(TRÍCH KHOÁ LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC CỦA HÀ THỊ LIÊN-ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÁI NGUYÊN-ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN)
2.2. Một số motif nổi bật trong thơ Nguyễn Anh Nông
Bốn tập thơ Bàn tay lá cỏ, Những tháng năm ở rừng, Mây bay, Hà Nội và em và trường ca Trường Sơn là năm tác phẩm tiêu biểu – năm đứa con tinh thần đánh dấu sự trưởng thành trong hồn thơ Nguyễn Anh Nông. Đó là sự kết tinh nóng hổi những trải nghiệm về cuộc đời và con người các miền quê cùng những cảm hứng về sự sáng tạo thơ ca. Trên mỗi câu thơ, mỗi dòng thơ đều thắm đượm tình cảm và ngời sáng vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ. Trên nền của những hình tượng ấy, rất nhiều biểu tượng nghệ thuật - motif nghệ thuật đã được xây dựng thành công. Trong đó bao gồm các motif về thiên nhiên như núi, trăng, sông, suối, đá… và motif về con người như người lính…
Hình ảnh thiên nhiên trong thơ Nguyễn Anh Nông là những hình ảnh dung dị, mang hơi thở của cuộc sống miền núi, mọi sự vật, hiện tượng đều đi vào thơ. Đó là thiên nhiên của đại ngàn sông suối với đầy đủ màu sắc, hình khối. Nào là trời, mây, gió, trăng, sông, núi… rồi cả những hình ảnh của các sự vật xung quanh như đất, đá… Nhưng có thể thấy xuất hiện những hình ảnh xuất hiện với tần số cao, mang tính biểu tượng lớn như trăng, núi, sông, suối, đá…
Đọc thơ Nguyễn Anh Nông, một điều rất dễ nhận thấy đó là hình ảnh trăng xuất hiện với tần số lớn. Trăng là một trong những hình ảnh quen thuộc mà chúng ta thường thấy nhiều nhất trong các sáng tác thơ văn. Nó là nguồn cảm hứng mênh mông cho tâm hồn các nghệ sĩ. Cảm hứng lãng mạn vốn rất nhạy bén với cái huyễn hồ, mơ mộng của ánh trăng. Trong không gian núi rừng Việt Bắc, trăng là hình ảnh thiên nhiên nguyên thủy nhất, trong trẻo nhất, tươi tắn và thanh khiết nhất. Sự hiện diện của trăng tạo nên một bầu không khí lâng lâng, huyền ảo và để phát khởi cho những cảm xúc chan chứa trong tâm hồn con người.
Qua khảo sát 167 bài thơ trong bốn tập thơ chúng tôi thống kê được hình ảnh trăng xuất hiện trong 45 bài. Đây là motif nổi bật nhất và đặc sắc nhất trong thơ Nguyễn Anh Nông. Trăng trong thơ Nguyễn Anh Nông hiện ra với muôn hình khối, đường nét, màu sắc và đầy tâm trạng: “sóng sánh trăng”, “trăng mờ”, “trăng tương tư”, “trăng vàng”, “trăng sao òa vỡ”, “trăng lạnh”, “vằng trăng lẻ”, “trăng thanh”… Ta có thể thấy ở đây trăng được tái hiện muôn hình vạn trạng, sắc sảo và phong phú vô cùng.
Trước hết, trăng tô điểm cho vẻ đẹp quê hương. Còn gì đẹp hơn khung cảnh bầu trời đêm trong xanh với ánh trăng sáng dịu dàng, lan tỏa cùng hương thơm của cỏ cây như ở Khúc ca bên cỏ:
Thảm lúa rì rào bài ca hương cốm mùa thu mùa hạ
mùa trăng mùa sao thoang thoảng hương cỏ mật.
Ánh trăng sáng lung linh giữa thảo nguyên được nhà thơ ví như chiếc “đèn trăng” được ai thả lên trời tạo nên một không gian như ở thế giới của thần tiên:
Bập bùng ngọn lửa, bập bùng đêm
Cây cỏ liêu xiêu dưới gót mềm
Đèn trăng ai thả bay lơ lửng
Anh cùng em lạc giữa cung tiên.
(Thảo nguyên đêm)
Trăng cũng là nhân chứng chứng kiến những kỉ niệm cùng đồng đội trải qua bao khó khăn gian khổ của cuộc chiến đấu ác liệt. Trăng giống như người bạn tri kỉ, là người để tâm sự những nỗi lòng, mọi chuyện vui, buồn:
Những tháng năm ở rừng
Ăn trong nắng, ngủ trong sương
Ngày: mấy bận ngóng thư
Đêm: bầu bạn với trăng trời mây gió.
(Những tháng năm ở rừng)
Ánh trăng trong thơ Hàn Mặc Tử đẹp một cách lạ lùng, kỳ dị: Trăng nằm sõng soải trên cành liễu, trong thơ Xuân Diệu, ánh trăng như một nhịp cầu nối với tình yêu, nơi nhà thơ bộc lộ tình cảm mạnh mẽ, da diết của mình thì trong thơ Nguyễn Anh Nông, trăng có vẻ đẹp dịu dàng, mang sắc thái và những cung bậc tình cảm đa dạng. Vầng trăng là nơi gắn với những kỉ niệm của nhà thơ. Trong tình yêu, đó là tình cảm tương tư của những chàng trai, cô gái Mai Châu dành cho nhau:
Mai Châu có chàng thi sĩ
Rượu Núi rót tràn trăng tương tư
Bao cô gái trẻ thầm thương nhớ
Ấp cánh hoa ban ủ mối tình.
(Mai Châu)
Là những đêm nhà thơ một mình nơi đất khách quê người, “Mình ta độc thoại với bóng đêm”, bao nhiêu kí ức lại hiện về, thấy lòng mình trống trải, cô đơn. Đêm trăng lạnh hay lòng người thấy lạnh lẽo và đang đau đáu nghĩ về quê nhà?
Bãi bờ xa lắc bến sông nghiêng
Thuyền ai quẫy sóng đêm trăng lạnh
Đau đáu bên đê ánh đèn.
(Độc thoại đêm Đà Giang)
Còn “vầng trăng lẻ” là hình ảnh Nguyễn Anh Nông dung để gọi nhà thơ Duy Phảng khi mất. Cách gọi đó thể hiện sự trận trọng, yêu quý và niềm xót xa trước sự ra đi của một nhà thơ đáng kính.
Có khi trăng xuất hiện khi cảm xúc của nhà thơ mơ hồ, dường như không xác định:
Ta đi tìm ta mông lung hơi thu
Trời đã đông đâu mờ ảo sương mù?
Ta như vầng trăng tròn rồi lại khuyết
Ta như người say, người say mộng mơ.
(Hát dưới trăng vàng)
Hay cảm xúc nhớ nhung da diết đến mộng mị:
Mây hay em
khoác lên tôi chiếc khăn thương nhớ
Chiếc khăn mộng mị, bâng quơ
Ánh trăng hay bóng em lồng lộng?
Sông suối soi bóng em
hay bóng em soi bóng núi…
(Miền tuyết bỏng)
Viết nhiều về trăng miền rừng núi nhà thơ Võ Sa Hà cũng có những cảm nhận độc đáo: Khẽ chạm mầm trăng trong vắt/ Ngực đá sáng bừng rung rinh (Trăng non). Còn Nguyễn Anh Nông dùng trăng để giãy bày, gửi gắm, chia sẻ nhiều tâm tư, tình cảm của mình.
Ngoài trăng, trong thơ Nguyễn Anh Nông còn xây dựng motif núi nổi bật. Qua khảo sát 167 bài thơ trong bốn tập thơ, chúng tôi thống kê được hình ảnh núi xuất hiện ở 20 bài. Cùng viết về đề tài miền núi phải nhắc tới hai nhà thơ Y Phương và Dương Thuấn. Trong các sáng tác của hai tác giả này, hình ảnh núi cũng xuất hiện với tần số lớn. Trong tập Thơ Y Phương của Y Phương là 20 lần/ 111 bài còn Đi tìm bóng núi của Dương Thuấn là 15 lần/ 33 bài [20, tr.78].
Núi trong thơ Nguyễn Anh Nông rất phong phú, đa cảm, đa thanh, đa nghĩa. Nó muôn hình, muôn vẻ, là núi động mang đầy tâm trạng: “Núi ngất ngưởng”, “núi đồi nhấp nhổm”, “núi xanh mơ”, “rừng xanh núi đỏ”, “núi sông bừng tỉnh giấc”… Tất cả những hình ảnh đó đã tạo nên nét riêng đầy ấn tượng trong thơ Nguyễn Anh Nông, một hồn thơ nặng lòng với quê núi. Có lẽ chỉ có người sinh ra từ núi, lớn lên từ núi, hồn vía gửi vào núi và gắn bó máu thịt với núi thì mới có thể diễn tả sâu sắc đến như vậy.
Ngọn núi quê đã đi vào thơ Nguyễn Anh Nông với bao vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng cho quê hương mình:
Người đứng đây với vầng mây ấm
Nắng xôn xao gió hát núi xanh mơ.
(Bóng núi)
Và đây nữa:
Núi non xanh chìm khuất sương mờ
Đôi cánh đại bàng đo trời cao thấp
Chớp rạch xuyên màn đêm thăm thẳm giấc mơ.
(Chữ nghĩa lúc xa em)
Màu của những ngọn núi được nhà thơ miêu tả không phải với những màu quen thuộc ta thường thấy như xanh ngắt, xanh non… mà là “xanh mơ”. Đó là màu xanh của cây cỏ được bao bọc trong cái bảng lảng của sương núi, cái trầm sâu mơ màng của những dòng sông mùa nước êm. Chính điều đó đã tạo ra vẻ đẹp hoang sơ, huyền ảo và quyến rũ cho vùng núi non.
Nguyễn Anh Nông đã từng: Hai mươi năm ở với rừng, nhà thơ đã gắn bó sâu đậm với rừng núi. Khi phải rời xa nơi đó để đến với phố phường để sinh sống nhà thơ đã cảm thức viết: Bao phen một chốc sững sờ/ Biệt xa rừng núi, thẫn thờ phố đêm (Bạn văn). Có lẽ ai đã từng gắn bó với rừng núi đều có chung tâm trạng này. Nhà thơ Y Phương – một người con của đất núi Cao Bằng đã từng có cảm xúc lưu luyến khi rời quê hương:
Ngày xuống núi
Mây vướng chân
Núi như trăm voi rung mình
Suối như bạc ào ào chảy.
(Người vùng cao – Y Phương)
Trong truyền thuyết dân gian người Việt thì “Núi - nơi trú ngụ của thần linh” (PGS.TS. Trần Thị An). Trong văn học viết, núi thường là biểu tượng của sự hùng vĩ, lớn lao, khó khăn, ngăn trở… Còn theo tác giả Nguyễn Thanh Tuấn nhận định: Núi trong thơ Nguyễn Anh Nông là biểu tượng của sự chinh phục, núi trở thành nền tảng, thành bệ phóng để tôn vinh con người lên một độ cao cần có:
Mỗi mình ngất ngưỡng núi non xanh
Mây trắng không bay lạc thị thành
Văn chương kẻ chợ ai mua bán
Cơm áo bỡn người - kệ, coi khinh!
(Núi)
Con người luôn trong tư thế ung dung, tự tại, tự tin chiếm lĩnh những đỉnh cao tuyệt đối cả về mặt địa lý và tâm lý. Núi biểu tượng cho ý chí của con người, luôn muốn thoát khỏi những toan lo, ràng buộc đời thường, “coi khinh” tất cả để theo đuổi cho đến tận cùng giấc mơ “mây trắng” trên “ngất ngưỡng núi non xanh”. Chọn phương pháp gợi hơn tả, Nguyễn Anh Nông biến sự lớn lao, hùng vĩ, ngăn trở của núi thành biểu tượng của lòng quyết tâm:
Người
Một người
Mà hóa muôn người
Vũ trụ xa xanh gần gũi
Hạt bụi mang hình bóng núi…
(Người)
Với lòng quyết tâm được tạo nên từ biểu tượng núi mà tình yêu, trí tuệ và sức mạnh của con người được cộng hưởng, được nhân lên gấp bội từ “một người” đến “muôn người”.
Trong bài thơ Núi, bạn ngồi Nguyễn Anh Nông đã viết:
Bạn ngồi
như núi
Mặt trời
lăn
qua
suối
lăn
qua
buồn
vui
Bì bõm sóng…
(Núi, bạn ngồi)
Bằng biện pháp so sánh, tác giả tiếp tục đồng nhất con người với núi, đặt cái hữu hạn bên cái vô hạn theo cấu trúc mảnh vỡ làm rõ hơn ý nghĩa của biểu tượng núi mặc dù “mặt trời” có bao lần “lăn/ qua/ suối/ lăn/ qua/ buồn/ vui” và “bì bõm sóng”…
Núi còn là nơi ghi dấu những kỉ niệm khó phai trong lòng nhà thơ: Giữa tĩnh mịch đâu là thù là bạn/ Đêm âm u rừng núi mưa nhạt nhòa (Khúc tưởng niệm bên dòng suối).
Núi gắn bó thân thiết với con người nơi đây, đã từng chở che, nâng đỡ và chứng kiến con người trưởng thành: Rừng xanh núi đỏ là nhà/ Đồng bằng là ruộng, biển là ao con (Tát biển). Những ý nghĩa và tâm sự ấy đều được Nguyễn Anh Nông thể hiện qua cách xây dựng hình ảnh núi với hàng loạt chi tiết độc đáo. Điều đó góp phần không nhỏ khẳng định sự thành công cho ngòi bút viết về quê núi cũng như sự thành công trong sáng tạo nghệ thuật của nhà thơ.
Những vùng đất mà nhà thơ đã đi qua và gắn bó: Thanh Hóa, Hòa Bình, Cao Bằng… nghe tên gọi thôi người ta đã hình dung ra non cao, rừng thẳm, núi đá trập trùng. Vì thế có thể nói đá là một phần máu thịt của quê hương. Nguyễn Anh Nông đã chú trọng xây dựng biểu tượng đá trong thơ mình.
Đá đã gắn bó máu thịt với đời sống của con người như rừng, như núi. Từ đá mà con người được sinh ra và tưởng thành: Có những con người/ Từ đá lớn lên (Thơ trên đá).
Đá trong nghĩa thực là một hình ảnh đặc trưng của thiên nhiên vùng cao nhiều đồi núi và nhất là núi đá cao ngút ngàn. Còn đá trong thơ Nguyễn Anh Nông không chỉ là vật thể tự nhiên gắn với đời sống hàng ngày của con người mà còn trở nặng tình cảm của con người. Đá cũng có suy nghĩ, khi trời mưa kéo dài đá cũng mang tâm trạng buồn như con người: Trời lâm râm cả tháng/ Lòng người – đeo – đá nặng (Lâm râm).
Hình ảnh đá trong thơ Y Phương mang ý nghĩa ẩn dụ cao:
Có hòn chọc ông trời
Ngựa hí và bò rống
Đá ngửa mặt lên cười.
(Những đứa con của đá – Y Phương)
Y Phương đã thổi vào đá tâm hồn, tình cảm của mình khiến đá cũng có cảm xúc, có suy nghĩ như con người. Nói như nhà thơ là con người miền núi sinh ra, lớn lên “đụng đầu với đá”, bản làng của Y Phương ngút ngàn đá, tâm hồn con người nơi miền quê Cao Bằng cũng của đá - đó là sự rắn rỏi, kiên trì, cần cù trong cuộc sống. Đá tượng trưng cho con người, mang những tính cách của con người: Những đứa con của đá/ Lăn lóc đi vào đời. Dù đi đến đâu con người cũng nhớ mình mang tâm hồn của đá, sống vững vàng và mạnh mẽ. Nhà thơ đã vận dụng biểu tượng đá trong các truyền thuyết dân gian: “Đá - sự sống trong trạng thái tĩnh” (PGS.TS. Trần Thị An). Nguyễn Anh Nông cũng đã dùng đá làm biểu tượng cho sự hồi sinh. Đá mạnh mẽ đánh thức sự sống và tình yêu ẩn sâu “trong lòng”, trong “con tim” con người. Chính sức mạnh của đá đã giúp con người Nghe trong lòng bồi hồi/ Nhịp con tim thầm thì (Cảm tác đá). Sức sống mới, nguồn năng lượng mới… tất cả bắt nguồn từ đá:
Người tung hòn đá đầu tiên
chặn dòng Đà giang nay đã về nơi trời cũ
Bức thư gửi trăm năm sau nhắn nhủ điều gì?
Núi uy nghi
Sông rầm rì
Em khỏa sóng gót hồng toan bước nhẹ
Bông lau ngàn phơ phất thoáng bâng khuâng.
(Đà giang, miền bạn bè)
Từ “hòn đá đầu tiên chặn dòng Đà giang” đã bật lên sự “uy nghi” của núi và lời “rầm rì” của sông. Sức sống vĩnh hằng và sự trường tồn được bắt nguồn từ hòn đá nhỏ nhoi trở nên vô cùng sinh động, đáng yêu khi “em khỏa sóng gót hồng toan bước nhẹ” nhưng cũng đầy bí ẩn với “bông lau ngàn phơ phất thoáng bâng khuâng”. Trên đá tưởng như không một loài nào có thể tồn tại nhưng trong cảm thức của Nguyễn Anh Nông, chính từ đá lại nảy sinh sự sống kì diệu:
Chẳng chờ nổi trời xanh kia thấu đáo
Trời cũng lơ ngơ như cây cỏ thôi mà
Cỏ thực đấy mà như hư ảo
Lịch kịch Bằng Giang đá đẻ hoa.
(Loanh quanh một khúc sông Bằng)
Với cái nhìn đầy sức sống và sáng tạo, Nguyễn Anh Nông đã tạo ra một biểu tượng đá độc đáo, bất ngờ và đầy thú vị. Từ chất vô cơ tạo ra chất hữu cơ, từ cái chết tạo ra sự sống. Đá trở thành biểu tượng của sức sống tự thân, có thể bừng lên bất chấp mọi hoàn cảnh, mọi khó khăn. Trong khi tất cả chỉ là hư ảo, kể cả trời xanh. Trời cũng lơ ngơ như cây cỏ thôi mà/ Cỏ thực đấy mà như hư ảo, chỉ có đá mới tạo ra sự sống và cái đẹp.
Bức tranh thiên nhiên núi đá được nhà thơ khắc họa với vẻ đẹp kì vĩ trong sự kết hợp giữa các yếu tố: trăng, núi, đá. Thế nhưng nó sẽ đầy đủ hơn khi có thêm mảng màu sắc từ sông suối. Với tần số xuất hiện ở hai mươi bài trong bốn tập thơ thì đây cũng là một trong những motif nổi bật.
Dòng sông xuất hiện trong Nghe chim hót trong vườn nhà mình như một giai điệu ngọt ngào, sâu lắng với cảnh quê và tình quê thật mộc mạc, yên bình:
Ơi, khóm tre, nhành dâu da, hoa giấy, thiên tuế,
đinh lăng, chanh, bưởi, roi, hoa hòe, hoa lí.
Ơi, con sông quê hiền hòa lặng lẽ.
Nhà thơ Tế Hanh đã mượn hình ảnh con sông quê để giãi bày tâm sự:
Có những trưa tôi đứng dưới hàng cây
Bỗng nghe dâng cả một nỗi tràn đầy
Hình ảnh con sông quê mát rượi
Lai láng chảy lòng tôi như suối tưới.
(Nhớ con sông quê hương – Tế Hanh)
Còn với nhà thơ Nguyễn Anh Nông, dòng sông gợi ra những kí ức ngọt ngào của tuổi ấu thơ và gắn với cả cuộc đời nữa: Ta lớn cùng dòng sông – Thời gian dài vô tận (Tâm sự dòng sông). Nguyễn Anh Nông cũng đã từng dùng hình ảnh con sông để nói lên tâm trạng bâng khuâng, không diễn tả thành lời: Dòng sông hững hờ hay xao xuyến, bâng khuâng?/ Ta biết ta là người chưa hoàn thiện (Về quê).
Dòng sông cũng là cảnh vật đặc trưng của mỗi vùng đất mà Nguyễn Anh Nông đã từng gắn bó. Như đã tìm hiểu ta thấy, đến với Hòa Bình chúng ta sẽ được ngắm nhìn dòng sông Đà vừa dịu dàng, trữ tình vừa hùng vĩ dữ dội. Hay đến với Cao Bằng là dòng Bằng giang: Dòng sông quặn mình như người trở dạ/ Vốc nước gói làm sao gói được (Loanh quanh một khúc sông Bằng). Rồi mùa thu Hà Nội với: Sông Hồng – ánh lửa/ Soi bừng tháng năm (Nhớ thu Hà Nội). Với hình ảnh dòng sông, nền văn hóa của mỗi vùng quê được nhà thơ thể hiện rất rõ nét. Điều đó chứng tỏ, Nguyễn Anh Nông đã gắn bó máu thịt với những vùng đất đã từng đi qua.
Từng có thời gian tham gia chiến đấu, phải sống ở nơi rừng thiêng nước độc nên khi viết về người lính Nguyễn Anh Nông không thể bỏ qua hình ảnh rừng. Đối với nhà thơ quân đội mang họ Nguyễn này rừng trở thành một biểu tượng có giá trị biểu cảm mạnh mẽ vô cùng. Nếu đem so sánh với các biểu tượng chúng tôi đã khảo sát thì rừng xuất hiện ít hơn nhưng sức ám thị của nó thì không thua kém gì. Rừng là chứng nhân, là nơi diễn ra mọi hoạt động của đời sống sinh hoạt và chiến đấu. Rừng là nơi: Cùng đồng đội làm thanh gươm sắc/ Cùng đồng đội làm lá chắn bên cột mốc/Ăn trong nắng, ngủ trong sương/ Ngày mấy bận ngóng thư/ Đêm: bầu bạn với trăng trời mây gió, rừng còn là nơi: Đồng đội mấy người gục ngã/ Hồn thiêng gửi lại lá cây rừng. Như vậy, rừng trong thơ Nguyễn Anh Nông mang một ý nghĩa mới, rừng trở thành nơi lưu giữ mọi khoảnh khắc trong cuộc đời, có vui, có buồn, có đau thương, có mất mát, có hi vọng, đợi chờ… nhưng không hề có chút gì đáng lãng quên và bị lãng quên.
Rừng khuya trăng mờ
Lũ nguồn tuôn réo
Nằm lắng chim kêu
Trong lòng ruột héo.
(Đêm ở rừng nghe tiếng chim Queng quý)
Rừng là máu, là xương, là thịt… nó cứ âm thầm “chảy” vào hồn ta với “lũ nguồn tuôn réo”, với tiếng “chim kêu”… thổi bùng lên niềm khát khao hạnh phúc gia đình: Riêng mình dư chăn/ Dư màn, dư chiếu/ Mà vẫn băn khoăn/ Đời như còn thiếu/ Một hơi thở ấm/ Thoảng hương hoa chanh/ Một làn tóc rối/ Xõa xanh vai mình/ Một lời thủ thỉ/ Đêm dài qua nhanh. Rừng còn chia sẻ những phút cay đắng, lo toan và thấu hiểu “trong lòng ruột héo”. Cuộc sống đã có quá nhiều thay đổi nhưng ta không nguôi nhớ rừng, rừng không bao giờ quên ta, cả hai không quên những ngày bên nhau và chính mình trong những ngày ấy:
Chẳng bù cái ngày: Biên giới
Xanh xao, vàng vọt-gầy nhom
Lủi thủi xó rừng, đến tội
Ngắm trăng, khát tiếng thì thòm...
(Lặng lẽ trăng vàng)
Như vậy có thể thấy, rừng trong thơ Nguyễn Anh Nông là biểu tượng của sự gắn bó, thủy chung, của lòng son sắt... Rừng là cội nguồn, là nơi lưu giữ những ký ức không quên.
Thiên nhiên trong thơ Nguyễn Anh Nông hiện ra với đầy đủ cảnh sắc: sự hùng vĩ của rừng núi, vẻ đẹp thanh khiết của vầng trăng, cái cứng cỏi của đá núi và cả sự mềm mại của những dòng sông, con suối. Bên cạnh những motif về thiên nhiên đó, chúng tôi còn nhận thấy Nguyễn Anh Nông còn gửi gắm tâm sự, nỗi niềm của con người hay chính là của nhà thơ vào những sự vật hết sức đặc biệt .
Trong chiến tranh, hình ảnh những căn hầm dã chiến, cây cầu hay con đường là nhân chứng lịch sử chân thực chứng kiến bao trận chiến ác liệt mà kẻ thù đã dội xuống. Nhà thơ đã mượn lời của sự vật này để tái hiện lại quá khứ. Căn hầm dã chiến – nơi bảo vệ tính mạng của đồng bào, chiến sĩ trong những trận đánh của kẻ thù nên nó có vai trò rất đặc biệt: “…chứa vào lòng bao số phận”. Khi chứng kiến cảnh “Đạn bom tan tác cả rừng cây”, căn hầm cũng đau thay nỗi đau của con người:
Tôi đau nỗi đau người cha
Tôi buồn nỗi buồn người mẹ
Nỗi đau buồn tím ruột gan.
(XVI – Lời căn hầm dã chiến)
Hình ảnh cây cầu và con đường là huyết mạch giao thông, nối liền giữa các trận tuyến. Dù phải hứng chịu bom đạn của kẻ thù nhưng chúng vẫn hiên ngang đứng đó giúp cho những chiến dịch được diễn ra thuận lợi. Thật ấn tượng với hình ảnh cây cầu:
Xoạc chân đứng đỡ đoàn xe
Tấm thân lấm láp, xù xì, đã sao?
Cõng bao xe pháo sang cầu
Tôi vui, đồng đội mau mau an toàn…
(XVII – Lời cây cầu tạm)
Chúng không chỉ đau nỗi đau chung của con người mà còn biết hi vọng, biết ước mơ với những “giấc mơ đẹp đẽ”. Mong ước những con người đã anh dũng hy sinh nay sẽ có một điều kì diệu giúp họ sống dậy. Ước mơ đó chắc sẽ không thành hiện thực nhưng tác giả muốn thể hiện sự bất tử của những con người đó, họ vẫn luôn sống trong tâm tưởng của thế hệ đi sau.
Đó là Chiếc tàu chiến Pháp từ đáy sông Đà bị “bắn chìm năm năm mốt (1951)” được trục vớt vào năm 2000. Con tàu lần đầu tiên được nhìn thấy trời xanh và gió mát sau nửa thế kỉ bị vùi lấp. Con tàu thấy rưng rưng cảm động. Hình ảnh con tàu chiến biểu tượng cho những người lính Pháp tham gia cuộc chiến tranh ở Việt Nam bị bắt giữ nhưng họ luôn nhận được sự bao dung, độ lượng của nhân dân Việt Nam. Họ là kẻ đã gây ra cuộc chiến tranh ác liệt trên đất nước ta, bao nhiêu xương máu đã rơi xuống, bao hệ lụy sau cuộc chiến người dân phải gánh chịu. Thế nhưng dân tộc ta đã vẫn dành cho họ một con đường sống, coi những việc làm đó là quá khứ sai lầm. Ở quá khứ, ta với họ có thể là kẻ thù của nhau nhưng hiện tại họ đã là bạn bè trong mối quan hệ hợp tác, hữu nghị. Đó chính là truyền thống nhân đạo của người nhân dân ta, để những kẻ một thời là thù địch khi chứng kiến hành động đó phải ngưỡng mộ, phải ngẫm nghĩ như chiếc tàu:
Chiếc tàu như gã chiến binh mình
đầy thương tích
Nó vừa nằm, vừa ngắm trời xanh,
vừa ngẫm nghĩ.
Nói về những cám dỗ về vật chất của con người, nhà thơ đã dùng hình ảnh Đồng bạc: Đồng bạc/ Không là nước/ Mà bao kẻ đắm chìm/ Đồng bạc/ Không là gió/ Mà có lúc hất em xa tôi. Tiền bạc, vật chất vô hình đã làm con người chìm đắm trong sai lầm, tội lỗi, khiến người ta quên đi quá khứ, chà đạp nên mọi giá trị đạo đức tốt đẹp. Ý nghĩa của bài thơ rất đúng với hiện thực lúc bấy giờ. Khi con người bước ra khỏi chiến tranh, nhiều kẻ đã quên đi những năm tháng gian khổ, quên đi đồng đội một thời đã chiến đấu bên nhau để chạy theo những lợi ích cá nhận ích kỉ. Đây chính là ý nghĩa sâu xa của bài thơ mà Nguyễn Anh Nông muốn gửi đến người đọc thế hệ hôm nay để rút ra bài học cho chính bản thân mình.
Có người nói rằng: Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn anh bằng đại bác. Cũng với ý nghĩa đó nhưng nhà thơ Nguyễn Anh Nông viết những dòng thơ giản dị nhưng sâu lắng đủ để người đọc phải suy ngẫm:
Đặt lên bàn tay nhỏ
Chiếc lá cũ khô vàng
Nghe dư âm một thuở
Thao thiết và ngân vang.
(Chiếc lá cũ)
Chiếc lá cũ đã khô héo cũng như quá khứ đã qua dường như không có mối quan hệ gì nữa nhưng nó vẫn luôn “Thao thiết và ngân vang”, nó là tiền đề cho tương lai, bởi không ai sống mà không có quá khứ.
Ngoài những bài thơ chúng tôi đã tìm hiểu ở trên, còn rất nhiều bài thơ khác mang ý nghĩa sâu sắc như: Tâm sự dòng sông, Hàm Rồng, Lời cây tùng, Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai, Với bồ câu trắng… Như vậy ta có thể thấy, trong thơ Nguyễn Anh Nông từ những sự vật bình thường nhất cũng được nhà thơ gửi vào đó những suy tư sâu lắng và đáng để chúng ta suy nghĩ.
Thơ Nguyễn Anh Nông không chỉ thành công ở chỗ xây dựng một một số motif nổi bật nằm trong mạch cảm xúc chung khi viết về mảng đề tài miền núi như các tác giả Võ Sa Hà, Y Phương, Dương Thuấn… mà bên cạnh đó, nhà thơ còn có những sáng tạo nghệ thuật riêng với những biểu tượng nghệ thuật mới lạ, độc đáo. Những tìm tòi, thể nghiệm mới mẻ này rất có giá trị. Nó không chỉ góp phần thể hiện phong cách nghệ thuật độc đáo của chính tác giả mà còn làm phong phú thêm cho thế giới hình ảnh trong văn học đương đại.
2.3. Ý nghĩa tư tưởng của hệ thống motif trong thơ Nguyễn Anh Nông
Sáng tác văn học rất cần tạo ra các biểu tượng bởi nếu nghệ thuật chỉ đưa ra những khái niệm trừu tượng thì không sao tránh khỏi khuyết điểm là quá thông thường, chúng ta chỉ coi nó như là những suy nghĩ, tìm tòi chân lý chứ không thể coi là các biểu tượng để thưởng ngoạn. Nếu nghệ thuật chỉ đưa ra các khái niệm trừu tượng thì không còn là nghệ thuật nữa. Các biểu tượng trong thơ Nguyễn Anh Nông rất sắc sảo và phong phú. Vì vậy, nếu chỉ dừng lại ở việc tìm ra các biểu tượng nghệ thuật mà không lý giải lớp nghĩa hàm ngôn trong các biểu tượng thì thật là thiếu sót.
Công việc giải thích các biểu tượng đã được nhiều ngành khoa học quan tâm như: Khoa học lịch sử các nền văn minh và các tôn giáo, khoa ngôn ngữ học, khoa nhân chủng học, khoa phê bình nghệ thuật, khoa tâm lý, khoa y học… Các công trình nghiên cứu mới đây, và ngày càng có nhiều hơn đã soi sáng các cấu trúc của tưởng tượng và chức năng biểu trưng của trí tưởng tượng. Sau đây chúng tôi xin đưa ra những nét nghĩa cơ bản nhất để lý giải phần nào lớp nghĩa hàm chứa trong các biểu tượng nghệ thuật trong thơ Nguyễn Anh Nông.
Với các biểu tượng về thiên nhiên, trước hết là trăng trong tiềm thức nhân loại:
Trăng là biểu tượng của sự phụ thuộc và của bản nguyên nữ, trăng là biểu tượng của biến đổi và sinh trưởng, của các nhịp điệu sinh học, của thời gian trôi đi [7, tr.936].
Trăng là một biểu tượng vũ trụ qua tất cả các thời đại, còn trong các huyền thoại, folklore, truyện kể dân gian và thơ ca thì trăng là biểu tượng về thiên chức của người phụ nữ và sức mạnh dồi dào của sự sống [7, tr.939].
Ý nghĩa của các biểu tượng mà trong các từ điển đã định nghĩa là những ý nghĩa chung, mang tính phổ quát cho toàn nhân loại. Chúng được lặp lại nhiều lần trong các sáng tác nghệ thuật và văn học từ thời cổ đại nhưng mỗi nhà thơ tài năng sẽ có cách khám phá và thể hiện của riêng mình. Nguyễn Anh Nông cũng vậy, biểu tượng trăng, núi, đá, sông suối trong những sáng tác của nhà thơ là những ví dụ tiêu biểu. Sáng tạo về hình thức nghệ thuật phải độc đáo, phải riêng, không lặp lại bất cứ ai nhưng nội dung tư tưởng nằm trong hình thức sáng tạo ấy có thể vừa lặp lại những nội dung quen thuộc của biểu tượng hoặc đề xuất những nội dung mới mẻ của riêng nhà thơ.
Trăng trong thơ Nguyễn Anh Nông là “trăng tương tư”, “trăng lẻ”, rồi “đêm trăng lạnh”… Trăng chia sẻ với nhà thơ những vui buồn của số phận. Trăng đồng hành với nhà thơ qua những tháng năm dằng dặc trên đất khách quê người. Trên nền của những khái niệm và suy ngẫm về trăng trong các từ điển, Nguyễn Anh Nông đã có cách nhìn trăng và gọi trăng của riêng mình. Đó là điều chúng tôi ấn tượng nhất.
Với biểu tượng núi:
Núi tham gia vào hệ biểu tượng của cái siêu tại, siêu phàm với tính cách là trung tâm của những hiện tượng hiển linh trong khí quyển và rất nhiều sự tích thần hiện. Như vậy núi là nơi trời và đất gặp nhau, là nơi của thánh thần và là điểm cuối của con đường đi lên của con người. Núi cũng thể hiện những khái niệm về tính ổn định, bất di bất dịch và đôi khi cả về tính thanh khiết [7, tr.699]. Các ngọn núi cao giống như những pháo đài, là những biểu tượng của sự an toàn [7, tr.701]…
Trên đây là những điều mà các tài liệu kinh điển đã khái quát từ nhiều ngàn năm của nhân loại. Tuy nhiên, núi trong thơ Nguyễn Anh Nông vẫn là núi riêng, như tác giả Nguyễn Thanh Tuấn đã nhận xét rằng: Núi trong thơ Nguyễn Anh Nông là biểu tượng cho sự chinh phục, núi trở thành nền tảng, thành bệ phóng để tôn vinh con người lên một độ cao cần có [4, tr.49]. Núi trong cuộc đời là nơi nhà thơ nương tựa, là nơi nhà thơ gắn bó với những kỉ niệm khó phai, núi là nơi để nhà thơ trao gửi tình cảm đối với quê hương. Đó là những nét riêng nhưng rất gần gũi trong thơ Nguyễn Anh Nông mà chúng tôi mới chỉ phần nào cảm nhận được.
Tiếp đến là biểu tượng đá, theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới thì:
Trong truyền thuyết, đá chiếm một vị trí trang trọng. Giữa linh hồn của đá và con người có mối liên quan chặt chẽ. Hòn đá thô còn được xem như một sinh thể lưỡng tính… đá không phải là những khối vô hồn. Nó đóng vai trò quan trọng trong mối liên hệ giữa trời và đất [7, tr.268].
Ngoài ra đá còn có một số nét nghĩa sau: Là những biểu tượng của sự hiện diện của thần linh, đá cũng là một biểu tượng của Đất Mẹ [7, tr.269]; là biểu tượng của sự sống ở trạng thái tĩnh [7, tr.270] hay: Theo truyền thống Kinh Thánh, vì đá có tính cách không biến đổi nên được coi như là tượng trưng cho tính khôn ngoan, anh minh [7, tr.273].
Đúng như ý nghĩa đá không phải là những khối vô hồn mà có mối liên quan chặt chẽ với con người, trong thơ Nguyễn Anh Nông chúng tôi nhận thấy tác giả xây dựng hình ảnh đá bằng việc gửi gắm vào trong đó rất nhiều tâm tư, tình cảm. Điều đó được thể hiện qua rất nhiều các hình ảnh cụ thể như: Lòng người – đeo – đá nặng (Lâm râm), Sỏi đá cựa mình tỉnh giấc (Loanh quanh một khúc sông Bằng), Có những loài hoa/ Mọc mầm từ đá (Cảm tác đá)… Không chỉ vậy, hình ảnh đá còn giúp nhà thơ khắc họa hình tượng con người miền núi mang vẻ đẹp phi thường, cứng cỏi và mạnh mẽ. Cuộc sống sinh hoạt của con người nơi đây cũng gắn liền với đá núi. Tất cả đã được Nguyễn Anh Nông phản ánh rất chân thực, sinh động.
Trong Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, biểu tượng sông suối được hiểu là:
Chảy xuống từ trên núi cao, quanh co qua những thung lũng, biến mất trong những hồ và biển, dòng sông tượng trưng cho đời người với chuỗi liên tiếp những mong ước, những tình cảm, những ý định và thiên hình vạn trạng trong những bước ngoặt của chúng [7, tr.830].
Về nguồn suối, như ta đã biết, sự thiêng liêng những nguồn nước là phổ biến.
Trên bình diện những hiện thực đời sống con người, chúng là biểu hiện đầu tiên của những vật chất vũ trụ cơ bản, không có chúng thì không thể đảm bảo được sự sinh sản và trưởng thành của muôn loài. Nguồn nước là một biểu hiện của tình mẫu tử [7,tr.650].
Trong các nền văn hóa truyền thống, dòng suối tượng trưng cho nguồn gốc của sự sống, và một cách tổng quát hơn, cho mọi dạng nguồn gốc [7, tr.651].
Xuất phát từ ý nghĩa dòng sông tượng trưng cho đời người, dòng suối như là cội nguồn của cuộc sống. Đó là dòng sông mang đầy kỉ niệm và tâm trạng: Dòng sông hững hờ hay xao xuyến, bâng khuâng (Về quê). Bên cạnh đó trong những sáng tác của mình, Nguyễn Anh Nông cũng đã xây dựng những ý nghĩa biểu tượng mới về dòng sông, con suối khi gắn liền nó với vẻ đẹp của quê hương hay gửi vào đó những tâm trạng, suy nghĩ của mình: Dòng sông quặn mình như người trở dạ (Loanh quanh một khúc sông Bằng), hay: Sông Hồng – ánh lửa/ Soi bừng tháng năm (Nhớ thu Hà Nội).
Biểu tượng sống động, nảy sinh từ cõi vô thức của con người và từ môi trường mà người ta sống, thực hiện một số chức năng nào đó cho đời sống cá nhân và xã hội. Qua tìm hiểu ý nghĩa của một số biểu tượng nghệ thuật trong thơ Nguyễn Anh Nông, chúng ta đã phần nào hiểu hơn về bản chất của những biểu tượng ấy đồng thời giúp cho việc sử dụng thuật ngữ này chính xác hơn.
Các biểu tượng nghệ thuật không chỉ có ý nghĩa khoa học như đã nói ở trên mà chúng còn chứa đựng những ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống của các tác phẩm văn học cũng như trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn.
Những biểu tượng này được xuất hiện nhiều lần và trở thành các motif nổi bật trong thơ Nguyễn Anh Nông. Tất cả các motif đó không chỉ chuyển tải nội dung tác phẩm, ca ngợi vẻ đẹp của quê hương, tình cảm yêu thương gắn bó với con người nơi đây mà còn làm nổi bật những giá trị thẩm mỹ, giá trị nhân văn cao đẹp. Đó là niềm tự hào, trân trọng đối với những người lính đã anh dũng hi sinh vì Tổ quốc. Là tình thương mến, cảm phục dành cho người mẹ, người vợ thủy chung, son sắt… Những vần thơ ấy toát lên từ một tâm hồn luôn thường trực những băn khoăn, trăn trở về tình người, tình đời.
Một số motif trên không đơn thuần chỉ là những biểu tượng đa nghĩa mà còn trở thành những phương tiện nghệ thuật đắc lực để chuyển tải nội dung của tác phẩm. Đó cũng là nơi nhà thơ gửi gắm những quan điểm thẩm mỹ, quan điểm nhân sinh và những suy tư, chiêm nghiệm về cuộc đời.
Biểu tượng nghệ thuật còn là con thuyền chuyên chở những thông điệp nghệ thuật mà nhà thơ muốn gửi tới bạn đọc. Dù đó là những thông điệp về tình yêu quê hương tha thiết, tình cảm gia đình hay tình người chân thành thì tất cả đều đọng lại trong lòng người đọc để họ cùng thưởng ngoạn, suy nghĩ và cùng sáng tạo với tác giả.
Chúng ta có thể thấy, nhà thơ Nguyễn Anh Nông đã xây dựng cho những sáng tác của mình một số biểu tượng riêng hết sức độc đáo. Những biểu tượng đa nghĩa đó đã trở thành những motif nổi bật trong thơ Nguyễn Anh Nông. Tất cả những motif nổi bật trong thơ Nguyễn Anh Nông đã giúp người đọc hiểu sâu sắc hơn về thiên nhiên và con người những vùng quê mà tác giả đã gắn bó. Trong đó có những hình ảnh ở thời điểm hiện tại, có những hình ảnh được xây dựng từ hồi ức trong quá khứ nhưng tất cả đều rất sống động.
Bước đầu tìm hiểu thơ Nguyễn Anh Nông, chúng tôi nhận thấy nét đặc sắc nhất trong thơ Nguyễn Anh Nông đó là nhà thơ luôn tạo ra một thế giới nghệ thuật riêng vừa mộc mạc, bình dị lại vừa suy tư và sâu lắng. Nguyễn Anh Nông đã tạo ra những thi tứ, thi ảnh độc đáo và rất mới lạ.
2.4. Giọng điệu nghệ thuật trong thơ Nguyễn Anh Nông
2.4.1. Giọng điệu hoài niệm, da diết
Quê hương – hai tiếng thân thương mà khi cất lên người ta sẽ thấy dâng trào bao kỉ niệm, kí ức một thời. Xúc cảm với quê hương, con người và văn hóa nơi sinh ra đã tạo nên hoài niệm da diết về quê hương và con người trong thơ Nguyễn Anh Nông. Nhớ lại những ngày tháng xa quê, nhà thơ luôn gửi chọn nỗi nhớ da diết về một vùng quê còn nghèo khổ:
Dẫu yến tiệc quê người
Vẫn không sao ngon miệng
Ngửa mặt lên nhìn trời
Ngẩn ngơ chòm mây liệng…
(Với quê)
Là một người con của xứ Thanh, sinh ra từ vùng đất gió Lào cát biển, mảnh đất nơi đây đã trở thành máu thịt của nhà thơ. Phải rời xa nó về chốn thị thành, trong lòng nhà thơ đau đáu một nỗi niềm với quê hương, xứ sở. Nhà thơ cảm nhận được: Bao phen, một chốc sững sờ/ Biệt xa rừng núi, thẫn thờ phố đêm (Bạn văn). Rồi sau bao ngày tháng rời xa quê hương, với nỗi nhớ quê hương khôn nguôi đã thôi thúc nhà thơ Về chốn cũ. Đó là về với vùng đất thanh bình với những cảnh vật rất đỗi bình dị:
Lao xao hàng dừa, kẽo kẹt bờ tre
Xanh mởn cúc tần tơ hồng quấn quýt
Ao nhà hoa lục bình tím biếc…
Về với quê hương cũng như được sống lại với những kí ức tuổi thơ với những trò chơi, được nghe kể những câu chuyện cổ tích, những lời ru ngọt ngào của bà…, không còn những bon chen của cuộc sống vội vàng, gấp gáp ngoài kia. Mỗi lần về lại quê hương tâm hồn nhà thơ được thanh thản, nhẹ nhàng hơn. Bài thơ với giọng điệu chậm, sâu lắng, khi đọc mỗi người chúng ta đều như thấy mình trong đó vì nhà thơ đã nói hộ người đọc những cảm xúc khó có thể diễn tả thành lời. Ở bài thơ Về quê tác giả cũng thể hiện cảm xúc tương tự và gây sự chú ý cho người đọc.
Thơ Nguyễn Anh Nông không chỉ có giọng điệu hoài niệm da diết về quê hương, nguồn cội mà sự da diết, sâu lắng còn thể hiện rất rõ trong các bài thơ viết về gia đình. Đó là những bài thơ với những kỉ niệm về người cha đã quá cố của nhà thơ. Trong tâm trí nhà thơ cuộc đời cha là: Một đời vui, buồn, sướng, khổ. Con đường cha đã đi là một con đường “không bằng phẳng” bởi có “bom gầm, đạm rú”. Bằng ý chí và nghị lực của mình cha đã vượt qua tất cả để vững bước trên con đường gian khổ đó. Trước khi ra đi về bên kia thế giới, cha đã để lại những lời răn dạy cho con cháu mai sau: Vượt: đau buồn/ Vượt: tỵ hiềm, đố kỵ/ Vượt: ngờ vực, nhỏ nhen, ích kỷ và quan trọng hơn là Vượt/ Qua/ Cái – bóng – của – mình. Chính vì vậy khi viết về cha, Nguyễn Anh Nông luôn dành những tình cảm kính trọng, cảm phục đối với người cha đáng kính. Dù cha không còn nữa nhưng trong sâu thẳm tấm lòng của con cháu cha vẫn luôn sống mãi :
Cuốc nhát cỏ cắm cây nhanh khói tỏ
Đặt vàng, hoa, tiền giấy cúng lên cha
Cứ tưởng tượng
Người đang về hớn hở.
(Ngày đầu xuân, tảo mộ)
Nguyễn Anh Nông là một nhà thơ quân đội nên những hoài niệm về đồng đội một thời sát cánh bên nhau được thể hiện rất sâu sắc trong nhiều bài thơ. Đó là Những tháng năm ở rừng sống những ngày tháng gian khổ, thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần: Những tháng năm ở rừng/ Ăn trong nắng, ngủ trong sương. Phải chứng kiến đồng đội chịu đựng cơn sốt rét rừng quái ác đe dọa tính mạng: Sốt rét tái màu da/ Đồng đội mấy người gục ngã/ Hồn thiêng giử lại lá cây rừng. Nhà thơ cảm phục trước sự dũng cảm, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau của những người lính:
Bạn thoi thóp đôi mắt đờ đẫn quá
Viên thuốc nhường những đứa ốm sau thôi
Rồi bạn khoẻ, nhưng màu da mai mái
Đôi môi chì thưa tóc với vàng răng.
(Khúc tưởng niệm bên dòng suối)
Chiến tranh khốc liệt đã cướp đi mạng sống của bao người, Nguyễn Anh Nông là một trong những người may mắn nên nhà thơ cảm nhận rõ về nỗi đau khi chứng kiến những đồng đội của mình ngã xuống. Đó là sự là sự hy sinh thầm lặng của những con người kiên trung, bất khuất. Có thể không ai biết tên tuổi, quê quán nhưng họ vẫn sống mãi với non sông, đất nước. Còn đối với nhà thơ, những đồng đội đó luôn là:
Bạn tôi như mạch suối nhỏ trong lành
Cứ rì rầm, ngọt mát, long lanh.
(Khúc tưởng niệm bên dòng suối)
Nguồn mạch cảm xúc dạt dào, bất tận về đồng đội và những người thân đã tạo nên giọng điệu hoài niệm da diết về quê hương và gia đình trong thơ Nguyễn Anh Nông. Trước hết là tiếng nói tri âm, tri kỷ của cõi lòng, là tình cảm da diết, chân thành của nhà thơ với quê hương, với con người, và do đó thơ Nguyễn Anh Nông đã đến được với những tấm lòng đồng điệu.
2.4.2. Giọng điệu chiêm nghiệm, triết lí
Đọc thơ Nguyễn Anh Nông, người yêu thơ cảm nhận được một phong cách thơ mang tính triết luận với tư duy thơ thâm trầm, sâu sắc về số phận con người và cuộc đời. Nguyễn Anh Nông không chỉ là một nhà thơ mà còn là một nhà báo, một người lính, không chỉ am hiểu sâu sắc thơ văn mà vốn kiến thức và kinh nghiệm sống của tác giả cũng rất phong phú. Chính sự từng trải cuộc đời và những kinh nghiệm là những chất liệu trong những sáng tác đậm tính triết luận của nhà thơ. Đó là những chiêm nghiệm về lẽ sống trong cuộc đời. Nhà thơ luôn đề cao niềm tin trong cuộc sống, có niềm tin sẽ vượt qua mọi trở ngại:
Tôi bơi qua bể khổ
May mà không chết chìm
Đời vướng nhiều tục lụy
May mà còn niềm tin.
(May)
Cuộc sống luôn công bằng, không ai được tất cả cũng không ai mất hết: Giữa NIỀM VUI – NỖI BUỒN/ Là những gì được mất (Sám hối).
Nguyễn Anh Nông đã từng viết về những kẻ đào ngũ đớn hèn vì thối chí, nhà thơ nói về phẩm chất của người lính qua bài thơ Cây người để tỏ rõ ý chí của những chiến sĩ dũng cảm không thích “khom lưng”, không cúi đầu khuất phục trước “Những đạn bom của lũ cường quyền”. Đó cũng chính là dành lại sự tự do cho bản thân, gia đình và đất nước.
Giọng điệu chiêm nghiệm, triết lí còn được Nguyễn Anh Nông thể hiện khi viết về thiên chức của người nghệ sĩ. Thơ ca nói riêng và sáng tạo nghệ thuật nói chung đã trở thành những nỗi niềm trăn trở đầy cảm xúc của các nhà thơ. Nguyễn Anh Nông quan niệm con đường sáng tạo của các nhà thơ là một đường thẳng kéo dài vô tận, không bao giờ đến đích. Để có những sáng tác để lại ấn tượng thì người nghệ sĩ phải thật sự có “lửa” trong thơ:
Nếu mình không dám đi xa
Câu thơ suông- chẳng thiết tha mặn nồng
Đã không có lửa trong lòng
Đừng mơ hái một cành hồng tặng ai.
(Lửa và hoa)
“Lửa” ở đây là lòng nhiệt huyết, tâm hồn, tình cảm của nhà thơ gửi gắm vào từng dòng thơ, bài thơ. Bằng vốn hiểu biết của mình qua việc đi nhiều, quan sát nhiều rồi viết lên bằng sự thôi thúc, giục giã từ trái tim mình. Từ đó tác phẩm sẽ truyền “lửa” và đọng lại trong lòng người đọc.
Mỗi nhà thơ phải có một cách viết riêng, một phong cách riêng để góp vào vườn thơ chung, không thể có sự giống nhau, rập khuôn, sáo rỗng. Khi có sự lặp lại trong văn chương thì người nghệ sĩ như bị chính tác phẩm của mình giết chết, sự sống được phản ánh trong tác phẩm cũng trở lên nhàm chán, vô vị. Điều đó được thể hiện qua một tuyên ngôn kín đáo mà quyết liệt của Nguyễn Anh Nông:
Nếu trăm cây nở một màu hoa
Trăm thứ trái độc hương vị ngọt
Trăm loài chim giống nhau giọng hót
Đời ơi ! Buồn tẻ biết bao nhiêu.
(Nếu)
Chính vì vậy mà Nguyễn Anh Nông luôn chọn cho mình một cách viết riêng. Nguyễn Anh Nông làm thơ từ chính những gì nhà thơ cảm nhận được trong cuộc sống. Thơ Nguyễn Anh Nông phản ánh đầy đủ và chân thực cá tính cũng như nhân cách của ông, một người thâm trầm, độ lượng nhưng luôn róng riết văn chương chữ nghĩa. Nguyễn Anh Nông dung hòa rất khéo giữa cái cao đàm khoát luận với cái bình dị, nhỏ nhoi đời thường. Ở đề tài nào anh cũng kín đáo gửi gắm những thông điệp đáng suy ngẫm [4, tr.10].
2.4.3. Giọng thơ suồng sã, tự nhiên
Khi tiếp xúc và hiểu được con người nhà thơ Nguyễn Anh Nông, điều chúng ta cảm nhận được là sự cởi mở, vui tính, dễ mến, dễ quen của nhà thơ xứ Thanh này. Trong thơ mình Nguyễn Anh Nông cũng thể hiện điều đó qua giọng thơ suồng sã, tự nhiên nhất là khi viết về bạn bè, những người thân quen.
Bạn rót rượu đầy cốc
Bắt tôi “trăm phần trăm”
Uống đi chớ làm khách
Đừng trách tao thằng hâm…
Đây là những câu thơ trong bài Với bạn. Đọc những vần thơ này ta thấy nó giản dị, tự nhiên như lời nói xã giao hàng ngày, lối xưng hô thì “mày”, “thằng”, “cậu”, “tớ”. Vì đó là câu chuyện của hai người bạn thân, lâu ngày mới gặp lại nhau. Chính điều đó tạo ra sự thân mật, gần gũi nhưng vẫn rất tôn trọng nhau.
Với những bạn thơ, khi đánh giá hay nhận xét thơ của nhau cũng rất thẳng thắn và thành thật, góp ý cho mỗi người để có những bài thơ hay hơn:
Thơ bạn gửi cho tôi bài ngắn bài dài
Câu hay câu dở tôi đều góp ý
Bạn cũng thành thật chịu khó tiếp thu
Bạn cũng nhận xét thơ mình và thơ người khác.
(Lâu ngày nhận tin bạn)
Giọng thơ suồng sã, tự nhiên được Nguyễn Anh Nông sử dụng nhiều khi viết về những người thân trong gia đình. Hai người con trai tinh nghịch, hiếu động được tác giả viết:
Con ta – hai thằng quỷ sứ
Chọc nhau chí chóe suốt ngày
Học hành được chăng hay chớ
Chơi bời bát ngát cung mây.
(Nhà ta)
Hay bài thơ nhà thơ viết Mừng cháu vào nhà mới:
Chú, nghiêng mình, kính nể
Trước cái nóc cao hơn cái nóc
Cái tư duy khác ý nghĩ thông thường.
… Gió mưa thôi bớt sụt sùi
Trong lòng người vợ trẻ
Lời ong tiếng ve bay biến đi đâu?
Những câu thơ giản dị, không chút gọt giũa nhưng đọc lên ta vẫn thấy được cái hay và ý nghĩa. Đó là sự gần gũi, gắn bó của nhà thơ đối với đối tượng được nói đến trong bài thơ.
Thơ Nguyễn Anh Nông là thế, không điệu đà, không cầu kỳ, không vặn xoắn hình thức nhưng vẫn toát lên cái đắm say làm say đắm lòng người đọc đến lạ kỳ. Bởi thơ ấy được chưng cất từ những giọt hồn của một trái tim nhạy cảm, luôn tràn đầy tình yêu thương. Giọng thơ vừa trầm lắng, sâu xa nhưng cũng có cái tự nhiên, suồng sã đầy chất lính.(CÒN NỮA)
H.T.L
(TRÍCH KHOÁ LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC CỦA HÀ THỊ LIÊN-ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÁI NGUYÊN-ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN