1 - Trước đền thờ Khai Quốc công Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn ở Bến Đoan, phường Hồng Gai thành phố Hạ Long hiện nay, có tấm bia đá bốn mặt, đặt ở vị trí rất nghiêm cẩn và cung kính. Hai mặt bia 1 và 2, lời văn rất chuẩn. Mặt bia thứ 3 là trích bài của nhà Hán Nôm học Hoàng Giáp, Viện Hán Nôm, cũng chuẩn, khi ông viết về Trần Quốc Nghiễn: “Ông qua đời ở đất được phong”. Nhưng Hoàng Giáp không viết đất phong của ông là ở đâu, do đó, bài viết vẫn đạt một giá trị khoa học nhất định. Đến mặt bia thứ 4: “Giới thiệu về Di tích lịch sử văn hóa đền thờ Đông Hải đại vương Trần Quốc Nghiễn”, lập năm 2009, có câu: “Đất Hồng Gai thuộc vùng Đông Hải được phong cho Trần Quốc Nghiễn”. Câu này làm cho câu rất đúng ở bia 3 của nhà Hán Nôm học Hoàng Giáp bị hiểu sai: “Trần Quốc Nghiễn mất ở đất được phong” mà “đất Hồng Gai phong cho Trần Quốc Nghiễn” thành ra Trần Quốc Nghiễn mất ở Hồng Gai từ thời nhà Trần.
Tiền thân ngôi đến này là cái miếu nhỏ thờ Đông Hải Đại vương, tức là thờ Cá Voi ở thời Nguyễn. Sau đợt trùng tu tháng 10 năm Quí Sửu (1913) thì miếu thờ Đông Hải đại vương mới rõ ràng là miếu thờ Trần triều Hưng Vũ Đông Hải đại vương, như bia đá do 10 chủ thuyền đã ghi. Bia nhỏ, đẽo gọt cũng đơn sơ, lời lẽ rất gọn, do chủ hội thuyền là Trần Đức Thuật, người xã Chính Hội, tổng Phù Đổng, huyện Tiên Du, Bắc Ninh, đứng tên, cùng 9 vị có tên khác, cho biết, 10 chủ thuyền đã ghé qua đây, thấy “nơi thanh vắng, cổng ngõ anh linh bậc nhất. Chúng tôi tới đây khai phá vùng trời đất hoang vu... Đại vương đã phù hộ độ trì, ban sức lực cho chúng tôi... Các chủ thuyền đồng tâm xây cất ngôi đài mới. Chúng tôi đã xây dựng hoàn chỉnh trong một ngày”. (Bia khắc tháng 10 năm Quí Sửu). Sở dĩ các chủ thuyền tỉnh Bắc Ninh lập miếu thờ Trần Quốc Nghiễn ở đây, vì sinh thời ông đóng quân ở vùng Bắc Ninh, và Vạn Kiếp, phủ đệ của cha, mà ông là con trưởng, nằm ở gianh giới Hải Dương và Bắc Ninh. Các chủ thuyền phải đi qua đó mới đến đây.
Năm 1938, đền được trùng tu một lần nữa. Năm 2009, trùng tu lại một lần nữa, để có khuôn viên cơ bản như hiện nay.
Bây giờ, tên đền thờ Đông Hải đại vương Trần Quốc Nghiễn, cũng không chuẩn, vì Đông Hải đại vương là vương tước của Cá Voi do vua Gia Long phong tặng. Trần Quốc Nghiễn chưa bao giờ có tên tước là Đông Hải đại vương. Còn Hải Đông là tên một “trấn”, thời Lê gọi là “lộ”, từ Minh Mạng nhà Nguyễn đến nay, gọi là “tỉnh”. Theo đó, Hải Đông là tên tỉnh Hải Dương với một phần tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng hiện nay. Hải Đông khác với Đông Hải. Hải Đông là tên đất, còn Đông Hải là biển Đông. Trên bản đồ hành chính Việt Nam từ xưa đến nay, không có vùng đất nào tên là Đông Hải cả, như bia đá đã ghi một cách rất tùy tiện.
2 - Ông nội Trần Quốc Nghiễn (Trần Liễu) được phong đất ở 5 làng xã: Yên Sinh, Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Hưng và Yên Bang, năm 1237. Sau khi Trần Liễu mất, ngày 01/4, tức ngày 23/4/1251, thọ có 40 tuổi, con cả của ông là Vũ Thành vương Trần Doãn, anh ruột Trần Quốc Tuấn, bác ruột Trần Quốc Nghiễn, đã đưa cả gia đình trốn sang Trung Quốc, do lo sợ sẽ bị trả thù, vì đã cùng cha “nổi loạn” trên sông Cái, nói theo cách nói bây giờ là “đảo chính quân sự” để cướp chính quyền, dành lại ngôi vua cho cha mình ở ngành trưởng. Trần Doãn và toàn gia đình đã bị bắt ở biên giới, do đó, toàn bộ đất phong cho Trần Liễu mà Trần Doãn thừa kế, “đã bị tịch thu toàn bộ”. Trong đó, đất ở An Sinh được dùng làm sơn lăng, để lăng mộ các vua Trần, còn đất các nơi khác thì dùng vào các việc khác. Không có đất phong cho Trần Quốc Nghiễn cũng như Trần Quốc Tảng, ở bất cứ nơi nào trên vùng đất tỉnh Quảng Ninh hiện nay. Vì thế, ghi vào bia, đặt trước cửa đền: “Đất Hồng Gai… phong cho Trần Quốc Nghiễn” là sai.
3 - Trận thắng Bạch Đằng kết thúc 3 lần đại thắng giặc Nguyên, được các nhà thơ lớn của mọi thời đại ngợi ca bằng nhiều bài thơ bất hủ, đã làm mờ nhiều trận thắng vĩ đại khác của nhà Trần, có thể còn lớn hơn. 139 năm sau (1288 - 1427) trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi soạn cho Lê Lợi để đại cáo thiên hạ, sau chiến thắng giặc Minh, đã xếp chiến thắng Bạch Đằng đứng sau chiến thắng Hàm Tử: “Cửa Hàm Tử chém tươi Toa Đô / Sông Bạch Đằng bắt sống Ô Mã”… Vì đạo quân mạnh nhất của giặc Nguyên (Mông Cổ) là kị binh, chứ không phải thủy binh, do Trấn Nam vương - Thái tử nhà Nguyên là Thoát Hoan cầm đầu, với các đại tướng là tả hữu thừa tướng, các nguyên soái, đại nguyên soái và tham chính… Cả ba lần xâm lăng nước ta, nhất là lần 2 và lần 3, đạo quân mạnh nhất này của chúng, đều đánh theo đường bộ từ Lạng Sơn vào thẳng Vạn Kiếp, nơi đóng đại bản doanh của Quốc công Tiết chế (Tổng tư lệnh quân đội nhà Trần), để bảo vệ kinh thành Thăng Long. Các con Trần Quốc Tuấn, trong đó có Trần Quốc Nghiễn, Trần Quốc Tảng và các đại tướng tài ba khác như Trần Quang Khải (sử gia giặc ghi là Thái soái), Trần Nhật Duật, con rể nuôi là Phạm Ngũ Lão, cháu ngoại nuôi là Trần Quốc Toản… đều đánh kị binh giặc ở tuyến đường bộ số 1 rất hiểm yếu này. Đại Việt sử kí toàn thư ghi: “Trần Quốc Nghiễn đánh giặc từ Vạn Kiếp, đuổi giặc qua Lạng Sơn đến châu Tư Minh của tỉnh Quảng Tây”, tức là đánh đuổi chủ tướng giặc Thoát Hoan và Lý Hằng, là một minh chứng rất rõ rệt, về việc Trần Quốc Nghiễn không đóng quân đánh giặc ở vùng đất thuộc sự cai quản của Trần Khánh Dư là vùng Hạ Long – Cẩm Phả - Vân Đồn hiện nay.
4 - Xin nói thêm: Trấn Nam vương Thoát Hoan - Thái tử nhà Nguyên, và Lý Hằng, kẻ đã cầm đầu quân xâm lược nhà Nguyên, đánh tan sự kháng cự cuối cùng của nhà Tống, tiêu diệt nước Tống, khiến thừa tướng nhà Tống là Lục Tú Phu, phải cõng vua Tống còn nhỏ tuổi, nhảy xuống biển tự tử, nay bọn chúng phải chạy dài mới thoát thân, để thấy tài ba và sự dũng lược của danh tướng Trần Quốc Nghiễn. Cũng như Trần Quốc Tuấn, các vị tướng dũng mãnh, như Trần Khánh Dư, Trần Quốc Nghiễn, Trần Quốc Tảng… khi mất, chôn cất ở đâu… là một bí mật tuyệt đối của quốc gia. Không bao giờ để lại dấu vết lăng mộ, vì e quân giặc lại tràn sang, sẽ khai quật để trả thù. Do đó Lăng mộ Trần Quốc Tảng xây ở Cửa Ông là “mộ gió”, chỉ có tính giả tưởng. Quốc Tảng không mất ở Cửa Ông cũng không mất ở Quảng Ninh, như tôi đã nói nhiều lần. Và dĩ nhiên Trần Quốc Nghiễn cũng không mất ở Hạ Long hiện nay như bia đá đã ghi.
Có lẽ do miếu ( đền) ở chân núi Bài Thơ thờ Trần Quốc Nghiễn năm 1913, mà năm 1916, bà vợ quan chủ mỏ Pháp, bà này người Việt quê Hà Đông, mới bỏ tiền công đức ra xây đền Cửa Ông ở vị trí hiện nay và đưa Trần Quốc Tảng vào thờ. Trước 1916, miếu ( đền) này chỉ thờ có một người là Hoàng Cần, người địa phương. Và năm 1943, một ông cai mỏ khác ở Hòn Gai, mới bỏ tiền công đức ra xây đến Long Tiên, dưới chân núi Bài Thơ thờ Trần Quốc Tuấn. Như vậy, đền thờ vọng Trần Quốc Nghiễn ( 1913) Trần Quốc Tảng ( 1916) và Trần Quốc Tuấn ( 1943) ở Quảng Ninh, đều rất mới, không phải ở thời Trần như các sách di tích hoặc bia đá đã ghi những năm gần đây.