(Đọc Bảy ngày mở hội, tập truyện ngắn của Nam Ninh, Nxb Hội Nhà văn, 2013)
Chiêm nghiệm là nhan đề một truyện trong tập truyện ngắn thứ năm Bảy ngày mở hội của Nam Ninh. Lối kể chuyện của tác giả là men theo một “quá khứ ngoảnh lại”. Quá khứ nhưng là như mới ngày hôm qua, của cái “thời xa vắng” chưa xa, như tên một tiểu thuyết nổi tiếng của Lê Lựu. Cái tâm thế cảm hoài lan tỏa trong suốt truyện như là chất gây men dẫn dắt các biến cố lớn, nhỏ của một đời người, rộng ra là của cả một thế hệ. Nương theo mạch này là những truyện Bức ảnh xưa, Chuyện đồn thổi, Nắng bên kia dốc, Trò chơi mới, Chuyện không viết trong báo cáo, Kẻ bố thí, Kẻ trộm bò, Than rơi,…Phải thừa nhận rằng dù thuộc thế hệ U70 nhưng Nam Ninh vẫn có dư thừa cái phong độ để cập thời đời sống đương đại trong dòng chảy quanh co, phức tạp của nó. Chỉ có hai trên tổng số mười bốn truyện trong tập tác giả quay về lịch sử (Bảy ngày mở hội, Đất Tụ Long). Như thế mới thấy cái háo hức của một ngòi bút luôn luôn muốn khai mở cái đương đại, cái chưa hoàn thành như một đối tượng của tiểu thuyết nói chung, truyện ngắn nói riêng. Nhưng ở đây tôi muốn nói đến cách tiếp cận đời sống của một cây bút có “thâm niên” và có thành tựu văn chương. Nếu các nhà văn trẻ thường xông thẳng vào mắt bão, vào trung tâm các xung đột gây cấn, viết như một sự đáp trả tức thì các biến cố, thì Nam Ninh chọn lối đi “đường vòng” (tên một tiểu thuyết của ông xuất bản gần đây). Viết truyện, tôi hình dung, Nam Ninh như người đi rừng có kinh nghiệm: muốn chặt một cây vừa mắt mình, nhưng khổ nỗi những cây ấy lại không chường ra mà thường bị bao bọc bời bao nhiêu là cây khác, đôi khi rậm rạp, rối ren, khó mà thò dao vào. Vậy thì phải phát, phải đốn những giằng dịt xung quanh để đi vào cái cây ta cần hạ, Mắt trẻ thơ là một ví dụ. Nhà văn chú tâm khai thác thể hiện về những phía “đời người thường có chuyện không ngờ”. Đúng là dưới chân cột đèn không phải là nơi sáng nhất, không phải mọi chuyện đều rõ ràng dưới ánh mặt trời. Một lần nhà văn Duy đến một trại giam, ở đây anh đã chứng kiến một cảnh rất phi lí, không giải thích được, và bỗng nhiên anh cảm thấy bất lực “Nhà văn bực mình quăng bút rồi ôm đầu đứng dậy”. Mọi chuyện được Nam Ninh kể cứ dang dở như vậy. Nhưng có lẽ chính vì thế mà độc giả lại muốn biết thêm sau khi câu chuyện kết thúc và sẽ tự hỏi “Nó là cái gì vậy”. Chuyện không viết trong báo cáo rất đặc trưng cho lối viết của Nam Ninh trong truyện ngắn (mà hình như ở thể loại này nhà văn mới có dịp thi thố, mới có dịp bộc lộ sở trường, sở đoản của ngòi bút).
Mạch truyện về lịch sử được dồn tụ trong hai truyện đứng ngay đầu tập: Bảy ngày mở hội và Đất Tụ Long (Giải khuyến khích cuộc thi truyện ngắn 2011-2012 của tuần báo Văn nghệ). Bảy ngày mở hội kể chuyện đời vua Trần Thái Tông nhân dịp gả công chúa Thiên Thành cho Trung Thành Vương, chàng phò mã tương lai, mà mở hội bảy ngày thết đãi nhiều người thân trong hoàng tộc. Bao nhiêu là chuyện vừa trọng đại lại vừa trớ trêu trong bảy ngày ấy, đến mức “Sử quan cứ để cho đời sau ngẫm ngợi”. Trích đoạn Sử cũ cho ta biết vùng đất Tụ Long quý giá biết nhường nào nhưng lại không phải lúc nào cũng thuộc về cương vực của nước Nam. Cái kết của truyện Đất Tụ Long như một lời nhắc nhủ găm vào ký ức các thế hệ sau “Nhưng con cháu họ biết hổ thẹn với tiền nhân cũng là phải đạo”. Vì thế mà người kể chuyện “ngửa mặt lên trời mà đựng dòng nước mắt”. Đọc xong truyện này không ít người phải tự “sờ gáy” mình xem đã xứng đáng với tiền nhân hay chưa, đã biết hổ thẹn với tiền nhân hay chưa?!
Sự sắp xếp hai truyện về lịch sử ở đầu tập sách không phải là ngẫu nhiên. Có thể ý đồ của tác giả là “ôn cố tri tân”. Hai truyện về lịch sử trên mười bốn truyện của tập là một tỉ lệ nhỏ nhưng có sức lan tỏa lớn. Chúng như những đốm lửa phát sáng để độc giả biết tìm đường đi vào cái hiện tại. Viết về lịch sử cũng là viết về con người, cũng là một cách chiêm nghiệm cuộc đời.
*
Về kỹ thuật truyện ngắn, có thể nói Nam Ninh là người theo truyền thống (không đập vỡ cốt truyện, không dòng ý thức, không viết liền tù tì không chấm phẩy…như cách viết của một số cây bút thời thượng bây giờ). Ông có lối kể chuyện nhẩn nha, chậm rãi , nhiều khi hơi vòng vo tam quốc. Đây là lối kể chuyện của người già ở nhà quê như ta thường thấy. Truyện ngắn Nam Ninh giống như những liên khúc trong âm nhạc, cách viết này có khả năng liên thông các ý tưởng, vừa mở rộng diện phản ánh, vừa đào sâu các mạch ngầm đời sống. Chuyện không viết trong báo cáo là một ví dụ sinh động. Truyện gồm sáu phần nhỏ cố kết với nhau bằng một sợi dây có vẻ lỏng lẻo: Ra khơi, Chạm trán, Hải âu, Kẻ bỏ trốn, Truy lùng, Bản báo cáo. Cái mà chúng tôi gọi là “sợi sây có vẻ lỏng lẻo” chính là sự “nhạy cảm có giá trị xã hội chứ không thuần túy ở cơ thể con người”. Nói rộng ra thì những vấn đề nhạy cảm chính là cái hạt nhân truyện ngắn Nam Ninh (Chiêm nghiệm là một truyện khúc xạ rõ nhất đặc trưng này). Chính vì hướng tới những vấn đề nhạy cảm nên tác giả chú ý đến những góc khuất cuộc đời và những vẻ đẹp khuất lấp của con người cùng thời (trừ hai truyện viết về lịch sử như đã nói ở trên).
Truyện ngắn Nam Ninh rất nhiều yếu tố tự thuật (rõ nhất trong Chiêm nghiệm, Mắt trẻ thơ, Chuyện đồn thổi, Nắng bên kia dốc, Than rơi, Chuyện không có trong báo cáo). Có người đọc Nam Ninh nhận xét rằng vì nhà văn ít giao lưu, ít va đập với xã hội nên chỉ quanh quẩn với cái “tôi” và những chuyện vụn vặt của mình. Tôi không nghĩ thế. Bảy ngày mở hội và Đất Tụ Long chứng tỏ biên độ văn chương của Nam Ninh rất rộng.
Qua tập truyện Bảy ngày mở hội chúng ta thấy rõ một quan niệm về truyện ngắn của tác giả: không đơn thuần chỉ là những lát cắt đời sống, những khoảnh khắc độc sáng mà là những cuộc đời trong những chu trình nhân - quả khác nhau. Dẫu kiếp người có khác nhau nhưng có thể những kết thúc đều giống nhau: cởi bỏ mặc cảm, thậm chí hận thù, để cùng nhau “hòa mạng” vào đời “Tôi bật cười, anh chàng tóc hung cũng cười, Lý cười khi đã áp bàn tay che nửa miệng. Có lẽ mọi người đều hiểu chúng tôi đang vui vẻ tán đồng về vẻ đẹp Ha Long” (Trò chơi mới); “Tôi đặt bút viết: “Em thân yêu, chúng ta đâu phải là “đối phương” mà đến nỗi không ngồi lại với nhau được nữa” (Chuyện không viết trong báo cáo). Đọc những cái kết truyện ngắn như thế mới thấy tinh thần giải thoát và khoan dung trong văn Nam Ninh rất rõ nét và sâu sắc.
Truyện ngắn Nam Ninh phù hợp với lớp độc giả “sống chậm”, nghĩa là những người trải nghiệm, lịch lãm và có xu hướng chiêm nghiệm đời sống. Nhịp điệu (rythme) văn xuôi Nam Ninh có vẻ đôi khi như cố ý dềnh dàng, chậm rãi: “Bĩnh là tên chính thức của Đoàn Công Bính bây giờ. Hồi xưa, nhà bố con Bĩnh là túp lều xiêu vẹo, dựng nhờ ở vườn nhà Hoàng, trời nắng thì nhà cũng là vườn, trời mưa thì có thêm mấy tàu lá chuối khô, nên thằng Bĩnh lúc nào cũng bê bết bùn đất” (Bức ảnh xưa). Nhịp ấy hợp với cái tạng nhà văn, hợp với sự tái hiện đời sống ở phần lắng kết của nó. Đọc văn Nam Ninh vì thế không thể vội, đôi khi phải có cái tâm thế “nhấm nháp” một tí. Tôi cứ hình dung vui vui, đọc truyện ngắn của ông từa tựa như người trong quê tôi hồi đói ăn khoai gieo vậy./.