, không bình luận, không soi xét các nhân vật trong cuộc theo tư duy báo chí cùng với độ lùi hơn 30 năm sau chiến tranh, “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” là bức phác thảo toàn cục và chi tiết nói về sự sụp đổ cùng chân dung của hầu hết tướng lĩnh quân đội Sài Gòn và số phận những người cầm đầu chính thể Sài Gòn trong bốn tháng cuối cùng của chiến tranh: Tháng 1, 2, 3, 4 năm 1975 ( tính từ chiến thắng Phước Long - 1/1975 tới những giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập).
Cuốn sách gồm 19 chương, dù mang hơi hướng tiểu thuyết lịch sử nhưng luôn được ghi chú rõ ràng những tài liệu nguyên bản, bút tích và nguồn tư liệu đáng tin cậy.
Nhà báo Trần Mai Hạnh chia sẻ: “Cuộc đời tôi cũng nhiều sóng gió, hoàn thành được cuốn sách này cũng là kỳ công, nhiều lúc tưởng không thể xong nổi. Rồi tôi lại nghĩ về những tài liệu quý giá mà mình đang sở hữu, nếu không viết thì ai sẽ là người có được tất cả những tài liệu đó mà hệ thống và dựng nên một tác phẩm. Tôi thấy, mình có nghĩa vụ phải tham gia trả lại một phần sự thật nguyên bản về những giờ phút sụp đổ của chính quyền Sài Gòn.”
Trong một lần hiêm hoi trả lờ phỏng vấn của báo chí, Trần Mai Hạnh nói : Nếu viết dưới dạng ký sự, ghi chép báo chí thì sự việc xảy ra gần 40 năm trước sẽ không thể hấp dẫn bạn đọc. Vì vậy tôi xây dựng một tác phẩm văn học (thể loại chọn lựa là tiểu thuyết tư liệu lịch sử) với kết cấu chương hồi (gồm 19 chương), có tính cách, số phận nhân vật, tướng lĩnh chóp bu trong chính quyền và quân đội Sài Gòn. Tốc độ sụp đổ kinh hoàng, những dồn nén tột cùng trong ngày cuối chiến tranh không có chỗ cho sự diễn tả dài dòng, dàn trải. Đó cũng là hoàn cảnh làm bộc lộ số phận, tính cách điển hình của các tướng lĩnh quân đội Sài Gòn: kẻ tử thủ, người bỏ chạy, kẻ bị bắt tại trận, kẻ ra trình diện chính quyền cách mạng, không ít người uống thuốc độc hoặc bắn vào đầu tự sát, mặc dù trực thăng riêng đã túc trực để sẵn sàng di tản... "Ngắn gọn - tốc độ - hành động trong đầy ắp sự kiện, sự việc, cảnh ngộ" là tiêu chí tôi chọn để thể hiện tác phẩm.
Ý định xây dựng cuốn sách nảy sinh trong tôi từ ngày đầu Sài Gòn giải phóng, với suy nghĩ những sự kiện, sự việc diễn ra trước mắt chỉ ngày mai thôi sẽ trở thành quá khứ, lớp bụi thời gian sẽ khiến thời khắc lịch sử ngày một lùi xa. Vì những sự kiện chỉ diễn ra một lần, cũng như đời mỗi con người chỉ sống một lần, nên tôi cố gắng ghi chép thật nhiều những gì chứng kiến, sưu tập thật nhiều những tài liệu nguyên bản tuyệt mật về cuộc chiến từ phía bên kia mà mình có cơ duyên được các cơ quan thẩm quyền trong và ngoài quân đội cho phép tiếp xúc khai thác, với mong muốn phục dựng trung thực sự thật đã diễn ra…
… Nguồn tài liệu trong sách được anh chú thích dưới mỗi chương là nhằm xác định những căn cứ để tưởng tượng và hư cấu nên chương đó. Anh lấy ví dụ chương 3 Nước cờ định mệnh để dựng lại cuộc họp tuyệt mật của Nguyễn Văn Thiệu tại Cam Ranh về quyết định rút bỏ Tây Nguyên. Cuộc họp này chỉ có 6 người: Nguyễn Văn Thiệu (Tổng thống), Trần Thiện Khiêm (Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng), Đặng Văn Quang (Trung tướng, cố vấn an ninh), Cao Văn Viên (Đại tướng, Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn), Phạm Văn Phú (Thiếu tướng, Tư lệnh Quân đoàn 2), Đại tá Đức - Tư lệnh sư đoàn 23. Nếu không tưởng tượng thì làm sao ghi được diễn biến chi tiết sinh động của cuộc họp với những đối thoại, lý lẽ tranh cãi, những quyết định và cử chỉ của từng nhân vật. Với chú thích chi tiết cuối chương này về những bản tường trình của Phạm Văn Phú, ý kiến kết luận của Nguyễn Văn Thiệu tại cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia, hồi ký của Cao Văn Viên... là nhằm đảm bảo tính xác thực của việc phục dựng và tái hiện của người viết.
Lẽ ra cuốn sách được xuất bản từ năm 2002, nhưng không may ở thời điểm đó, vì một tai nạn nghề nghiệp, anh vướng vòng lao lý trong vụ án Năm Cam, chương cuối cùng chưa xong, không kịp nộp nhà xuất bản theo hợp đồng, đành gác lại.
Mãi 10 năm sau (2012), được Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh khích lệ và ký hợp đồng đặt hàng đầu tư chiều sâu, Trần Mai Hạnh mới dỡ ra, viết lại. Cuốn sách không may gắn với cuộc đời làm báo nhiều sóng gió, thăng trầm của anh cuối cùng đã được Nhà xuất bản chính trị Quốc gia - Sự thật thẩm định và xuất bản vào cuối tháng 4/2014.Và rôit Biên bản chiên tranh1,2,3,4.75 đượcgiair thưởng của Hôi Nhà Văn Việt Nam.
Cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử này trở thành một hiện tượng văn xuôi Viêt Nam năm 2014. Xin chúc mưng người ghi biên bản chiên tranh, nhà báo Trần Mai Hạnh.
Trần Đinh Thảo ( nguyên phóng viên TTXVN)