Xuất bản lần đầu vào năm 1992, Lão Khổ đồng thời cũng là tác phẩm tốt nghiệp của Tạ Duy Anh tại khóa 4 trường viết văn Nguyễn Du. Hội đồng chấm thi gồm những nhà văn và chuyên gia tên tuổi như GS Hoàng Ngọc Hiến, GS Phạm Vĩnh Cư, Nhà văn Nguyên Ngọc, nhà văn Ma Văn Kháng…đã nhất trí cao cho tác phẩm điểm 10, đưa Tạ Duy Anh trở thành thủ khoa của khóa.
Tuy nhiên số phận của Lão Khổ cũng long đong lên voi xuống chó như tên của nó và cũng là tên nhân vật chính. Bị đắp chiếu 2 tháng tại nhà xuất bản Văn Học vì “có vấn đề” rồi cũng cho phát hành với cái lệnh vô bằng cớ quen thuộc (tức là truyền miệng đến các cơ quan văn hóa trong giao ban báo chí): Không khen, không chê, không tái bản, không tuyên truyền dưới bất cứ hình thức nào trên phương tiện thông tin. Nhiều cuốn sách cứ thế là vào quên lãng, thậm chí mất hút luôn như chưa bao giờ có mặt.
Lão Khổ không cam chịu điều đó. Vẫn có người đọc và thích nó. Nhiều nghiên cứu sinh làm luận văn về đề tài nông thôn tìm đến nó. Năm 2002, nhờ một sự cố biên tập, Lão Khổ được tái bản trong khuôn khổ một tập sách nhiều tác phẩm. Cơ quan quản lý xuất bản bị đặt vào sự đã rồi, đành làm ngơ. Nhưng điều đó cũng có nghĩa Lão Khổ mặc nhiên hết hạn đi đày! Lập tức Lão Khổ được in lại liên tục 5 lần, trước khi tái xuất trong bộ trang phục có phần đã “bớt” khắc khổ nhờ có sự nhúng tay của họa sĩ đa tài và khó tính Lê Thiết Cương, cùng 4 bản minh họa chỉ có thể nói là xuất sắc. Cương bảo đọc Lão Khổ chậm một chút, thấy cực thích. (ông họa sĩ này không vẽ cái gì không thích). Điều đáng nói là Lão Khổ, không hề hẹn trước, trở lại vào đúng dịp Bảo tàng lịch sử Việt Nam triển lãm hạn chế về Cải cách ruộng đất vốn vẫn là nỗi ám ảnh ghê rợn với nhiều người dân Việt Nam. Bạn đọc có thêm thứ để hiểu về những gì diễn ra trong CCRĐ không thấy trưng bày trong triển lãm.
Một nhà văn sau khi đọc Lão Khổ quả quyết, chắc Tạ Duy Anh là con địa chủ, phú nông. Nhưng trong lý lịch của nhà văn họ Tạ thì lại ghi rất rõ là bần nông. Lão Khổ lấy nguyên mẫu từ chính bố của tác giả.