Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VÀI NÉT VỀ THƠ THANH HÓA ĐẦU THẾ KỈ XXI

Phạm Khang
Thứ hai ngày 27 tháng 7 năm 2015 2:57 PM
Tôi cho rằng khi đánh giá về một giai đoạn thơ của một nước hay là thơ của một xứ, một tỉnh như Thanh Hóa không thể không liệt kê ra đây những tác động của không thời gian cùng những biến động thời đại mà nhà thơ với tư cách là một công dân, một chủ thể sáng tác bị chi phối, trải nghiệm và cuối cùng là phản ánh về nó qua thơ. Thanh Hóa trong trường kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước luôn được xem là phên dậu, là đất căn bản, là nơi có phong thủy độc đáo, có sản vật phong phú, là đất phát tích nhiều triều đại phong kiến huy hoàng. Người Thanh Hóa yêu nước và cách mạng, sẵn sàng hi sinh vì quyền lợi sống còn của quê hương, đất nước. Khi chúng tôi làm bộ sách văn bia Thanh Hóa, thì văn bia của xứ Thanh chiếm tới hơn 40% số văn bia của cả nước. Đủ thấy trầm tích văn hóa, tính hoành tráng của tinh thần Thanh Hóa đối với văn hóa Việt Nam lớn đến mức nào. Chính những yếu tố đó là cội nguồn cảm hứng sáng tạo thơ và góp phần cùng với văn xuôi tạo nên một vùng văn học có diện mạo riêng: đó là đằm thắm mà gân guốc, tinh tế mà dung dị, tự nhiên, đôn hậu, phóng khoáng, quyết liệt. Rất dễ nhận ra ở các nhà thơ như Hữu Loan, Trần Mai Ninh, Hồng Nguyên, Hồ Zếnh, Nguyễn Duy v.v…
Vào những năm cuối cùng của thế kỷ XX, đổi mới như một làn gió mới đem đến cho Thanh Hóa một sức sống mới. Gạt bỏ và từ chối lối điều hành xã hội, kinh tế theo cơ chế quan liêu, bao cấp đã tạo nên một môi trường sáng tác cởi mở hơn, mạnh dạn hơn đối với các nhà thơ. Xuất hiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Từ đây mọi công dân nếu có tác phẩm đều có quyền xuất bản để công bố tác phẩm trước công chúng, không phải xếp hàng chờ đến lượt mình được in thơ như ở thời bao cấp. Hồi ấy nhà thơ nào có thơ in được lĩnh nhuận bút của nhà nước, nhưng nó cũng là hệ lụy của cơ chế xin cho, nhiều khi được xem như là đặc ân của cấp trên, của nhà xuất bản. Sang thế kỷ XXI, Thanh Hóa là tỉnh cũng được thụ hưởng rất nhiều từ những hội nhập, liên kết trong nước, quốc và khu vực. Như liên kết và hội nhập: WTO, ASEAN, APEC, tiểu vùng MÊKONG và sự bùng nổ của Intenets, sự ra đời các trang mạng, những Bloog cá nhân đã có những tác động mạnh mẽ tới tiến trình phát triển và hội nhập của thơ Thanh Hóa. Thế nhưng, người ta cũng nhận ra một sự thật là: Thơ Thanh Hóa đầu thế kỷ XXI chưa có nhiều thành tựu tương xứng, chưa có nhiều cây bút bứt phá nổi bật trên thi đàn. Nhìn chung còn hạn chế về thành tựu, thơ chưa phản ánh sinh động, kịp thời những đổi thay to lớn trong đời sống xã hội của quê hương đất nước, quan niệm sống của giới trẻ, sự phản kháng của những quan niệm cũ, lối suy nghĩ ngụy biện và thói bảo thủ cực đoan trước những giá trị mới của thời đại. Tại sao lại có hiện trạng này? Xin nêu ra đây mấy ý sau:
1. Có thể chia các nhà thơ Thanh Hóa đầu thế kỷ XXI ra làm 3 nhóm
- Nhóm thứ nhất: Đó là các nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp của thế kỷ XX. Một số đã mất như Hà Khang, Hữu Loan, Quế Anh, Minh Hiệu… Những tác phẩm hay của họ đều được viết trong kháng chiến chống Pháp và sau hòa bình lập lại trên miền Bắc. Phần nhiều đó là những tác phẩm thơ sống mãi với thời gian; ngang tàng, khí phách, hào sảng, tinh tế và cũng rất tâm hồn. Các sáng tác của những nhà thơ này qua ngôn ngữ, bút pháp, tinh thần thơ và nội dung thơ mang đậm dấu ấn Thanh Hóa, cốt cách Thanh Hóa, con người Thanh Hóa.
- Nhóm thứ hai: Đó là các nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Nhóm nhà thơ này đông đảo nhất, đó là Văn Đắc, Nguyễn Duy, Trịnh Ngọc Dự, Nguyễn Ngọc Quế, Lã Hoan, Vũ Thị Khương, Huy Trụ, Hải Minh, Mạnh Lê, Đào Phụng, Trịnh Minh Châu, Anh Chi…vv. Nhóm các nhà thơ này sang thế kỷ XXI vẫn duy trì được sức viết đều đặn, không ngừng tìm tòi và có những tác phẩm thơ hay. Văn Đắc có hai tập thơ và một trường ca; Trịnh Ngọc Dự in liền một lúc hai tập thơ có chất lượng cao, Huy Trụ vẫn luôn tha thiết và sâu sắc trong thơ lục bát, Nguyễn Ngọc Quế có tập thơ mới bộc lộ nhiều suy ngẫm về con người, cái riêng chung, nhân thế. Đào Phụng thể hiện thế mạnh qua lối thơ ngắn nhưng đào sâu và tìm tòi, khám phá. Mạnh Lê ngoài thơ in tập, thơ dự thi đoạt giải còn có nhiều trường ca với dung lượng vạm vỡ, lưu được dấu ấn. Nhưng điều cần nói là nhóm nhà thơ này hiện nay tuổi trung bình cũng phải hơn 60.
- Nhóm thứ ba: Đó là những nhà thơ trưởng thành sau năm 1975 đến nay. Kỳ lạ là nhóm này không nhiều, một số buổi đầu có đến với thơ về sau lại nhạt dần với thơ. Những cây bút chủ lực của nhóm này phải kể tới: Nguyễn Minh Khiêm, Nguyễn Xuân Nha, Đinh Ngọc Diệp, Phạm Khang, Lâm Bằng, Phạm Minh Dũng…v.v. Nhóm nhà thơ này có nhiều tìm tòi và cách tân trong nghệ thuật thể hiện và lối trình diễn thơ. Nghiêm túc là họ đã đạt được một lối đi riêng biệt của thơ; hiện đại hơn, đời thường hơn, mạnh bạo và quyết liệt hơn trong nội dung phản ánh và thể tài. Tiêu biểu là các tập thơ Giải mã, Cánh đồng nhiều hướng gió của Nguyễn Minh Khiêm, Thơ rơi của Nguyễn Xuân Nha, Lối về ánh sáng, Trên những mảnh vỡ của thời gian, Những giai điệu của thời khắc của Phạm Khang…Riêng sáng tác thơ của Nguyễn Minh Khiêm, Nguyễn Xuân Nha, Phạm Khang có xu hướng theo lối thể hiện hậu hiện đại. Nội dung và ngôn ngữ, cách thể hiện có xu thế bình dân hóa, thời sự hóa, không né tránh những vấn đề nhạy cảm, bức xức, thậm chí là rên xiết của hiện thực. Đó là phong cách thơ mà người viết chịu trách nhiệm về cái tôi của mình cao hơn trong thơ so với thơ truyền thống cùng thời. Phải chăng đó là thế mạnh dễ nhận ra của thơ hiện đại, hậu hiện đại ngày nay.
Qua liệt kê trên dễ nhận ra các nhà thơ Thanh Hóa hiện tuổi quá cao, lực lượng viết trẻ quá ít. Thơ Thanh Hóa trong một chừng mực nào đó rơi vào hiện trạng lão hóa không phải là không có căn cứ. Phải thừa nhận rằng nền kinh tế thị trường, lối sống mới, sự bùng nổ của các phương tiện giải trí, nghe nhìn và công nghệ thông tin, tính thực dụng đang là một thách thức thực sự đối với việc phát triển thơ trong giới trẻ Thanh Hóa ngày nay.
2. Thơ Thanh Hóa đầu thế kỷ XXI vẫn còn một số người viết để mà viết. Cảm xúc trống rỗng, tự yêu mình, bảo thủ đối với những cái mới, yêu thì khen hết lời, ghét thì chối bỏ. Đó là lối thơ dễ làm người đọc phản cảm, quay lưng lại với thơ. Lối thơ truyền thống vẫn là sân chơi chủ yếu của rất nhiều nhà thơ. Truyền thống là không nên bỏ, nhưng phải là thứ thơ truyền thống có hồn, tải được cái mới, cái bức xúc của thời cuộc, nhân tình chứ không phải là thứ thơ truyền thống dàn trải, vô thưởng vô phạt về nội dung và hình thức. Có rất nhiều nhà thơ hiện đang rơi vào tình trạng này. Thơ ngâm vịnh, thơ đề tặng, thơ đặt hàng…là những sản phẩm rất dễ phi thơ, rất dễ đánh chết một nhân cách thơ, một nền thơ.
3. Sự quan tâm của giới chức, Hội, Ban thơ nhiều lúc chưa kịp thời nên cũng ảnh hưởng không nhỏ tới nhiệt tâm sáng tạo của các nhà thơ Thanh Hóa đầu thế kỷ XXI. Tạp chí Xứ Thanh rất ít có những chuyên luận mang tính gợi mở, khoa học về diễn trình và thực trạng của thơ Thanh Hóa. Đôi lúc có bài đăng nhưng còn quá sơ lược, nghiêng nhiều về cảm nhận hơn là mang tính khoa học về thơ.
4. Hiện nay trung bình mỗi nhà xuất trên cả nước một năm cấp phép xuất bản hơn 200 tập thơ (Nxb Văn học năm 2012 cấp phép cho 1350 tập thơ). Điều đáng buồn là thơ của các nhà thơ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, các hội viên thơ của các hội văn nghệ địa phương xuất bản lại rất ít. Việc phải bỏ tiền ra in thơ, in xong đem biếu, đem cho quả là chuyện không dễ dàng một chút nào đối với các nhà thơ của chúng ta. Ở Thanh Hóa cũng có chung tình trạng như vậy. Thơ của nhiều bản hội, làng xã, cơ quan xí nghiệp, thơ của người có tiền đem in đã làm cho giá trị của thơ phần nào đó bị hạ thấp. Nhiều khi trắng đen lẫn lộn, nạn đạo thơ xảy ra ngày một nhiều, khiến cho người đọc mất phương hướng, dẫn đến mất cảm tình với thơ, xem nhẹ thơ.
5. Lâu nay tôi vẫn cho rằng nhiệm vụ quan trọng của thơ cho dù đó là thơ cách tân, thơ hiện đại, thơ tân hình thức, thơ hậu hiện đại…hay được gọi là gì đi chăng nữa thì nhiệm vụ quan trọng nhất của nó là tạo ra một nhu cầu mới. Thơ mới hiện nay ở nước ta, đối chiếu với phương Tây là thơ hiện đại sau những năm 1930, hay hậu hiện đại sau những năm 1970. Như vậy là các nhà thơ Thanh Hóa nói riêng và Việt Nam nói chung dù thừa nhận hay chối bỏ cũng phải bằng lòng đứng chung vào dòng thơ hiện đại đúng với thời sống của nó. Tôi không hoàn toàn đồng ý với một ý tưởng thống trị cho rằng thơ là cõi mơ hồ. Nói như thế là chỉ hiểu được một khía cạnh của vấn đề thơ hiện nay. Theo tôi, thời nào thơ cũng đều tấn công vào các giá trị đã xác lập, vào thói quen thẩm mỹ của công chúng thời ấy. Do đó các nhà thơ hiện nay phải học nhiều, có kiến thức về nhiều lĩnh vực: lịch sử, triết học, khảo cổ, luật học, vật lý, toán học, hóa học, y học, thiên văn học…v.v. Nhà thơ không tự giấu mình trong một tâm thức đã định sẵn của thiên tài mà thay vào đó anh ta phải đi vào đời sống, gắn bó với đời sống, khổ đau và sung sướng cũng từ đời sống. Một đời sống có thật là cái nôi để các nhà thơ sáng tạo nên tác phẩm của mình. Khác với thơ cổ điển hay truyền thống, trong thơ hiện đại ý tưởng, trí tuệ không bao giờ đi một mình, bao giờ cũng đi kèm, hoặc thúc đẩy, hoặc bị lôi kéo, hay được trộn lẫn vào nhau, với những cảm xúc tương hợp. Thơ mới ngày nay có cách nói thẳng thắn, có cái nhìn chính trực, rõ ràng đối với bản thân. Luôn gắn sự kiện phản ánh vào bản thân, xem bản thân cũng là người chịu trách nhiệm trước sự hài lòng hay không hài lòng của hiện thực đời sống. Vấn đề là cầu nối giữa thơ hiện đại với người đọc, hình như vẫn còn có sự bất đồng, tất nhiên điều đó rơi vào những người đọc có vốn văn hóa thấp. Bởi viết một bài thơ mới là cố gắng tạo ra một hình thức sống mới. Để có một nền thơ Việt Nam tương lai theo như mơ ước của chúng ta thì phải cần có ba yếu tố quyết định: Các nhà thơ mới, những người đọc mới, các nhà phê bình mới.
Tham luận đọc tại Hội thảo Thơ Thanh Hóa đầu thế kỷ XXI
PHẠM KHANG