Sài Gòn rợp bóng cờ, hoa, 40 năm mừng ngày thống nhất đất nước.
Nhưng tôi lại buồn tê tái vì nhớ anh, Vũ Hoàng của tôi, người đã ra đi không trở lại, mãi mãi nằm lại chốn xa xôi..
Ngồi một mình trong quán vắng, bên cốc ca fe, đêm buồn, bỗng nhiên tôi nhớ những câu thơ của Đoàn Thị Điểm, trong bài thơ Chinh Phụ ngâm:
Thủa trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
Xanh kia thăm thẳm tầng trên
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này
… Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt
Xếp bút nghiên theo việc đao cung
Nhưng không phải:
Thành liền mong tiến bệ Rồng
Mà chỉ:
Thước gươm đã quyết chẳng dung giặc trời
Chí làm trai dăm nghìn da ngựa,
Gieo Thái Sơn như tựa hồng mao
Giã nhà theo bức chiến bào…
Và nhớ cảnh chia ly của người chinh phụ:
Ngòi đầu cầu nước trong như ngọc
Đường bên cầu cỏ mọc còn non
Đưa chàng lòng dặc dặc buồn…
Tôi và anh, đêm chia tay, đi quanh hồ Thiền Quang ( hồ còn có tên là hồ Ha Le, hồ Liên Thủy- trong bản đồ Hà Nội 1831). Thiền Quang - ánh sáng nhà Phật. Tên hồ vừa gợi sự mênh mang của tâm thức con người, vọng về cõi thiêng, vừa gợi sự sáng trong, tinh khiết.
Chúng tôi đi bên nhau, suốt đêm, chẳng nói được điều gì, chỉ biết là anh rất yêu tôi, và tôi cũng rất yêu anh. Khi anh ôm lấy tôi, dưới bóng cây, dưới ánh đèn mờ mờ, anh như muốn nói điều gì đó nhưng không nói được. Cuối cùng anh chỉ dặn, nhớ đến thăm mẹ anh.
Cũng đã nhiều lần anh ướm thử lòng tôi, là, anh bao giờ cũng muốn có tôi luôn kế bên Nhưng tôi không nói gì cả, vẫn thân thiết nhưng vẫn có những xa cách. Lúc còn đang học ở Đông Anh, chưa chuyển hẳn về trường Đại học Tổng hợp ở phố Lê Thánh Tông Hà Nội, cứ chiều thứ bảy là anh đón tôi về nội thành. Đến chơi nhà anh, tôi hay ngồi bán hàng với mẹ anh. Nhà anh bán đồ cổ, bố anh mất đã lâu. Bà mẹ anh hay thủ thỉ kể cho tôi nghe về hồi còn bé của anh. Mặc dù nhà có hai con trai và hai con gái nhưng bà thương anh nhất. Bà kể về ngày xưa, cái thời bà còn nhỏ, với người cha hay thích phiêu du, đi đây đi đó, mê sưu tầm đồ cổ, ông có nghề buôn đồ cổ, mở cửa hàng rất to ở phố Huế. Bà và các con cũng rất thích cái nghề này, sau này, bố bà đã để lại cửa hàng đồ cổ cho gia đình người con gái duy nhất. Hoàng cũng rất thích đồ cổ. Anh nói, khi định vị được đồ cổ ở thời gian nào là anh hình dung ra cái thời đó, lịch sử Tàu anh thuộc làu làu. Anh hay kể cho tôi nghe sự tích của một vài đồ cổ mà anh yêu thích, có những đồ cổ rất đắt tiền, rất quí giá. Thậm chí anh còn nói về những giá trị của đồ cổ đối với sức khỏe con người như ngọc bích, vàng… được người xưa trọng dụng. Quả là, những kiến thức về hóa học đã giúp anh nhìn vào tận sâu thẳm giá trị của các đồ cổ. Các bạn anh nói, anh là người rất giỏi, không chỉ học giỏi lý thuyết qua môn hóa học mà anh còn hiểu biết rất sâu sắc mối liên quan giữa hóa học với đời sống của con người. Ai cũng thấy anh có khả năng nghiên cứu để thành một nhà khoa học như Pie Qui ri chẳng hạn…
Nhìn những đồ cổ ở nhà anh, tôi thường miên man nghĩ, nếu chẳng may sơ sảy mà đánh vỡ một đồ cổ nào đó thì tôi lấy tiền đâu mà đền, vì gia đình tôi là gia đình giáo chức, nghèo lắm. Nhưng tôi chẳng kể cho anh nghe điều này. Tôi luôn nghĩ, sự chênh lệch về gia thế khiến tôi băn khoăn không thể cởi mở được nỗi lòng với anh mặc dù trong sâu thẳm trái tim tôi yêu quí anh vô cùng. Sau này tôi rất ân hận. Giá như tôi tin anh hơn, tin người Hà Nội ân tình và không phân biệt sang nghèo thì chắc rằng anh thoải mái hơn khi biết tôi đã yêu anh như thế nào. Anh cùng học khoa Hóa trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, hơn tôi một khóa.
Khi tổng động viên, gần ngày tốt nghiệp, anh nhập ngũ, lên đường vào Nam chiến đấu. Nhưng mới được 3 tháng anh đã hy sinh ở chiến trường Đường 9 - Khe Sanh - Nam Lào năm 1971. Nghe tin, tôi chao đảo, buồn mênh mông, cái buồn đeo đẳng suốt đời.
Học xong đại học tôi được điều vào Sài Gòn công tác. Và cuộc đời, như một dòng chảy cuốn tôi vào đó. Vật lộn với mưu sinh, vật lộn với đời , nơi đất khách quê người, thời bao cấp, biết bao nỗi lo. Tôi lập gia đình với một người bạn cùng lớp, anh cũng từ chiến trường trở về, đã từng là “ dũng sĩ diệt Mỹ”, một danh hiệu được tặng khi dũng cảm diệt thù. Nhưng cuộc hôn nhân của tôi không dài, tôi và chồng chia tay khi con trai tôi mới bảy tuổi.
Mười năm, sau khi Hoàng hy sinh, vào 1981, tôi nhớ Hoàng quá, đã sáng tác bài hát “Chuyện tình 10 năm” để tâm tình với anh.
Đúng ngày 30/4/1985, anh bạn chơi đàn bầu, bạn của Hoàng và của cả tôi xưa kia, anh Điền, đã từ Bắc vào Sài Gòn thăm tôi. Bất ngờ quá vì tôi biệt tin Điền cũng đã lâu, từ ngày tôi vào Nam công tác, do chiến tranh, do chuyển đổi nơi ở.
Điền hỏi, em còn những kỷ vật gì về Hoàng không?. Tôi nói, còn một chiếc ảnh duy nhất của anh ấy em giữ được thì người bạn thân của Hoàng là anh Tuấn từ Hà Nội vào thăm em đã nói em đưa ảnh Hoàng để Tuấn làm lại vì ảnh bắt đầu ố vàng rồi. Nhưng Tuấn bị tai nạn đã mất sau khi rời Sài Gòn về Hà Nội. Và kỷ vật ấy cũng mất theo Tuấn.
Gia đình Hoàng, em nghe phong thanh cũng đã chuyển nhà mà em không biết địa chỉ nên không liên lạc được. Biết bao thay đổi thời gian qua.
Điền và tôi ngồi nhớ lại chuyện xưa. Anh nói, vì tiếng đàn bầu của anh mà em có tình yêu với Hoàng, nhưng tình yêu của em buồn như nốt lặng, trầm nhất của đàn bầu .
Mẹ tôi đã từng nói “ làm thân con gái chớ nghe đàn bầu”, thế mà tôi lại bị quyến luyến vào đó.
Tôi nói với Điền, cứ nghe tiếng đàn bầu ở đâu đó, trên đài phát thanh hoặc xem các buổi biểu diễn nghệ thuật dân tộc là em rơi nước mắt. Em nhớ Hoàng và nhớ cả anh nữa vì biết anh mà em quen Hoàng và yêu anh ấy. Đúng 10 năm, nhớ tình yêu đầu với Hoàng, em đã sáng tác bài hát “Chuyện tình 10 năm”, em hát anh nghe nhé. Và tôi hát :
Có ai ngờ..
Một chiều xuân anh lại ra đi
Đôi mắt buồn nhìn em lần cuối
Đôi mắt buồn nhìn em
Mà không nói nên lời.
Lệ tràn dâng, em rưng rưng
Đưa bàn tay vuốt nhẹ hang mi dày thắm…
Ôi, lời thơ xưa
Anh gửi tặng em còn đây
Mà sao người biệt khuất
Không về….
Điền lặng lẽ lau nước mắt khi nghe tôi hát, nhìn tôi lãng du trong bài hát của lòng mình. Với tôi, Hoàng luôn bên tôi, vẫn nói chuyện với tôi, vẫn yêu tôi cho dù anh đã bay vào thiên đường…
Tôi kể với Điền, có cô bạn cùng lớp học đại học hỏi em, bạn yêu anh nào mà sâu đậm thế để đến nỗi làm cho hôn nhân của mình tan vỡ, chồng ghen quá đã phải ly hôn?
Em nói, người tôi yêu, bạn cũng biết đấy, anh ấy là Vũ Hoàng. Cô bạn thốt lên, anh ấy thì nhiều người con gái mơ ước bạn ạ, thảo nào bạn chẳng thể mở lòng với ai được nữa…
Tôi nói với Điền, em chẳng muốn anh phải nghe những điều quá xa xôi. Anh em mình nói chuyện khác đi. Bao giờ anh ra Hà Nội?
Điền nói với tôi, mai anh đi. Anh không ngờ tiếng đàn bầu của anh làm cầu nối đưa em đến với mối tình sâu nặng nhưng lại biệt ly, để em buồn quá.
Kỷ niệm xưa Điền gợi lại dâng tràn nỗi nhớ trong tôi, với tiếng đàn bầu, với sự gặp gỡ và hiện diện của Hoàng trên cõi đời của tôi..,
…Chiều tím. Hoàng hôn tím hòa cùng màu tím hoa sim, hoa mua, lan tỏa dần trên những ngọn đồi như bát úp của Đại Từ, Thái Nguyên. Tôi sang chơi nhà anh bạn cùng quê. Anh tên là Điền. Điền chơi đàn bầu rất hay. Lần nào sang chơi anh cũng luộc sắn cho tôi ăn và chơi đàn bầu cho tôi nghe. Tôi thích bài “Bèo dạt mây trôi” . Tiếng đàn bầu rung lên, tôi ngất ngây với những nốt trầm, bổng thiết tha, da diết của nó.
Điền hay nói với tôi, em nghe đàn bầu là nó vận vào em cái số phận của người đàn bà đa đoan đấy.
Lần ấy, khi tiếng đàn vừa dứt thì tôi nghe tiếng người nói: “ Điền gẩy tiếp đi, bài Người ơi người ở đừng về nhé !”. Một anh rất cao bước ra khỏi nhà .
Tôi ngạc nhiên, anh ta ở đâu ra vậy, mấy lần trước tôi đến chơi chỉ thấy Điền, lần này lại thấy anh ta. Anh ta vừa cười vừa bước ra sân, nơi tôi và Điền đang ngồi. Điền giới thiệu với tôi, đây là anh Vũ Hoàng ở với anh, anh là người Hà Nội. Anh ấy có thói quen hay đi ngắm hoàng hôn. Hoàng được bọn bạn anh giao nhiệm vụ thám thính các vườn sắn của các thày, cô để đào trộm. Các thày cô chăm chỉ chăm sóc vườn sắn của mình nên củ sắn mập lắm. Vì vậy, anh ấy đi dạo khi hoàng hôn để các bạn anh chuẩn bị tập kích vườn sắn của các thày cô, đào trộm, lo cho bữa tối. Hôm nay các thày, cô đã phát hiện có kẻ trộm sắn nên Hoàng ở nhà, tránh bị lộ, em mới gặp được Hoàng. Tôi cười chảy nước mắt. Hóa ra “nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò”.
Hồi ấy chúng tôi sơ tán ở Thái Nguyên, Bắc Thái, tuổi đang lớn, lúc nào cũng đói. Được củ sắn luộc mà ăn thì còn gì bằng. Vì thế, nơi nào sắn đã có thể đào ăn được là hay bị sinh viên đào trộm. Đào trộm sắn là chuyện thường nhật của lũ sinh viên.
Hoàng hỏi tôi :
- Em ăn sắn có ngon không ?
Tôi nói:
- Ngon, ngon hơn sắn của sinh viên trồng”
Anh cười, mắt cũng như cười, với hai hàng mi rợp bóng
Lúc tôi ra về, anh Điền bảo tôi, hôm nay anh Hoàng sẽ đưa em về, chân anh hôm nay hơi đau. Tôi cười, em về một mình được mà. Hoàng cười và nói : “Trời tối rồi, em đi một mình ma bắt đấy !” Thế là anh đưa tôi về nhà .
Lúc ở nhà anh, Hoàng nói nhiều, nhưng đi cùng, cả hai đều ít nói, vì chẳng có chuyện gì mà nói. Tôi chỉ thổ lộ, tôi thích học văn nhưng giấy gọi vào khoa hóa nên chẳng thích học tí nào cả. Anh động viên, cứ học đi rồi sẽ thích.
Thời đó, chúng tôi được vào thẳng đại học không phải thi. Giấy gọi vào trường nào, khoa nào là chúng tôi đến nhập học. Khi chia tay, anh nói, lần sau em đến anh sẽ ở nhà chơi với em, vì các thày cô đã phát hiện ra lũ trộm rồi, phải bí mật rút lui thôi.
Anh bạn Điền của tôi có tật ở chân nên mỗi khi tôi sang chơi, lúc về là Hoàng lấy cớ ấy để tiễn tôi. Rồi chúng tôi phải lòng nhau lúc nào không biết. Xa nhau là nhớ lắm.
Ở Bắc Thái 2 năm, chúng tôi về Đông Anh, Hà Nội. Cứ chiều thứ bảy anh đến đón tôi về nội thành. Đèo tôi bằng chiếc xe đạp Pogio thời Pháp, dù hơi cũ một chút nhưng đi rất nhẹ. Chúng tôi bên nhau, vui như tết. Anh hay nói, ôm anh chặt vào nhé kẻo em bay đi mất khi đường có “ ổ trâu” đấy. Bởi tôi mong manh và nhẹ như nhành lá.
Thỉnh thoảng, những hôm trăng thanh, gió mát, đi dọc bờ đê, chúng tôi hay ngồi nghỉ trên sườn đê. Có lúc cùng nằm dài trên bãi cỏ ven đê đón gió nồm nam thổi vào mùa hạ. Nằm ngắm trăng, sao trên trời cũng thú lắm. Có một lần anh nói, thoảng bên tai tôi, em nhìn kìa, sao băng, một linh hồn vừa được lên thiên đàng em à. Tôi trả lời, giơ tay chỉ, linh hồn này không cô đơn, có nhiều linh hồn khác đang đón nó. Anh nhìn theo tay tôi, cả một giải Ngân hà, chi chit những vì sao. Chắc ngôi sao băng đã nhập vào đó.
Chúng tôi cùng thích truyện Những vì sao của Alphonse Daudet và luôn thấy tình yêu của mình cũng trong sáng như tình yêu của anh mục đồng với cô chủ trong câu chuyện của ông.
Cứ như thế, càng ngày chúng tôi càng gắn bó.
Và rồi, chiến tranh mở rộng ra toàn cõi Việt. Anh đã xếp bút nghiên, vào bộ đội, ra chiến trường,
Tôi ở lại. Nỗi xa nhớ khôn nguôi.
Anh ra đi nhưng không trở lại.
Anh đã bay lên thiên đường như ngôi sao băng cùng các ngôi sao băng khác, đồng đội của anh, 21 người lúc ra đi, nhưng chỉ có một người trở về, thân thể của họ ở lại với đất, linh hồn của họ như ngôi sao băng, vào cõi vĩnh hằng.
Còn tôi, cuộc đời tôi, vẫn mong manh, với nỗi nhớ anh đong đầy, cùng những kỷ niệm quặn đau trong cõi lòng sâu thẳm…
Đêm nay, 30/4/2015, Sài Gòn bắn pháo hoa. Pháo hoa đủ sắc màu bay lên như những vì sao. Tôi ngước nhìn. Xa xa những bông pháo hoa giăng phủ bầu trời. Tự nhiên tôi cũng muốn bay lên như những bông hoa pháo để được gặp những thiên thần đang về vui cùng non sông, đất nước. Bởi tôi tin, Hoàng đang bay cùng họ, như những ngôi sao băng, vụt sáng lòa, tuyệt đẹp. Những ngôi sao băng, những linh hồn bất tử, chói sáng, mãi mãi trẻ trung ở tuổi hai mươi ./.