Tháng 5 năm 1971, Chủ tịch Hội Văn Nghệ tỉnh, ông Ngô Lâm, giao cho tôi biên soạn để xuất bản một tập sách tổng hợp, 48 trang, khổ tạp chí 19 x 27, chuyên về văn học viết cho thiếu nhi, ra mắt vào dịp trung thu. Ông chuyển cho tôi nhiều tập bản thảo và các bì thư đề “bài gửi đăng báo không dán tem ”. Tôi soạn xong trong vài ngày, trong đó tôi rất chú ý truyện ngắn CON CÁ MĂNG, kí tên tác giả là GIẢM BIÊN, địa chỉ công nhân Nhà máy điện Uông Bí. Bản thảo truyện ngắn viết trên 4 trang giấy khổ rộng, chữ nhỏ, nét chữ rất chân phương, không có chữ nào dập xóa, Vốn là một ông giáo, tôi rất có cảm tình với nét chữ - tính người của tác giả Giảm Biên. Tôi thưa với ông Ngô Lâm rằng, tác giả Giảm Biên có truyện rất khá và tác giả này nên xếp vào loại có triển vọng để bồi dưỡng lâu dài. Ông bảo đưa truyện cho ông đọc. Sáng sau ông gọi tôi vào phòng làm việc ở gian cuối cùng phía Nam dãy nhà trên đồi cao Bãi Cháy, vốn là nhà cũ tỉnh giành cho chuyên gia lâm nghiệp Đông Đức ở, sau cho Hội làm trụ sở. Ông đưa cho tôi cái giấy giới thiệu bảo tôi đi xác minh tác giả này là người như thế nào. Ông bảo tôi tìm hiểu xem vì sao lại có bút danh là Giảm Biên.
Lúc bấy giờ, anh em sáng tác ở Uông Bí đối với tôi đã rất là thân yêu và quen thuộc. Tôi rời ngành giáo dục về Ban vận động thành lập Hội Văn nghệ Quảng Ninh từ 1 / 6 / 1969, lúc đó mới chỉ có 3 người là ông Ngô Lâm, Phó Ty Văn hóa, anh Tạ Kim Hùng các bộ biên tập, cả hai người từ Ty Văn hóa được tỉnh điều sang, và tôi. Thuở ấy, khi qua lại Uông Bí, từ năm 1966 đến 1969, tôi thường ở nhà anh Tạ Hữu Đỉnh, sau năm 1970, tôi thường ở nhà anh Phạm Doanh và chỉ ở hai nơi đó thôi. Sau đó, Phạm Doanh đưa tôi đến thăm nhà anh em hoặc anh em đến với tôi, có khi nói chuyện văn chương và đọc thơ cho nhau nghe đến sáng. Tháng 9 năm 1970, tôi đã được Chủ tịch Hội Ngô Lâm giao cho tái lập Chi hội Văn nghệ đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh tại đây, trên cơ sở tổ chức “chi hội” cũ do tôi đề xuất và Bí thư Thị ủy Uông Bí, Nguyễn Sĩ Trung ( người cùng quê với tôi) cho thành lập từ năm 1967, trong đó tôi từ mỏ Mạo Khê đến cùng tham gia với anh em, mà chi hội trưởng là Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy để chỉ đạo tư tưởng, chi hội phó là Trưởng ban văn hóa thị, nói theo cách nói bây giờ là để quản lí nhà nước và Thủy Nguyên, đảng viên, được anh Trung tin cậy- một người làm thơ rất hay ( sau này người thay Thủy Nguyên ở cương vị này là Yên Đức) lúc ấy, Thủy Nguyên là cán bộ công đoàn ở Công ti Xây dựng 18 – đơn vị xây dựng nhà máy điện Uông Bí mà Phạm Doanh là nhân viên văn phòng đánh máy rất tài hoa của Công ti này. Việc thành lập một tổ chức sáng tác ở cơ sở với mô hình nhân sự “hơi lạ” như thế, hiện vẫn còn tồn tại ở Quảng Ninh đến ngày hôm nay, và thấy nó có hiệu quả thực sự, còn lúc ban đầu, ý tưởng đó chỉ để tránh sự nghi ngờ của các đồng chí an ninh, về sự “tụ tập”, cứ rì rầm trò chuyện, thỉnh thoảng lại cười phá lên, mà ông Trung có nói cho tôi biết, là theo báo cáo của an ninh, đêm đêm các đồng chí ấy ngồi nghe ở sau nhà anh Tạ Hữu Đỉnh đến mức kiến vàng “đốt xưng cả đít” mà không hiểu bên trong các đối tượng bàn bạc với nhau bí mật những cái gì – mà tôi đã nói trong Đối thoại văn chương ( Nhà xuất bản Tri Thức, 2012). Phạm Doanh bảo tôi Giảm Biên chính tên là Lê Ninh. Sáng sau, Phạm Doanh đưa tôi đến cửa phòng Bí thư đảng ủy Nhà máy điện Uông Bí sơ tán ở Khe Tre, rồi anh về. Tôi lần lượt làm việc với Đảng ủy, Giám đốc và Công đoàn, ba văn phòng này đều ở gần nhau, về 3 nội dung mà chủ tịch Hội giao cho, về gia đình, bản thân, song tôi quan tâm nhất là điều thứ 3: Nếu Hội bồi dưỡng để anh Ninh thành người viết văn viết báo thì rất mong được lãnh đạo nhà máy đồng tình. Tôi thấy lãnh đạo nhà máy ít có cảm tình với anh và điều đó cho tôi ý niệm rằng, đó là người có tài. Kinh nghiệm xương máu dạy tôi rằng, trước nay, người có tài đều bị cơ sở ít nhiều thành kiến, cho là tự kiêu, không vững lập trường, hay nói ngang và thân nhân trong gia đình, thế nào “cũng có một tí” gì đấy. Tôi nói với lãnh đạo nhà máy là về gia đình nọ kia thì trong việc viết báo viết văn, chỉ tham khảo thôi, chứ không quan trọng lắm. Buổi chiều tôi chỉ xin gặp lãnh đạo Công đoàn để lấy giấy xác nhận kết quả làm việc, vì tôi thấy nhận xét về anh của Công đoàn nhà máy là có thiện chí hơn cả. Tôi báo cáo với lãnh đạo Công đoàn rằng, cho đến nay, cả nhà máy của các anh, chúng tôi mới chỉ tìm thấy một người có triển vọng để bồi dưỡng viết văn và muốn anh được cắm sâu tại chỗ trong nhà máy để đào tạo lâu dàì, để anh viết văn viết báo ca ngợi nhà máy lâu dài. Vì vậy, xin các anh ủng hộ chúng tôi cho anh Ninh đi dự lớp bồi dưỡng sắp tới và đề nghị các anh xét, không đưa anh Ninh vào diện giảm biên chế. Tối ấy, Lê Ninh đến nhà Phạm Doanh chơi với tôi. Anh hỏi tôi có vấn đề gì không? Ở đây chúng nó không ưa tôi đâu. Tôi bảo không có vấn đề gì, chỉ là để có thủ tục hành chính bồi dưỡng lâu dài đối với tác giả mà thôi. Tôi bảo dưới tên truyện ngắn sắp in, tôi ghi tên anh là Lê Ninh nhé, không nên lấy tên Giảm Biên, sẽ bị hiểu lầm. Ninh bảo họ tên tôi đầy đủ là Lê Nam Ninh, hay lấy tên là Nam Ninh được không? Tôi bảo rất được.
Truyện ngắn đầu tiên của Nam Ninh đã ra đời như thế trong tập sách TRĂNG THU, do Hội Văn nghệ Quảng Ninh xuất bản tháng 9 / 1971, minh họa do họa sĩ Trần Văn Thọ vẽ. Truyện kể về một cậu bé đi câu và lần đầu tiên câu được con cá măng từ ao làng mình. Chỉ đơn giản vậy thôi, nhưng văn phong rất trong trẻo, câu chữ có hồn vía, rất gợi cảm. Và tôi cho rằng dấu hiệu của tài năng là ở chỗ này.
Nam Ninh cùng với Trần Ngọc Tảo được Hội Văn nghệ tỉnh cử đi dự Hội nghị Những người Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 3. Thành công vượt trội của Nam Ninh là truyện ngắn, trong đó có 3 truyện ngắn hay hơn cả là Chuyện trong gia đình ( đã được giải thưởng báo Văn nghệ), Căn nhà ở phố và Máy in tiền, đều viết thời gian Nam Ninh còn ở Quảng Ninh. Truyện ngắn Căn nhà ở phố, tôi thích hơn, đã được dịch sang tiếng Nga, chính tôi đã thông báo tin vui này cho Nam Ninh khi tôi từ Liên Xô trở về.
2012
(Rút trong tập ghi chép BẠN BÈ MỘT THUỞ chưa xuất bản )