Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LOA...MẸ ĐỐP

Kim Dung
Thứ ba ngày 28 tháng 7 năm 2015 5:31 AM


Hiện tại, có rất ít trang web thay thế cho thông tin nghèo nàn và nghe tậm tịt của chiếc loa phường. Đó cũng là lý do để cho những chiếc loa phường - "mẹ Đốp" còn đất sống, vẫn “rải chiếu’ ngày ngày. sự kiện nóng 
Hông mẹ Đốp và loa… mẹ Đốp

Cách đây 2 năm, tôi cùng thằng con trai, một chàng kiến trúc sư, đi tìm mua nhà. Vào đúng căn nhà hiện nay (đang ở), mắt nó sáng lên khi bảo: “Nhà nở hậu mẹ ạ”. “Con thích à?”. “Con thích lắm. Dân kiến trúc mà!”. Thấy mắt con như cười, có người mẹ nào cầm lòng cho đặng, tôi quyết định mua ngay, dù không thật rẻ so với thời giá lúc đó.
Hình minh họa. Nguồn ảnh: Tiền Phong
Nhìn cái nhà, mặt tiền 4 m, mặt hậu nở 7 m, tôi bỗng thấy nó giống như cái hông mẹ Đốp, nhân vật trong tích chèo cổ nổi tiếng Quan Âm Thị Kính, khi nhoay nhoáy cái váy nâu sồng, vừa rải chiếu sân đình vừa cất tiếng bỡn cợt, đanh đá, đáo để, giễu cợt các quan viên…
Vừa dọn đến ở, tảng sáng hôm sau, còn đang mơ màng, cả nhà ai cũng giật bắn người vì tiếng nhạc loa phường đột ngột “hét” lên, phá vỡ sự yên tĩnh đến bất ngờ: “Dù có đi 4 phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội…” Cái bài hát yêu thích một thời qua giọng ca Hồng Nhung mượt mà, giờ âm lượng mạnh và dữ dội như tra tấn, nhức óc…
Chao ôi, hóa ra cái nhà tôi mua tọa sát chiếc cột điện, trên đó, chiếc loa phường “cong môi”, “loe miệng” ra rả như cái miệng mẹ Đốp lúc vả vào miệng xã trưởng, bốc ra từng câu nói của y bỏ vào …váy.
Mà quả giống mẹ Đốp thật.
Ngày nào cũng như ngày nào, cứ khoảng 6 giờ 30, chiếc loa phường “hét” lên. Vẫn bản nhạc muôn thuở đinh tai mở màn, vẫn những bản tin, dù căng tai, tôi không thể nghe rõ, chỉ thấy nhức óc, vì tiếng nói xen lẫn tiếng lạo sạo, tiếng lục sục. Có lúc, dường như bản tin đã xong, mà chưa hết giờ phát thanh, đột nhiên một giọng nữ nhão nhoẹt rè rè cất lên: “Theo…i..em anh… thì…vè. Theo…i…em anh…thì…vè”…rất chi là cây nhà lá vườn.
Vậy mà lần ấy, tôi nhận được email của một người bạn làm việc ở Mỹ, vừa trở về Việt Nam công tác. Anh viết: “Tôi mới về HN tối qua…Sáng nay, trên sân khách sạn Phạm Ngũ Lão cảnh thanh bình quá, chim chóc hót véo von, chắc chúng ăn hồng xiêm chín. Tinh mơ, lại có cả tiếng loa phường oang oang. Cứ tưởng họ bỏ lâu rồi, thế mà sáng vẫn thấy hát hò và thông báo phường đi dọn vệ sinh. Thấy yêu đất nước thêm..”.
Quả thật khi đó đọc thư tôi đã mỉm cười: Giá như anh bạn ngày nào cũng được nghe loa mẹ Đốp “hét”, chắc anh sẽ thấy khó mà “thanh bình”.
Vì sao trơ gan cùng tuế nguyệt
Nhưng, nếu đặt vấn đề có nên bỏ loa phường không, tin chắc ý kiến sẽ trái chiều theo kiểu trống đánh xuôi, kèn thổi ngược.
Ngày nay, sự phát triển của đời sống cho phép con người ta không chỉ nắm thông tin qua báo giấy, báo hình, qua tivi mà đặc biệt, còn qua công nghệ thông tin- mạng Internet- bước tiến vĩ đại của lịch sử, thúc đẩy sự quản lý nhà nước và sinh hoạt xã hội buộc phải dân chủ và minh bạch hơn.
Sự phát triển của đời sống có thể thấy ở ngay những vật dụng thiết thân với con người. Từ dùng bếp lò, tiến đến bếp điện, giờ nhà nhà thành phố, và một số ở làng quê chỉ dùng bếp ga. Hay như chiếc nón lá của phụ nữ Việt Nam duyên dáng chỉ còn trong những bài hát, thay thế cho nó, là các loại mũ mềm không kém phần quyến rũ hoặc chiếc mũ “nồi cơm điện” khi người ta đi xe máy. Từ lâu rồi, phụ nữ VN không còn gội đầu bằng bồ kếp, bởi có biết bao loại dầu gội đầu thơm nức và hiện đại…v v…và v.v…
Rồi nhà lầu, xe hơi, các tiện nghi kỹ thuật văn minh phục vụ chất lượng cuộc sống con người…Nhưng vì sao, chiếc loa phường- loa mẹ Đốp vẫn cứ trơ gan cùng tuế nguyệt. Hẳn phải có lý do của nó.
Quản lý theo phường, nếu có sự kiện gì, tiêm phòng bệnh cho trẻ em, tiêm phòng dại cho chó, mèo, vệ sinh đường phố ngày cuối tuần, treo cờ Tổ quốc trong những ngày lễ…ai sẽ “rải chiếu” cho việc đó, nếu không phải mẹ Đốp thời hiện đại- chiếc loa phường?
Thế nhưng, tôi vẫn tin, nếu có một cuộc điều tra xã hội học nghiêm túc về chiếc loa phường, số đông ý kiến sẽ đồng tình- nên bỏ. Bởi chiếc loa phường không chỉ gây khó chịu, ức chế trong đời sống con người vốn đã nhiều bất ổn, mà rõ ràng, nó đã đến lúc cần kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình.
Tất yếu nhưng còn lẻ loi
- Cổng thông tin điện tử sẽ thay... loa phường
- Video: Chuyện nóng quanh loa phường
Xã hội hiện đại cần quản lý theo kiểu hiện đại. Đó là điều tất yếu, sớm muộn gì điều đó cũng phải đến.
Từ lâu, chúng ta nói cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử. Khái niệm có vẻ to tát, nhưng nếu suy ngẫm kỹ, biết đâu, nó lại xuất hiện bất ngờ từ những ứng dụng nhỏ ở cấp cơ sở- phường sở tại. Mà câu chuyện trang web của phường Khương Mai (Q. Thanh Xuân- Hà Nội) ra đời cách đây đúng nửa năm (tháng 3/2009), là một ví dụ.
Thay thế cho cái loa phường, hàng ngày ra rả một vài thông tin sơ sài, với cách làm rất tiểu nông mà lại tra tấn thính giác con người, là một trang thông tin điện tử khá phong phú.
Tới ngày 19/10, trang web này có tới 1742222 lượt truy cập. Những bài viết mới nhất có thể thấy, từ chuyện động đất mạnh 6,1 độ rich-te ở Indonesia đến chuyện nỗi khổ của người dân Sài Gòn trong đợt triều cường cao. Từ chuyện Hoàng thành Thăng Long- HN kỳ vọng trở thành di sản văn hóa thế giới đến chuyện những người dễ nhiễm cúm A/ H1N1, chuyện nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết bị biến chứng nặng…
Nghĩa là từ chuyện xa đến chuyện gần, từ chuyện tây đến chuyện ta, từ chuyện văn hóa Thủ đô đến chuyện bệnh tật của con người, khá thiết thực và bổ ích. Trang web còn đủ các chuyên mục, từ Bạn đọc hỏi, cơ quan chức năng trả lời đến mục Ý kiến gửi Hội đồng ND, UBND phường, từ Tin mới cập nhật đến Truyền hình trực tuyến…
Bất ngờ nhất, tôi biết được trang web Khương Mai cũng chính từ bài viết của anh bạn ở Mỹ khi trở về VN công tác. Có lẽ ngày ngày ở KS yên bình, mà nghe loa phường ông ổng, anh bạn, vốn dân IT cũng không chịu nổi?
Nhưng, có được bao nhiêu những trang web kiểu này thay thế cho thông tin nghèo nàn và nghe tậm tịt của chiếc loa phường? Chắc chắn còn rất ít. Điều đó phản chiếu công cuộc cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử của chúng ta còn là một hành trình cực kỳ khó nhọc, dài lâu, vì nó đụng chạm không ít tới lợi ích cá nhân. Và đó là lý do để cho những chiếc loa phường- loa mẹ Đốp vẫn có đất sống, vẫn “rải chiếu’ ngày ngày.
Khác chăng, xưa, mẹ Đốp trên chiếu chèo, chỉ dám “hành” quan.
Nay, loa mẹ Đốp trong đời thực chỉ hành dân.
Tôi vẫn yêu căn nhà nở hậu như cái hông mẹ Đốp, cho gia đình tôi sự làm ăn may mắn. Nhưng nếu được hỏi, tôi cho rằng, đã đến lúc loa mẹ Đốp cần một giấc ngủ yên trong bảo tàng dân tộc học.
Kim Dung