Đọc truyện Phạm Nhan, suy nghĩ về tình hình biển đảo hiện nay
Vương Thủy
Chủ nhật ngày 22 tháng 6 năm 2014 5:49 PM
Truyện kí PHẠM NHAN là một trong 50 thiên truyện và kí của Trần Trợ, in trong tập kí sự nổi tiếng từ thời Lê là TỤC BIÊN CÔNG DƯ TIỆP KÍ - Ghi nhanh tiếp theo tập Công dư tiệp kí của Vũ Phương Đề, người làng Mộ Trạch huyện Đường An, nay là huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
Trần Trợ, tên khai sinh là Trần Quý, lịch sử văn học Việt Nam ghi tên ông là Trần Quí Nha. Người đưa tên Trần Trợ thay cho Trần Quý Nha là PGS - TS Nguyễn Đăng Na, một chuyên gia hàng đầu về văn học Trung đại Việt Nam, khi ông cùng Nguyễn Thanh Chung dịch lại, có phân tích đối chiếu văn bản, tính khoa học cao hơn các bản dịch cũ, và cho xuất bản tại Nhà xuất bản Văn học, năm 2008.
Trần Trợ người làng Điền Trì, nay là làng Trực Trì, xã Quốc Tuấn huyện Nam Sách (Hải Dương). Ông sinh tháng 10 năm Ất Sửu (1745), không rõ mất năm nào. Ở thời Lê, ông làm quan đến chức Viên ngoại lang bộ Lại, Trợ giáo Thái tử, như ta hiểu bây giờ là tương đương Vụ trưởng bộ Tổ chức cán bộ, Phụ giảng con vua học, để nối nghiệp cha. Chữ “Trợ” từ đó mà ra và con cháu dòng họ Trần Điền Trì vì thế đều gọi ông là cụ Trợ, thay cho tên. Đây là tục kị húy của dòng họ. Cha ông là Hầu tước Trần Tiến, Phó đô Ngự sử, Triều liệt đại phu, truy phong Lễ bộ thượng thư, trong họ chỉ gọi là cụ Phó. Ông của ông là Công tước ( Quận Công) Trần Cảnh, Tham tụng ( tể tướng) - Lễ bộ thượng thư, Triều liệt đại phu, Thượng trụ quốc, trong họ chỉ gọi là cụ Quận. Cụ ông là Hầu tước Trần Thọ, Tham tụng, Hình bộ thượng thư, do xử sai một vụ án mà hạ chức làm Tả thị lang ( thứ trưởng thứ nhất) bộ Hộ, Triều liệt đại phu, Trụ quốc, trong họ chỉ gọi là cụ Tả Lễ. Tôi ghi những điều này để bạn đọc hiểu được gia thế của ông và dễ đồng cảm khi gặp trong sách xưa những chức danh như thế.
Tục biên Công dư tiệp kí là tác phẩm duy nhất còn lại của Trần Trợ, viết sau Công dư tiệp kí của Vũ Phương Đề (1755). Không rõ Trần Trợ khởi thảo từ năm nào, nhưng hoàn thành Tục biên và được truyền bá khá rộng rãi trước năm 1786, vì năm 1786, Tục biên Công dư tiệp kí , theo PGS- TS Nguyễn Đăng Na, đã được nhiều danh sĩ đương thời nói đến.
Tên truyện Phạm Nhan là tên nhân vật. Dân gian ai cũng thuộc tên hắn, cũng biết tên quê hắn, có lẽ là từ truyện kí của Trần Trợ. Quê hắn là làng An Bài, nay là xã Hưng Đạo huyện Đông Triều tỉnh Quảng Ninh ( trước năm 1962, thuộc tỉnh Hải Dương). Hắn rất nổi tiếng là tàn ác, lại càng nổi tiếng hơn khi được chính Hưng Đạo vương chém đầu. Được Hưng Đạo vương chém đầu, cũng là một vinh dự lớn cho cuộc đời phản bội của hắn.
Trong truyện kí Phạm Nhan, Trần Trợ cho biết tên hắn là Bá Linh, họ Nguyễn. Phạm Nhan là tên chữ khi hắn đi thi và ra làm quan. Sau này, anh hùng dân tộc Nguyễn Thiện Thuật, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, khi đến thăm đền Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn tại Kiếp Bạc, Hải Dương, đã làm thơ động viên nhân dân đánh giặc Pháp. Cụ Tán Thuật viết về giặc Pháp: “Độc ác còn hơn cả Bá Linh”, tức là hơn tên này.
Cha Nguyễn Bá Linh là người Quảng Đông, Trung Quốc, sang buôn bán ở chợ Đông Hồ (chợ Cột - Đông Triều sau này) đã lấy vợ ở làng An Bài rồi sinh ra hắn tại đây. Lớn lên hắn về quê cha học thêm rồi đi thi, đỗ tiến sĩ. Vốn có tài làm thuốc, hắn được tuyển vào cung, rồi thông dâm với một cung nữ được vua Nguyên sủng ái, bị khép án chém đầu. Đúng lúc đó, vua Nguyên khởi binh đánh Đại Việt lần thứ 3, năm 1287, hắn xin cho lấy công chuộc tội, vì hắn rất thông thuộc “sào huyệt” của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn ở Vạn Kiếp ( Kiếp Bạc, Chí Linh, Hải Dương). Vua Nguyên ưng, phong hắn làm tướng tiên phong, cùng Nguyên soái - Bình chương sự Ô Mã Nhi, theo Tiết chế Trấn Nam vương Thoát Hoan, con vua Nguyên, dẫn quân theo đường Lạng Sơn đánh thẳng vào Vạn Kiếp. Đây là đạo quân mạnh nhất của giặc. Anh của Hưng Đạo vương là Trần Tung và các con là Trần Quốc Nghiễn, Trần Quốc Hiện, Trần Quốc Tảng, Trần Quốc Uất, theo sự Tiết chế của Trần Quốc Tuấn đánh giặc ở phòng tuyến này, nay là vùng đất Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang và Lạng Sơn. Còn con rể nuôi là Phạm Ngũ Lão đóng quân đón đánh giặc Nguyên ở phía Nam ải Chi Lăng.
Trong trận đối đầu với giặc Nguyên trong đó Phạm Nhan làm tướng tiên phong ở ải Phú Lương, ngày 14/3 năm Đinh Hợi (1287), Hưng Đạo vương phải lui quân vì thế địch rất mạnh. Phạm Nhan thừa thắng, kéo quân từ Vạn Kiếp về Đông Triều, dọc đường đã tàn sát nhân dân ta vô cùng dã man. Thêm một căn cứ để bác bỏ ý kiến cho rằng vua Trần Nhân Tông đã đóng quân ở làng Đức Sơn xã Yên Đức, cùng bản huyện, ở phía tả ngạn sông Đá Bạc, đầu nguồn sông Bạch Đằng, vì đây là vùng đất kiểm soát của Phạm Nhan. Đại Việt sử kí toàn thư ghi rõ: vua Trần đánh trận Bạch Đằng đã kéo quân Thánh Dực từ phía Thái Bình về, qua Kiến An, rồi vào trận tại Thủy Nguyên, bên hữu ngạn sông, nay là khu vực dãy núi đá Phi Liệt, Hải Phòng.
Đến khi vào trận Bạch Đằng, chiều ngày 8/3 năm Mậu Tí, tức ngày 9/4/1288, Phạm Nhan bị bắt sống. Trước khi chết, hắn xin được đưa về làng An Bài, nơi đã sinh ra hắn và xin được Hưng Đạo vương chém đầu hắn tại đây. Có lẽ vì thế chăng, mà xã An Bài, sát cạnh quốc lộ 18, trên đường Đông Triều đi Hạ Long, sau này mang tên Hưng Đạo (vương). Quân sĩ chém đầu này, hắn lại mọc đầu khác, cho đến khi Hưng Đạo vương chém mới đứt hẳn. Vương cho vứt xác hắn xuống sông, vì không có tấc đất nào có thể chôn hắn được. Sau đó, từng mảnh xác thân hắn rữa ra biến thành những con đỉa, chuyên đi hút máu người. Đặc biệt thứ máu hắn ưa thích nhất là máu đàn bà đẻ.
Trong “tình hình biển đảo đang diễn biến phức tạp” như hiện nay, đọc lại truyện Phạm Nhan và lặng lẽ suy ngẫm, mới thấy chuyện kể đó của Trần Trợ, với phong cách biểu đạt giản dị, như chuyện kể dân gian, nhưng hàm chứa những bài học có ý nghĩa thời sự và thời thế vô cùng sâu sắc.
./.