Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Một hồi niệm khó quên

Đồng Thị Chúc
Thứ ba ngày 20 tháng 5 năm 2014 9:04 PM

Tôi đã không có ý định ghi lại HỒI NIỆM này vì nghĩ nó cũng bình thường như tình cảm diễn ra giữa người với người , giữa sự thân tình hữu hảo cần có của dân tộc hai nước , tôi còn cho nó là quá vụn vặt nữa kia , nhưng khi thấy thái độ của chính phủ Trung Quốc đối với nước Việt Nam ta như bây giờ , thực sự tôi đã thất vọng và cảm thấy như nhân dân TQ đã bị xúc phạm , bị rẻ rúng - ít nhất là những người mà chúng tôi được tiếp xúc được đối xử nhiệt tình như cách đây bốn năm mươi năm , họ sẽ nghĩ thế nào nhỉ ?

  Vậy đã đưa ra rồi nên đành dẫn giải đôi chút , mong bà con lướt nhanh vậy . Chúng tôi những HS tốt nghệp cấp 3 phổ thông năm 1965 ( tất nhiên là HS giỏi , ngoan được nhà trường bình chọn ) , được nhà nước cho đi du học nước ngoài bởi khi đó đất nước chiến tranh , một số nước anh em nhận giúp đào tạo . Trước khi đi du học tất cả đã được tập trung tại trường Đại học Sư phạm Cầu giấy ( 8-1965 ) để học những điều cần thiết cho một sinh viên du học ở nước ngoài . Chiến tranh đang ở giai đoạn quyết liệt , trẻ trung như chúng tôi đã không tham gia trận mạc lại được đi du học ! thực sự đứa nào cũng nghĩ như mình TRỐN gian khổ ấy . Nghiêm chỉnh mà học tập nghị quyêt , tuân thủ các quy định nhà nước đưa ra . Buổi tối tập trung thảo luận tổ ở trên sân thượng nhà bốn tầng của trường rồi hát những bài ca ; Quảng Bình quê ta ơi , Bài cahy vọng , Bên Cầu Hiền Lương …da diết làm sao . Việc đi học ở nước nào là do Bộ đại học chỉ định , thực sự lúc đó tôi chỉ muốn đi học ở Trung Quốc  bởi nghĩ TQ gần ta nhất nên sẽ dễ hiểu và dễ sống , hơn nữa mấy năm học cấp 3 được học tiếng Trung nên dù sao thì cũng yên tâm về ngôn ngữ dễ nói này . Tuy vậy khi nghe đọc danh sách thì mình lại học ở Triều Tiên – đất nước lúc đó nghe tên đã thấy lạ hoắc .

  Rồi ngày xa Tổ Quốc và gia đình cũng đã đến . Do thời chiến nên bí mật đến phút chót mới cho giờ lên tầu , tôi thực sự lúng túng không biết báo cho người anh ( Bác sỹ của BV Việt Xô ) như thế nào ? Tôi liền ra Bưu điện Cầu giấy ĐÁNH điện báo cho anh nhưng chẳng hy vọng là buổi chiều anh sẽ có mặt ở ga Hàng Cỏ mà gặp . Mỗi đứa được phát một va ly nhỏ đựng đồ , một đôi giầy da không đúng cỡ , với đôi chân vốn quen chân đất nên quả là bị tra tấn . Sắp đến giờ phải lên tầu thì anh tôi đến và bất ngờ hơn anh cho biết bố từ Bắc Giang vừa xuống ga . Nhìn thấy bố áo nâu bạc mầu dáng gầy gò xách giỏ na đã mở mắt mà quả bé tý , tôi òa khóc thật to như chưa bao giờ khóc như thế . cứ nghĩ sau sáu bẩy năm nữa khi trở về liệu bố còn không ? Tôi ơn bố đã cho con gái út của ông học lấy cái chữ dù ông ít được học .Ông đã mở lớp học tại nhà , mời thầy dạy chữ chỉ với ý nghĩ : Để con Chúc được học ( Như một truyện ký của tôi đã kể ). Tầu chuyển bánh cả bọn thò cổ ngoài cửa sổ vẫy chào , tôi cũng vậy vẫn khóc to và nhìn mãi bóng bố và anh đang khuất dấn theo đường ray uốn lượn …

     Khi con tầu qua Hữu nghị Quan thì trời bắt đầu tối . Nhìn ánh hoàng hôn chỉ còn le lói đôi sợi sau những dẫy núi hùng vĩ của đất bạn , tôi thật sự ngỡ ngàng . Chà , đẹp thật ! Từ khi được sinh ra đến nay chưa ra khỏi lũy tre làng , nay được nhìn thấy cảnh quan này tôi thực sự choáng ngợp và hãnh diện nữa bởi mình đã tận mắt thấy cảnh hùng vĩ này của đất bạn . Cảnh thì lạ và đẹp thế nhưng con người thì lại rất gần gũi thân tình . Những anh chị em phục vụ trên tàu liên vận đều là người TQ ,họ đã coi chúng tôi như con em họ , lại thương chúng tôi từ đất nước đang có chiến tranh gian khổ nên họ nghĩ cần có trách nhiệm chăm lo . Những bữa ăn nhiều thịt , nhiều món lạ , khi chúng tôi ăn là họ ngồi bên xem ăn có ngon miệng không ? với vốn tiếng Trung ít ỏi nhưng cũng có thể trao đổi ngắn để hiểu , để cười và HÁT . chúng tôi cùng họ hát bài ca ngợi Mao Trạch Đông , bài Hoa Mộc niên – hát đi hát lại váng cả tầu . Đêm ngủ mỗi đứa một giường được họ hướng dẫn rất tỉ mỉ cách sử dụng chăn đệm vậy mà đêm đã yên giấc , họ vẫn đến xem xét từng giường và vén chăn cho từng đứa .

Tầu chạy được hơn một ngày và một đêm thì đến Vũ Hán . Tại đây có đoàn HS sẽ xuống để học ở thành phố này , cũng là ga tầu cần dừng lâu , Nhìn xuống sân ga tôi thấy rất nhiều HS đến đón HS Việt Nam , thế là tất cả ào xuống ga và một cuộc vui được tổ chức khá rôm rả . Các bạn HS Trung Quốc múa và hát rồi kéo luôn cả bọn hòa chung . Chẳng biết múa thì cứ nắm tay rồi theo chân họ mà chạy vòng . cứ như thế chúng tôi vui với họ được đến nửa tiếng , HS hai nước như là con một nhà vậy . Chia tay các bạn , con tầu lại đưa chúng tôi về hướng thủ đô Bắc kinh . cảnh qua cửa sổ con tầu , thật sự đã thu hút tôi , dù lúc đó còn non dại mà đã biết ao ước : sau chiến tranh đất nước mình nhất định sẽ được như thế này . Đến thủ đô Bắc kinh khi đó chưa nhiều nhà cao nhưng nhìn ra từ ga tầu đã thấy nơi đây thật nhộn nhịp và ồn ào với những loa phát ra những bài ca réo rắt nhạc tầu khá lọt tai . Chúng tôi phải chuyển sang xe lửa Triều Tiên để đến đất nước sẽ du học . Khỏi phải nói , phút chia tay với các nhân viên phục vụ trên tầu trong mấy ngày qua mà bọn tôi coi như anh chị mình , mới cảm động làm sao . Bọn tôi khóc như con nít , mà họ cũng khóc thật sự khi phải chia tay mà nghĩ là chẳng thể gặp lại . Còn gần một ngày nữa mới đến biên giới Trung Triều , tôi cố nhìn qua cửa sổ để ngắm cảnh quan chung quanh như muốn thâu hết những gì mình cảm mình yêu quý đất bạn này từ lúc bước sang biên giới đến đây . Con sông ÁP Lục ngăn danh giới Trung Triều đã hiện ra . Khi con tầu qua cầu ÁP LỤC GIANG , tôi cổ ngoái nhìn ra phía sau như để chào đất nước mà mấy ngày qua đã để lại cho tôi những ấn tượng khó quên , lòng lại nhủ lòng sẽ có ngày trở lại …

           Hà Nội đêm 13-5-2014   ĐTC