Những ngọn sóng tỏa hương
Trần Mai Hường
(Kính dâng anh linh 64 liệt sĩ đã hy sinh trong trận Gạc Ma 1988)
Một sớm qua Gạc Ma
Lật sóng tìm quá khứ
Thềm lục địa đây rồi
Ngày Trường Sa bầm đỏ
Nỗi đau nào khép cửa
Nỗi đau nào cài then
Ngọn gió thiêng vuốt biển
Biển cúi mình trang nghiêm
Khói nhang trùm mộ sóng
Đặc quánh những tầng buồn
Tiếng vọng từ sâu thẳm
Se thắt lòng đại dương
Với anh - người chiến sĩ
Tổ quốc giữa tim mình
Tượng đài là lũy thép
Của tấm lòng kiên trung
Nơi các anh ngã xuống
Máu đã thắm san hô
Anh linh hòa sóng biếc
Mãi tỏa hương từng giờ.
CẢM NHẬN CỦA TRẦN VÂN HẠC:
Trường Sa, Hoàng Sa là mảnh đất thiêng liêng của Tổ Quốc tự ngàn xưa, luôn bị kẻ thù tìm mọi cách xâm chiếm hòng mưu cầu những mưu đồ bành trướng. Đã có không biết bao nhiêu tác phẩm thuộc nhiều loại hình nghệ thuật miêu tả tinh thần kiên cường, bất khuất của các cán bộ, chiến sĩ không quản hy sinh, gian khổ kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Bài thơ: “Những ngọn sóng tỏa hương” của nhà thơ Trần Mai Hường lại khai thác một góc riêng của những “tầng buồn” mà khi thời gian trôi đi không mấy người còn nhớ và đọc xong bài thơ ta như thấy không chỉ có “Những ngọn sóng tỏa hương” thơm mãi trong lòng người và trong lòng Tổ Quốc mà như một lời nhắc nhở với muôn sau về ý thức dân tộc.
Từ: “lật sóng” đem lại cho người đọc hiệu quả thẩm mỹ bất ngờ. Những tưởng “Nỗi đau nào khép cửa/ Nỗi đau nào cài then” và tất cả sẽ chìm vào dĩ vãng nhưng không, ẩn dụ: “Ngọn gió thiêng” và “Biển cúi mình” như khắc vào lịch sử, thức tỉnh lương tri.
Nếu như hình ảnh “mộ sóng” đã đầy sức gợi và sự xa sót thì những câu thơ “Đặc quánh những tầng buồn/ Tiếng vọng từ sâu thẳm/ Se thắt lòng đại dương” đầy sức gợi thì hình ảnh những tầng buồn đặc quánh kia như đắp bồi vào lịch sử, kết nối tinh thần đoàn kết của dân tộc ngày đêm luôn vọng về như nhắc nhở trách nhiệm, lương tri của những người yêu nước, “tiếng vọng” của quá khứ oai hùng của một dân tộc bất khuất như lời nhắc nhở tới muôn sau.
Khổ thơ: “Với anh - người chiến sĩ/ Tổ quốc giữa tim mình/ Tượng đài là lũy thép/ Của tấm lòng kiên trung” tự nhiên như hơi thở, như chân lý. Những người lính bình thường, giản dị mang trong mình tình yêu quê hương, đất nước, chính điều đó làm nên “lũy thép” bảo vệ từng tấc đất của cha ông. Đâu đây như vẫn vang trên muôn ngọn sóng lời của Anh hùng, liệt sỹ, thiếu úy Trần Văn Phương, phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma: “Không được lùi bước, phải để cho máu mình tô thắm lá cờ của Tổ quốc và truyền thống vinh quang của quân chủng”.
Khổ thơ cuối khép lại nhưng lại mở ra một không gian và thời gian vô tận về trách nhiệm, ý thức công dân với sự nghiệp đấu tranh bảo vệ từng tấc đất thấm máu của ông cha: “Nơi các anh ngã xuống/ Máu đã thắm san hô/ Anh linh hòa sóng biếc/ Mãi tỏa hương từng giờ”. Hương thơm tỏa ra từ tinh thần quả cảm và sự hy sinh của những người con của Tổ Quốc không chỉ ngát thơm ba cõi mà như một lời nhắc nhở tới muôn sau.
Bài thơ ngắn gọn với những hình ảnh nghệ thuật độc đáo, chan chứa tình người như một tượng đài bất tử của các cán bộ chiến sĩ đã anh dũng hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng linh của Tổ quốc và mỗi khi thành kính đứng trước tượng đài bất tử ấy, trong mỗi người được tiếp thêm sức mạnh và niềm tin
Trần Vân Hạc